Tài liệu: Các nhân tố chi phối sự hình thành của loài người

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

CÁC NHÂN TỐ CHI PHỐI SỰ HÌNH THÀNH CỦA LOÀI NGƯỜI Có 2 cách nhìn vấn đề: A. Theo Darwin (1871), quá trình phát sinh loài người cũng được chi phối bởi
Các nhân tố chi phối sự hình thành của loài người

Nội dung

CÁC NHÂN TỐ CHI PHỐI SỰ HÌNH THÀNH CỦA LOÀI NGƯỜI

 

Có 2 cách nhìn vấn đề:

A. Theo Darwin (1871), quá trình phát sinh loài người cũng được chi phối bởi các nhân tố tiến hoá của các loài thực vật và động vật nói chung, qua đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên.

Sự chuyển từ lối sống leo trèo, hái lượm trên cây sang lối sống đi đứng trên đất bằng đã tạo điều kiện cho 4 chi phân hoá thành 2 chân (giữ nhiệm vụ chủ yếu là nâng đỡ cơ thể khi đứng, đi) và 2 tay (giữ nhiệm vụ chủ yếu là nắm bắt và cầm giữ mồi, công cụ). Tay giải phóng đôi hàm khỏi nhiệm vụ đớp, giữ và tha mồi (cũng như tha con). Sự phức tạp hoá và chính xác hoá lao động bằng tay làm não phát triển mạnh. Mặt khác, miệng không phải giữ và tha mồi nữa, thì mặt cũng ngắn lại và đỡ kéo đầu gục xuống. Cơ nâng mặt, vốn chạy từ gờ trên của hốc mắt đến các xương cổ và ''niềng chặt'' vòm sọ, ngăn cản sự phát triển của não trước đây, nay không cần thiết nữa nên thoái hoá dần, tạo điều kiện cho não phát triển dễ dàng hơn.

Đồng thời, do nhu cầu trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động trong đời sống và lao động tập thể để săn mồi, hái lượm trái cây nên hình thức liên lạc bằng tiếng nói đã củng cố và phát triển làm xuất hiện những vùng phụ trách ngôn ngữ trên não, khiến não càng phát triển hơn. Như vậy, tác động phối hợp của thể đứng thẳng, sự giải phóng đôi tay, dẫn tới lao động ngày càng phức tạp bằng tay cũng như lối sống và lao động tập thể tạo nhu cầu trao đổi bằng lời nói đã góp phần tăng cường phát triển bộ não người.

B - Theo cách nhìn khác, thì các nhân tố quyết định trước tiên là sự đột biến chất di truyền. Con người có bộ nhiễm sắc thể 2n = 46 trong khi loài tinh tinh, họ hàng gần gũi nhất của người, có bộ nhiễm sắc thể 2n = 48.

Khi so sánh hình thái các nhiễm sắc thể thì thấy có 13 đỗi nhiễm sắc thể rất giống nhau giữa người và tinh tinh.

Những đôi còn lại cũng rất giống nhau ở một số đoạn. Sự khác nhau giữa 2 con số 24 đôi và 23 đôi nhiễm sắc thể có lẽ là ở chỗ một cặp nhiễm sắc thể của người (cặp số 2) là sự kết hợp giữa 2 cặp nhiễm sắc thể tương đương ở tinh tinh.

Có xu hướng cho rằng chính các biến đổi đó trong bộ nhiễm sắc thể của vượn – người đã dẫn đến sự hình thành và tiến hoá của vượn – người cổ xưa thành người - vượn và cuối cùng thành người khôn ngoan ngày nay.

GS. LÊ QUANG LONG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/188-02-633390356468306250/Luoc-su-tien-hoa-loai-Nguoi/Cac-nhan-to-ch...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận