MỘT SỐ DẠNG VƯỢN – NGƯỜI VÀ NGƯỜI – VƯỢN
HÓA THẠCH TIÊU BIỂU
Dạng cổ nhất là Parapithecus, sống giữa thế kỷ Ba, khoảng 30 triệu năm về trước. Đó là một loại khỉ mũi hẹp, nhỏ bằng con mèo, mặt ngắn, sọ lớn, đã biết dùng chi trước để cầm nắm thức ăn, bóc vỏ quả hạt...
Từ Parapithecus, đã phát sinh ra vượn, đười ươi ngày nay, và nhóm Driopithecus, về sau sinh ra khỉ đột, tinh tinh ngày nay và vượn - người – Nam Australopithecus. Hoá thạch vượn - phương Nam đầu tiên được tìm thấy năm 1924 ở Nam Phi. Về sau, nhiều hóa thạch mới được tìm thấy rải rác cả ở Nam Phi và Đông Phi. Tất cả đều có những đặc điểm giống khỉ - vượn: hộp sọ nhỏ và dẹt, dung tích từ 500 đến 700cm3, mặt nhô tới phía trước và to lớn hơn hộp sọ, cằm lẹm…
Tuy nhiên, vượn - phương Nam đã có những đặc điểm rất giống người: thế đứng thẳng với cột sống hình chữ S; răng nanh bé; vòng cung răng hình parabol (chứ không cong thành hình chữ U như ở khỉ, vượn...).
B. Các dạng người - vượn
Một nhánh của vượn - phương Nam đã tiến hoá thành người – vượn Pithecanthropus khoảng 80 vạn năm về trước. Hoá thạch người - vượn đầu tiên do Đuyboa tìm thấy ở đảo Java (Indonesia, năm 1891), có nhiều đặc điểm tiến hoá gần với người hơn vượn phương Nam; thể tích hộp sọ lớn hơn (khoảng 900cm3); trán bớt bẹt; gờ lông mày còn lồi; hàm dưới bớt to tuy vẫn lẹm cằm. Chiều cao trung bình của người - vượn rất khó xác định. Các chi hóa thạch đầu tiên tìm được chỉ có một chiều cao đặc biệt là 1,70 cm, giống như của người khôn ngoan hiện đại.
Trong nhóm người - vượn, còn có “Người - vượn - Bắc Kinh” (Sinanthropus), tìm được ở Bắc Kinh năm 1921, gồm nhiều hoá thạch có thể tích hộp sọ xung quanh 1000cm3; chiều cao xung quanh 1m50 (có hộp sọ lớn 1200cm3). Người - vượn được phát hiện ở vùng Nam Á, Châu Phi, và Châu Âu, nhưng làm thành một nhóm rất đồng nhất (tuy vẫn có vài khác biệt chứng tỏ những hướng tiến hoá khác biệt).
C. Các dạng người Cổ
Homo Neanderthlensis: Hoá thạch đầu tiên tìm thấy được trong thung lũng Neanderthal bên Đức. Dạng người cổ này cao khoảng 1,55m. Hộp sọ đã phát triển hơn mặt, tuy mặt vẫn còn nhô về phía trước. Trán vẫn bẹt và cằm vẫn lẹm, gờ lông mày còn lồi. Song thể tích não đã lớn, trung bình 1450cm3, có trường hợp 1600cm3, tương tự như não người hiện đại. Họ sống thành đàn 50-100 người, chủ yếu trong các hang động. Hoá thạch dạng người cổ này được tìm thấy ở nhiều địa điểm của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Công cụ là những mảnh đá đẽo có cạnh sắc, dùng làm dao, rìu nhọn mũi…
D. Các dạng người khôn ngoan hóa thạch (Home sapiens fossilis)
Tiêu biểu nhất là dạng người Cro Magnon (Grô Manhon) lần đầu tiên tìm thấy ở Pháp năm 1868. Đa số hoá thạch cao hơn 1,80m và có hộp sọ rất giống của người hiện nay (trán cao, cằm không lẹm, mặt không nhô tới trước), lại có vài đặc điểm của người da đen hiện nay (tay dài so với chân, môi dày và nhô tới trước...). Hoá thạch của người Cro Magnon đã được tìm thấy ở Tây Âu và Bắc Phi.
Người Cro Magnon sống cách đây 3-5 vạn năm, đã biết sử dụng nhiều công cụ tinh xảo bằng đá, xương, sừng, như lưỡi rìu có lỗ để tra cán, lao có ngạnh, kim khâu, móc câu bằng xương... Trong các hang động của họ có nhiều tranh vẽ mô tả các quá trình sản xuất và cả những cảnh tôn giáo. Người Cro Magnon kết thúc thời đại đồ đá cũ. Sau đó là thời đại đồ đá giữa (1,5 - 2 vạn năm về trước) rồi thời đại đồ đá mới (7 - 10 nghìn năm về trước). Từ thời đại đồ đá giữa, quan hệ thị tộc được thay dần bằng chế độ Công xã nguyên thuỷ. Tiếp đó là thời đại đồ đồng rồi thời đại đồ sắt...