Tài liệu: Những hậu quả của nền văn minh kỹ thuật đối với môi trường

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

NHỮNG HẬU QUẢ CỦA NỀN VĂN MINH KỸ THUẬT ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG Cuộc cách mạng kỹ thuật đang nâng cao tiện nghi vật chất của chúng ta và sự khai thác đại
Những hậu quả của nền văn minh kỹ thuật đối với môi trường

Nội dung

NHỮNG HẬU QUẢ CỦA NỀN VĂN MINH KỸ THUẬT

ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG

 

Cuộc cách mạng kỹ thuật đang nâng cao tiện nghi vật chất của chúng ta và sự khai thác đại quy mô những tài nguyên trên Trái đất đang trở thành mối lo âu của các nhà sinh vật học bảo vệ môi trường. Điều kiện lý hóa trên toàn bộ Trái đất có khả năng thay đổi nếu nhân loại không điều khiển được những tác động gây ra bởi nhu cầu của nền văn minh hiện đại.

Khi Diôxit carbon phát ra bởi các xí nghiệp công nghiệp có thể làm tăng dần nhiệt độ của khí quyển như trong nhà kính. Hiệu ứng “nhà kính” là do tác động của khí Diôxit carbon đóng vai trò như một cái vung ngăn hơi nóng bốc ra ngoài khí quyển. Tầng khí Ozone cần thiết cho sự bảo tồn của sự sống trên Trái đất cũng bị thủng một phần. Mật độ của Ozone tăng từ mặt đất lên cao và tối đa ở độ cao 30 kilômet. Sự phân phối phân tử trong khí quyển trái đất hiện nay là 78 phần trăm Nitơ, 21 phần trăm Ôxy còn lại là những phân tử khác như Carbon dioxit. Phân tử Ozone tương đối hiếm so với những phân tử khác trong khí quyển. Trên một triệu phân tử chỉ có khoảng 8 phân tử Ozone. Ozone là một phân tử có 3 nguyên tử Ôxi (O3) ôxi (O2). Sự thăng bằng giữa quá trình tạo ra Ozone và quá trình huỷ Ozone làm cho mật độ của tầng Ozone không thay đổi. Những loại khí như cacbon điôxit và Mêtan bốc ra từ các vùng công nghiệp bay lên cao biến thành những thành phần hóa học có khả năng phá huỷ Ozone. Sự sản xuất các chất có Clo và Flo gọi là Clono cacbua (CFC) dùng trong kỹ nghệ sử dụng nhiệt độ rất thấp, những bình phun v.v... ngày càng tăng. Những chất CFC khi bốc lên cao bị huỷ và phát ra Clo có khả năng phá hoại lớn đối với tầng Ozone. Tác động của chúng chậm vì thời gian CFC bốc từ mặt đất lên tới tầng Ozone phải ít nhất hàng chục năm. Sự làm thủng tầng Ozone hiện nay là hậu quả của CFC phát ra từ khoảng 20 năm trước. Trong vòng 30 năm, bắt đầu từ những năm 60, chiều dày của tầng Ozone đã giảm một nửa, nhất là ở bầu trời Nam cực. Vì ở Nam cực khí hậu lạnh hơn ở Bắc cực và khí quyển không chuyển động nhiều nên các tầng lớp trong khí quyển không được thay đổi luôn. Hơi nước trong khí quyển đóng thành băng và phản ứng với Clo để tạo ra những chất hóa học có khả năng phá huỷ Ozone mạnh hơn. Những chất phun ra từ núi lửa cũng làm giảm mật độ của tầng Ozone. Sự giảm độ dày của tầng Ozone có thể có tác động trong tương lai xa tới sự biến đổi về di truyền của sinh vật trên Trái đất vì không được che chở khỏi tia tử ngoại. Mật độ khí quyển Ozone có thể được kiểm tra thường xuyên bằng cách đo vạch phân tử Ozone trên những bước sóng vô tuyến.

Tầng Ozone trên cao rất hữu ích cho nhân loại vì nó chặn những tia tử ngoại độc hại của Mặt trời. Trái lại, nếu khí Ozone có trên mặt đất thì nó có tác hại cho sức khỏe vì Ozone là một loại khí có khả năng làm viêm mắt hay phế quản. Khói thải xe hơi biến thành khí Ozone nên là một nguồn ô nhiễm tại những đô thị lớn trong mùa nóng nực.

Sự phát triển kỹ thuật còn có ảnh hưởng tới ngành thiên văn. Bầu trời ban đêm với dải Ngân hà và những ngôi sao lấp lánh đã truyền cảm hứng cho biết bao thi sĩ viết những áng thơ hay. Vũ trụ là một kho tàng quý báu nhờ đó mà chúng ta đang tìm hiểu về cội nguồn của nhân loại. Dải Ngân hà bị chìm đắm trong ánh sáng của những thành phố hoa lệ. Muốn ngắm Ngân hà, ta phải tới những vùng nông thôn hoặc leo lên những ngọn núi cao. Vì khí quyển bị ô nhiễm nên bầu trời bị lu mờ. Khí quyển không những bị ô nhiễm trong vùng phổ khả kiến mà cả trong lĩnh vực sóng vô tuyến. Những tín hiệu vô tuyến trong vùng sóng dài (sóng centimet) phát ra bởi những đài truyền hình, những radar của những hệ thống viễn thông và những vệ tinh nhân tạo là những nguồn nhiễu xạ làm cản trở sự quan sát các tín hiệu từ Vũ trụ tới. Những đài vô tuyến thiên văn thường được đặt ở nơi hẻo lánh, xa vùng công nghiệp hoặc ở trong thung lũng để đồi núi làm màn chắn nhiễu xạ. Một số nhà khoa học có đề án đặt một trạm quan sát Vũ trụ trên phía che khuất của Mặt trăng để khỏi bị ảnh hưởng của bức xạ ô nhiễm phát ra từ phía Trái đất.

Một Hội đồng Quốc tế về vô tuyến viễn thông đã được thành lập để phân phối từng vùng phổ vô tuyến cho công nghiệp, viễn thông, nghiên cứu không gian Vũ trụ, thăm dò tài nguyên và khí hậu trên Trái đất bằng vệ tinh và thiên văn vô tuyến.

Những dải sóng vô tuyến dành cho ngành thiên văn đã được chọn để có thể quan sát những vạch nguyên tử và phân tử thông thường nhất, như nguyên tử Hyđrô (bước sóng 21 centimet), phân tử OH (18 centimet), hơi nước (1,2 centimet), Carbon ôxit (2,3 milimet) v.v... Tuy nhiên, điều kiện quan sát thiên văn trở nên gay go, vì càng ngày càng có nhiều vệ tinh dùng trong những hệ thống truyền hình và hướng dẫn hàng hải phát tín hiệu từ không trung xuống. Một lý do nữa là máy thu tín hiệu dùng trong ngành vô tuyến thiên văn càng ngày càng nhạy nên rất ''thính'' nhiễu. Một hội nghị trong tháng 7, năm 1992 do Hội Thiên văn quốc tế và Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tổ chức tại Paris đã thông báo một bản tuyên ngôn kêu gọi làm giảm bớt tác động nghịch lý của môi trường tới thiên văn ''Bầu trời, nguồn cảm hứng của toàn thể nhân loại, đang trở nên tăm tối thậm chí có thể không được thế hệ trẻ biết tới. Một yếu tố chủ yếu của nền văn minh và văn hóa của chúng ta có thể bị mất đi một cách nhanh chóng… Hội nghị này tin tưởng rằng đây là một vấn đề có ý nghĩa toàn cầu cần được nêu lên để sử dụng mọi phương trên hòng bảo trợ cho ngành Thiên văn học. Cần bảo vệ những điều kiện quan sát không bị ô nhiễm của các đài thiên văn hiện đại nhất”.

G.S.TS. KH. NGUYỄN QUANG RIỆU

(PARIS)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/186-02-633390344247368750/Vu-tru-va-su-hinh-thanh-the-gioi-thien-ha-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận