SỰ VA CHẠM GIỮA NHỮNG THIÊN THỂ
Những thiên thể chuyển động trong Vũ trụ như những con tàu lềnh bềnh trên mặt biển mênh mông. Xác suất va chạm giữa những thiên thể rất thấp. Tuy nhiên, Vũ trụ không đồng đều, có nơi mật độ thiên thể cao. Thiên hà tập trung lại thành những quần Thiên hà, nơi xác suất va chạm tương đối cao làm cho những Thiên hà có khả năng tương tác với nhau. Cũng như một hệ sao đôi, một Thiên hà lớn có thể hút vật chất của một thiên hà nhỏ quay chung quanh, hoặc hai Thiên hà đâm thẳng vào nhau và nhập thành một.
Trong hệ Mặt trời có hành tinh và nhiều thiên thể nhỏ nên có khả năng va chạm. Trong quá trình tạo thành hệ Mặt trời, những hạt bụi ngưng tụ thành nhiều tiểu hành tinh có đường kính và trăm mét tới vài trăm kilômet quay chung quanh Mặt trời. Có những vụn nhỏ, khi lọt vào khí quyển Trái đất với tốc độ khoảng 2 trăm nghìn kilômet một giờ, bị bốc cháy để lại những vệt sáng trên bầu trời ban đêm và thường được gọi là ''sao băng''. Trong hệ Mặt trời có một ''vành đai thiên thạch'', nơi tập trung những cục đá nhiều cỡ quay quanh Mặt trời, giữa quỹ đạo của hành tinh sao Hỏa (Mars) và hành tinh sao Mộc (Jupiter), cách xa Trái đất khoảng 270 triệu kilômet. Thỉnh thoảng chúng va chạm nhau như những quả bóng bia rồi tách khỏi vành đai tới gần quỹ đạo Trái đất. Mỗi năm có hàng nghìn thiên thạch to bằng những quả trứng vịt rơi xuống Trái đất. Những lõi sao Chổi có đường kính lớn hàng chục kilômet tập trung ở một vùng xa Trái đất hàng trăm tỷ kilômet, ngoài hẳn quỹ đạo của hành tinh Diêm Vương (Pluton) - hành tinh trong hệ Mặt trời xa Trái đất nhất. Nơi lõi sao Chổi quy tụ gọi là đám mây Oort (Octơ), tên một nhà thiên văn học người Hà Lan, người đầu tiên phát hiện ra đám mây đó. Khi có một đám mây khí và bụi trong Vũ trụ bay gần đám mây Oort thì trường hấp dẫn có nó làm nhiễu và đẩy một hay nhiều lõi sao Chổi về phía Trái đất và Mặt trời. Lúc đó, lõi sao Chổi có thể quay quanh Mặt trời theo một quỹ đạo hình elip và đến thăm viếng đều đặn Trái đất.
Tháng 11 năm 1992, sao chổi Swift – Tuttle (Suyphơ - Tơtơn) có chu kỳ 134 năm đã tới gần Trái đất ở khoảng cách 175 triệu kilômet, tức là bằng 460 lần khoảng cách giữa Mặt trời và Trái đất. Dựa trên quỹ đạo, họ phỏng đoán rằng đến cuộc viếng thăm Trái đất lần sau vào năm 2126, sao Chổi Swift - Tuttle có thể thay đổi quỹ đạo và sẽ chỉ cách Trái đất khoảng 22 triệu kilômet. Khả năng va chạm giữa sao Chổi và Trái đất là rất hiếm. Tuy nhiên, nếu một thiên thạch to như một lõi sao Chổi có đường kính 10 kilômet rơi xuống Trái đất có thể gây ra tai hại như hàng chục tỷ quả bom nguyên tử ném xuống Hirôsima, với sức nổ ngót nửa tỷ triệu tấn (5 x 108 megaton) TNT! Có giả thuyết cho rằng nguyên nhân của sự tiêu diệt giống khủng long là một lõi sao Chổi rơi xuống Trái đất cách đây 65 triệu năm.