LỊCH SỬ TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI
Ít lĩnh vực nghiên cứu đã gây nhiều tranh luận và nhầm lẫn lĩnh vực tìm kiếm các di tích hóa thạch của tổ tiên loài người, có khả năng đánh dấu đoạn đường dài lâu và mờ mịt từ vượn – người Cổ đại đến con người hiện đại. Các chứng tích hóa thạch của tổ tiên loài người trước hết mang tính chất rất vụn vặt và hiếm hoi, dù có gây được chấn động lớn trong giới khoa học thì cũng chỉ là một vài mẩu xương sọ, hoặc xương hàm trên đó còn sót lại vài chiếc răng. Ta có thể tưởng tượng được những khó khăn chồng chất từ khi đó, suy luận ra kích thước bộ não chứ đừng nói kiểu bò bốn chân hay đi thẳng đứng! Vậy mà đó là điều hiện nay khoa học vẫn phải làm.
![](/upload/s/20141023/03b3550e39d6db1a1470765142bb854aimage001.jpg)
Sở dĩ chứng tích hoá thạch của người cổ vụn vặt và hiếm hoi, trước hết là vì tổ tiên loài người vốn ở trong rừng. Độ ẩm và độ chua của đất rừng thường làm thây chết bị huỷ hoại rất chóng. Nhưng nguyên nhân chính của các nhầm lẫn là sự nôn nóng và chủ quan của các nhà nghiên cứu, cứ khăng khăng đeo đuổi tham vọng phát hiện các chứng tích "không thể chối cãi” được về nguồn gốc loài người. Kết quả là đã có hàng tá hoá thạch của khỉ, vượn và của cả người Hiện đại) được chào mừng như những “khâu còn thiếu” giữa vượn - người và người! Ngoài ra, còn có nhiều người vượn giống nhau được đặt tên loài (thậm chí tên giống) khác nhau cho thêm giật gân!
![](/upload/s/20141023/05d81b30f678bc60a422be185dcfc002image002.jpg)
Vì vượn giống người, nhất là tinh tinh hiện ở Châu Phi, nên việc tìm tòi tổ tiên loài người hiện nay cũng tập trung ở Châu Phi. Tổ tiên xa xưa nhất của loài người là một nhóm vượn - người mà một vài mảnh hoá thạch đã được tìm thấy trong các lớp đất đá thời kỳ Miocene ở Châu Phi (khoảng 18 triệu năm về trước). Từ các mảnh xương vụn đó, các nhà bác học đã suy đoán rằng nhóm vượn - người này đã có dấu hiệu đi trên hai chân sau. Trong 15 triệu năm sau đó, ta chưa tìm thấy hóa thạch nào nữa về tổ tiên loài người. Hoá thạch về người – vượn tái hiện vào đầu thế kỷ thứ ba, trong các tầng đất đá ở đầu thời kỳ Pleistocene, khoảng 3,5 triệu năm về trước, cũng tại Châu Phi Raymond Dart đã tìm thấy hoá thạch đầu tiên của mẫu người xưa 1924 tại Bechuanaland và đặt tên là ''vượn - người phương Nam ở Châu Phi'' (Australopthecus Africanus). Người - vượn cổ này có bộ răng tiêu biểu của người, với răng cửa và răng nanh bé, và đi đứng bớt lom khom hơn vượn hiện đại. Nó vẫn còn giống vượn ở các điểm: hàm to khoẻ, não không lớn hơn não vượn hiện đại mấy. Có lẽ nó sống bằng hái lượm và săn bắt, nhưng không hiểu đã biết dùng khí cụ chưa? Từ thời kỳ Miocene, nhiều khu rừng đã biến thành bãi trông. Người vượn rừng vào giai đoạn này có lẽ đã di chuyển thành bầy trên các trảng cỏ, để tự vệ và săn mồi có hiệu quả hơn. Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều tranh luận về nguyên nhân dẫn tới kiểu đi trên hai chân sau, nhưng kết quả rõ ràng là sự giải phóng và tiến hóa của hai chân trước thành hai tay, để níu, bắt giữ mồi và ném đá ra xa. Chế độ ăn chuyển dần từ ăn cỏ sang ăn hỗn tạp, có cả thịt động vật, như sự ''chồng chất” của xương động vật và xương người - vượn đi hai chân đã chứng tỏ. Ta có thể suy đoán thêm là hình thức tự vệ săn mồi tập thể với hiệu quả cao hơn, đã tạo điều kiện cho phương tiện trao đổi bằng điệu bộ và tiếng nói phát triển.
Những hoá thạch đầu tiên được xếp vào giống người (Genus Homo) được tìm thấy trong các tầng giữa của thời kỳ Pleistocene ở Châu Phi, khoảng hai triệu năm về trước. Loài người - đứng thẳng (Homo erectus) đã hoàn toàn đi đứng trên hai chân sau, ăn theo chế độ hỗn thực và biết dùng khí cụ (công cụ).
Hóa thạch của người - đứng - thẳng được tìm thấy trong các hang động, xem như nơi cư trú thường xuyên, cùng với nhiều xương động vật là thức ăn thông dụng và một số công cụ bằng đá. Nhiều hang động còn chứa củi, than, tro và xương động vật bị thui cháy, chứng tỏ người Cổ đã chế ngự được lửa, đem về nơi ở và dùng lửa để nướng chín thức ăn, chống rét và xử lý công cụ. Thời gian này ứng với giai đoạn loài người di cư và chiếm lĩnh dần nhiều vùng đất khác nhau ở xa Châu Phi. Sự thích nghi giải phẫu và sinh lý chắc không còn đủ hiệu lực giúp người Cổ xưa chống đỡ giá lạnh mừa đông ở châu Âu và châu Á. Rõ ràng người - đứng - thẳng đã biết áp dụng một số biện pháp xã hội và kỹ thuật như tận dụng lửa, chế tạo áo quần che thân và tích luỹ thức ăn dự trữ.
![](/upload/s/20141023/235e658e95765be507c2391b13bac998image003.jpg)
Các giải pháp để chống lạnh mùa đông ở Âu – Á đã giúp cho sự hình thành các đặc điểm của người - khôn ngoan (Homo saptens), như thay lối sống di động bằng lối sống định cư, lối săn mồi cá thể bằng lối săn mồi tập thể. Thức ăn mùa Hạ có thể là trái cây (quả, hạt, rễ, chồi,..), lúc đầu là lượm, hái về sau tiến tới trồng trọt. Săn mồi tập thể, trồng trọt và sống định cư đã tạo điều kiện phát triển cho các phương tiện thông tin liên lạc (để phối hợp hành động và trao đổi kinh nghiệm) dẫn dần tới sự hình thành ngôn ngữ, các tập tục xã hội và luật lệ vào khoảng 20.000 năm về trước.