Tài liệu: Singapore - Các đối tác của Singapore

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sau khi nước Anh rút đi, Singapore đã phát triển mối quan hệ mậu dịch với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật và các nước trong khối ASEAN.
Singapore - Các đối tác của Singapore

Nội dung

CÁC ĐỐI TÁC CỦA SINGAPORE

Sau khi nước Anh rút đi, Singapore đã phát triển mối quan hệ mậu dịch với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật và các nước trong khối ASEAN.

MỸ

Vào thập niên 1980, Mỹ đã trở thành đối tác quan trọng nhất của Singapore. Nước này đã xuất khẩu sang Mỹ nhiều mặt hàng như ổ đĩa vi tính, mạch tích hợp, linh kiện bán dẫn, các cơ phận của máy xử lý dữ liệu, ti vi, radio, máy cassette và hàng may mặc.

Singapore là một trong những quốc gia được Mỹ cho hưởng quyền ưu đãi mậu dịch. Với sự ưu đãi này, Singapore có được nhiều thuận lợi trong việc buôn bán với Mỹ. Nhưng đến năm 1989 Mỹ đã giải tỏa quyền ưu đãi này khi thấy chiều hướng phát triển thành phần kinh tế của các nước này có khả năng dẫn tới sự cạnh tranh về mậu dịch, trở thành đối thủ của Mỹ. Hậu quả là lượng hàng xuất khẩu của Singapore sang Mỹ đã giảm 15%, trong đó có điện thoại, máy văn phòng, đồ gỗ và thiết bị y khoa, với thuế nhập khẩu bị đánh ở mức 5% - 10%.

NHẬT BẢN

Chỗ đứng của Nhật Bản trong bức tranh kinh tế của Singapore càng được nhấn mạnh thêm ở điểm là vào thập niên 1980, người Nhật ở Singapore chiếm số lượng nhiều nhất trong số người nước ngoài có mặt ở đây. Nhật là nhà cung ứng lớn nhất đối với Singapore, đồng thời số lượng xuất khẩu dầu sang Nhật của Singapore cũng chiếm phần lớn với tỉ lệ 40%. Khuynh hướng thị trường ở Singapore của Nhật so với Mỹ cũng rất khác nhau. Những cơ sở sản xuất của Nhật đóng tại Singapore là để chủ yếu xuất khẩu hàng sang Mỹ hơn là dành cho tiêu dùng nội địa tại Nhật Bản, trong khi những cơ sở của Mỹ tại đó lại chủ yếu dành cho nhu cầu tiêu dùng của Mỹ. Khuynh hướng này đã là dấu hiệu báo trước cho thế mạnh xuất khẩu của Nhật trong giai đoạn sau đó.

HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1967, khi đó chủ yếu như là một diễn đàn để thảo luận những vấn đề mà các nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á cùng quan tâm. Đến năm 1988 Malaysia là đối tác lớn nhất trung khu vực đối với Singapore, và xếp hàng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật. Những thị trường đối tác nhỏ hơn cũng dần dần tăng trưởng. Thái Lan đã thay thế vị trí thứ 5 của Đài Loan về quan hệ mậu dịch với Singapore. Các nước khác trong khu vực sau đó cũng phát triển trong các hoạt động mua bán với Singapore.

 

NHỮNG ĐỐI TÁC KHÁC

Sau hai thập kỷ cắt giảm nhiều quan hệ với Trung Quốc, từ khoảng giữa thập niên 1980 Singapore đã bắt đầu tăng cường mậu dịch với nước này thông qua “cửa ngõ” Hồng Kông. Đến năm 1989 Singapore xếp hàng thứ tư trong số các nước đầu tư nhiều nhất vào các đặc khu kinh tế ở miền Nam Trung Quốc, và là đối tác lớn thứ năm về mậu dịch với nước này. Vào giai đoạn 1987 và 1988, quan hệ mậu dịch của Singapore với các nước trong khối Thị trường chung Châu Âu (EEC) cũng bột phát. Gần ba phần tư trong mức gia tăng mậu dịch này là việc xuất khẩu ổ đĩa và mạch tích hợp, chủ yếu và sang Tây Đức, Vương quốc Anh và Hà Lan. Tuy nhiên mối quan hệ mậu dịch lại bắt đầu suy giảm từ năm 1988.

DU LỊCH

Du lịch, trong nhiều giai đoạn qua đã là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Singapore. Năm 1983 Singapore đối đầu với sự suy thoái về hoạt động du lịch, lần đầu tiên trong suốt hơn hai thập kỷ trước đó. Nguyên nhân một phần là do suy giảm kinh tế trong khu vực, một phần do sự hạn chế du lịch từ các nước láng giềng và một phần nữa là do việc xây dựng thành phố hiện đại đã làm đất nước này mất đi nét huyền bí và ấm cúng truyền thống của nó.

Đến năm 1984 chính quyền Singapore đã có kế hoạch tạo ra những điểm thu hút khách du lịch với ngân sách dành cho ngành này gia tăng 60%. Singapore đã từng bước bảo tồn những khu di tích về kiến trúc, lịch sử và văn hóa. Đảo Senota ngoài khơi bờ biển phía Nam đã được phát triển thành một khu nghỉ dưỡng có viện bảo tàng, công viên, sân gôn, bãi tắm và vườn cây. Chính quyền ở đây cũng mở những tuyến du lịch nối dài từ Singapore sang các nước láng giềng. Trong các hoạt động kinh tế, ngành du lịch được xem như một nền công nghiệp sáng giá. Mặc dù mục tiêu chính là gia tăng số lượng khách du lịch đến đây, một mục tiêu khác không kém phần quan trọng là thu hút những đối tượng có mức chi tiêu cao và những khách kinh doanh đến đây tham dự các buổi hội nghị, các cuộoc triển lãm. Sau những nỗ lực cải cách đó, số lượng du khách đến Singapore ngày càng tăng cao.

VIỄN THÔNG

Với việc thừa hưởng một hệ thống viễn thông khá tốt từ người Anh, Singapore đã đặt hoạt động này lên một vị trí ưu tiên trong việc hoạch định kinh tế. Từ cuối thập kỷ 1980 Singapore đã có được một cơ sở hạ tầng về viễn thông vào hàng tiên tiến nhất thế giới, phát triển dưới sự chỉ đạo của công ty Telecoms, một đơn vị của nhà nước. Nhiệm vụ của đơn vị này là cung cấp hoạt động viễn thông chất lượng cao cho nhu cầu nội địa cũng như quốc tế. Telecoms đã có những sản phẩm và dịch vụ ở mức giá vào hàng thấp nhất thế giới.

Ngoài một khoản vay ban đầu, Telecoms đã tự lực về vốn từ thu nhập của nó, đồng thời vẫn đóng thuế cho nhà nước như những doanh nghiệp khác. Việc hạch toán tự do này là một yếu tố chính giúp cho Telecoms có khả năng đáp ứng cho nhu cầu của người dùng. Telecoms đã cung ứng ngày càng nhiều các dịch vụ, trong đó có pager, điện thoại di động, fax, thư điện tử và telepac, một hệ thống kết nối các máy vi tính trong phạm vi nội địa và cả quốc tế. Theo đà phát triển chung của thế giới về kỹ thuật và nhu cầu trong lĩnh vực viễn thông, Telecoms ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

Kết nối với thế giới qua vệ tinh được thực hiện ở các trạm mặt đất ở Bukit Timah và đảo Sentosa. Cáp ngầm xuyên lục địa đã kết nối Singapore với hầu hết các nước trong khối ASEAN. Hệ thống mạng Internet đầu tiên trong khu vực cũng do Singapore lắp đặt.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2114-02-633492317682031250/Kinh-te/Cac-doi-tac-cua-Singapore.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận