TƯ HỮU HÓA
Tư hữu hóa là một chính sách lâu dài của chính quyền có tác động rất nhiều đến nền kinh tế cũng như đời sống của người dân Singapore. Năm 1986, ủy ban Kinh tế của Singapore đã có một báo cáo trong đó nhận định rằng nền kinh tế trong nước đã đủ độ trưởng thành để cho khu vực cá thể trở thành động cơ chính của guồng máy kinh tế. Đến năm 1987, một đơn vị do chính quyền chỉ định, gọi là ủy ban về Đầu tư Khu vực Cá thể đã đề xuất bán một số cổ phần của 41 trong số 500 cơ sở do nhà nước bao cấp, trong đó có cả Sân bay Singapore và Công ty xổ số Quốc gia.
Một ý nghĩa khác trong việc tư hữu hóa là chính quyền Singapore muốn cởi bỏ những chức năng chỉ có chi phí mà không thu nhập, chủ yếu là trợ cấp về nhà ở và y tế. Trách nhiệm đó phải được chuyển dần sang cho người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể là Quỹ Bảo hiểm Y tế đã được sát nhập vào Quỹ Dự phòng Trung Ương. Nhà nước không thể gánh vác những nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Thế là có một sự dịch chuyển, có thể gọi là từ “chủ nghĩa phúc lợi nhà nước” sang “chủ nghĩa phúc lợi công ty”.
Những người trẻ trong tầng lớp lãnh đạo vẫn tâm đắc với việc tư hữu hóa về kinh tế. Mặc dù họ nghiêng về đường lối chính trị độc quyền của Đảng Nhân dân Hành động, giới lãnh đạo này lại lo ngại rằng người dân Singapore đã lệ thuộc quá sâu vào chính quyền và mong muốn rằng người dân cần đứng ra giải quyết những vấn đề của họ.