Tài liệu: Singapore - Mô hình phát triển

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khởi nguồn là một thương điếm của Công ty Đông Ấn Độ vào năm 1819, Singapore đã đạt được những thành quả kinh tế đầu tiên nhờ vào vị trí địa lý,
Singapore - Mô hình phát triển

Nội dung

MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN

Khởi nguồn là một thương điếm của Công ty Đông Ấn Độ vào năm 1819, Singapore đã đạt được những thành quả kinh tế đầu tiên nhờ vào vị trí địa lý, bến cảng và chế độ buôn bán tự do. Vào đầu thế kỷ 20, nước này đã là một trung tâm thương mại và phân phối hàng hóa, đồng thời là nơi chế biến một số nguyên liệu nhập khẩu từ các vùng lân cận. Sau Thế chiến thứ I, Singapore lại phát triển thêm về công nghiệp phục vụ hải quân. Đến sau Thế chiến thứ II, Singapore lại gặp nhiều khó khăn: thất nghiệp, bất ổn xã hội, thiếu nhà ở và các tiện ích cộng đồng, trong khi đó dân số lại tăng nhanh. Đất nước này phải đối mặt với cuộc đấu tranh sống còn về kinh tế.

Sau khi tách khỏi Malaysia để chính thức độc lập, Singapore vẫn còn phải đương đầu với nhiều vấn đề. Khi Indonesia đối đầu với Malaysia, Singapore cũng bị ảnh hưởng với số lượng mậu dịch suy giảm, và khi người Anh rút đi đã làm tăng thêm số lao động thất nghiệp vốn đã nhiều ở đây.

Nhưng đến giai đoạn 1965- 1973, một sự tăng trưởng kinh tế ngoài dự kiến đã bắt đầu cho những bước tiến của Singapore. Thành quả này nhờ vào những chính sách hiệu quả của chính quyền và việc đầu tư vốn thích đáng vào các hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng. Công nhân được làm việc với những máy móc, thiết bị tốt hơn và giá cả được ổn định qua những chính sách tài chính rất bảo thủ của chính quyền.

Công cuộc công nghiệp hóa đã hứa hẹn một bước tiến xa nhất cho kinh tế. Lúc này Singapore đã chọn con đường thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều cổ phần lớn trong các doanh nghiệp sản xuất đã trở thành sở hữu của công ty nước ngoài. Khi dựa vào các công ty đa quốc gia có nghĩa là nền kinh tế Singapore đã bớt lệ thuộc vào khu vực.

Hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và 1979 làm dao động kinh tế của nhiều nước phát triển, nhưng hầu như không tác động được gì đến Singapore. Sau cuộc khủng hoảng thứ nhất, tỉ lệ tăng trưởng của nước này vẫn đạt 8,7%, cao hơn so với nhiều nước khác. Cuộc khủng hoảng thứ hai làm nhiều nước rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ thời kỳ suy thoái năm 1930, nhưng Singapore vẫn ung dung duy trì được tỉ lệ tăng trưởng 8,5%. Trong suốt hai thập kỷ sau khi độc lập, Singapore đã giữ được sự tăng trưởng cao hơn mức độ chung của thế giới, với tỉ lệ từ 5% đến 15% và hạn chế lạm phát ở mức dưới trung bình so với thế giới.

Tuy nhiên với nhu cầu suy giảm của cả thế giới từ năm 1985, nền kinh tế Singapore lúc này chịu một bước suy thoái lớn nhất trong lịch sử với tốc độ tăng trường âm (- 15%), sau đó phục hồi lên mức 1,9% vào năm 1986. Sự đình trệ trong ngành dầu khí và ngành hàng hải của thế giới, sự giảm thiểu nhu cầu về linh kiện điện tử và bán dẫn ở Mỹ, tình hình giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng trong nước và giá công lao động vượt quá năng suất đã dẫn nền kinh tế Singapore đến tình trạng suy giảm đó.

Lúc đó chính quyền Singapore đã phản ứng nhanh chóng và cương quyết bằng cách cho giảm bớt mức đóng góp của người lao động vào Quỹ Dự phòng trung ương, giảm thuế thu nhập cho các công ty và người lao động, đồng thời khuyến khích góp vốn đầu tư vào tất cả các mặt. Kết quả thật rõ nét với chi phí sản xuất giảm mạnh và năng suất lao động tăng cao, và đến năm 1988 kinh tế Singapore đã hồi sinh.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2114-02-633492310933906250/Kinh-te/Mo-hinh-phat-trien.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận