Tài liệu: Singapore - Thời kỳ thuộc địa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vào ngày 29 tháng 1 năm 1819 Stamford Raffles đã kéo lên ngọn cờ nước Anh trên hòn đảo Singapore. Đây là hòn đảo thứ hai trong khu vực bị Công ty Đông Ấn Độ
Singapore - Thời kỳ thuộc địa

Nội dung

THỜI KỲ THUỘC ĐỊA

Vào ngày 29 tháng 1 năm 1819 Stamford Raffles đã kéo lên ngọn cờ nước Anh trên hòn đảo Singapore. Đây là hòn đảo thứ hai trong khu vực bị Công ty Đông Ấn Độ (East India Company) của người Anh chiếm đóng. Penang đã rơi vào tay họ năm 1786. Công ty Đông Ấn Độ, vốn độc quyền về hoạt động thương mại của người Anh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đã nắm được một phần lãnh thổ đáng kể ở Ấn Độ và đang nóng lòng muốn giữ quyền kiểm soát vịnh Melaka, một lộ trình đường thuỷ trọng yếu cho hầu hết những thương thuyền đến Trung Quốc của họ. Đảo Penang giúp cho họ kiểm soát cửa vào ở phía Bắc vịnh Melaka, còn đảo Singapore sẽ cho họ quyền kiểm soát ngõ ra ở phía Nam.

Trong suốt gần hai trăm năm, Công ty Đông Ấn Độ (East Indies Company - EIC) của Hà Lan là đối thủ đáng gờm của của Công ty Đông Ấn Độ Anh Quốc (East Inkia Company). Khi Napoleon thôn tính Hà Lan vào năm 1810, nước Anh đã chiếm tất cả những cơ sở lớn của Hà Lan ở quần đảo Indonesia để khỏi rơi vào tay người Pháp. Melaka và Bencoolen ở bờ biển phía Tây của Sumatra và đảo Java đã bị người Anh chiếm đóng. Stamford Raffles đã được chỉ định làm thủ lĩnh của chính quyền dân sự ở Java và Sumatra. Thuộc địa này được sát nhập vào đế chế của EIC ở Ấn Độ, báo cáo trực tiếp về Calcutta.

Khi chiến tranh Napoleon chấm dứt vào năm 1815, Anh Quốc muốn ủng hộ Hà Lan và Bỉ để dùng họ làm bức tường thành ngăn chặn một nước Pháp đang hồi sinh. Khi đó, áp lực của Hà Lan đòi trả lại những thuộc địa của họ ở quần đảo Indonesia và người Anh chiều theo. Năm 1818 Java được trả lại cho nhà cầm quyền Hà Lan. Lúc đó Raffles vô cùng thất vọng khi những tính toán chiến lược ở châu Âu đã buộc ông ta phải trả lại Java cho Hà Lan. Ông ta là một người theo đến cùng chủ nghĩa bành trướng, đã tin rằng nước Anh cần phải nắm quyền sở hữu quần đảo Indonesia và Malay, xây dựng những cộng đồng thực dân người Âu ở đó để khai thác những nguồn lợi, dưới mắt ông ta là những cơ hội buôn bán khổng lồ.

Khi bị buộc phải rời bỏ Java, Raffles chuyển đến một hòn đảo nhỏ ở cực Nam của bán đảo Malay, với cái tên địa phương là Temasek (Thành phố Biển) và sau đó là Singapura (Sư Tử), thuyết phục vua nước Johore nhường hòn đảo này cho Anh Quốc. Vào lúc đó, năm 1819, hòn đảo này chỉ có lơ thơ một ít dân đánh cá người Malay và một số hải tặc ở vùng biển này, tất cả không hơn một ngàn người. Năm 1826 EIC nhập Singapore, Penang và Melaka vào thành Khu Định cư Eo Biển (Straits Settlements), trung tâm hành chính đóng ở Singapore. Khu Định cư Eo Biển nằm trong quyền kiểm soát của EIC cho đến năm 1867, khi vùng này trở thành thuộc địa của Vương quốc Anh dưới quyền kiểm soát của một chính phủ do Bộ Thuộc địa của Anh chỉ định.

Cộng đồng buôn bán người Anh là những người ủng hộ mạnh mẽ cho việc chiếm đóng Singapore vì họ thấy rằng đó là một bàn đạp vững chắc cho hoạt động thương mại ở vùng Đông Nam á. Năm 1824 Hiệp ước Anh-Hà Lan đã dàn xếp sự tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia, trong đó Hà Lan công nhận quyền sở hữu của Anh ở Melaka và Singapore, còn Anh Quốc thì trả lại Benccolen cho Hà Lan. Trước năm 1830 Singapore đã trở thành hải cảng thương mại chính ở vùng Đông Nam Á. Hai đối thủ cạnh tranh của nó là Manila và Batavia (nay là Jakarta), nhưng Singapore có ba lợi thế then chốt so với những thành phố cảng thuộc địa và những cảng lớn khác ở khu vực.

Thứ nhất: vị trí địa lý. Hầu hết các thương thuyền qua lại giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu đều phải đi qua Singapore. Thứ hai: chế độ buôn bán tự do. Người Hà Lan ở Batavia và người Tây Ban Nha ở Manila đều đánh thuế nhập khẩu giống như các nhà cầm quyền ở các cảng nhỏ khác. Thứ ba: sự liên kết giữa Singapore với đế quốc thương mại và công nghiệp Anh. Trước thế kỷ thứ 19, Anh Quốc đã là một cường quốc về thuộc địa.

Singapore là một bộ phận chính của đế quốc Anh ở châu Á mặc dù trung tâm của đế  quốc này là Ấn Độ. Sự phồn vinh của Singapore bắt nguồn từ những thuận lợi về địa lý và vị trí của nó trong hệ thống thuộc địa. Những nhà buôn người Anh bị hấp dẫn bởi mảnh đất này và từ đó những hiệu buôn, những tuyến hàng hải, những công ty dịch vụ mọc lên như nấm. Những thương gia người Hoa sống lâu đời ở vùng Đông Nam Á cũng vậy. Họ bị thu hút vào đây vì chế độ buôn bán tự do, sự ổn định của hệ thống luật pháp Anh Quốc và vị trí chiến lược của Singapore.

Vào những năm 1820, nhiều thương gia từ Melaka và quần đảo Riau đã chuyển việc mua bán của họ sang Singapore, và từ đó nối kết Singapore vào mạng lưới thương mại của người bản xứ ở địa phương. Những thương gia người Malay, Ấn Độ và Ả Rập cũng từ những cảng lân cận khác kéo tới Singapore. Đất nước này nhanh chóng chiếm được một thị phần lớn trong việc giao thương giữa các đảo trong khu vực, đồng thời cũng trở thành một bến đỗ chính trên đường vận chuyển lương thực tới Trung Quốc. Rất sớm so với những người Âu, những thương gia người Hoa đã làm ăn và định cư ở những khu Hoa kiều trong tất cả các thành phố cảng lớn ở vùng này. Dân số của họ tăng rất nhanh từ thế kỷ thứ 17 khi người Hà Lan và người Tây Ban Nha và sau đó là người Anh và người Pháp đến đô hộ ở đây.

Nhưng không phải chỉ có những nước thuộc địa ở Đông Nam Á thu hút những thương gia, nhà thầu và công nhân người Hoa. Vua Thái Lan đã khuyến khích việc nhập cư của người Hoa vào thế kỷ thứ 19, và các vị vua của các nước Malay cũng vậy. Thực tế là công nghiệp khai thác mỏ thiếc rất phát triển từ những năm 1830 ở các nước Malay là do những người Hoa lập ra, với sự nhượng quyền của những nhà cầm quyền ở Malay. Những người khai thác mỏ thiếc này đã nhập khẩu những nhu yếu phẩm của họ từ Singapore và sau đó dùng Singapore làm nơi xuất khẩu thiếc ra thế giới. Mỏ thiếc là cơ sở làm giàu cho một số người Hoa, sau này trở thành những nhà buôn và những nhà tài chính lớn ở khu vực.

Lúc đó nước Singapore thuộc Anh được xây dựng trên lực lượng lao động người Hoa và là trung chuyển cho hàng trăm ngàn lao động được đưa đến làm việc ở thuộc địa Malay và công ty Đông Ấn Độ của Hà Lan. Hầu hết những người Hoa đến Singapore là những công nhân hợp đồng nghèo khổ. Những Hải Cảng Mở theo quy định của hiệp ước mà Trung Quốc bị buộc phải mở cửa và sự sát nhập của Hồng Kông vào Anh Quốc năm 1842 đã làm tăng cường làn sóng người nhập cư từ miền Nam Trung Quốc đến Đông Nam Á, Úc, vùng Thái Bình Dương và Hoa Kỳ.

Những người nhập cư, phần lớn là đàn ông người Hoa làm lao động hợp đồng, bị đưa vào tổ chức và bị khai thác triệt để. Vào thế kỷ thứ 19 dân số người Hoa của Singapore phần lớn là nam giới. Hầu hết những người này đến Singapore với hy vọng tìm một vận may để gởi tiền về cho gia đình ở quê nhà rồi một ngày nào đó họ trở về lấy vợ, mua ruộng đất và trở thành những điền chủ giàu có. Một số ít thành công với mộng ước đó. Còn lại đa số chôn chân và chết ở Singapore trong hoàn cảnh của những người cu li, sống dựa vào nghề mại dâm của bạn gái, lệ thuộc vào xã hội giang hồ, những tiệm hút a phiến và những sòng bài ở đây.

Lịch sử kinh tế của Singapore được đan xen chặt chẽ với lịch sử kinh tế của các nước Malay. Từ năm 1840 cộng đồng thương gia ở Singapore bắt đầu ủng hộ cho lập trường để người Anh sở hữu các nước Malay ở phía Tây. Người Hoa và người Âu ở Singapore là những nhà đầu tư chính vào công nghiệp khai thác mỏ thiếc ở các nước Malay phía Tây và sau đó ngày càng thất vọng khi thấy sự bất ổn về chính của các nước Malay và liên tục thua lỗ trong các cơ hội làm ăn. Cuối cùng Anh Quốc cũng nắm quyền kiểm soát các nước Malay ở phía Tây khi tham vọng của cộng đồng thương mại và tài chính Singapore được củng cố bằng nỗi lo sợ đối với người Pháp và người Đức đang có ý định thôn tính vùng Đông Nam Á. Singapore là nước hưởng lợi nhiều nhất trong việc sát nhập Malay và đế quốc Anh.

Trước cuối thế kỷ thứ 19 Singapore là một trung tâm tài chính và thương mại quan trọng. Đây là một cảng trung chuyển, nơi các sản phẩm của Đông Nam Á được thu gom, đóng gói và tái xuất khẩu và cũng từ đó các sản phẩm của nước Anh và Châu Âu đang phát triển về công nghiệp được phân phối đi. Vào thời kỳ trước Chiến tranh Thế giới thứ II có hơn hai phần ba lượng hàng nhập khẩu và xuất khẩu của Malay đi qua cảng Singapore. Nơi đây cũng đã trở thành một căn cứ tài chính và thương mại chủ yếu của các công ty Anh ở vùng Đông Nam Á.

Từ năm 1890, ngoài sự đầu tư vào các mỏ thiếc còn có sự đầu tư vào các đồn điền cao su và vào cơ sở hạ tầng về vận chuyển để đưa cao su ra các cảng và xuất khẩu. Tiền đầu tư đi qua Singapore, thiếc và cao su được xuất khẩu ngang qua Singapore và Singapore trở thành trung tâm kho vận và phân phối những nhu yếu phẩm dành cho những người Âu với dân số ngày càng tăng.

Những cơ sở thương mại lớn nhất đều do người Anh sở hữu và quản lý. Tuy nhiên những cơ sở của người Hoa ngày càng nhiều. Một số trong đó là những công ty thương mại, một số khác là các công ty về tài chính, và ngoài ra còn có một số những cơ sở chế biến và phân phối thực phẩm ở quy mô nhỏ. Trước năm 1942 khi người Nhật xâm chiếm Singapore, có rất nhiều những công ty gia đình rất mạnh của những người Hoa thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba ở đây.

Trong khi hầu hết những người Hoa nhập cư bắt đầu cuộc sống của họ là những cu li xe kéo hay công nhân bến cảng và chấm dứt cuộc đời cũng ở chỗ đó, một số đã hiện thực hóa được giấc mộng ăn nên làm ra của họ. Những cơ sở của người Hoa này là những công ty gia đình có sự liên kết với mạng lưới thương mại và tài chính của cộng đồng người Hoa ở Hồng Kông và các nơi trong vùng Đông Nam Á.

Trước năm 1960 ở Singapore hoạt động sản xuất rất yếu. Chỉ có vài cơ sở chế biến thực phẩm, một số cơ sở chế biến thiếc và cao su bắt nguồn từ Malay và những dạng sản xuất đơn giản như giày dép và quần áo. Đến khoảng giữa thập nên 1960 và 1970, 75% lao động ở Singapore làm việc trong khối dịch vụ. Vào đầu thập niên 1930, một ủy ban được chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu về khả năng để Singapore phát triển một nền tảng công nghiệp. Nhưng kết luận của ủy ban này là kế hoạch đó chỉ khá thi với điều kiện có một chế độ bảo hộ mạnh mẽ và nền kinh tế của Singapore và Malay phải hợp nhất với nhau. Kết quả khảo sát cho thấy rằng những thua thiệt khi Singapore bỏ chế độ thương mại tự do sẽ lớn hơn những gì họ thu được từ chính sách bảo hộ công nghiệp.

Singapore là một thuộc địa nhập cư, nhưng theo điều tra dân số năm 1931 thì 36% cư dân ở đây sinh ra ở Khu Định cư Eo Biển. Sự hạn chế nhập cư của những năm 1930 do hậu quả của thời kỳ suy thoái đã dẫn đến tình trạng là 60% dân số Singapore là người sinh ở Khu Định cư. Tuy nhiên, tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Hoa ở đây vẫn giữ âm sắc của miền Nam Trung Quốc.

Vào đầu thế kỷ 20 nổi lên những phong trào quốc gia đòi độc lập ở hầu hết các thuộc địa trong vùng Đông Nam Á, từ Miến Điện đến Philippines. Nhưng Singapore là một ngoại lệ. Chẳng có ý nghĩa gì đối với việc xác định gốc gác người Singapore vì người ta tự cho mình là người Hoa, hoặc người Nanyang gốc Hoa. Do đó không có một phong trào nổi bật nào trong việc hình thành một quốc gia độc lập. Mặc dù Đảng Cộng sản Malay hoạt động ở Singapore vùng Malay thuộc Anh trong những thập niên 1920 và 1930 và có tổ chức trong số công nhân người Hoa và người Ấn, đảng này cũng không xây dựng một chủ nghĩa dân tộc đặc trưng cho Singapore.

Hoạt động chính trị ở Singapore vào những thập niên 1920 và 1930 chỉ tập trung vào sự xung đột giữa Đảng Cộng sản Trung Hoa và Quốc dân Đảng trong việc nắm quyền kiểm soát Trung Quốc. Cả hai đảng này đều tranh thủ được sự ủng hộ về ý thức hệ cũng như về tài chính của người Hoa ở hải ngoại. Singapore là trọng tâm để tuyên truyền và tuyển mộ. Những người Hoa có ý thức chính trị ở Singapore lúc đó chỉ quan tâm nhiều đến những sự kiện lớn nổ ra ở Trung Quốc vào những thập niên 1920, 1930 và 1940 hơn là những sự kiện ở Singapore. Dù thuộc ý thức hệ nào đi nữa, họ chỉ đoàn kết để đối địch với cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Trung Quốc những năm 1930.

Những cộng đồng người Hoa khắp vùng Đông Nam Á bị thu hút vào những sự kiện ở quê hương của họ và vào cuộc đấu tranh cho tình cảm, trí tuệ và tiền tài nổi lên trong khu vực. Điều khác biệt quan trọng ở Singapore là do nền văn hóa Trung Hoa chiếm ưu thế ở đây, và trong tâm tưởng cũng như mục tiêu của họ không hề có một xã hội bản xứ nào, nên chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa chỉ tập trung vào cuộc đấu tranh ý thức hệ ở Trung Quốc mà không hề bị chi phối bởi một phong trào quốc gia bản xứ nào. Trong khi đó những cộng đồng người Hoa ở các nơi khác trong vùng Đông Nam Á lại vừa quan tâm đến các sự kiện ở Trung Quốc vừa bị sự hiện hữu của những phong trào dân tộc mạnh mẽ ở địa phương buộc họ phải đặt những câu hỏi cơ bản về tư thế cá nhân và tư thế cộng đồng của họ, cũng như chỗ đứng của họ trong một quốc gia độc lập.

Nước Singapore thuộc địa là một thành phố lệ thuộc châu Âu. Cái nôi của quyền lực cai trị, cốt lỗi về thương mại cũng như dần tộc tính chính thức ở đây là Ăng Lê. Thế nhưng đằng sau những gia đình, câu lạc bộ và văn phòng của người Âu, hòn đảo này lại là những người Hoa đang giữ ưu thế về văn hóa ở đây. Nhưng ở đây cũng có một bộ phận thiểu số người Ấn Độ, chiếm từ 6% đến 12% dân số trong thời kỳ thuộc địa. Thiểu số này cũng đủ lớn để hình thành những cộng đồng riêng của họ ngoài xã hội Hoa kiều đang vượt trội ở đây.

Cộng đồng người Ấn thì lại không có sự đoàn kết nào cả. Sự chia rẽ chủ yếu là giữa người Hindu và người Muslim, giữa người miền Bắc và người miền Nam, nhưng ngoài sự chia rẽ về đẳng cấp và địa phương này còn có những sự chia rẽ khác nữa. Một số người Ấn định cư sớm ở đây đến từ Penang, nơi có một cộng đồng thương gia Ấn Độ giàu có. Một số khác lại nhập cư thẳng từ Ấn Độ hoặc được tuyển mộ làm công nhân hợp đồng. Hàng vạn người khác bị buộc rời Ấn Độ đến đây làm lao động khổ sai. Cho đến năm 1873 Singapore đã bị nước Ấn Độ thuộc Anh sử dụng một phần làm nơi lưu đày. Những người tù khổ sai Ấn Độ đã xây những dinh thự công quyền, đường sá, cầu cống đầu tiên ở đây. Trong thế kỷ thứ 19 những người Ấn tự do bước đầu tham gia vào đội ngũ nhân viên làm việc ở đây; họ làm thư ký văn phòng, giáo viên hoặc cảnh sát, một số khác là nhà buôn hoặc chủ cho vay lãi.

Cũng giống như cộng đồng đa số người Hoa, sự quan tâm về chính trị của những cư dân người Ấn ở Singapore tập trung vào quê hương của họ, nơi những người theo chủ nghĩa dân tộc đang lao vào cuộc đấu tranh với sự cai trị của người Anh. Sự chia rẽ về chính trị ở Ấn Độ phát sinh vào những thập niên 1920 và 1930 đã được phản ánh vào cộng đồng người Ấn ở Singapore. Người Muslim và người Hindu, người Sikh và người Bengali, và còn nhiều phe phái khác nữa, mới nhóm đều có quan điểm riêng, thường là đối nghịch nhau, về nền chính trị của Ấn Độ. Trong khi có nhiều hơn những chia rẽ về đẳng cấp và dân tộc trong cộng đồng người Ấn ở Singapore hơn là ở ngay nước Ấn Độ, nhưng những bộ phận chia rẽ này lại là những hàng rào bảo vệ quan trọng. Những cộng đồng người Ấn ở Singapore được liên kết về địa phương,ngôn ngữ, đẳng cấp và gia đình với một cộng đồng người Ấn lớn hơn nhiều ở Malay thuộc Anh, tăng cường thêm một phần vào mối quan hệ nối kết giữa Singapore và Malay. Trước cuộc Chiến tranh Thái bình dương, Singapore là một xã hội đa dân tộc, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo được cai trị bởi quyền lực của người Anh. Sự kiểm soát về xã hội được duy trì không phải chỉ nhờ hệ thống cảnh sát và tòa án mà còn nhờ vào những người đứng đầu về kinh doanh và những tộc trưởng người Hoa ủng hộ nước Anh và những người lãnh đạo giàu có trong cộng đồng người Ấn. Đó chính là phần cốt lõi của đế quốc Anh, là tài sản thương mại quan trọng nhất của miền Đông Ấn Độ và từ thập niên 1920 là căn cứ hải quân chủ lực bảo vệ quyền lợi của nước Anh ở vùng Đông Nam Á và là lá chắn phòng ngự cho Úc và New Zealand.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2112-02-633492306529843750/Lich-su/Thoi-ky-thuoc-dia.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận