ĐỊA LÝ
Đất nước Singapore bao gồm một hòn đảo chính và trên dưới 60 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở cực Nam của bán đảo Malaysia. Thủ đô của nước này, cũng với tên gọi là Singapore, chiếm một phần ba diện tích hòn đảo chính. Trong số những đảo nhỏ, ba hòn đảo Pulau Tekong, Pukau Ubin và Sentosa có diện tích lớn nhất.
Tọa độ:
- Vĩ độ: từ 10 09’ Bắc đến 10 29’ Bắc
- Kinh độ: từ 1040 36’ Đông đến 1040 24’ Đông
Với vĩ độ đó, Singapore chỉ cách đường Xích đạo khoảng 137 km về phía Bắc.
Đảo chính có chiều ngang từ Đông sang Tây là 42 km và chiều dài từ Bắc xuống Nam là 23 km.
Tổng diện tích của Singapore là 692,7 km2, trong đó diện tích đất là 682,7 km2 với chiều dài bờ biển khoảng 150,5 km.
Lãnh thổ của Singapore được ngăn cách với bán đảo Malaysia bởi eo biển Johor. Ở phía Nam là eo biển Singapore, eo biển này giáp với biển Đông về phía Đông và giáp với vịnh Malacca và Ấn Độ Dương về phía Tây. Những nước láng giềng kế cận của Singapore là Malaysia, Brunei Darussalam và Indonesia.
Hòn đảo chính của Singapore khá bằng phẳng, với vài vùng đất cao ở khu vực trung tâm. Độ cao tối đa của Singapore là 166 mét, ở vùng đồi Bukit Timah. Trước kia đảo này toàn là rừng rậm và đầm lầy, nhưng đến nay hầu hết đã được giải toả với những chương trình phát triển đô thị ở đây. Đất ở các công viên và các khu bảo tồn chiếm khoảng hơn 4% tổng diện tích đất của Singapore. Gần nửa diện tích đất đai ở đây đã được giữ lại cho việc bảo vệ rừng và các khu cấm xây dựng. Gần một nửa khác dành cho khu dân cư, thương mại và công nghiệp. Chỉ có chưa đầy 2% đất đai ở đây được dành cho nông nghiệp.
Đảo chính của Singapore có nhiều bãi biển, cả thiên nhiên lẫn nhân tạo, một số rừng, đước và một dải bờ biển hình thành từ vách đá. Dạng rừng mưa nhiệt đới ở đây thích hợp cho cây đước. Đa số vùng rừng ở Singapore là rừng đất khô, có cây xanh quanh năm, điển hình là ở khu bảo tồn thiên nhiên Bukit Timah. Rừng đất khô còn hiện diện ở vùng bờ biển, cụ thể là bờ biển Labrador và những hòn đảo nhỏ ở phía Nam. Rừng đất ẩm ở đây có rừng đước, rừng nước lợ, rừng nước ngọt và rừng đầm lầy. Trong tất cả những dạng này chỉ có rừng đước là chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước biển. Những vùng bờ biển được che khuất tạo điều kiện cho đất cát và trầm tích tụ lại, từ đó hình thành những rừng đước, là loại cây rừng tiêu biểu ở đây.
Vào thời kỳ sơ khai của Singapore khoảng đầu thế kỷ thứ 19, rừng bao phủ hầu hết diện tích của đảo chính. Đến nay chỉ còn khoảng 28 km2 lãnh thổ là còn rừng nguyên sinh và rừng cấp hai, với tỉ lệ rừng nguyên sinh chỉ khoảng 2% tổng diện tích đất đai của Singapore.
Trong số trên 50 hòn đảo của Singapore có những đảo lớn như Sentosa, đã trở thành khu giải trí và nghỉ mát với rất nhiều những loại hình trò chơi và hoạt động về nước.
Ngoài ra có một số đảo đáng chú ý:
Đảo Kusu với cư dân sống ở đây gồm những người theo đạo Hồi và đạo Lão. Có một truyền thuyết gắn với cả hai tôn giáo này về sự tích của một tảng đá trên đảo. Một con rùa khổng lồ đã tự biến thành tảng đá lớn để cứu hai chiếc tàu bị đấm, một của người Malay và một của người Hoa. Những tín đồ đạo Lão ở đây đều hành hương đến chùa Tua Pekong vào tháng 9 âm lịch, trong khi người Hồi giáo thì đến Kramat Kusu, một đền thờ của đạo Hồi. Từ những bãi biển hay đỉnh đồi trên đảo Kusu người ta có thể ngắm nhìn quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Nước trong vịnh nhỏ ngoài đảo đủ ấm để làm nơi bơi lội lý tưởng.
Đảo Pulau Ubin ở ngoài khơi phía Đông Bắc bờ biển Singapore, diện tích 1019 heta. Đảo có hình dáng như cái bu-mơ-rang với chiều dài 8 km và chiều ngang từ 1,3 đến 1,7 km. Thực tế, đây là một nhóm đá granit trồi lên khỏi mặt biển với chỗ cao nhất là 75 mét (đồi Puaka).
Hòn đảo bao phủ bởi những ngọn đồi thấp này đã được phát triển thành một công viên với những đường mòn, nhà nghỉ tạm và những tiện nghi cơ bản khác. Hầu hết môi trường thiên nhiên ở đây được bảo tồn để khách đến viếng có thể thưởng thức bầu không khí trong lành nguyên sơ của làng mạc thôn dã với những mỏ đá granit, những đồn điền trồng dừa và cao su, những bãi đước, những hồ nuôi tôm cá và những căn nhà gỗ truyền thống của người đánh cá.
Pulau Ubin còn giữ được những tiêu bản tự nhiên về thực vật chim chóc và côn trùng trong các khu rừng núi và bãi đước. Hòn đảo này là nơi thích hợp cho các hoạt động leo núi, đi xe đạp thể thao và cắm trại.
Đảo St John's trước kia được gọi là Pulau Sekijang Bendara có diện tích 39 hecta, cách 6,5 km về phía Nam của đảo chính Singapore. Trên đảo có rất nhiều loài động, thực vật. Hiện nay Học viện Khoa học Hải dương Nhiệt đới đang đặt tại đảo này. Ở đây có bãi cát và khu vịnh nhỏ nước trong xanh êm đềm.
Ngoài ra còn có những đảo nhỏ phong cảnh thơ mộng gắn liền với những truyền thuyết thú vị như đảo Pulau Hantu hay hòn đảo đôi Sisters.
Với diện tích rất nhỏ, ít đất đai cho môi trường thiên nhiên nên phần đất để phát triển đô thị và khu dân cư chiếm một tỉ lệ cao. Diện tích dành cho nông nghiệp rất ít và các hoạt động của người dân Singapore đa phần tập trung ở thành phố. Với nguồn gốc đa dân tộc của người dân ở đây, trong thành phố Singapore chia ra những khu vực riêng cho từng sắc dân, mỗi khu vực có những sắc thái đặc trưng của nó.
Khu Hoa kiều (Chinatown) hình thành từ năm 1819, khi nhóm người Hoa đầu tiên di dân sang đây. Những người này đã định cư quanh khu vực phía Nam của dòng sông Singapore, ngày nay gọi là Telok Ayer. Nguồn nước ngọt rất hiếm hoi, chỉ lấy được từ vài giếng nước ở đồi Ann Siang và đường Spring. Mỗi hộ gia đình lúc đó phải đi lấy nước và chuyên chở về bằng xe bò, do đó có tên gọi địa phương của phố Hoa kiều là Ngưu Xa Thủy (nước xe bò). Ngày nay quang cảnh của phố Hoa kiều là những ngôi nhà được giữ gìn qua nhiều năm tháng và những sắc thái tương phản phức tạp. Một phần trong phố Hoa kiều này lại không phải của người Hoa, chẳng hạn như có những nhà thờ Hindu và Hồi giáo được xây dựng ngay từ trước khi người Hoa chiếm ưu thế ở khu này. Ở đây có rất nhiều chùa và cửa hiệu. Khu phố Hoa kiều được chia thành 4 quận: Kreta Ayer, Telok Ayer, Tanjong Pagar và Bukit Pasoh. Mỗi quận đều có những màu sắc đặc trưng riêng của nó. Trung tâm của khu này là các đường Trengganu và Smith.
Khu Tiểu Ấn Độ (Little India) kéo dài từ kênh đào Rochor đến đường Lavender, xưa kia là nơi của những vườn rau, vườn chuối. Những người Ấn đầu tiên đến đây là những người lúnh hay hầu cận cho Stamford Raffles, cũng từ năm 1819. Đến năm 1843 gần khu Tiểu Ấn Độ mở ra những trại chăn nuôi gia súc và những cuộc đua ngựa, từ đó làn sóng người Ấn nhập cư đến đây gia tăng, biến nơi này trở thành một trung tâm thương mại phồn thịnh của cộng đồng Ấn Độ tại thành phố Singapore. Ngày nay khu Tiểu Ấn Độ là một trung tâm sầm uất với các hiệu buôn gia vị, tơ lụa và đồ trang sức.
Singapore có vài con sông và một số dòng suối ngắn. Sông Singapore từ trước đến nay vẫn là một trung tâm định cư của người Singapore do vai trò quan trọng về mậu dịch của nó. Trên những con sông khác, như sông Kalang và các nhánh của nó, người ta xây dựng các đập nước để tạo những hồ chứa nước nhân tạo (nước sinh hoạt ở đây khá hiếm hoi).
Với vị trí rất gần đường Xích đạo, Singapore có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ quanh năm ít thay đổi với con số trung bình là 26.80C. Nhiệt độ trung bình cao vào khoảng 320C và trung bình thấp vào khoảng 240C. Trường hợp lạnh nhất từ trước đến nay ở Singapore được ghi nhận với nhiệt độ 20,50C.
Nhiệt độ theo từng qúy trong năm thay đổi như sau:
Tháng Cao nhất Thấp nhất
1 – 3 31,10C 22,80C
4 – 6 32,20C 23,90C
7 – 9 31,10C 22,80C
10 – 12 31,10C 22,80C
Với những số liệu đó, người ta có thể kết luận rằng khí hậu ở đây rất ôn hòa. Tháng 5 và tháng 6 là thời gian ấm nhất ở đây và lạnh nhất là tháng 12 và tháng Giêng. Mùa lạnh ở đây lại có nhiều mưa.
Singapore không có bốn mùa như các nước xa đường Xích đạo. Thời tiết ở đây quanh năm hầu như không thay đổi với lượng mưa khá nhiều. Hầu hết những cơn mưa rơi vào thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Trong đợt gió mùa Tây Nam kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 thường có những cơn mưa nặng hạt nhưng rất ngắn. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đầy là 2.400 mm. Giông bão ở đây thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 10. Độ ẩm trung bình vào ban ngày là 84% và ban đêm là trên 90%. Độ ẩm này ở vào mức đủ làm cho người châu Âu kinh ngạc. Có những câu chuyện truyền miệng kể rằng có những hãng sản xuất ô tô phải cử kỹ sư đến Singapore để đo đạc độ ẩm tại đây, và những tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất xe cho Singapore phải được điều chỉnh hàng tuần hoặc hàng tháng để tránh tình trạng xe của họ nhanh chóng bị rỉ sét.
Mặc dù nhiều loại thực vật nguyên thủy ở đây đã bị đốn hết để phát triển đô thị, những loại cây cối tương tự sau này đã được nhập vào từ các nước lân cận. Động vật ở đây phổ biến là các loài bò sát, từ loại thằn lằn nhỏ sống trong nhà đến những loại thằn lằn lớn ngoài đồng cùng với nhiều loài rắn khác nhau. Ở đây có hơn 40 loại rắn, nhưng rất ít rắn độc. Cuối năm 1996 các vườn bách thú ở Singapore đã tiến hành một chương trình đưa các loại động vật nguyên thủy vào những khu bảo tồn thiên nhiên. Các giống quý hiếm và có nguy cơ diệt chủng như một số loại hươu, mèo rừng và rái cá đã nằm trong danh sách của chương trình này.
Với sự phát triển và công nghiệp hóa như hiện nay, tỉ lệ đất của Singapore được phân bổ như sau: 49,7% đất xây dựng, 1,7% đất trồng trọt, 4,4% rừng, 2,4% đất đầm lầy và bị tác động bởi thủy triều và 41,9% phần còn lại bao gồm các hồ dự trữ nước, nghĩa trang, công viên, v.v... Với mật độ dân số là 5.354 người/ km2, cao thứ ba trên thế giới, áp lực về đất đai là khá lớn đối với đất nước này. (Số liệu năm 200l)
Môi trường sống ở các cửa sông và bờ biển đã bị tác động nghiêm trọng bởi việc xây đắp các hồ chứa nước và việc khai hoang đất đai. Trong vòng từ 1972 đến 1984 đã có 6 hồ chứa nước được hình thành. Từ năm 1960 đến nay, việc khai hoang đã làm tăng khoảng một phần mười diện tích đất và đã làm thay đổi hầu hết vùng bờ biển phía Nam và phía Đông Bắc. Riêng rừng đước đã giảm từ khoảng 13% tổng diện tích năm 1820 xuống còn 0,5%. Ngày nay rừng đước không còn tham gia vào việc cân đối hệ sinh thái ở đây nữa. Nhiều loại động vật như hổ, cá sấu đã biển mất trong những khu rừng loại này. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là vào những năm 1990 các nhà khoa học địa phương cũng như nước ngoài đã phát hiện một số loài động vật mới trong một khu rừng đước rất nhỏ còn sót lại ở phía Tây Bắc.
Vùng rừng mưa nhiệt đới của Singapore có khoảng 8.000 tiêu mẫu thực vật, trong đó khoảng 2.500 mẫu là cây thân mộc. Trong các loài động vật, ngoài các loài bò sát khá phổ biến ở đây, chim là loài khá phong phú về chủng loại với trên 100 tiêu mẫu.