TÂY AN – PHONG CẢNH ĐẦY DIỄM LỆ
Tây An thuộc Tỉnh Thiểm Tây, ở vào giữa bình nguyên trung bộ Trung Quốc, là một vùng văn hoá nổi tiếng được hình thành cách đây chừng ba ngàn năm. Tên cũ của nó là Hàm Dương, Trường An. Chế độ nô lệ và các vương triều phong kiến đã để lại nhiều văn vật đồ sộ, được gọi là Viện bảo tàng lịch sử lập thể của Trung Quốc. Các điểm tham quan du lịch chủ yếu của Tây An thật vô cùng phong phú và độc đáo. Năm 1990, khách du lịch Quốc tế đến Tây An là trên 360.000 người.
Khách đến thăm chủ yếu là Bảo tàng Bán Ba ở phía Đông ngoại vi Tây An. Nơi đây bảo tồn một cách hoàn chỉnh các di tích di chỉ còn sót lại của Công xã thị tộc mẫu hệ cách đây sáu ngàn năm. Công viên Hưng Khánh là một bộ phận của Cung điện Hưng Khánh - trung tâm hoạt động chính trị văn hoá đời Đường Huyền Tông. Đây cũng là nơi Dương Quý Phi, người đẹp nát đá tan vàng, một trong tứ sắc ngàn đời của Trung Quốc đã từng sống. Về phía Bắc một chút là Chùa Thanh Long. Chùa được xây dựng vào đời thứ hai của nhà Tùy. Một nhà sư Nhật Bản là KuKai đã ở đây và truyền bá Đạo Phật vào Nhật Bản. Viện Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây được xếp vào cỡ Quốc gia chi bảo.
Đó là một viện bảo tàng tầm cỡ và hiện đại nhất Châu Á với 11 vạn văn vật quan trọng. Hệ thống tuyến trình bày triển lãm dài tới 1.500 mét, không ngày nào không đón tiếp trên 4.000 lượt người đến thăm. Rừng bia Tây Nam nằm ở Phố Tam Học nội Thành Tây An được xây dựng từ đời Bắc Tống. Đây cũng là viện bảo tàng nghệ thuật khắc đá cổ lớn nhất Trung Quốc. Nó cũng là kho báu về nghệ thuật thư pháp, bảo tồn được hơn 2.300 bia của các thời đại. Ngoài ra còn có 114 bia đá hợp thành bộ kinh bằng đá có khắc hơn 10 bộ sách cổ chừng 65 vạn chữ. Đó là bộ sách bằng đá lớn nhất Thế giới hiện nay. Tháp Đại Nhạn nằm trong Chùa Tư Ân phía Nam thành phố. Tháp được xây dựng vào năm thứ ba đời Đường Cao Tông. Tháp cao 7 tầng với 64 mét được coi là kiệt tác hùng vĩ của nền kiến trúc cổ Trung Quốc. Tháp Đại Nhạn nằm trong Chùa Thiên Phú ở phía nam thành phố còn ghi rõ là được xây dựng từ thời Đường Trung Tông. Nơi đây còn lưu giữ lại được 13 bậc rêu phong với chiều cao 43 mét hoành tráng mà mơ màng. Lầu chuông nằm ở khu vực trung tâm thành phố Tây An xây dựng vào đời Minh Thái Tổ Hồng Vũ năm thứ 17. Lầu cao 34 mét. Qua lầu chuông, khách thấy choáng ngợp và hiểu biết thế nào là lầu hồng gác tía nguy nga mà bay bổng, huy hoàng mà lộng lẫy. Trường Thành Tây An có chu vi dài 13,7 km, cao 12m, rộng 12-18m. Bức tường thành hùng vĩ này được bảo quản hoàn chỉnh.
Lăng Tần Thủy Hoàng và Bảo tàng tượng các binh mã thời Tần nằm ở Huyện Lâm Đồng phía Đông thành phố năm cây số, chiếm 12 vạn mét vuông. Tường đất cao 51 mét, thành quách dựng đứng, ở xa mười dặm đã có thể nhìn thấy. Phía Đông cửa lăng là một tổ hợp gồm ba lớp tượng binh mã bằng đất nung giống như người thật và ngựa thật cả về hình thức lẫn tầm cỡ. Tất cả xếp thành hàng ngũ như dàn thế trận liến lên phía trước. Khí thế rất sinh động. Vụ khai quật những tượng binh mã này được tiến hành vào những năm 70 của Thế kỷ XX làm chấn động cả Thế giới. Núi Ly Sơn ở thành Nam phía Đông Tây An cao 1250m. Phong cảnh trên núi vô cùng tráng lệ, được nằm trong Trường An bát cảnh. Những buổi hoàng hôn đẹp được gọi là hoàng hôn Ly Sơn. Phía chân núi có Đầm Hoa Thanh. Trong đầm có nguồn nước nóng là nơi người đẹp Dương Quý Phi tắm và xông hơi. Hình thức tắm hơi đơn giản đã xuất hiện từ thời này. Cung Hoa Thanh ngày xưa còn giữ lại được từ đời Đường. Chính nơi đây cũng là nơi diễn ra những câu chuyện tình lãng mạn giữa hai người tình của nhiều thời đại: Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Cũng lại chính ở đây, vào năm 1936, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành, hai vị anh hùng dân tộc đã dạy cho Tưởng Giới Thạch một bài học về binh pháp.
Lăng Hoàng đế trên đỉnh Kiều Sơn là nơi đặt di cốt các vị Hoàng đế được coi là tổ tiên của dân tộc Trung Hoa. Hàng năm, cứ vào dịp Thanh Minh, có nhiều người Trung Quốc ở khắp nơi trong nước cũng như những Hoa kiều ở nước ngoài ùn ùn kéo nhau về đây để tưởng niệm các vị Hoàng đế và tổ tiên. Nằm trong huyện Thủy Bình, cách Tây An khoảng 45 km về phía Tây là Lăng mộ Hán Vũ Đế. Ông được coi là vị Hoàng đế hùng tài, đại lược, là vị tướng tối cao có tài năng lớn, có sự sắc bén, khôn ngoan táo bạo, mưu lược về chính trị cũng như về quân sự. Cách đó chừng 1000m là mộ của một vị tướng nổi tiếng đời Hán. Phía trước mộ có dựng lên nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng đá được gọi là những bài thơ viết trên đá. Lăng Chiêu nằm trên Núi Cửu Trùng là nơi chôn cất Vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân). Lăng mộ gồm 167 ngôi mộ nhỏ và sáu con tuấn mã bằng đá tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh là cao siêu.
Càn Lăng ở trên Núi Lương Sơn thuộc Huyện Càn ở phía Tây An cũng là tổng hợp của các lăng mộ Lý Trị, Vua Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên. Xung quanh lăng có 61 bức tượng binh lính trong cung Vua rất nổi tiếng. Nơi đây đã khai quật được lăng mộ của Công chúa Vĩnh Thái, Hoàng tử Trung Hoa và Ý Đức cùng những bích họa vô giá.
Thái Bạch Sơn nằm trong Huyện Châu Chí là ngọn núi chính của dãy Tần Lĩnh cao nhất Đông Nam Á. Đây cũng là nơi sinh sống của những loài động vật được coi là Quốc gia chi bảo. Thảm thực vật ở đây hội tụ các thảm thực vật của cả Hoa Bắc, Hoa Trung và Hoa Nam. Trên đỉnh núi có hồ nước trong như gương. Khách nước ngoài lên núi ngắm cảnh nơi đây cũng đã thoả mãn cho một chuyến đi. Mỗi ngày, khách nước ngoài lên núi ngắm cảnh có tới hàng vạn người.
Lầu Quan ở phía Bắc Tần Lĩnh còn nhiều dấu tích cho biết rõ, Lão Tử đã lấy nơi đây là nơi tu luyện Đạo giáo. Nơi đây tập trung một quần thể các đền, đài, lầu, các, cung điện, đình, tháp, động, hồ, đầm suối... Núi cao, rừng sâu lộng lẫy, hoành tráng, yên tĩnh, thanh cao, vừa có vị Thiền, vị Đạo, vị Pháp...
Đặc biệt là Cung A Phòng vẫn còn giữ được những con đường hoa, những phòng, các, nhung lụa, chăn gối, phấn son của người đẹp ngàn xưa. Trong bầu không khí bâng khuâng, ngẩn ngơ màu cổ tích, khách Việt Nam chợt nhớ đến mấy vần thơ của Xuân Diệu viết về Cung A Phòng:
Cung nhà Tần trùng điệp mái lâm ly
Hán Cao Tổ đốt chín ngày mới hết
Tần cung nữ hơn ba ngàn, chẳng biết
Gót sen vàng, liễu yếu chạy nơi đâu?
Anh bạn Trung Quốc nói nhỏ với tôi: Tây An của chúng tôi gắn liền với nhiều nhân vật huyền thoại của lịch sử bề bộn, gắn liền với Dương Quý Phi là một trong bốn quốc sắc của chúng tôi. Tây An cũng là quốc sắc của chúng tôi...