Tài liệu: Tại sao cũng cần kiểm soát giao thông trên không?

Tài liệu
Tại sao cũng cần kiểm soát giao thông trên không?

Nội dung

TẠI SAO CŨNG CẦN KIỂM SOÁT GIAO THÔNG TRÊN KHÔNG?

 

Chúng ta đều biết, giao thông đường bộ phải chịu sự quản lý và ràng buộc của rất nhiều các quy tắc giao thông, đó là để bảo đảm cho giao thông được thông suất và an toàn. Vậy thì trên không trung rộng lớn không ranh giới, có nên kiểm soát và quản lí các tuyến bay hay không?

Năm 1903, chiếc máy bay đầu tiên đã cất cánh lên bầu trời, nhưng mãi đến năm 1918 mới bắt đầu có vận tải đường không theo định kỳ. Sau đó, trong một thời gian dài vẫn chưa có sự kiểm soát giao thông đường không, máy bay bay trên bầu trời mà không theo một tuyến đường bay cố định nào, bay một cách rất tự do và không tuân theo một trật tự nào. Cùng với sự phát triển của vận tải hàng không, giao thông đường hàng không cũng trở nên này càng tấp nập và nhộn nhịp. Mức độ chuyên chở khách ngày càng lớn, số lượt bay ngày càng nhiều, tốc độ bay cũng ngày càng cao. Đặc biệt là ở sân bay, trên mặt đường băng chật hẹp trong mỗi giờ đồng hồ có đến mấy chục chiếc máy bay cất cánh, nếu không có sự chỉ huy và kiểm soát một cách nghiêm khắc theo những quy tắc bắt buộc thì giao thông trên không sẽ rất hỗn loạn. Mà việc máy bay bay trên bầu trời không theo một trật tự nào hết không những sẽ gây ra rất nhiều các tai nạn giao thông trên không mà còn làm cho các chuyến bay rất khó cất cánh và hạ cánh đúng giờ, ảnh hưởng đến hiệu quả của chuyến bay. Để đảm bảo sự an toàn cho các chuyến bay và để cho giao thông trên không được thông suốt và có trật tự, để nâng cao hiệu quả của những chuyến bay, việc xây dựng hệ thống kiểm soát giao thông trên không đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết trong sự nghiệp phát triển dịch vụ hàng không của mỗi quốc gia.

Kiểm soát giao thông trên không tức là sự kiểm soát và quản lý hoạt động bay trên không trung, thông thường phải xây dựng các trung tâm kiểm soát giao thông trên không, phòng kiểm soát trên mặt đất và đài chỉ huy kiểm soát sân bay. Trung tâm kiểm soát giao thông trên không chịu trách nhiệm kiểm soát đường bay và khu vực bay. Phòng quản lý tiến gần phụ trách tiến hành quản chế các máy bay bay đến gần sân bay, rời khỏi sân bay và bay qua khu vực quản chế cuối cùng, phạm vi của nó thường ở khu vực trung tâm của sân bay có bán kính từ 50 ~ 100km, nhưng không kiểm soát khu vực của đài chỉ huy kiểm soát sân bay. Đài chỉ huy này chịu trách nhiệm kiểm soát việc cất cánh, bay và hạ cánh của các máy bay trong phạm vi sân bay.

Việc kiểm soát giao thông trên không được các kiểm soát viên chuyên ngành đảm nhiệm. Thông qua những thông tin về độ cao hay vị trí của máy bay, trong phạm vi kiểm soát của mình họ chia không gian theo chiều vuông góc, chiều dọc hay góc lệch cần thiết để kiểm soát, quản lí giao thông trên không, sắp xếp đường bay cho các máy bay. Hiện nay, phương pháp kiểm soát chủ yếu có hai cách là kiểm soát theo lộ trình và kiểm soát bằng rađa. Kiểm soát theo lộ trình bằng việc sử dụng các thiết bị chỉ huy hàng không như: Vô tuyến điện để xác định đường bay hay kiểm soát tuyến bay trong khu vực. Trước khi cất cánh, các phi công đều phải giao nộp bản lộ trình của chuyến bay đó cho bộ phận kiểm soát giao thông trên không. Kiểm soát viên dựa vào bản lộ trình này, kết hợp với tình hình trên không lúc đó, phát lệnh cho phép phi công bay và một số chỉ thị có liên quan.

Trong khi bay, phi công dùng vô tuyến điện để báo cáo với kiểm soát viên độ cao và vị trí của máy bay. Khi phát hiện khoảng cách trên không giữa các máy bay nhỏ hơn mức cho phép, kiểm soát viên lập tức chỉ thị cho máy bay phải thay đổi độ cao, hoặc chỉ huy máy bay lượn vòng tròn để chờ vào tại thời điểm đó. Trên sân bay vào thời điểm nhiều máy bay cùng lúc hạ cánh, đặc biệt là khi thời tiết xấu, để các máy bay có thể lần lượt hạ cánh an toàn, người ta thường sử dụng cách cho máy bay hạ cánh lần lượt. Nhưng phương pháp kiểm soát như thế này rất chậm, độ chính xác thấp, cho nên để tránh sự va chạm giữa các máy bay, các quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các máy bay là tương đối lớn, vì vậy trong một không gian nhất định lượng, giao thông có thể dung nạp là rất ít.

Sau khi người ta áp dụng phương pháp dùng rađa vào công việc kiểm soát các chuyến bay trên không, các kiểm soát viên có thể biết được chính xác vị trí của máy bay trong phạm vi rađa phủ sóng thuộc khu vực kiểm soát của mình, do đó khoảng cách tối thiểu cho phép giữa các máy bay đã được rút ngắn đi rất nhiều, từ đó mà gia tăng lượng giao thông lưu hành trong một không gian nhất định. Đó chính là phương pháp kiểm soát bằng rađa. Đặc biệt là sau khi sử dụng hai rađa, một máy đặt dưới mặt đất và một máy đặt ở trên máy bay, hai rađa này bắt đầu hoạt động khi máy bay cất cánh. Khi rađa dưới mặt đất phát tín hiệu vô tuyến điện đến máy trả lời đặt trên máy bay, kiểm soát viên có thể biết được vị trí cụ thể của máy bay thông qua màn hình rađa. Điều này làm cho các kiểm soát viên có đầy đủ thời gian để điều chỉnh khoảng cách không gian giữa các máy bay, đảm bảo cho các chuyến bay an toàn.

Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, kiểm soát giao thông trên không đã phát triển đến mức độ cao là dùng vệ tinh để kiểm soát giao thông trên không. Hệ thống kiểm soát trên không lấy vệ tinh là trung tâm, cùng với mạng rađa và mạng lưới vi tính đã được sử dụng để kiểm soát giao thông trên không ở một số nước Châu Âu và nước Mỹ. Hệ thống này đang dần cho phép phi công tự chọn đường bay của mình, do hệ thống chỉ đạo đường bay qua vệ tinh đã chỉ đạo đường bay cho các chuyến bay, nên nhiệm vụ của các kiểm soát viên ở tháp chỉ huy chỉ là đề phòng khi sự cố xảy ra. Dự kiến vào thế kỷ 21, vệ tinh hoá hệ thống kiểm soát giao thông trên không sẽ trở thành một cuộc cải cách lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không thế giới.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/210-26-633369390311718750/Khoa-hoc-cong-trinh/Tai-sao-cung-can-kiem-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận