VÌ SAO PHẢI PHÁT TRIỂN PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI CONTAINER?
Trên những con đường của các thành phố hiện đại, bạn có thể thường xuyên gặp những xe vận tải cỡ lớn, đằng sau kéo theo những hòm sắt lớn hình chữ nhật. Trên các bến tàu, những chiếc hòm như thế được xếp đè lên nhau chật cứng, được những chiếc cần cẩu khổng lồ cẩu lên những xe hàng lớn.
Những chiếc hòm sắt rất to này được gọi là container. Vỏ ngoài của nó làm bằng thép, chuyên dùng để chứa những loại hàng hoá dễ vỡ hoặc dễ biến dạng trong quá trình vận chuyển. Kích thước của container được thống nhất trên toàn thế giới, thông thường dài 6,096, rộng và cao là 2,438m. Kích thước này được phổ biến rộng rãi sớm nhất trong ngành vận tải container của Mỹ vì độ rộng lớn nhất cho phép của các xe vận tải là 2,438m. Kích thước này sau đó đã được các nước khác áp dụng. Ngoài tiêu chuẩn kích thước này ra, còn có loại container siêu lớn với kích thước chiều dài 9,14m, chiều rộng và cao là 12,2m.
Sự xuất hiện của container đã nâng cao hiệu suất vận tải hàng hoá, từ đó đã mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn. Theo thống kê, nếu đem so sánh trọng tải giữa tàu chở container và tàu chở hàng thông thường, thì khả năng vận chuyển mỗi năm của tàu chở container lớn gấp 6 lần. Trong điều kiện bình thường, một container mất 3 phút để được chuyển lên tàu, mỗi container tiêu chuẩn chứa được từ 20 đến 30 tấn hàng, như vậy mỗi giờ có thể bốc dỡ được 400 ~ 600 tấn hàng; Còn nếu dùng phương pháp bốc xếp truyền thống thì mỗi giờ chỉ có thể bốc xếp được chừng 35 tấn hàng, sự khác biệt giữa hai phương thức vận chuyến vô cùng rõ rệt. Năm 1956, một tàu chở dầu container của Mỹ chỉ đi mất 3 tháng có thể làm cho mức phí vận chuyển ước chừng khoảng 6 USD/tấn giảm xuống còn 1,5USD/tấn. Từ đó, phương thức vận tải bằng container đã được mọi người đặc biệt quan tâm và nó bắt đầu được phát triển với tốc độ nhanh trên phạm vi toàn cầu.
Đầu thế kỷ 19, đã có người nghĩ tới phương thức dùng container để nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hoá, nhưng ý tưởng này chỉ tới những năm 50 của thế kỷ 20 mới được thực hiện. Tại sao lại như thế? Lý do để phát triển phương thức vận chuyển này sẽ phải kéo theo việc chuẩn bị và lắp đặt rất nhiều thiết bị liên quan, ví dụ như phải có xe chuyên dụng cỡ lớn chịu được trọng tải của container, sau khi container được chuyển tới cảng thì phải có địa điểm rộng rãi và kiên cố làm bãi tập kết, còn yêu cầu phải có cần cẩu chuyên dụng. Tàu vận tải container chuyên dụng không giống các tàu chở hàng thông thường, thân tàu phải thật rộng rãi, kích thước của hông tàu cũng phải phù hợp với việc bố trí các container, rất nhiều tàu chở container còn phải thiết kế để có lợi cho việc mở rộng hay thu hẹp khoang tàu cũng như lắp đặt cần cẩu... Có thể thấy rằng, vận tải container phải có cơ sở là công nghiệp ôtô, công nghiệp cần cẩu và công nghiệp đóng tàu thì mới có thể từng bước phát triển được. Tuy nhiên ngành vận tải container cần sự đầu tư rất lớn, yêu cầu phải có những thiết bị chuyên dụng và mạng lưới vận tải tiên tiến với quy mô lớn.
Vận tải container thích hợp với việc vận tải hàng hoá ở những khoảng cách xa, đặc biệt là vận chuyển hàng hoá xuyên châu lục. Do vậy, vận tải đường biển là phương thức chủ yếu của loại hình vận tải này, thông qua việc tổ chức những đội tàu chuyên dụng vận chuyển container để thực hiện việc thông thương trên phạm vi toàn thế giới.