TÀU CHỞ DẦU CÓ NHỮNG ƯU NHƯỢC ĐIỂM GÌ?
Nói đến thuyền bè, mọi người có thể trầm trồ thán phục những con tầu đồ sộ có trọng tải hàng vạn tấn. Tuy nhiên, vào những năm 60 của thế kỷ 20, ở khắp các vùng biển trên thế giới xuất hiện một loại tàu khổng lồ siêu lớn, siêu dài, so với nó những tàu có trọng tải hàng vạn tấn kia chẳng khác nào một chiếc ''thuyền ván nhỏ''. Cái vật khổng lồ trên mặt biển kia chính là tàu chở dầu siêu cấp.
Sự xuất hiện của tàu chở dầu siêu cấp là do sự gia tăng về nhu cầu dầu trên toàn thế giới và sự hưng thịnh của ngành vận tải đầu mỏ. Thời đó, dầu, mỏ là thứ nguyên liệu tối quan trọng được phát hiện và khai thác rộng rãi. Tuy nhiên, một lượng lớn dầu này bị bỏ phí do gặp phải trở ngại về vấn đề vận tải, vì vận tải đường sắt chỉ có thể tiến hành trên đường bộ mà giá thành của vận tải đường hàng không lại quá cao. Trước thập niên 60, việc vận chuyển dầu xuyên lục địa vẫn được giao cho các tàu chở dầu có trọng tải hàng vạn tấn. Đối mặt với những mâu thuẫn gay gắt giữa nhu cầu về dầu mỏ và chi phí cho việc vận tải, người ta phát hiện ra rằng, đóng một tàu chở dầu siêu cấp, trọng tải khoảng hơn 20 vạn tấn rẻ hơn rất nhiều so với chi phí cho năm chiếc trọng tải 4 vạn tấn. Vậy là việc đóng tàu chở dầu siêu cấp là có căn cứ về kinh tế. Vào thập kỷ 60, Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới đóng con tàu chở dầu siêu cấp trọng tải 20 vạn tấn. Từ đó về sau, một số nước và tập đoàn tư bản có thực lực đã tham gia vào việc sản xuất và kinh doanh loại tàu này, và một người nổi tiếng được mệnh danh là vua tàu biển của Hi Lạp đã nhờ đó mà thu được những nguồn lợi khổng lồ.
Trọng tải tàu chở dầu được nâng lên là nền tảng để giảm chi phí vận tải. Theo thống kê, tàu chở dầu siêu cấp lớn nhất của Pháp có tải trọng 54 vạn tấn mang nhãn hiệu Batilisi có chi phí vận chuyển rẻ hơn 22% so với tàu chở dầu trọng tải 22 vạn tấn. Nhật Bản cũng không chịu thua kém, cải tạo tàu chở dầu 42 vạn tấn mang tên ''Người khổng lồ trên biển'' thành tàu chở dầu siêu cấp tải trọng 50,3 vạn tấn. Vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của tàu chở dầu siêu cấp, riêng loại tàu này đã chiếm trên 2/5 tổng số tàu vận chuyển hàng hoá, trong đó đa số là thực hiện việc vận chuyển dầu mỏ.
Trọng tải của loại tàu này cực lớn, do vậy việc bốc dỡ hàng hoá phải được thực hiện bởi hệ thống tự động hoá hiện đại. Hầu hết các tầu chở dầu siêu cấp đều trang bị hệ thống này. Khoang thuyền là bộ phận chiếm diện tích lớn nhất của thân tàu. Để đề phòng dầu dễ cháy và gây nguy hiểm do tàu lắc lư va đập mạnh trong quá trình di chuyển, khoang chứa hàng thường được cách ly riêng. Đương nhiên, không thể thiếu các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Biện pháp cách ly khoang chứa hàng còn có một ưu điểm nữa là ở chỗ nó phân biệt bốc dỡ các loại dầu với hình thức, chất lượng khác nhau.
Tàu chở dầu siêu cấp đã trải qua thời kỳ phát triển huy hoàng nhưng chính thân hình đồ sộ cũng mang lại cho nó không ít phiền toái. Chẳng hạn do loại tàu này chìm tương đối sâu trong nước nên không thể đi vào nhiều bến cảng mà thường phải thả neo ở vùng biển quốc tế, lại thêm một lượt trung chuyển qua tàu nhỏ, hàng hoá mới vào tới bến cảng. Có khi, tàu chở dầu siêu cấp đi vào những eo biển tương đối hẹp còn gây ra hiện tượng tắc nghẽn giao thông biển. Cùng với sự đa dạng hoá nguồn năng lượng toàn cầu và đề xướng trào lưu dùng năng lượng sạch, tầm quan trọng của dầu mỏ và tàu chở dầu siêu cấp cũng giảm đáng kể. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân mà nhiều lần xảy ra hiện tượng tàu bị rò dầu, khiến phát sinh mâu thuẫn với mong muốn bảo vệ môi trường của nhân loại. Do đó, sự phát triển của tàu chở dầu siêu cấp trong tương lai thật khó mà đoán định nổi.