TẠI SAO HỆ THỐNG ỐNG DẪN SẼ TRỞ THÀNH HÌNH THỨC
GIAO THÔNG VẬN TẢI QUAN TRỌNG TRONG TƯƠNG LAI?
Tàu bè vận chuyển bằng đường thủy, xe cộ vận chuyển trên đất liền, máy bay vận chuyển trên không, đây là ba loại hình vận tải đã rất quen thuộc với chúng ta, còn hệ thống vận tải bằng đường ống dẫn mới phát triển trong thời gian gần đây sẽ trở thành hình thức vận tải lớn thứ tư.
Hai nghìn năm trước, tại Trung Quốc người ta đã biết nối liền các các thân cây trúc với nhau để tạo thành đường ống dẫn nước, có thể nói đây là hệ thống ống dẫn cổ xưa nhất. Các hệ thống ống dẫn hiện đại bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 19, sớm nhất là các đường ống dẫn dầu. Sau này, các đường ống dẫn dầu ngầm dưới đất phát triển rất nhanh, đến thập niên 80 của thế kỷ 20, đường ống dẫn ngầm trong lòng đất trên toàn thế giới dài tới triệu kilômét, trong đó Trung Quốc có hơn 10000 kilômét đường ống ngầm.
Ống dẫn ngầm ngoài khả năng dẫn khí và chất lỏng ra còn có thế truyền dẫn các loại nguyên liệu khác như than đá, quặng. Sau nhiều lần nghiên cứu, các kĩ sư đã tiến hành nghiền than đá ra thành các hạt nhỏ li ti, trộn vào nước rồi đem vận chuyển, làm như thế than đá mới có thể đi qua được hệ thống ống dẫn và trạm bơm tăng áp. Con người còn chế tạo ra hệ thống ống dẫn vận chuyển hàng hóa sử dụng điện năng, hệ thống này đã giảm đáng kể áp lực mà ống dẫn phải chịu, tiết kiệm được một lượng lớn chi phí sửa chữa và xây dựng hệ thống ống dẫn. Ở Pháp người ta còn lắp đặt một xe điện loại nhỏ để chuyên chở bưu kiện trong hệ thống ống dẫn. Ngoài ra, còn có thể tận dụng một đặc điểm là áp suất trong hệ thống đường ống thấp, khiến cho hàng hóa có thể được vận chuyển nhanh chóng hơn.
Hiện nay, hệ thống ống dẫn phần lớn chỉ được áp đụng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá, làm thế nào để nó có thể phục vụ tốt cho giao thông vận tải. Đó là mục tiêu nghiên cứu quan trọng của các nhà khoa học. Thực ra, đường sắt là một loại xe chạy trong đường ống, và đường hầm dưới biển cũng là một hình thức của giao thông theo đường ống dẫn. Trên cơ sở đó, con người đang nghiên cứu để tìm ra ngày càng nhiều các phương thức giao thông theo hệ thống ống dẫn mới. Ví dụ như ở Nhật Bản, người ta đã nghĩ đến chuyện thay đổi vị trí của đường hàng không từ không trung xuống dưới lòng đất, xây dựng hệ thống ống dẫn để làm đường bay dưới lòng đất có đường kính mười mét, đồng thời sẽ do một loại máy bay chuyên ''bay trong lòng đất'' đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá. Các chuyên gia về đường hầm của Italia đã thiết kế ra một loại đường hầm với khái niệm hoàn toàn mới đó là ''đường hầm trôi nổi dưới nước'': Nó là một ống bê tông cốt thép rộng khoảng 42mét, cao 24 mét, lợi dụng sức nổi rất lớn của nước biển để giữ cho ống dẫn luôn ở độ sâu 30 mét dưới mặt nước, đồng thời dùng dây cáp to để cố định mỏ neo dưới biển để nó không nổi trên mặt biển. Trong đường hầm, hai ống dẫn cho xe ô tô và một tuyến đường sắt, tổng chiều dài là trên 3000 mét. Loại đường hầm trôi nổi dưới nước này có rất nhiều ưu điểm, nó bền chắc hơn nhiều so với những cầu dài vài nghìn mét. Do không phải chịu ảnh hưởng của bão ở eo biển, còn có thể ngăn chặn được sự tàn phá của những trận động đất mạnh, hơn nữa kinh phí xây dựng cũng rẻ hơn rất nhiều so với kinh phí xây dựng cầu.
Phát triển hệ thống giao thông vận tải ống dẫn có thể giảm bớt được những ảnh hưởng có hại của điều kiện khí hậu tự nhiên lên các công trình giao thông; Còn từ góc độ kỹ thuật thiết kế mà nói, điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành kiểm soát bằng phương pháp tự động hóa; Đặc biệt là nó cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, điều này rất phù hợp với các quy hoạch phát triển trong tương lai.