Tài liệu: Tại sao người ta lừa dối?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ngày nay, những kẻ gian lận dường như có mặt ở khắp mọi nơi, trong thể thao, kinh doanh, và trọng cả những tầng lớp cao nhất của chính phủ.
Tại sao người ta lừa dối?

Nội dung

Tại sao người ta lừa dối?

Ngày nay, những kẻ gian lận dường như có mặt ở khắp mọi nơi, trong thể thao, kinh doanh, và trọng cả những tầng lớp cao nhất của chính phủ.

Bạn có phải là kẻ lừa đảo? Tất nhiên bạn có thể khẳng định mình là một công dân trung thực nhất. Nhưng hãy nghĩ kỹ lại. Ở trường học, bạn có bao giờ copy tài liệu khi làm bài kiểm tra? Bạn có từng bịa thêm những thông tin hấp dẫn vào bản hồ sơ xin việc của mình? Bạn từng ghi sai lệch hóa đơn hay khao bạn bè bằng tiền cơ quan?

Nếu phạm phải những lỗi này, bạn không phải là người duy nhất. Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau - giáo dục, thể thao, luật... - đều khẳng định lừa dối đã trở thành một tệ nạn phổ biến và ngày càng được chấp nhận trong những năm gần đây.

“Chúng ta thấy các nhà khoa học lừa đảo, phóng viên lừa đảo, luật sư lừa đảo và chủ tịch tập đoàn cũng lừa đảo”, Charles Yesalis, giáo sư phát triển con người tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, phát biểu. Có vẻ như tất cả mọi người đều đang làm điều đó.

Nếu lừa dối đang ngày càng phổ biến, vấn đề đặt ra là tại sao việc lừa đảo ngày một dễ dàng hơn so với thời trước? Và gian lận có ảnh hưởng gì tới xã hội, gia đình và bản thân chúng ta?

Việc lừa dối đang ngày càng tồi tệ?

Một vài kiểu gian lận sẽ không thể tránh khỏi trong bất cứ nền văn hóa nào. Khi những người đầu tiên đặt ra các quy định sơ khai về hành vi đạo đức, thì không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện những kẻ tìm cách bẻ gãy các luật lệ đó. Nhưng mức độ lừa dối ở mỗi xã hội thì có thể tăng lên hoặc tụt xuống.

David Callahan, tác giả cuốn The Cheating Culture: Why More Americans Are Doing Wrong to Get Ahead, nhận định sự lừa đảo đang gia tăng. Rất khó để tìm ra con số cụ thể chứng minh việc dối trá đang phổ biến hơn trên diện rộng, bởi rốt cục, bạn có thể tin vào những cuộc khảo sát về người nói dối?

“Chắc chắn có sự gia tăng trong gian lận ở trường học”, Donald Mc Cabe, giáo sư Trường Kinh doanh Rutgers, phát biểu. Cuộc khảo sát của ông về sinh viên đại học đã cho thấy một số hình thức gian lận tăng khoảng 30-35% vào những năm 90.

Giáo sư Yesalis cũng nghiên cứu việc sử dụng chất kích thích ở vận động viên trong hơn 25 năm và nhận thấy vấn đề ngày càng tồi tệ. “Trong 20-30 năm qua, chúng ta cho rằng chỉ có một vài con sâu làm rầu nồi canh, nhưng trên thực tế, trong rất nhiều môn thể thao, chỉ có một vài con không phải là sâu”.

Còn vô số bằng chứng giai thoại khác. Chẳng hạn như Jack Kelly, phóng viên tờ USA Today, đã bịa ra những câu chuyện rợn tóc gáy để tô điểm cho các bài phóng sự giật gân. Lịch sứ gia David Ambrose khả kính thì bệ nguyên những đoạn viết của các tác giả khác vào công trình của mình. Còn Martha Stewart, Enron, và nhiều chính trị gia khác cũng đã lừa dối dân chúng.

Tại sao chúng ta lại gian lận?

Một số người lừa đảo để được nổi tiếng. Chẳng hạn như Rosie Ruiz, trong một thời gian ngắn đã trở thành người chiến thắng trong cuộc đua marathon năm 1980 ở Boston. Nhưng sau này người ta biết rằng cô không hề tham gia cuộc đua mà chỉ lẻn vào vài trăm mét cuối trước khi về đích.

Theo các chuyên gia, Ruiz không phải là trường hợp điển hình - hầu hết mọi người gian lận không phải để thu hút sự chú ý của dư luận, mà là để sống qua ngày. Đó là lý do vì sao một sinh viên đại học sao chép luận văn của người khác để lấy điểm B, chứ không cần A. Anh ta lừa dối không phải vì muốn giành vinh quang, mà chỉ để được lên lớp.

Callahan cho rằng chính nỗi ám ảnh làm giàu cùng với nỗi lo về sự bất ổn tài chính đã góp phần làm nạn gian lận lan tràn. “Những xã hội chú trọng việc làm giàu trong khi lại có ít hành lang để làm giàu một cách hợp pháp thường là những xã hội đầy rẫy sự lừa đảo”.

Sức ép bắt đầu ngay từ khi chúng ta còn trẻ. Với nhiều bậc phụ huynh, nếu không đưa được con vào học tại một trường mẫu giáo xịn, coi như tương lai của nó ảm đạm. Các học sinh trung học cũng bị thôi thúc phải tìm mọi cách len chân vào được giảng đường đại học. Họ chịu sức ép từ cha mẹ phải đạt điểm cao, phải chơi thể thao, tham gia hàng loạt hoạt động ngoại khóa, theo đuổi những sở thích độc đáo, hay chơi một loại nhạc cụ hiếm hoi để có thể nổi bật trong danh sách tuyển mộ.

“Với những người trẻ tuổi, sức ép lớn hơn bao giờ hết và cuộc cạnh tranh cũng khốc liệt tương tự. Nó làm cho việc gian lận ở trường học trở thành một lựa chọn đầy cám dỗ”, Callahan nhận định.

Sức ép này cũng không thoát đi khi người ta ra khỏi trường học. Dù đã có việc làm, nhiều người vẫn cảm thấy bất an về công việc và lo lắng về tương lai. Nếu phải gian lận một chút để tồn tại, nhiều người sẵn sàng thực hiện.

Tất cả mọi người đều làm điều đó

Callahan ví việc lừa dối cũng như bệnh truyền nhiễm. Càng nhiều người làm thì nó càng được chấp nhận. Càng được chấp nhận thì càng nhiều người thực hiện. “Nếu bạn ở trong môi trường mà việc lừa dối là điều bình thường, thì sẽ rất nhiều người theo đuôi”.

Thực tế, khi việc gian lận nhan nhản ở khắp mọi nơi, thì những ai trung thực lại bị coi là ngớ ngẩn. Nếu bạn tự bắn vào chân mình thì chỉ mình bạn chịu đựng, trong khi những người khác vẫn tiến bước. Với nhiều người, sống thật thà hoàn toàn vô nghĩa, nó cổ hủ như việc vứt máy tính đi và viết bằng bút lông.

Theo giáo sư Yesalis, điều này cũng đúng với những vận động viên bị ép buộc phải dùng chất kích thích. “Tôi cho rằng chỉ một số ít các vận động viên muốn dùng thuốc, nhưng ai cũng cho đó là một công cụ thương mại và họ không muốn phản bội lại lợi ích của tập thể”. Ngoài ra, không ai muốn là người đơn phương từ bỏ việc lạm dụng thuốc.

Và những mánh khóe này còn lan truyền xuồng cả con trẻ. Những đứa trẻ có cha mẹ lừa đảo cũng dễ dàng gian dối. Nếu những người ở vai trò lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng mà lừa dối, thì họ sẽ truyền một tín hiệu tới lớp trẻ rằng lừa đảo là hoàn toàn bình thường.

Lừa dối có ảnh hưởng gì tới chúng ta? Nhiều người cho rằng gian lận là một hình thức phạm tội không nạn nhân. Ai sẽ bị tổn thương chứ? Callahan cho rằng chính xã hội là một nạn nhân lớn nhất. Xã hội phát triển là dựa trên luật lệ và những người tuân theo luật lệ. Tại sao chúng ta dừng lại trước đèn đỏ tại một con đường vắng vào giữa đêm? Tại sao chúng ta không thó một thanh kẹo cao su khi biết rằng người thu ngân không để ý. Một phần là bởi chúng ta lo sợ có ai đó ngầm theo dõi. Nhưng một lý do khác là tất cả chúng ta đều đồng ý tuân theo những nguyên tắc của xã hội. Hành vi lừa đảo phá vỡ những nguyên tắc đó, và hậu quả của nó thì còn xa hơn thế.

“Lừa dối có hại bởi nó đi ngược lại trách nhiệm của bạn đối với cộng đồng. Nó làm cho các tiêu chuẩn của cộng đồng bị tan rã”, Mc Cabe nhận định.

Hãy thử tưởng tượng bạn được điều trị bởi một bác sĩ đang mang bằng cấp giả? Hoặc nhận thấy đội bóng quê nhà chiến thắng chỉ vì có sự trợ giúp của doping? Chúng ta đều sống dựa vào thực tế rằng mọi người - như bác sĩ và vận động viên - là những gì họ thể hiện, rằng họ xứng đáng với vị trí và danh hiệu đạt được.

Mặc dù có ít bằng chứng chắc chắn, một số chuyên gia cho rằng lừa dối khi còn trẻ sẽ tiếp tục khi về già. “Những người đi tắt về sớm trong những quãng đầu đời - chẳng hạn như gian lận ở trường - có thể đưa thói quen đó vào công sở”, Callahan nói.

Lừa dối cũng buộc bạn phải nói dối chính mình. Nhiều kẻ lừa đảo tự đưa ra những lý giải cho việc làm sai trái của mình. Chúng ta cho rằng chúng ta gian lận thuế là bởi mức thuế cao quá. Chúng ta biện hộ cho việc gian lận ở trường là bởi không có đủ thời gian để làm bài tập và sẽ nhanh hơn nếu copy. Chúng ta ăn cắp điện là bởi muốn phản đối thế độc quyền của nhà nước. Càng có nhiều lý do bào chữa cho hành vi của mình, chúng ta càng thỏa hiệp với sự vi phạm đạo đức ở bản thân.

Hãy mạnh dạn làm kẻ “dại khờ”

Rõ ràng là việc dối trá sẽ không bao giờ mất đi. Trong cuốn sách của mình, The Cheating Culture, Callahan đã nhắc tới hành vi gian lận phổ biến trong các kỳ Olympic cổ đại tại Hy Lạp 2.500 năm trước. Vì thế mà nếu Thế vạn hội mùa hè ở Athens có phát hiện ra những vận động viên gian lận mới, thì đó cũng là một phần truyền thống không mấy tốt đẹp của Olympic.

Việc đấu tranh chống lừa đảo trong xã hội cần tới những thay đổi sâu sắc, các chuyên gia nhận định. Mc Cabe tha thiết đề nghị các trường học nghiêm khắc ngăn chặn việc gian lận ở trưởng. Callahan cũng nhận định cấn phải tạo ra một xã hội công bằng hơn, nơi mà cơ hội cho người giàu và người nghèo là không quá khác biệt.

Ở mức độ cá nhân, Mc Cabe cho rằng mỗi người cần xem xét lại hành động của chính mình. Nhớ rằng còn nhiều thứ quan trọng hơn là việc lên lớp hay có tấm bằng hoàn hảo. “Nếu bạn có điểm B, trong khi mọi người khác đạt điểm A chỉ vì gian lận, thì đó là một điểm B xứng đáng”, Mc Cabe nói.

Callahan cũng đồng ý rằng cần phải bớt đi sức ép trong việc thành đạt. Các bậc phụ huynh cần nhận thức rằng cuộc sống không phải là một chuỗi những bằng cấp. Mọi người cần tìm ra con đường cho riêng mình và mỗi đứa trẻ không cần phải nhảy cóc để đảm bảo một cuộc sống an toàn sau này”.

(Theo MSN)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633945850124880000/The-gioi-dieu-ky/Tai-sao-nguoi-ta-lua-doi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận