Tài liệu: Thành phố Sigiriya

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thành phố Sigiriya của Sri Lanka nằm cạnh một khối núi đá hoa cương đỏ cao trên 18 m, nằm ở độ cao 370 m so với mặt nước biển.
Thành phố Sigiriya

Nội dung

Thành phố Sigiriya

Thành phố Sigiriya của Sri Lanka nằm cạnh một khối núi đá hoa cương đỏ cao trên 18 m, nằm ở độ cao 370 m so với mặt nước biển. Trên ngọn núi đá đó, vào thế kỷ V sau CN, nhà vua Kasyapa I đã cho xây dựng một cung điện lớn có thành luỹ bao quanh giống như một pháo đài vừng chãi, bất khả xâm phạm. Đường lên cung điện là một cầu thang đục khoét vào vách đá gồm hàng trăm bậc dẫn vào điện. Chân cầu thang bắt đầu từ một bức tường khổng lồ có dáng như con sư tử nằm ở chân khối đá. Bức tường khổng lồ này đến nay đã bị đổ nát, chỉ còn lại hai bàn chân trước của sư tử. Vì có con sư tử nằm ở chân khối đá, nên người ta gọi khối đá đó là “núi Sư Tử”, sau người ta gọi luôn thành phố nằm bên khối đá ấy là “thành phố Sư Tử”, tức là thành phố Sigiriya. Sau khi nhà vua Kasyapa chết, toà cung điện, cùng núi Sư Tử trả về cho nhà sư Phật giáo trước từng trụ trì ở đây. Lâu dần về sau cung điện bị bỏ hoang phế.

Quy mô khu phố cổ Sigiriya cùng với những bể nước trong lành của nó chiếm một diện tích khá rộng. Khu ở của các quý tộc ở phần thấp nhất của thành phố. Tại đây có những vườn treo tựa như vươn treo Babylon nhưng có quy mô nhỏ hơn, cùng với những di tích kiến trúc lâu đài, nhà cửa, đền chùa, đang được phát quang, chặt bỏ những cây che phủ.

Đặc biệt thành phố Sigiriya nổi tiếng với những bức hoạ được khắc sâu vào vách đá phía Tây nằm vào khoảng lưng chừng khối đá “núi Sư Tử”. Những bức tranh này thể hiện thân hình 21 phụ nữ duyên dáng nết na, được gọi là “những thiếu nữ của nhà Trời”. Vẻ đẹp của những bức tranh này có thể so sánh được với những bức tranh ở hang Ajanta của Ấn Độ. Vì những bức tranh này lộ thiên, quanh năm suốt tháng, luôn bị nắng mưa, gió bão tác động, do đó đang có nguy cơ bị phá huỷ. Vị vậy tổ chức UNESCO đã phát động một chương trình toàn diện: tiếp tục công tác khai quật khảo cổ, tiến hành công việc bảo tồn danh thắng và quản lý cảnh quan môi trường. Một số tranh đã bị hư hại bởi cơn bão lốc năm 1978, ngoài ra còn bị xói mòn và côn trùng tấn công. Hiện nay công tác bảo tồn tu sửa đang được tiến hành rất khẩn trương, và dùng nhiều biện pháp kỹ thuật để phục chế, sửa chữa như bơm chất nhựa vào các khe, lỗ đã bị côn trùng đục khoét. Những bức tranh này được Rhys Davis phát hiện vào năm 1975, khi nhìn vào kính thiên văn đang hướng vào ngọn “núi Sư Tử”, ông phát hiện ra tại sườn phía Tây có một hành lang dài ở chỗ chênh vênh mà con người khó lòng leo được. Và trên vách đá của hành lang đó có nhiều bức hoạ bốc lửa diễn tả các thiếu nữ kiều diễm tay lần mở những cánh hoa sen.

Về nguồn gốc của những bức hoạ kiều nữ này có nhiều giả thuyết khác nhau. Theo nhà khảo cổ học người Anh H.C. Bell, người tìm ra hai chân sư tử khổng lồ trang trí ở lối vào thành, thì cho rằng các bức hoạ này tương tự như các bức bích hoạ ở các đền thờ ở hang Ajanta của Ấn Độ.

Những bức bích hoạ này có thể hiện lễ rước từ Kasyapa đến Vihare de Piduragala, một ngôi đền nằm trên ngọn đồi cách Sigiriya gần 2km về phía Bắc. Lễ rước này là làm bày tỏ công khai ý nguyện chuộc tội của ông vua giết bố.

Nhưng theo nhà cổ học Sri Lanka là S. paranavittana, coi các bức hoạ là một sự biểu dương sức mạnh của ông vua, tự coi mình là hiện thân của thần tài Kuvera. Như vậy các bức hoạ kiều nữ trên vách đá, chính là tỳ nữ của thần.

Ông Senake Nandaranayake, vốn là giám đốc công trường khai quật Sigiriya trong vòng 20 năm, Nay là vị đại sứ của Sri Lanka tại Pháp thì thiên về thuyết cho rằng tấm bức hoạ thể hiện sinh hoạt xa hoa trong triều đình của Kasyapa.

Trên một bức tường đối diện với bức tường của các bức hoạ có khắc 685 bài thơ, được khắc lên từ thế kỉ VII đến thế kỉ XI. Những bài thơ đó nói lên cảm xúc của giới đàn ông bị mê hoặc bởi các kiều nữ Sigiriya.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4162-02-633705660746659053/Srilanca/Thanh-pho-Sigiriya.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận