Tháp Vàng
Từ xưa người ta gọi Praha là “thành phố tháp vàng”. Cho đến hôm nay Praha vẫn giữ nguyên vẹn hàng trăm lâu đài, cung điện với những vòm tháp vàng nguy nga, tạo cho du khách như lạc vào chốn cung điện thành cổ. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến: lâu đài pháo đài Praha, tọa lạc trên một ngọn đồi, về sau tên Praha được dùng để gọi cho toàn bộ thành phố bao quanh lâu đài này.
Lâu đài Praha là một quần thể gồm nhiều lâu đài, chiếm 45 ha với nhiều công thự và cơ sở tôn giáo, nhiều công viên, tất cả đều có tường thành bao bọc.
Năm 1759, đời Nữ hoàng Maria Theresa (1759 - 1769), kiến trúc sư cung đình ông là Micolo Pacassi đã cho tu chỉnh thành một quần thể kiến trúc duy nhất, từ quảng trường Hrascauska có cổng lớn dẫn vào lâu đài. Nếu đi từ cổng Mathias (xây 1614) ta sẽ đến cung điện Rudolph II.
Phần cổ kính nhất trong lâu đài Praha là cung điện thứ 3. Cung điện này được xây từ thế kỷ IX. Cung vua chỉ là một cấu trúc bằng gỗ, những toà nhà tôn giáo được xây bằng đá từ thế kỷ thứ X. Đó là nhà thờ Thánh Vitus, tu viện Thánh George và nhà thờ Đức Bà.
Năm 1344, kiến trúc sư Mathias Arras đã xây dựng nhà thờ chính toà, công trình được Peter Parler, một tài năng lớn tiếp tục hoàn thành. Nhà thờ chính toà là biểu tượng của quốc gia Czech. Vương miện của vua Cezch được cất giữ tại nhà nguyện Thanh Wencaslas nằm bên trong nhà thờ chính toà.
Trong khu lâu đài Praha thời Trung cổ, thì Hoàng cung chiếm diện tích rộng nhất: dài 62 m, rộng 16 m, cao 13 m. Hoàng cung được xây dựng dưới thời của Vladislav Jagellon từ 1492 đến 1502.
Nữ tu viện Benadictine là một trong những tu viện được thành lập sớm nhất vào khoảng giữa thế kỷ X.
Cung điện Mùa hè Hoàng gia Praha, còn gọi là cung điện Benvise là cung điện đẹp nhất thời Phục hưng của Cộng hòa Cezch. Cung điện Mùa hè Hoàng gia được xây trên một nền vững chắc, trang trí đúng kiểu Hoàng gia. Cung điện Mùa hè Hoàng gia được coi là bộ sưu tập duy nhất về nghệ thuật thời Phục hưng. Giữa cung điện có một “đài phun nước hát” là đài phun nước nổi tiếng nhất ở Praha.
Phủ Tổng thống ở trong một toà lâu đài cổ trên đồi Stranov. Người ta dành một nửa toà lâu đài cho Tổng thống và các quan chức điều hành đất nước, còn một nửa dành cho khách tham quan.
Tại trung tâm quảng trường “Con gà trống” có một toà tháp đồng hồ lớn. Cứ đúng 12 giờ trưa, chú gà trống của chiếc đồng hồ sẽ gáy.
Những di tích còn lại đến ngày nay là chứng tích của nhiều triều đại. Về mặt nghệ thuật, các đền đài mang nhiều phong cách từ Roman, Gothique đến Phục hưng Baroque.