THIÊN HOÀNG MEIJI (MINH TRỊ) TIẾN HÀNH CÔNG CUỘC DUY TÂN
Nhật Bản chuyển từ xã hội phong kiến lên chủ nghĩa tư bản đã diễn ra ở thời kỳ Thiên hoàng Minh Trị. Phong trào duy tân Minh Trị do ông chủ trì đã đưa lịch sử Nhật Bản bước vào một giai đoạn lịch sử mới.
Thiên hoàng Minh Trị (1852 - 1912) vốn tên là Mục Nhân (Mutsuhito), năm 1867 kế vị ngôi vua, năm sau đổi niên hiệu là Minh Trị nên lịch sử gọi ông là Thiên hoàng Minh Trị (Meiji).
Khi Minh Trị lên ngôi, Thiên hoàng của Nhật Bản chỉ là nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa, thực quyền nằm trong tay Mạc Phủ, tướng quân Mạc Phủ do gia đình Tokugawa thế tập. Xã hội Nhật Bản lúc đó cũng có sự chuyển biến rất lớn, công trường thủ công và thương nghiệp tư bản chủ nghĩa phát triển rất nhanh. Về mặt đối ngoại, đứng trước sự đe doạ xâm lược khống chế của các cường quốc, trong nội bộ giai cấp thống trị xuất hiện hai tập đoàn đối lập nhau, một bên đứng đầu là Mạc Phủ Tokugawa chủ trương thủ cựu, còn một bên 1à Thiên hoàng Minh Trị mới 15 tuổi kiên quyết ủng hộ cải cách. Thiên hoàng Minh Trị muốn nhân dịp này làm cho nước giàu binh mạnh, chấn hưng Nhật Bản, lấy lại quyền vua trong tay Mạc Phủ, làm cho hoàng nhất suy sụp gần 700 năm nay lấy lại được quyền uy thuở trước. Do đó ông ra lệnh trừng trị Mạc Phủ, hạ một đạo mật chiếu cho phái cải cách với lời lẽ rất nghiêm khắc: “Không trừng trị bọn giặc đó, trên lấy gì để dâng lên linh hồn tiến đế, dưới lấy gì để báo được thù sâu của muôn dân!”. Qua mấy trận chiến đấu, Tokugawa đại bại phải chịu tội, nguyện bỏ mọi quyền lực, giáng xuống làm chư hầu. Từ đó Thiên hoàng khôi phục lại địa vị thiêng liêng tối cao của mình, quyết định rời thủ đô từ Kyôtô đến Edo và đổi Edo thành Tôkyô, và tiến hành một loạt cải cách thủ tiêu chế độ lãnh địa phong kiến, lập các phủ huyện và chính quyền địa phương, hạn chế đặc quyền của đẳng cấp phong kiến, chấn hưng công nghiệp, chính phủ đầu tư mở nhà máy, sau đó bán giá hạ cho tư nhân kinh doanh, mở mang giáo dục, tiếp thu tri thức văn hoá của phương Tây, tăng cường giao lưu với các nước trên thế giới. Những cải cách tăng cường sức nước, có lợi cho chủ nghĩa tư bản phát triển đó được lịch sử gọi là công cuộc duy tân Minh Trị hay Cải cách Meiji.
Thời thanh niên Thiên hoàng Minh Trị tiếp thu nền giáo dục quân phiệt mạnh mẽ, rất nhiệt thành với chuyện xâm lược bành trướng ra bên ngoài. Ông công khai tuyên bố chủ trương cần dùng vũ lực “mở mang lớp sóng cồn vạn dặm'', ''đưa quốc uy ra khắp bốn phương'', ủng hộ các phần tử quân phiệt xây dựng quân đội chuẩn bị chiến tranh. Năm 1893, khi Nghị viện Nhật Bản quyết định cắt giảm kinh phí đóng quân hạm, Thiên hoàng Minh Trị hạ chiếu ra lệnh trong 6 năm rút từ chi phí của Hoàng cung ra 30 vạn đồng và các quan lại phải hiến 1/10 lương bổng của mình để bù vào chi phí đóng quân hạm. Từ năm 1894 - 1895 phát động cuộc chiến tranh Giáp Ngọ xâm lược Trung Quốc. Từ năm 1904 - 1905 ông lại tiến hành cuộc chiến tranh Nhật - Nga. Chủ nghĩa quân phiệt và thái độ hiếu chiến của Thiên Hoàng Meiji đã tiếp sức cho bọn quân phiệt Nhật Bản. Nhật Bản cũng do đó từng bước một biến thành một quốc gia phong kiến đế quốc quân sự mang nặng tính chất xâm lược, cho đến khi chịu thất bại trong Đại chiến thế giới thứ hai mới chấm dứt.