Tài liệu: Thuỵ Sĩ - Dịch vụ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Đơn vị tiền tệ của Thụy Sĩ là đồng Franc Thụy Sĩ, được chia thành 100 centime (một USD tương đương 1,27 Franc Thụy Sĩ, theo tỉ giá tháng 9/2004). Đây là một trong những đồng tiền ổn định nhất thế giới
Thuỵ Sĩ - Dịch vụ

Nội dung

DỊCH VỤ

TIỀN TỆ VÀ NGÂN HÀNG

Đơn vị tiền tệ của Thụy Sĩ là đồng Franc Thụy Sĩ, được chia thành 100 centime (một USD tương đương 1,27 Franc Thụy Sĩ, theo tỉ giá tháng 9/2004). Đây là một trong những đồng tiền ổn định nhất thế giới. Ngân hàng bán tư nhân, Ngân hàng Quốc Gia Thụy Sĩ là ngân hàng trung tâm phát hành đồng bạc này.

Thụy Sĩ là một trung tâm tài chính quốc tế, và các ngân hàng tư nhân tại đây là nguồn tuyển dụng nhân lực và là nguồn thu nhập chính của đất nước. Những ngân hàng thương mại hàng đầu bao gồm Ngân hàng Liên hiệp Thụy Sĩ (UBS), Công ty Ngân hàng Thụy Sĩ (SBC), và Ngân hàng Tín dụng Thụy Sĩ. Thị trường chứng khoán ở Zurich là một trong những thị trường quan trọng nhất châu Âu, đồng thời thành phố này cũng là một trung tâm chính về trao đổi vàng.

Những nhà ký thác và những nhà tài chính quốc tế đã từ lâu tín nhiệm các ngân hàng Thụy Sĩ vì sự ổn định về chính trị và tiền tệ của đất nước này, cũng như vì kinh nghiệm trong các vấn đề tài chính cũng như các luật lệ bảo mật về ngân hàng. Ngành công nghiệp ngân hàng của Thụy Sĩ đã nổi lên trên trường quốc tế kể từ sau Thế chiến thứ I, khi nạn lạm phát đã làm suy thoái đồng tiền của nhiều quốc gia Âu châu bị chiến tranh tàn phá. Là một quốc gia trung lập, Thụy Sĩ đã nổi lên trong chiến tranh với một nền kinh tế mạnh và đồng tiền ổn định. Các loại ngoại tệ được ký thác tại các ngân hàng Thụy Sĩ, được tính ra bằng đồng Franc Thụy Sĩ, đã chịu ít ảnh hưởng của việc mất giá do lạm phát. Việc ra đời của các luật lệ bảo mật ngân hàng trùng hợp với sự nổi lên của nhà độc tài người Đức Adolf Hitler trong những năm trước Thế chiến thứ II. Lo ngại trước những ý định của Hitler, nhiều người châu Âu, đặc biệt là người Do Thái, bất đầu chuyển những tài sản cá nhân và tài sản thương mại của họ sang các ngân hàng Thụy Sĩ. Hitler giận dữ trước sự kiện của cải trong nước Đức bị chuyển ra nước ngoài, đã cử đại diện đến Thụy Sĩ để điều tra. Để đáp ứng lại, chính quyền Thụy Sĩ đã ban hành các đạo luật bảo mật ngân hàng để bảo vệ các tài khoản trước sự kiểm soát của Hitler.

Trong những thập kỷ gần đây, các luật lệ bảo mật ngân hàng của Thụy Sĩ đã phải nhận nhiều sự phê phán. Người ta thường xuyên phàn nàn rằng sự bảo mật đó đã giúp cho những tội phạm cất giấu những của cải bất lương của chúng. Giữa thập kỷ 1990, dưới sức ép nội địa cũng như quốc tế, Thụy Sĩ đã đồng ý nới lỏng các luật lệ bảo mật ngân hàng, và các tài khoản trở thành đối tượng để điều tra tội phạm. Trong thời gian đó, có một sự tranh luận về số tiền vô thừa nhận trong những tài khoản của các nạn nhân trong cuộc tàn sát Do Thái do phát xít gây ra. Năm 1995, Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ (SBA), dưới áp lực của các tổ chức hàng đầu của Do Thái, đã đồng ý truy nguyên các tài khoản này. Một cuộc khảo sát của những ngân hàng lớn nhất ở Thụy Sĩ đã phát hiện ra 34 triệu USD trong những tài khoản bất động được mở từ trước năm 1945. Các nhóm người Do Thái đã tranh chấp về những phát hiện này và cho rằng phải có hàng tỉ USD trong số của cải bị mất. Năm l998 các ngân hàng Thụy Sĩ đã đồng ý về một cuộc dàn xếp toàn cầu đối với tất cả những lời thỉnh cầu về các tài khoản này. Kết quả là một sốtìên 1,25 tỉ USD dành ra để đền bù cho các nạn nhân của cuộc tàn sát do phát xít gây ra cùng với những người thừa kế của họ. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa đồng ý là vấn đề đã được khép lại, và những cuộc điều tra và vận động pháp lý vẫn còn tiếp tục.

Thụy Sĩ đứng đầu thế giới về ngân hàng tư nhân. Những ngân hàng này quản lý đến 35% các quỹ cá nhân và quỹ cơ quan ở nước ngoài. Lợi nhuận của các ngân hàng này chiếm hơn một phần ba so với lợi nhuận của Ngân hàng Liên hiệp Thụy Sĩ (UBS) và Ngân hàng Tín dụng Thụy Sĩ. Ở Thụy Sĩ cũng có một số ngân hàng tư nhân do các nhóm cá nhân giàu có làm chủ sở hữu, có trách nhiệm vô hạn đối với các hoạt động của ngân hàng. Nói cách khác, họ có thể mất tất cả tài sản trong trường hợp ngân hàng đó đi đến chỗ phá sản. Những ngân hàng này đang chịu áp lực phải hợp nhất lại để đối phó với sự cạnh tranh ngày một gia tăng của những ngân hàng thương mại lớn vốn bắt đầu cung ứng cùng loại dịch vụ với những ngân hàng này. Một số ngân hàng nước ngoài, trong đó đó Ngân hàng Đức quốc và ngân hàng Barclays, đã làm cho Geneva trở thành trung tâm của các hoạt động ngân hàng tư nhân.

Thụy Sĩ cũng có một mạng lưới các ngân hàng hợp tác, gọi là mạng lưới Raiffeisen, với 537 chi nhánh nằm chủ yếu ở các thị trấn và làng mạc. Mỗi chi nhánh đều tự trị, với các thành viên của mình tham gia vào các quyết định của chi nhánh và cùng chịu trách nhiệm liên đới về các hoạt động của chi nhánh đó.

Trong năm 2002 có trên 118.000 người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng ở Thụy Sĩ.

NGOẠI THƯƠNG

Thụy Sĩ lệ thuộc rất nhiều vào ngoại thương, trong đó có cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Chính sách mậu dịch của Thụy Sĩ có đặc điểm là có khuynh hướng mạnh về mậu dịch tự do, thuế nhập khẩu thấp và có ít qui định về hạn ngạch nhập khẩu, ngoại trừ một số hạn ngạch áp dụng cho một số mặt hàng nông nghiệp. Hầu hết số lượng mậu dịch của Thụy Sĩ được thực hiện với các nước láng giềng công nghiệp hóa ở Tây Âu, đồng thời với Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Trong năm 2000 những đối tác chính về xuất khẩu của Thụy Sĩ được xếp theo thứ tự quan trọng bao gồm Đức, Mỹ, Pháp, Ý, Vương quốc Anh, Nhật và Trung Quốc. Những nước dẫn đầu về hàng nhập khẩu vào Thụy Sĩ có Đức, Pháp, Ý, Mỹ và Vương quốc Anh.

Nhìn chung Thụy Sĩ thu lợi từ xuất khẩu ít hơn so với mức chi tiêu cho nhập khẩu. Mặc dù có sự thâm hụt trong ngoại thương, Thụy Sĩ vẫn duy trì được một sự cân bằng trong cán cân chi phó quốc tế do lượng thu nhập lớn mà nước này nhận được từ những nguồn khác, chủ yếu là từ lĩnh vực dịch vụ. Trong lĩnh vực này bao gồm cả ngân hàng quốc tế, bảo hiểm và du lịch.

Thụy Sĩ hầu như không có một nguồn khoáng sản nào, đồng thời diện tích đất đai cũng rất hạn chế. Nước này lệ thuộc vào sự thịnh vượng về ngoại thương. Với một thị trường nội địa tương đối nhỏ - dân số chỉ hơn 7 triệu người - là một yếu tố khác buộc các nhà sản xuất của Thụy Sĩ phải hướng ra nước ngoài. Họ cần những thị trường bên ngoài để giúp cho việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thu lại được lợi nhuận tương xứng.

Thụy Sĩ nhập khẩu các nguyên liệu thô và xuất khẩu các hàng hóa chất lượng cao. Trong năm 2003 giá trị của một tấn hàng xuất khẩu bằng hơn hai cân so với một tấn hàng nhập khẩu. Nền kinh tế Thụy Sĩ không phải xây dựng trên việc sản xuất hàng loạt, mà trên công việc chất lượng cao và lượng công nhân được đào tạo tốt. Nhiều doanh nghiệp đã theo một chiến lược tập trung vào một dải hẹp các sản phẩm có chất lượng cao. Kết quả là ngay cả những cơ sở nhỏ cũng có thể chi phối thị trường thế giới bằng các sản phẩm chuyên biệt của họ.

Nền công nghiệp hóa học là một điển hình, với 90% tổng số sản phẩm là các loại hàng đặc chủng. Một mục tiêu phụ của chính sách này là làm cho ngành công nghiệp trở nên đa dạng cao độ, với trên 30.000 loại sản phẩm khác nhau. Nhìn chung, những lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của Thụy Sĩ là công nghệ vi mô, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp dược phẩm, ngân hàng và bảo hiểm.

Những sản phẩm của Thụy Sĩ có thể bán được giá cao trên thị trường thế giới bởi vì người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho chất lượng cao. Nhưng với chiến lược đó, các công ty của Thụy Sĩ không thể tự mãn. Họ phải tập trung cao độ vào việc nghiên cứu và phát triển. Ở Thụy Sĩ, tỉ lệ những người làm việc về nghiên cứu và phát triển cao hơn hẳn so với các nước công nghiệp hóa khác. Trong năm 2002 có 2,7% tổng sản phẩm quốc gia được chi phí vào nghiên cứu.

Các công ty Thụy Sĩ có sức cạnh tranh rất cao trên các thị trường thế giới. Ở một số công ty có trên 90% lượng hàng hóa và dịch vụ được dành cho xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất là đồng hồ đeo tay, sô-cô-la và phó mát, nhưng về số lượng thì các loại máy móc cơ khí và điện cùng với các loại hóa chất chiếm trên một nửa lợi nhuận xuất khẩu của nước này. Những lĩnh vực mà Thụy Sĩ là nhà cung cấp hàng đầu bao gồm khung cửi dệt vải, giấy và máy in, các dụng làm đồ kim loại, máy nâng và thang máy, cùng với các thiết bị đóng gói. Tuy nhiên có nhiều linh kiện của những mặt hàng này hiện nay đã được chế tạo ở nước ngoài.

Tư vấn, bảo hiểm và du lịch công là một phần trong mậu dịch xuất khẩu của Thụy Sĩ. Riêng xuất khẩu hàng hóa và mậu dịch đã chiếm khoảng 25.000 Franc (16.000 USD) mỗi đầu người một năm. Trong năm 2000 có 60% lượng xuất khẩu được đưa sang các nước trong khối EU, và 78% lương nhập khẩu đến từ các nước này. Ngành công nghiệp hóa chất là ngành đầu tiên đặt các chi nhánh ở nước ngoài, nguyên thủy là để tránh các biện pháp bảo vệ nền công nghiệp trong nước của nhiều quốc gia nước ngoài sau cuộc chiến tranh 1914-1918. Bây giờ hầu như cứ 2 Franc lợi nhuận mà Thụy Sĩ thu được có 1 Franc đến từ nước ngoài. Số lượng lao động do các công ty Thụy Sĩ ở nước ngoài tuyển dụng đã gia tăng từ 890.000 người năm 1988 lên 1,61 triệu người năm 1998, với tỉ lệ gia tăng cao nhất ở các ngành dịch vụ.

Một số các công ty xuyên quốc gia có văn phòng chính đặt ở Thụy Sĩ. Những công ty này trải ra trong các lĩnh vực hóa chất, dược phẩm, máy móc, thực phẩm, ngân hàng và bảo hiểm. Thụy Sĩ đã tự mở cửa cho quá trình toàn cầu hóa. Một bài nghiên cứu đo tạp chí Mỹ Foreign Policy xuất bản năm 2004 đã xếp Thụy Sĩ vào hàng thứ ba trên thế giới về mức độ toàn cầu hóa, dựa trên các yếu tố như mức chia sẻ về mậu dịch trong kinh tế, mức độ đầu tư nước ngoài, và mức độ sử dụng tính trên đầu người về viễn thông quốc tế và internet.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2226-02-633501637614531250/Kinh-te/Dich-vu.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận