Tài liệu: Thuỵ Sĩ - Vấn đề môi trường

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Những vấn đề về môi trường mà Thụy Sĩ phải đối đầu có nguồn gốc từ những tác động của con người, do sự tăng trưởng dân số, việc tiêu thụ các loại nhiên liệu hóa thạch, tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dần dần của lương khách du lịch.
Thuỵ Sĩ - Vấn đề môi trường

Nội dung

VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG

VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Những vấn đề về môi trường mà Thụy Sĩ phải đối đầu có nguồn gốc từ những tác động của con người, do sự tăng trưởng dân số, việc tiêu thụ các loại nhiên liệu hóa thạch, tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dần dần của lương khách du lịch. Một trong những mối đe dọa nổi bật đối với môi trường là sự hủy hoại các rừng cây do mưa axit, một hình thức của sự ô nhiễm không khí. Mưa axit gây ra bởi sự đốt cháy các loại nhiên liệu hóa thạch, làm bay ra các phân tử sunfat và nitrat. Các chất này khi rơi xuống mặt đất dưới dạng mưa, tuyết hay sương mù có thể gây ra tác hại hủy diệt đối với cây cối và các loại thực vật khác. Cây cối ở Thụy Sĩ đóng một vai trò thiết yếu trong việc ngăn chân nạn lở đất và lở tuyết.

Trong nỗ lực duy trì một đời sống lành mạnh cho cây cối, Thụy Sĩ đã hăng hái hỗ trợ cho các hiệp ước ở khu vực, châu Âu và toàn cầu có mục tiêu giảm thiểu việc đốt cháy nhiên liệu vốn góp phần gây ra mưa axit. Về phần nội bộ, Thụy Sĩ đã tìm cách làm giảm những sự đốt cháy có hại bằng cách ban hành các chuẩn mực khắt khe đối với xe cộ và hạn chế sự giao thông của những xe tải hạng nặng trên những tuyến đường xuyên qua núi. Để bảo vệ thêm cho thảm thực vật tại đây, khi người ta muốn đốn hạ cây phải có giấy phép do liên bang cấp.

Mối quan tâm đến việc bảo vệ thực vật đã vượt qua khỏi phạm vi cây thân mộc để hướng tới cả nhiều loài khác, đặc biệt là các giống hoa. Những năm canh tác hoa màu, nuôi gia súc và những hoạt động sử dụng đất khác đã đẩy nhiều loài cây bản xứ đến chỗ tuyệt chủng. Để giúp ngăn ngừa tình trạng này, hàng chục loài thực vật khác nhau đã được luật pháp liên bang bảo vệ - chúng không được hái, không được nhổ rễ và cũng không được di thực đi nơi khác. Nhiều loài khác còn có được những sự bảo vệ nghiêm ngặt hơn nữa. Công viên Quốc gia Thụy Sĩ, tọa lạc tại bang Graubunden, được thành lập chủ yếu để bảo vệ và bảo tồn những loài thực vật có nguy cơ diệt chủng. Được thành lập năm 1914, đây là một trong số những công viên quốc gia đầu tiên của châu Âu. Hàng trăm những khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập ở các khu vực nông nghiệp, đô thị và các vùng hoang vu trên khấp đất nước Thụy Sĩ.

Sự ô nhiễm nguyên nước là một mối quan tâm chính về môi trường ở đây. Có rất nhiều những con sông và hồ nước đã bị xuống cấp do phân bón nông nghiệp, các vùng đô thị được mở mang lộn xộn, và các chất gây ô nhiễm từ ô tô và xẻ tải. Việc mở rộng các khu nghỉ dưỡng du lịch ở vùng núi cũng được quan tâm đặc biệt vì sự phát triển đó có thể làm thoái hóa nguồn nước tinh khiết ở đây. Việc tiêu hủy một cách an toàn các chất thải phóng xạ từ những nhà máy năng lương hạt nhân của quốc gia cũng là một mối quan tâm lớn của người Thụy Sĩ.

Nhiều đạo luật về môi trường của Thụy Sĩ đã được ban hành ở cấp liên bang, mặc dù các khu vực bảo vệ thường do từng bang quản lý. Những tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như Liên đoàn Bảo vệ Thiên nhiên Thụy Sĩ, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, ra các chính sách về môi trường và quản lý các khu vực được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, Thụy Sĩ cũng bị ràng buộc bởi các thỏa ước về ô nhiễm không khí, sự đa dạng vực sinh vật, sự thay đổi khí hậu, các chủng loài có nguy cơ tuyệt chủng, các chất thải có hại và tầng ô-zôn. Ở cấp độ địa phương, Thụy Sĩ đã tham gia với các nước láng giềng trong các thỏa ước bảo vệ môi trường nhạy cảm của vùng núi Alps.

Những loài chim bên bờ vực tuyệt chủng

Học viện Nghiên cứu chim của Thụy Sĩ đã cảnh báo là có đến 40% các chủng loài chim ở Thụy Sĩ có thể sẽ biến mất nếu không được bảo vệ đúng mức. Trong một cuộc nghiên cứu gần đây, học viện này đã cho biết có 80 trong số 195 loài chim đang có nguy cơ bị diệt chủng vì thiếu môi trường thuận tiện để cư ngụ và kiếm ăn. Điều này là đặc biệt đúng đối với những khu vực đầm đây và khu vực canh tác trong lãnh thổ của đất nước này. Ở các vùng đầm lầy, việc mất môi trường sống là lý do để một số loài chim bị suy thoái. Ở Thụy Sĩ người ta đã mất khoảng 90% diện tích đầm lầy tính từ đầu thế kỷ 19.

Mặc dù ở các vùng đầm lầy chim chóc bị suy thoái, các chủng loài ở vùng núi Alps và các khu rừng vẫn còn phong phú. Chim chóc đóng vai trò là một sự chỉ báo quan trọng cho tình trạng của môi trường. Chúng là một nguồn thông tin quý giá đối với những tác động tàn phá môi trường rừng, việc khai thác đất đai quá mức và tình hình tràn lấn của các vùng đô thị trong thiên nhiên. Nếu như một chủng loài chim bị biến mất, có nghĩa là những nhóm sinh vật khác đã bị tác động, chẳng hạn như côn trùng, các loài động vật không xương sống và các loài thực vật.

Trong khắp cả khu vực châu Âu, chim đang ở trong quá trình bị suy thoái. Nhưng ở Thụy Sĩ tình hình này là trầm trọng nhất bởi vì đất nước này có diện tích nhỏ và mật độ dân số cao trong những vùng thấp. Tuy nhiên ở đây vẫn có những môi trường sống vẫn còn trong tình trạng thiên nhiên, đặc biệt là ở các vùng núi. Thụy Sĩ có trách nhiệm rất cao đối với cả phạm vi châu Âu trong việc giữ gìn các môi trường sống này, vì đó là nơi cư ngụ của nhiều chủng loài không tìm thấy ở những nước khác.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2225-02-633501625908593750/Dia-ly/Van-de-moi-truong.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận