Trong khi chờ đứa con ra đời
Việc sinh con là sự kiện quan trọng về mọi phương diện, kể cả mặt tâm lý. Tất nhiên, thái độ đối với đứa con tương lai có thể không giống nhau. Chẳng hạn tình thế của đứa con mà ta hồi hộp chờ mong khác nhiều với tình thế của đứa con chỉ được coi là “hậu quả tất yếu của sinh hoạt vợ chồng” hoặc của đứa con “vì lầm lỗi”, bị bố mẹ coi là một gánh nặng khó chịu.
Tuy vậy, ta phải tìm ngọn nguồn của thái độ đối với đứa con tương lai trước hết ở chiều sâu của nhân cách bố mẹ, ở kinh nghiệm và các ấn tượng cuộc sống của bản thân họ. Một trong những ngọn nguồn chủ thể rõ ràng là các ấn tượng tuổi thơ và kinh nghiệm các mối quan hệ với bố mẹ của chính nó. Tất nhiên không phải tuổi thơ của ai cũng êm đềm và đầy đủ vật chất. Nhưng nếu tuổi thơ hạnh phúc trôi đi giữa những con người yêu quý nhau và giúp đỡ lẫn nhau, thì chắc chắn suốt đời nó sẽ tin rằng được làm trẻ con thôi là tuyệt vời. Bởi vậy, những người có tuổi thơ êm ả thường muốn có những đứa con cũng được sống thời thơ ấu êm ả như mình. Ta sẽ là người mẹ thế nào, ta sẽ là người bố thế nào - điều đó phụ thuộc nhiều vào thái độ của cha mẹ ta đối với ta, của cha mẹ ta đối với nhau, và cha mẹ ta có hạnh phúc hay không.
Khi trò chuyện với những người bố mẹ trẻ, chúng tôi thường nghe họ nói rằng trong vấn đề giáo dục con cái, họ theo đúng những nguyên tắc mà xưa kia họ đã được bố mẹ họ giáo dục. Một người mẹ trẻ nói: “Hồi nhỏ tôi thường bị đánh, cho nên bây giờ tôi rất khó bị kiềm chế không tát cho thằng nhãi ranh nhà tôi một cái”. Đó là sự chuyển trực tiếp sang con cái những phương pháp mà mình đã chịu giáo dục hồi nhỏ. Về thực chất thì hai trường hợp sau đây cũng vẫn nói lên điều đó, nhưng đi chiều “ngược lại”. “Hồi nhỏ, không ngày nào tôi không bị bố mẹ đánh, cho nên bây giờ tôi không đánh con tôi một cái nào”; “Hồi nhỏ tôi sống trong cảnh cùng quẫn cho nên bây giờ tôi không để con tôi thiếu một thứ gì”. Như chúng ta thấy, cả hai cực đoan đó đều liên hệ trực tiếp với những gì người bố, người mẹ trẻ đã nhận được hồi nhỏ và bây giờ họ chuyển sang con cái họ. Về mặt này, việc giáo dục con cái thành những người bố người mẹ tương lai được bắt đầu rất sớm, trên thực tế là ngay từ khi chúng ra đời.
Ngoài ra, không thể không nói tới kinh nghiệm mà những người bố người mẹ tương lai thu lượm được. Không chỉ ở gia đình mình mà còn ở gia đình bạn bè và người quen, ở trường học, sách báo, các vở kịch, bộ phim. Cũng phải tính đến cả kinh nghiệm của bạn bè, người yêu... Nếu đôi bạn trẻ cảm thấy thoả mãn trong quan hệ thầm kín, nếu tình yêu của họ có một phương hướng được họ nhận thức rõ, thì có thể khẳng định được khá chắc chắn rằng chỉ một thời gian ngắn họ đã muốn có con, sự tiếp tục hạnh phúc của họ, dù đứa con đem lại cho họ nhiều khó khăn vất vả. Như vậy, cả ở đây nữa, nếu chúng ta còn chưa thấy phương hướng phát triển của đứa trẻ sau này, chí ít chúng ta cũng thấy những nét chấm phá của phương hướng ấy.
Về ý nghĩa của đứa con đối với cặp vợ chồng trẻ, chúng ta có thể biết rõ khi nhìn những cặp vợ chồng không có con nhận một đứa con nuôi. Ở đây, ta thấy nguyện vọng của con người muốn được có ai đó để mà yêu thương, để mà cùng chăm sóc, để xác nhận một chân lý đơn giản: chức năng cao nhất của gia đình là làm cho loài người tiếp tục tồn tại. Đứa bé thơ ngây đến sống độc lập cũng chưa thể sống được, cái con người nhỏ xíu, yếu ớt kia chính là do yếu ớt nên đã cho hai người lớn đang yêu thương nó được hiểu niềm vui khám phá, được thỏa mãn và là hồi hộp, được lo lắng và chăm sóc - do cuộc sống đang nở rộ trước mắt họ tạo nên con người nhỏ xíu ấy khiến họ có thể được hưởng những cảm giác đẹp không gì sánh nổi, làm họ phong phú lên bởi kinh nghiệm mà họ chỉ có được trong cuộc sống chung của bố mẹ với con cái. Cùng với sự xuất hiện đứa con, kể cả con nuôi, gia đình sẽ phát triển và vững chắc ở bên trong. Và đứa con này càng lớn thì bố mẹ cũng càng hoàn thiện, trở nên thông minh sáng suốt trong cuộc đời, một sự sáng suốt chỉ riêng con người mới có.