NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
Tuồng cổ là một môn nghệ thuật rất phổ biến ở Trung Quốc, có xuất xứ từ thời Nguyên và tiếp tục tồn tại với 368 thể loại khác nhau. Trong số này, thể loại phổ biến nhất là tuồng Bắc Kinh, định hình từ giữa thế kỷ thứ 19, rất phổ biến trong triều đại nhà Thanh. Trong tuồng Bắc Kinh, đàn và bộ gõ hỗ trợ rất nhiều cho các động tác của nhân vật. Còn các động tác được thể hiện theo lối ám chỉ. Chẳng hạn như người ta dùng tay, chân và cả thân mình để biểu diễn động tác phi ngựa, chèo thuyền, ... Lời thoại được chia thành hai phía, một phía dùng lối hát nói, do nhân vật chính thể hiện, một phía dùng lời thoại bình thường bằng tiếng Bắc Kinh, do phụ nữ người làm hề thể hiện. Tuồng Bắc Kinh có tới trên 1.000 vở, hầu hết lấy từ các tiểu thuyết lịch sử về những xung đột chính trị và quân sự.
Trong thời kỳ đầu của chế độ Cộng hòa Nhân dân, tuồng Bắc Kinh rất được khích lệ. Các vở mới được soạn về đề tài lịch sử hay các đề tài khác, trong khi đó những tuồng cũ vẫn được diễn. Vì là một nghệ thuật phổ biến, tuồng luôn luôn là bộ môn đầu tiên phản ánh các chính sách của Trung Quốc. Chẳng hạn như trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, hầu hết các đoàn tuồng bị giải tán, các diễn viên và người soạn tuồng bị ngược đãi. Sau khi nhóm Tư Nhân Ban bị thất bại, tuồng Bắc Kinh lại được phục hồi và trở nên một loại hình giải trí rất phổ biến, cả trong rạp hát lẫn trên ti vi.
ÂM NHẠC
Âm nhạc của Trung Quốc đã khởi nguồn từ thuở bình minh của nền văn minh Trung Hoa. Các tài liệu và đi vật đã chứng minh cho một nền văn hóa âm nhạc phát triển từ thời nhà Chu. Cơ quan phụ trách về âm nhạc của triều đình đã được thành lập từ đời Tần và mở rộng vào thời nhà Hán, có chức năng giám sát âm nhạc trong cung đình và xác định loại âm nhạc dân gian nào được chính thức công nhận. Trong những triều đại sau, sự phát triển âm nhạc Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh bởi âm nhạc nước ngoài, đặc biệt là vùng Trung Á.
Nhạc xướng âm của Trung Hoa thường được hát giọng trong hoặc cao và thường là độc tấu hơn là đồng ca. Các nhạc cụ thường được chơi cho các bài độc tấu hoặc hát theo nhóm nhỏ, với các loại đàn búng và gầy, sáo, cồng, chũm chọe và trống. Thang âm gồm có 5 nốt nhạc.
Phong trào Văn hóa Mới vào những năm 1910 và 1920 mở ra sự thưởng thức âm nhạc Tây phương khi một số nhạc sĩ người Hoa du học ở nước ngoài trở về biểu diễn âm nhạc kinh điển phương Tây và soạn nhạc của họ dựa trên hệ thống âm nhạc Tây phương. Các dàn nhạc giao hưởng được hình thành ở hầu hết các thành phố lớn và biểu diễn cho quần chúng ở các rạp hát và trên đài phát thanh. Nhạc phổ thông - chịu ảnh hưởng lớn của Tây phương, đặc biệt là Mỹ - cũng có đông khán giả vào thập niên 1940.
Sau khi thành lập nước, nhạc cách mạng bắt đầu được chơi, và hầu hết nhạc phổ thông lúc đó bao gồm các bài hát của Liên Xô được dịch lời sang tiếng Hoa. Các dàn nhạc giao hưởng tràn ngập cả nước, chơi các bản nhạc kinh điển phương Tây và những bản do người Hoa soạn. Nhiều dàn nhạc Đông Âu biểu diễn ở Trung Quốc, trong khi các nhạc sĩ và các ban nhạc Trung Quốc cũng tham gia nhiều liên hoan quốc tế.
Vào thời kỳ cao điểm của cuộc Cách mạng Văn hóa, việc soạn nhạc và biểu diễn nhạc bị hạn chế tối đa. Sau Cách mạng Văn hóa, các hoạt động về âm nhạc lại khởi sắc. Năm 1980 Hiệp hội Nhạc sĩ Trung Quốc được gia nhập vào Hội Âm nhạc học Quốc tế. Vào giữa thập kỷ 1980, nhạc balat và nhạc dân gian cùng với nhạc cổ điển phương Tây vẫn còn thu hút được đông đảo quần chúng, nhưng những loại nhạc khác, trong đó có cả nhạc jazz và rock and roll. cũng được quần chúng ưa thích, đặc biệt là giới trẻ.
KIẾN TRÚC
Kiến trúc cổ của Trung Quốc có một lịch sử lâu đời và nhiều thành tựu, đã tạo nên những kỳ quan kiến trúc như Vạn Lý Trường Thành. Trong quá trình phát triển, kỹ thuật kiến trúc ưu việt được kết hợp với thiết kế mỹ thuật, làm cho kiến trúc độc đáo của Trung Quốc trở thành một trong những nền kiến trúc lớn nhất trên thế giới.
ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC TRUNG HOA
Theo kiến trúc cổ Trung Hoa, những công trình bằng gỗ có sự phân biệt giữa các cấu trúc chống đỡ và các cấu trúc làm vách ngăn. Trọng tải chính của một kiến trúc sẽ được đưa xuống nền qua hệ thống cột chống và các xà, rầm. Tường không hề chịu tải mà chỉ làm vật ngăn cách.
Các công trình trong kiến trúc cổ Trung Hoa cũng xác định rằng màu sắc là thành phần trang trí chính của một công trình kiến trúc. Thoạt đầu, sơn chỉ được dùng để khử trùng, sau đó nó được dùng để trang trí. Trong xã hội phong kiến, việc sử dụng màu sắc bị hạn chế do sự phân biệt giai cấp. Vì màu vàng được coi là quý phái nhất, kế đến là màu xanh lục, những màu này thường được sơn trên các cung điện. Thường thì những con rồng hay chim phượng hoàng được sơn trên nền xanh lục với bột vàng hoặc là vàng. Những hình tượng như vậy sẽ cho một hình ảnh quý tộc rõ nét trên nền đá hoa cương. Điều độc đáo là màu sắc sắc nét đó sẽ có được hiệu quả mỹ thuật.
KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO
Là kiến trúc chính của Phật giáo đang lan tràn ở Trung Quốc, các chùa là nơi những nhà tu đạo bắt đầu cuộc sống tôn giáo của mình. Vì những bậc đế vương của các triều đại tin vào đạo Phật, chùa được xây như cây nấm, thường tráng lệ như cung điện. Sau đó khi kỹ thuật kiến trúc được cải tiến, người ta sử dụng gạch tráng men, những hình chạm tinh vi, những bức họa thanh tú làm cho nhà chùa thêm phần nguy nga, tráng lệ.
Kiến trúc phật giáo Trung Hoa tuân theo quy tắc đối xứng một cách tuyệt đối. Thường thì những thành chính được đặt theo trục trung tâm, hướng về phía Nam, những tòa nhà phụ được bố trí vào hai sườn phía Đông và phía Tây. Cổng chùa, lễ đường, phòng kinh kệ nằm trên trục chính. Phòng ngủ, nhà bếp, phòng ăn, nhà kho và tiền sảnh nằm phía bên phải, trong khi phía bên trái dùng để tiếp khách đến viếng chùa.
Tháp cũng là một bộ phận của kiến trúc Phật giáo, với nhiều kiểu cách khác nhau. Hiện nay tháp cao nhất cao đến 40 m, với tuổi thọ 1.400 năm. Trong số 3.000 tháp ở Trung Quốc có tháp bằng gỗ, có tháp xây bằng gạch, có tháp bằng đá, có tháp bằng đồng hoặc bằng sắt. Hầu hết các tháp đều có nhiều tầng. Những tháp cổ đều bằng gỗ và có bốn cạnh, tám cạnh hoặc mười hai cạnh. Dưới triều nhà Tùy và nhà Đường, tháp có khuynh hướng xây bằng đá hoặc gạch. Dưới triều Liêu tháp đặc ruột xuất hiện. Trong triều Tống và triều Liêu có tháp hoa, trong đó người ta trang trí tháp bằng hoa chạm trổ; các điện thờ, tượng Phật, thú vật được làm bằng đá tổ ong lỗ chỗ trông giống như hoa. Nói chung, tháp ngày càng lộng lẫy hơn.
Một loại kiến trúc Phật giáo khác là những chùa hang, được đẽo vào vách đá, thường là các công trình lớn với những bức chạm trổ tinh vi. Loại chùa này đến từ Ấn Độ và nở rộ dưới thời Nam Bắc Triều.
KIẾN TRÚC LÃO GIÁO
Kiến trúc Lão giáo bao gồm nhiều loại cấu trúc khác nhau tùy theo chức năng, như điện để thờ cúng, bàn thờ để cầu nguyện, phòng riêng cho trưởng giáo đường, vườn dành cho khách đến viếng.
Đạo Lão lên đến đỉnh điểm của nó vào thời Đường và thời Tống, khi kiến trúc bằng gỗ đã đạt đến mức trưởng thành. Có những quy định chặt chẽ về kích thước, cấu trúc trang trí và sử dụng màu sắc. Trong những năm 660, Lão giáo, Phật giáo và Khổng giáo ảnh hưởng lẫn nhau, do đó một số cấu trúc trong kiến trúc Phật giáo và Khổng giáo biến đổi thành kiến trúc Lão giáo. Kết quả là có sự giống nhau về cách bố trí và nghệ thuật màu sắc giữa kiến trúc của ba tôn giáo này.
Kiến trúc Lão giáo có hai lối, lối truyền thống và lối Bagua. Theo lối truyền thống, các kiến trúc được xây dựng theo dạng đối xứng. Tòa nhà chính ở trục trung tâm, còn những công trình khác được bố trí hai bên. Còn theo lối Bagua thì tất cả các cấu trúc được xây dựng chung quanh lò luyện đan. Cấu trúc này theo triết lý của Lão giáo là thế giới con người theo thế giới của thiên nhiên để tổng hợp năng lượng, khí và tinh thần. Việc trang trí trong kiến trúc Lão giáo phản ánh sự tìm đến điều may mắn, sự trường thọ và chốn tiên cảnh. Chiếc quạt, con cá, hoa thủy tiên, con dơi và con nai được dùng để chỉ điều thiện, sự sung túc, chốn thiên đàng, vận may, trong khi cây thông và cây bách tượng trưng cho tình cảm, rùa tượng trưng cho sự trường thọ. Ngoài ra còn nhiều những hình tượng mang tính truyền thống khác, và sự trang trí của Lão giáo đã bén rễ vào đời sống nhân dân Trung Quốc.
KIẾN TRÚC THEO LỐI PHONG THỦY
Phong thủy, một truyền thống đặc biệt trong kiến trúc Trung Hoa, thường kết hợp các giai đoạn từ chọn đất, vẽ kiểu, xây dựng và trang trí nội, ngoại thất. Phong có nghĩa là gió, thủy là nước. Phong thủy kết hợp bộ ba Trời, Đất và Con người, và đi tìm sự hài hòa giữa đất xây dựng, hướng nhà, thiên nhiên và định mệnh con người. Nó không chấp nhận sự phá hủy thiên nhiên của con người và nhấn mạnh sự hài hòa với môi trường. Khí, được coi như yếu tố cơ bản trong thế giới vật chất theo triết học cổ Trung Hoa, là tinh túy của Phong thủy. Theo nghệ thuật Phong thủy, có một trường gọi là trường khí. Và trường khí tết là cái mà kiến trúc Phong thủy tìm, còn trường khí xấu thì bị tránh. Để giữ khí của Trời và của Đất hài hòa trong một kiến trúc, mạch đất không được để bị làm hỏng. Hướng tốt nhất cho một ngôi nhà là mặt trước hướng ra sông hoặc hồ ở phía Nam, mặt sau hướng về đồi núi ở phía Bắc. Hầu hết các thành phố cổ ớ Trung Quốc được xây dựng theo thuyết Phong thủy, lấy việc chọn vị trí dựa trên môi trường xung quanh của thuyết này làm chủ đạo.
Phong thủy giúp tìm đất tốt cho các kiến trúc quan trọng và xác định trục trung tâm của một thành phố. Bình thường thì trục chính của một thành phố hay của một quần thể kiến trúc nên hướng về một ngọn núi gần đó để thành phố thêm phần cao quý và tôn nghiêm. Những người thực hành nghề kiến trúc Phong thủy thường chú trọng đến các chùa và vị trí xây chùa vì người tin rằng chùa có thể che chở cho những người sống xung quanh khu vực đó.