Tài liệu: Trung Quốc - Tỉnh Vân Nam

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tỉnh Vân Nam nằm ở phía tây Trung Quốc, có biên giới với Việt Nam, Lào và Mianma, trong thung lũng Á nhiệt đới và đỉnh Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ.
Trung Quốc - Tỉnh Vân Nam

Nội dung

Tỉnh Vân Nam

Tỉnh Vân Nam nằm ở phía tây Trung Quốc, có biên giới với Việt Nam, Lào và Mianma, trong thung lũng Á nhiệt đới và đỉnh Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Với nhiều lễ hội độc đáo của người dân tộc thiểu số, đây quả là một thế giới riêng giữa đất nước Trung Hoa rộng lớn.

Vân Nam được Trung Quốc mệnh danh là vương quốc thực vật và động vật, là tỉnh có nhiều núi đá vôi và nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc và thế giới. Thời Tam quốc, Vân Nam được gọi là Trấn Quốc, một bộ phận của tỉnh này nằm dưới sự cai trị của nước Thục.

Diện tích Vân Nam là 394.000 km2, cao ở phía bắc, thấp dần về phía nam. Phía tây bắc là bộ phận kéo dài của cao nguyên Thanh Tạng cao hơn mặt biển 5000 m, có các sông Thương Hai bên bờ các con sông là những thung lũng có đồng ruộng cao hơn mặt biển hơn 500 m. Đây là một trong những tỉnh có núi đá vôi hùng vĩ nhất thế giới, trong các núi đá có nhiều hang động rất đẹp và nhiều suối nước nóng.

Nằm giữa các vùng núi có nhiều hồ nước trong đẹp nổi tiếng thế giới, khí hậu Vân Nam bốn mùa đều là mùa xuân, tài nguyên phong phú. Tỉnh này là một trong những nơi tìm ra được người cổ đại hóa thạch sớm nhất thế giới, cách đây 1 triệu 715 nghìn năm đã có vượn người sinh sống ở đây. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hóa thạch của vượn từ 8 triệu đến 14 triệu năm trở về trước, có khả năng người vượn Vân Nam còn xuất hiện trước người vượn ở thời trung nguyên.

Quế Lâm

Dân số của Vân Nam là 32.550.000 người, có 26 dân tộc sinh sống, là một trong những tỉnh có nhiều dân tộc nhất ở Trung Quốc và có lịch sử văn hóa phát triển lâu đời. Việc tìm thấy mộ đá Trấn Vương đã chứng minh nền văn hóa cổ đại của Vân Nam phát triển từ rất sớm.

Thành phố Côn Minh

Là một thành phố khí hậu ôn hòa mát mẻ, quanh năm Côn Minh cây cối xanh tươi, bốn mùa hoa lá khoe sắc. Côn Minh còn có tên gọi khác là Xuân Thành - trung tâm của cao nguyên Vân Quý, độ cao trung bình 1800 m so với mặt biển. Với diện tích 650 km2, dân số 3.800.000 người, Côn Minh nổi tiếng từ hơn 2000 năm nay. Nhiệt độ trung bình 160C rất phù hợp để phát triển du lịch nghỉ mát. Ở đây rất nhiều loài hoa quý được xuất khẩu sang Thái Lan, Hồng Kông.

Côn Minh cũng là nơi lưu giữ được nhiều văn vật lịch sử và kiến trúc cổ kính. Từ năm 339 đến năm 58 trước công nguyên, tướng nhà Sở là Trang Kiều đã lập đô tại đây. Tôn Hà Vọng cuối đời Minh, Ngô Tam Quế đầu đời Thanh đã từng xưng vua và lập đô ở Côn Minh. Họ đã xây dựng lên nhiều thành quách, đền thờ miếu mạo còn lưu giữ được đến ngày nay. Ở đây có các kỳ quan như Hắc Long Đàm cây cối xanh tươi; chùa Cùng Trúc có nhiều tượng Phật và 500 pho tượng La Hán; Đại Quan Lầu có cảnh hồ nước xanh biếc; chùa Kim Địa có chiếc chuông đồng lớn có một không hai; chùa Niên Thông cổ kính; suối nước nóng An Minh. Xung quanh Côn Minh có khoảng hơn chục di tích và danh lam thắng cảnh được khách du lịch trong nước và thế giới vô cùng thích thú.

Các điểm du lịch lí thú:

Thành phố hoa

Thế mạnh du lịch Vân Nam là các điểm du lịch thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, khí hậu luôn mát dịu, và đặc biệt phải kể đến thành phố hoa xuân (spring city) Côn Minh. Côn Minh hiện cung cấp 70% hoa tươi cho Trung Quốc và đang cạnh tranh với Hà Lan để trở thành vương quốc hoa lớn nhất thế giới.

Giống như Đà Lạt, Côn Minh ở trên độ cao khoảng 1.500 m so với mặt nước biển nên có khí hậu ôn đới quanh năm, thích hợp để trồng nhiều loại hoa tươi như lan, hồng, cúc, hồ điệp, tulip. Dường như để chứng tỏ sự giàu có về hoa của mình, tại các địa điểm công cộng của Côn Minh đều có các trưng bày, thiết kế hoa với nhiều kiểu dáng và với hàng trăm loại hoa tươi đủ màu sắc. Hoa xuất hiện khắp các cửa ngõ, công viên, đường cao tốc, nhà ga. . . Tại Côn Minh có một thị trấn chuyên trồng hoa, ở đó nhà nhà đều là triệu phú; cũng ở đó có những cành hoa lan quí giá lên đến hàng chục vạn nhân dân tệ.

Đi Côn Minh ngắm hoa, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến công viên sinh vật cảnh Côn Minh (gọi tắt là trung tâm Expo99), với diện tích rộng trên 200 ha, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 20 phút đi ô tô. Tại đây, năm 1999, để khuếch trương thế mạnh hoa và quảng bá điểm đến Côn Minh với quốc tế, một hội chợ hoa quốc tế được đánh giá là lớn nhất thế giới đã được tổ chức với sự tham gia của 62 nước. Sau khi hội chợ kết thúc hết sức tốt đẹp, các nhà kinh doanh dịch vụ du lịch địa phương đã đưa ra sáng kiến xin giữ lại các loại hoa của các nước tham dự và dành riêng mỗi quốc gia một khu vực nhằm nhân giống hoa.

Con đường hoa được thiết kế từ cổng chính công viên đến ngôi nhà chính dài khoảng 1 km, với hàng triệu chậu hoa nằm san sát khoe sắc đua hương. Độc đáo nhất là ngay giữa trung tâm con đường hoa có năm chiếc cột cao khoảng 10 m, to chừng năm người ôm, và một chiếc thuyền hoa khổng lồ như muốn khẳng định rằng Côn Minh nói riêng và Vân Nam nói chung sẽ mang cái đẹp của hoa đến với toàn thế giới.

Long Môn

Trên vách núi La Hán ở Tây Sơn từ lầu Tam Thanh xuyên qua hẻm đá hẹp có bốn chữ ''Biệt Hữu Động Thiên''. Nhìn về phía nam, giữa núi có một con đường dẫn tới Vân Động. Theo bậc đá sẽ đến được cổng có biển đề hai chữ ''Long Môn'' và có phòng đá là lầu lên trời. Trong lầu có những pho tượng, cột trụ, bát hương, án thư độc bình và du long... đều là đá ở núi được trạm trổ tinh vi và tạo ra thành một thể loại thống nhất. Toàn thể công trình bắt đầu được tạc vào năm Càn Long thứ 46 (1781) và hoàn thành vào năm Hàm Phong thứ 3 (1853).

Hắc Long Đàm

Công viên Hắc Long Đàm dưới chân núi Long Tuyền ở ngoại ô phía Bắc thành phố Côn Minh - Vân Nam. Dưới chân núi có đầm nước, mạch nước từ đáy chảy lên liên tục không ngừng, màu nước đen sẫm cho nên có tên gọi như vậy ở đây có hai tầng: lầu dưới là Hắc Long Cung, xây vào năm thứ năm đời Cảnh Thái nhà Minh (1454), lầu trên là Long Tuyền được xây theo kiểu tầng mái. Chính điện gồm 3 tầng, trong đền có nhiều cây cảnh hoa lá tốt tươi tạo thành cảnh đẹp hấp dẫn du khách.

Điền Trì - Côn Minh

Điền Trì là hồ lớn nhất tỉnh Vân Nam, còn gọi là hồ Côn Minh, nằm ở phía tây nam thành phố Côn Minh, chiều nam bắc hồ dài 40 km, đông tây rộng 8 km, diện tích khoảng 300 km2, trước đây được gọi là "Hồ Điền năm trăm dặm'', được hình thành bởi vết đứt gãy lõm xuống của cao nguyên Điền Trung.

Thắng cảnh chủ yếu của khu phong cảnh Điền Trì có Tây Sơn, lầu Đại Quan. Tại ngoại ô thành phố Côn Minh, cách hồ Điền không xa còn có nhiều thắng cảnh như chùa Củng Trúc, đầm Hắc Long, điện Vàng.

Tây Sơn nằm ở mé tây hồ Điền, gồm các ngọn núi Hoa Đình, Thái Hoa, Thái Bình, La Hán. Ngọn cao nhất là núi Thái Hoa, cao hơn mặt hồ 470 mét, nhìn xa nhấp nhô một dải trông như một pho tượng Phật nằm, cho nên còn được gọi là núi Ngoạ Phật, có lúc lại như một cô gái đẹp nằm ngửa bên hồ, người Côn Minh gọi là núi "Người đẹp ngủ''. Rừng cây trên núi xanh tốt, động khe suối chảy, mây trùm ráng phủ, hiện được phát triển thành công viên rừng Tây Sơn. Cảnh đẹp chính của Tây Sơn là chùa Hoa Đình, chùa Thái Hoa, mộ Nhiếp Nhĩ, gác Tam Thanh và Long Môn.

Chùa Hoa Đình ở sườn núi Hoa Đình, vốn là biệt thự của Cao Trí Thăng, Thiền Chiểu (Côn Minh) hầu, nước Đại Lý. Đến thời Nguyên, chùa được xây dựng thành thiền viện, các thời Minh, Thanh cũng nhiều lần tu bổ cho chùa. Năm 1920, nhà sư Hồ Nam là Hư Vân đã xây dựng thêm, đổi tên chùa thành Tĩnh Quốc Vân Thê thiền tự. Sau điện Thiên Vương có toà nhà hai tầng, tầng dưới bố trí khéo léo, trong có hồ nước, trên hồ có cầu đá lan can điêu khắc tinh xảo, chung quanh hoa cỏ dây leo um tùm, ở bệ phẳng của tầng trên lại xây điện Đại Hùng nguy nga hùng vĩ, là điện thờ lớn nhất Tây Sơn.

Từ chùa Hoa Đình đi xuống phía nam 1,5 km là tới chùa Thái Hoa nằm trong lòng núi Thái Hoa. Chùa được xây vào đời Nguyên, tên ban đầu là chùa Phật Nghiêm. Thời Minh, Thanh, chùa được tu bổ trở thành chùa lớn nhất Tây Sơn. Chùa dựa vào núi kề liền hồ, cây cối xanh tốt, không khí tĩnh mịch. Những kiến trúc trong chùa như diện Thiên Vương, điện Đại Hùng, lầu Phiêu Diêu, lầu Xanh Biếc Muôn Khoảnh đều rộng rãi, cao dần theo thế núi. Lầu Xanh Biếc Muôn Khoảnh còn gọi là lầu Vọng Hải, là nơi lí tưởng để thưởng ngoạn mặt trời mọc và ráng chiều ở hồ Điền.

Chùa Thái Hoa xưa nay nổi tiếng cây cỏ xanh tươi, ngọc lan, sơn trà, hoa mai, đỗ quyên, đan quế, lăng tiêu cùng rất nhiều loài hoa nổi tiếng khác đua nhau khoe sắc. Mùa xuân, lan bạch ngọc, lan tử ngọc nở rộ, sơn trà đỏ thắm rực rỡ, đậm nhạt thanh nhã rực rỡ khắp vườn. Mùa thu, trong vườn hoa quế, hàng trăm cây kim quế, ngân quế như từng chuỗi ngọc trân châu phủ kín các cành, từng làn gió thoảng, toả ngát hương.

Từ chùa Thái Hoa đi tiếp xuống phía nam 2 km sẽ tới gác Tam Thanh của núi La Hán. Quần thể kiến trúc trên vách núi cheo leo này được tạc đào vào đá núi, trông xa như lầu vàng, điện ngọc hiểm trở, hoành tráng. Gác Tam Thanh vốn là hành cung nghỉ mát của Lương Vương đời Nguyên, đời Minh lại xây dựng nơi này thành chùa Hải Nhai, còn gọi là chùa La Hán. Gác Tam Thanh có hai tầng lầu, áp sát núi La Hán, trông ra xa phong cảnh hồ Điền nằm gọn trong tầm mắt. Mười một toà điện thờ trung tâm của gác Tam Thanh, tầng bậc liền nhau, có phong cách kiến trúc Đạo giáo điển hình của Trung Quốc.

Long môn phía bắc bắt đầu từ gác Tam Thanh, phía nam tới tận gác Đạt Thiên, trên vách đá cao có nhiều công trình điêu khắc đá hoành tráng. Đường đá, điện đá, lan can đá, tượng đá, câu đối đá..., hoà hợp làm thành công trình tuyệt diệu.

Năm 1984, cạnh Long Môn phát triển thêm động Xuyên Vân, theo vách đá cheo leo mở thêm đường bậc thang lên 2642 mét, thang mây 2112 bậc, thông với khu du lịch rừng Tiểu Thạch và mở ra tuyến du lịch đỉnh núi La Hán và đỉnh núi Mỹ Nữ.

Trên sườn núi chùa Thái Hoa thông sang gác Tam Thanh có mộ Nhiếp Nhĩ. Năm 1988, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố đây là cơ sở bảo hộ văn vật trọng điểm toàn quốc. Mộ dựa vào núi nhìn ra sông, tùng bách xanh tươi quanh năm, cảnh sắc vô cùng thanh nhã. Vườn mộ có hình đàn nguyệt, nhà mồ đặt tại mặt đàn, trên dựng bia mộ làm bằng đá đen. Trước mộ có vòng hoa khắc tạc bằng đá hoa cương và tượng đá Nhiếp Nhĩ.

Chùa Củng Trúc nằm trên núi Ngọc Án, phía tây bắc thành phố Côn Minh, được xây dựng vào đầu đời Nguyên và dược trùng tu vào đời Minh, Thanh. Phần độc đáo nhất trong chùa là điện Đại Hùng và năm trăm pho tượng La Hán. Tượng La Hán cao khoảng 1 m, có hình dáng khác nhau, thần sắc vô cùng sinh động. Tượng do nhà tạc tượng dân gian Tứ Xuyên là Lê Quảng Tu cùng năm học trò hoàn thành sau 7 năm tạo dựng. Việc sáng tác 500 pho tượng La Hán này đã thoát khỏi việc rập khuôn mặt tượng đất truyền thống của Phật giáo, lấy hình tượng nhân vật xã hội hiện thực phong phú làm nguyên mẫu. Vẻ mặt tượng đủ cả buồn, vui, giận, thích thú, tính cách khác nhau của các La Hán đều khắc hoạ chính xác, sinh động như thật. Đây là tác phẩm quý trong nền sáng tác tượng Phật bằng đất của Trung Quốc, được ca ngợi là "viên ngọc sáng trong kho báu nghệ thuật khắc tạc tượng phương Đông''.

Đầm Hắc Long trên núi Long Tuyền ở ngoại ô phía bắc thành phố, bao gồm hai quần thể kiến trúc cổ, phần trên thấp thoáng ẩn hiện trong bóng cây xanh thẳm, gọi là quán Long Tuyền, phần dưới kề sông sâu đầm biếc, gọi là cung Hắc Long. Trong quán Long Tuyền có rất nhiều cây cỏ kì lạ, đặc biệt là hai cây mai đỏ cánh kép đã hơn 1000 năm tuổi, cứ trước tết là hoa nở sớm, hoa to, hương thơm ngát. Cây bách Tống đã sống trên 800 năm, 5 hoặc 6 người mới ôm xuể, cao 25 mét, cành lá xúm xuê. Cây sơn trà đời Minh với 400 năm tươi, còn gọi là tảo đào hồng. Vào tháng hai, tháng ba khi các loài hoa trà khác còn ngậm nụ chưa nở thì cây tảo đào hồng này đã mãn khai.

Kim điện nằm trên núi Minh Phượng ở ngoại ô đông bắc thành phố, còn gọi là "chùa Ngói đồng'', do tuần phủ Vân Nam là Trần Dụng Tân xây dựng vào năm Vạn Lịch thứ 30 đời Minh. Năm Khang Hy thứ 10 (1671), Thân vương Bình Tây Ngô Tam Quế đã cho xây dựng lại. Đây là toà điện lớn nhất Trung Quốc. Điện cao 6,7 mét, hình vuông, mỗi chiều dài rộng 7,8 mét, có hai tầng, hiên kép, mái toả. Toàn bộ kiến trúc từ xà, cột, mái, đấu, cửa vòm, cửa sổ cho tới toà Trấn Vũ đại đế, đàn thờ thần, lư hương trong điện đều đúc bằng đồng, trọng lượng lên tới trên 250 tấn.

Thúy Hồ

Phía bắc thành phố Côn Minh có một hồ nước có 9 mạch chảy ở phía Đông Bắc, thời xưa gọi là Cửu Long Trì hoặc Thái Hải Tử. Đời đầu nhà Thanh có Ngô Tam Quế đã cắt đất xưng vương ở Vân Nam, và xây dựng Vương Phủ ở phía tây của hồ. Sau khi Ngô mất, cháu ông là Ngô Thế Phiên lại xưng đế, gọi nơi đây là Hồng Hoa Phủ, sau lại đổi tên là Thừa Hoa Phủ. Sau đó Khang Hy đã xây một lầu ở đảo giữa hồ gọi là Bích Kỳ Đình và đổi lại là Hải Tâm Đình.

Trong đình có câu đối ''Hữu đình dị nhiên, chiếm lục thủy thập phân chi nhất''. Đầu năm Gia Khánh, nhà Thanh lại mở rộng sửa đình thành Liên Hoa Thiền Viện. Đời nhà Thanh, tổng đốc Nguyễn Văn Trúc đắp thêm một con đê dài ở đây, gọi là đê Nguyễn, phía nam là Yến Tử Kiều (Cầu Chim én). Năm 1919, Đường Tục Hiểu lại cho đắp đê dài ở đông và tây tiếp với đê Nguyễn ở giữa hồ gọi là đê Đường, làm thêm hai cây cầu phía Đông là cầu Vệ Đông, phía Tây là cầu Định Tây. Bên bờ liễu rủ mặt hồ, giữa hồ hoa sen đua nở, lầu các soi hình đáy nước lung linh, 4 mùa hoa nở như mùa xuân.

Đại quan lầu

Trong công viên Đại Quan cách 4 km về phía tây Côn Minh có nơi gọi là Cận Hoa phổ đối diện với Thái Hoa Sơn. Mộc Thị là Quốc Công nhà Minh đã từng xây biệt thự ở vườn phía Tây. Năm Khang Hy thứ 21 (1862), nhà sư Hồ Bắc đã đến đây giảng kinh và xây dựng chùa Quan Âm. Năm thứ 25, Vương Kế Văn đã xây mở rộng thêm đình Vịnh Nguyệt, Đăng Bích Đường, Hoa Nghiêm Các, Thúc Canh Quán..., sau lại xây thêm một lầu hai tầng nhìn ra hồ là Đại Quan Lầu. Năm Đạo Quang thứ 8 (1828), lầu dược xây thêm tầng 3 và trở thành nơi tụ hội của những văn nhân mặc khách đến ngâm thơ bình văn. Năm Hàm Phong thứ 7 (1857), lầu bị hủy hoại trong cơn binh lửa. Lầu còn đến nay là lầu được xây dựng lại từ đời Đồng Trị năm thứ 8 (1869). Năm 1913, nơi đây được mở rộng thành công viên, nhập thêm các vườn Lý Viên, Canh Viên, Lỗ Viên, Đinh Viên, Bách Viên... thành một công viên lớn.

Thạch Lâm

Hàng năm có khoảng 1 triệu người Trung Quốc tới thăm nơi đây để được tận mắt chiêm ngưỡng Thạch Lâm cao nguyên - một kỳ quan thiên nhiên.

Người Côn Minh cũng có câu: ''Đến Côn Minh mà không đến Thạch Lâm thì coi như chưa đến Côn Minh''. Ngay từ thời nhà Minh, Thạch Lâm đã là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất Trung Quốc, được coi là ''Thiên hạ đệ nhất kỳ quan''. Đó là một quần thể hùng vĩ trải rộng 350 km2 gồm các hồ nước, thác nước và vô vàn những cột đá vôi xám đã bị nước mưa xói mòn, tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. 270 triệu năm trước đây, khu vực này còn nằm sâu dưới đáy biển. Do sự biến đổi của vỏ trái đất, biển rút đi và núi đá vôi nhô lên. Sự xói mòn do mưa và những kẽ nứt ngày càng mở rộng đã tạo nên hàng ngàn cột đá với độ cao từ 6 đến 98 bộ (bằng từ 9,9 m đến 161,7 m). Từ trên cao nhìn xuống, Thạch Lâm như một rừng cây rậm rạp. Du khách sẽ bị huyễn hoặc như lạc vào câu chuyện cổ thần tiên khi cả rừng đá trở nên óng ánh dưới ánh mặt trời.

Nơi đây có truyền thuyết về tình yêu của nàng A-sư-ma và chàng Đen, đôi tình nhân đã gắn bó tình yêu nơi vùng Thạch Lâm này. Bạn có thể vừa đi, vừa lắng nghe câu chuyện, ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên như những bức tranh minh hoạ cho truyền thuyết tình yêu đầy cảm động ấy. Đây là vết chân của chàng Đen đạp hang vào cứu người yêu, đây là thanh kiếm thần mà trời ban cho chàng để giết tên nhà giàu độc ác, là cây tình yêu với những vòng quấn xoắn xuýt, nơi hò hẹn của các cặp tình nhân. Khi hoàng hôn xuống nơi đây, các chàng trai chơi loại đàn dân tộc 3 dây, còn các cô gái thì gõ trống và nhảy múa tưng bừng.

Lễ hội dân gian lớn nhất ở Thạch Lâm là lễ hội Đốt đuốc của người dân tộc Di, được tổ chức hàng năm vào ngày 24 - 6 âm lịch. Vào ngày này, không ít lễ hội tràn ngập khắp nơi nơi, người ta tổ chức đấu bò, vật cổ truyền, múa, hát... Đặc biệt, một phong tục đã có từ ngàn năm vẫn được duy trì ở lễ hội là khi bóng đêm đổ xuống, các chàng trai tay cầm đuốc đuổi theo các cô gái để cầu hôn.

Shangri-La - Chân trời bị lãng quên

Ngày nay, Shangri-La được nhiều người biết đến là cái tên của một số khách sạn lớn có mặt ở nhiều nước trên thế giới (tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam cũng có 1 khách sạn mang tên này). Shangri-La là một cái tên có vẻ huyền bí, gợi cho người ta nhớ lại vùng đất thiên đường với sức hấp dẫn kỳ lạ mà tiểu thuyết ''The Loạt Horizon'' (Chân trời bị lãng quên) của nhà văn Anh James Hilton đã từng đề cập đến. Trong tiểu thuyết này, nhà văn James Hilton đã biến một vùng đất chưa ai đặt chân đến trở nên danh tiếng và được mệnh danh là Shangri-La.

Tiểu thuyết mô tả vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất này: bầu trời màu xanh lơ, phong cảnh hữu tình làm mê hoặc những ai một lần đặt chân tới Song, hơn 50 năm qua, '' Shangri-La của James Hilton'' dù đã vang danh khắp thế giới, nhưng vẫn chưa có ai biết nó ở nơi nào.

Cuối cùng, năm 2001, chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tuyên bố một thôn trong quận Diqing được đặt tên là Shangri-La, đánh dấu sự phát hiện của James Hilton. Theo ngôn ngữ Tây Tạng, Shangri-La có nghĩa là địa điểm của vận mệnh và may mắn. Nằm ở trung tâm của ba dòng sông: Jinsha, Langcang và Nujiang, Shangri-La là vùng đất có vô số thắng cảnh độc đáo: những cánh đồng cỏ và khu rừng rậm rộng lớn; những ngọn núi cao phủ đầy tuyết trắng, hoa dại mọc đầy, những thung lũng sâu thăm thẳm; những dòng sông, thác nước và các nền văn hóa tôn giáo, tất cả đan xen gây cuốn hút khách đến tham quan.

Những ngọn núi tuyết

Everest

Giữa Vân Nam và Tây Tạng có vô số ngọn núi tuyết, trong đó có đỉnh Everest, ngọn  núi cao nhất thế giới và Qiaogeli, ngọn núi cao thứ hai thế giới. Được phủ trong lớp sương mù và đám mây, núi tuyết thứ ba Meili là ngọn núi huyền bí và thiêng liêng nhất của người dân Tây Tạng. Núi tuyết Meili, cao giống Kim tự tháp, nằm cách phía Tây thành phố Diqing 10 km. Khi mặt trời vừa ló dạng, ngọn núi tuyết này trông giống như một núi vàng.

Núi băng Kawageber

Đỉnh núi băng Kawageber cao 6.740 mét so với mực nước biển là một đỉnh núi hoang sơ, đến nay vẫn chưa có người đặt chân tới. Trong nhiều năm qua, nhiều người leo núi đến từ Trung Quốc, Anh, Mỹ và Nhật Bản đã thất bại trong cuộc chinh phục đỉnh núi này.

Núi tuyết Baimang

Núi tuyết Baimang với nhiều danh lam thắng cảnh là điểm du lịch lý tưởng dành cho những ai thích leo núi. Nằm ở giữa dãy núi Hengdgun thuộc thôn Diqing, tất cả những ngọn núi tuyết lớn nhỏ Baimang đều cao trên 4.000 mét (có núi cao nhất là 5.430 mét). Nơi đây có những cánh rừng nguyên sinh khổng lồ với vô số động thực vật quý hiếm nên vô cùng hấp dẫn, thu hút nhiều nhà động, thực vật học. Baimang lôi cuốn một lượng lớn khách đến tham quan thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên vào cuối mùa hè và mùa thu. Sức hấp dẫn nhất ở đây là vào thời điểm từ tháng 12 và tháng 4 hằng năm, khi các ngả đường đều phủ đầy tuyết trắng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bitahai

Khu bảo tồn thiên nhiên Bitahai là điểm đến du lịch hấp dẫn vì ngoài vẻ đẹp tự nhiên còn có hệ động thực vật phong phú. Trong khu bảo tồn, vô số những cây thông và cây trắc bá diệp (có tuổi đời trên một trăm năm) mọc xung quanh hồ Bitahai. Mặt nước hồ trong suốt như thủy tinh. Giữa hồ có một hòn đảo nhỏ được bao phủ bởi những cây bách hương và sơn trà. Vào mùa xuân, hoa sơn trà rụng đầy mặt hồ và là món ăn ngon cho các loài cá tranh nhau. Xung quanh hồ Bitahai là những cánh rừng rậm hoang sơ còn lưu giữ nhiều động vật quý hiếm như: chim trĩ chân đỏ, chim trĩ bạc, bò, báo và mèo rừng hoang.

Thảo nguyên Yila Prairie

Yila Prairie là nơi đẹp nhất ở Vân Nam. Vào mùa hè và mùa thu, vô số các loài hoa đua nhau nở trên thảo nguyên. Nơi đây có một khu chuyên dành để tổ chức lễ hội ngoài trời. Những lễ hội này trong nhiều năm qua đã thể hiện được nhiều nền văn hóa khác nhau, tô điểm cho Khu vườn Eden ngày càng thịnh vượng và xinh đẹp. Nơi đây có các dân tộc Hán, Tây Tạng, Naxi và những tín đồ Thiên Chúa giáo. Những biểu tượng của nhiều nền văn hóa như cung điện Baishuitai, Little Potala và nhà thờ Thiên Chúa Cizhong (theo phong cách Roman, ý) là bằng chứng cho sự phát triển của vùng này.

Thành cổ Lệ Giang

Nằm ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thành cổ được công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi vẻ đẹp và sự tồn tại diệu kỳ của nó. Sau trận động đất năm 1996, thành vẫn còn nguyên vẹn trong khi các khu dân cư mới đều sụp đổ. Thành không có tường bao quanh, được xây theo hình bát quái chứ không phải kiểu ô vuông bàn cờ.

Nhà trong thành đều làm bằng gỗ, tường đá, mái ngói cong, đa số là 2 tầng. Ở đây có 3 kiểu nhà cổ: nhà 4 phía, 4 cổng, 4 gian, ở giữa là sân chung; nhà có 1 cổng và 3 gian liền nhau hình chữ U và nhà có một lối lên lầu xây kiểu vòng cung.

Đêm cổ thành Lệ Giang lung linh bởi những chiếc đèn lồng đỏ treo trước mỗi căn nhà. Dòng chảy trong veo hút vào mình ánh trăng, ánh đèn, sắc hoa, sắc lá và cả những chiếc hoa đăng trôi nhanh, nước va vào đá tạo nên những âm thanh vang động từ lòng phố.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556169351583487/Du-lich/Tinh-Van-Nam.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận