Vì sao các bạn trẻ cần tránh
trở thành những con nghiện mạng?
Ngày nay, cụm từ “online” đã trở nên vô cùng phổ biến với hầu hết các bạn trẻ. Theo các kết quả điều tra xã hội học, tỷ lệ các bạn trẻ có cuộc sống gắn liền với thế giới mạng đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Hiện tượng này không chỉ phổ biến ở thành thị mà còn lan rộng sang những vùng nông thôn trên khắp các vùng miền.

Theo các kết quả điều tra xã hội học thì ảnh hưởng xấu của các trò chơi trên mạng với thanh thiếu niên được thể hiện chủ yếu trên hai phương điện sau: Phương diện thứ nhất là nội dung trò chơi. Nếu nội dung trò chơi không lành mạnh thì rất dễ dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức xã hội ở lứa tuổi này. Phương diện thứ hai là nếu quá mải chơi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tình hình học tập của các bạn trẻ. Cả hai yếu tố này đều hoàn toàn bất lợi đối với lứa tuổi vị thành niên.
Hiện nay, đa số các gia đình đều chỉ có từ 1 - 2 con. Những đứa trẻ ít có cơ hội được giao tiếp, trao đổi với thế giới bên ngoài. Nếu mải mê với những trò chơi điện tử trên mạng, hạn chế giao tiếp với bên ngoài thì rất có thể các bạn trẻ sẽ mắc phải căn bệnh trầm cảm hoặc gặp trở ngại về tâm lý. Thành tích học tập của các bạn cũng vì thế mà giảm sút nghiêm trọng, hiện tượng trốn học, bỏ tiết ngày càng nhiều. Những trò chơi có nội dung kích động bạo lực thậm chí còn có thể dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức xã hội, làm gia tăng những vụ phạm tội trong thanh thiếu niên. Các kết quả điều tra còn chỉ rõ: cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ thống mạng internet, số lượng thanh thiếu niên có thói quen lên mạng cũng ngày càng nhiều hơn. Đây là quyền lợi của họ và người lớn cũng không nên cấm đoán. Tuy nhiên, người lớn cũng cần hết sức quan tâm đến hành vi lên mạng của con cái, có sự chỉ dẫn, giáo dục kịp thời để biến mạng internet thành công cụ đắc lực trong việc nâng cao trình độ, mở rộng hiểu biết, xây dựng lòng nhân ái và lối sống lành mạnh cho các bạn trẻ.
Nhìn chung, trước tiên phải có biện pháp giải quyết tình trạng lên mạng quá nhiều ở các bạn trẻ, chúng ta cần tìm cách cứu những bạn đã trở thành “con nghiện mạng”. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tham gia tích cực hơn trong việc tuyên truyền, phổ cập các kiến thức về một lối sống, tâm lý lành mạnh cho các bạn ở độ tuổi vị thành niên; thiết lập những đường dây tư vấn tâm lý, xây dựng những trang web có nội dung tình trạng đó. Ngoài ra, các cơ quan tổ chức cũng cần tăng cường bồi dưỡng cho các trung tâm tư vấn tâm lý, để những trung tâm này không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tư vấn một cách tích cực và hiệu quả cho mọi đối tượng.
Tính cách nổi bật của đa số các “con nghiện mạng” là “cô độc, căng thẳng, sợ hãi, lạnh lùng với thế giới xã hội và không thích tham gia vào các hoạt động xã hội lành mạnh. Họ thích được chìm đắm trong thế giới ảo, giao tiếp với mọi người xung quanh bằng máy vi tính nên rất dễ xa rời với thực tại, dẫn đến những bất thường trong tính cách. Hơn nữa, vì đang ở trong độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách nên sự xa rời thực tế trong thời gian dài sẽ tạo nên những ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển tâm lý, nhân cách của lứa tuổi này.
Ngoài ra, do chìm ngập trong “mối quan hệ ảo” trên mạng nên họ cũng dẫn nảy sinh tâm lý căng thẳng, hoài nghi những người thật, việc thật xảy ra xung quanh mình. Điều này là do những “công dân mạng” bị ảnh hưởng từ các mối quan hệ “ảo” ở các diễn đàn trên mạng, nơi các thành viên có thể nói bất cứ điều gì mình thích mà không phải lo lắng đến việc minh đang nói thật hay nói dối.
Với những người có tính cách “hướng nội”, thì mạng internet chính là nơi giúp họ thõa mãn “cái tôi” của mình một cách tốt nhất, nhưng ngược lại điều đó càng khiến họ trở nên hướng nội, sống khép kín hơn.
Những kích động bạo lực, tình cảm, lừa đảo trên trang mạng thường ảnh hưởng đến tính cách, đạo đức của các “con nghiện mạng”, thậm chí đôi khi còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng hủy hoại tương lai.