VÌ SAO KHI XEM CÁC CHƯƠNG TRÌNH TI VI ĐÃ ĐƯỢC KHOÁ MÃ LẠI
PHẢI SỬ DỤNG THIẾT BỊ CHUYÊN DÙNG?
Máy ti vi ở nhà chỉ cần cắm điện vào là có thể thu được tất cả các các chương trình truyền hình vô tuyến của đài truyền hình Trung ương cũng như của các đài truyền hình địa phương phát. Nhưng nếu muôn thu những chương trình của đài truyền hình hữu tuyến để xem thì không hề đơn giản như vậy, mà bắt buộc trước hết phải nộp tiền làm các thủ tục đăng ký, sau đó được nhân viên chuyên nghiệp đến nhà lắp đặt đường dây, rồi lại phải kết nối giữa đầu nối chuyên dụng của đường cáp truyền dẫn truyền hình hữu tuyến với ổ cắm anten ở máy tivi. Khi đó mới có thể thu và xem được các chương trình do đài truyền hình hữu tuyến phát.
Trong khi thu xem các chương trình do đài truyền hình hữu tuyến phát, chúng ta có thể nhận thấy có một số kênh chỉ nghe thấy tiếng mà không thể nhận rõ hình, đó chính là các kênh truyền hình đã bị khoá mã. Khi phát nội dung các chương trình khoá mã, đài truyền hình hữu tuyến đã sử dụng phương pháp khoá mã để làm cho những người dùng truyền hình hữu tuyến chỉ nghe thấy tiếng mà không thể thấy hình một cách rõ ràng. Chỉ sau khi lắp đặt bộ giải mã thiết bị chuyên dùng để xem các chương trình khoá mã thì người dùng mới có thể thu xem các chương trình đã khoá mã một cách bình thường.
Kiểu khoá mã này, thông thường chỉ là làm nhàu hình ảnh, nguyên lý của nó cũng không phức tạp lắm. Lấy một ví dụ, giả sử trong tay ta có một tấm hình, có thể dùng hai cách để làm ''đảo lộn'' hình ảnh của tấm hình đó. Cách thứ nhất: đem tấm hình đó cắt thành mấy chục sợi đều nhau theo chiều nằm ngang, sau đó kéo lệch đầu các sợi nhỏ đó hoặc đảo lộn vị trí trên dưới của các sợi đó rồi ghép lại với nhau. Cách đó gọi là đảo lộn thứ tự thời điểm. Cách thứ hai là cũng đem tấm hình đó cắt thành mấy chục sợi đều nhau theo chiều nằm ngang, rồi dùng các loại giấy mầu trong suốt khác nhau dán lên trên mỗi sợi đó. Cách này gọi là đảo lộn mầu sắc. Đem so sánh tấm hình có được sau khi áp dụng hai phương pháp này với tấm hình nguyên bản thì hình ảnh đã hoàn toàn thay đổi rồi. Phương pháp khoá mã dùng cho các chương trình của đài truyền hình hữu tuyến cũng tương tự như vậy. Chúng ta đều biết, mỗi hình ảnh trên màn hình ti vi bình thường được quét thành hơn 320 dòng, nếu như ta tiến hành ''đảo lộn thứ tự thời điểm'' hoặc ''đảo lộn mầu sắc'' của hơn 320 dòng đó thì người xem chắc chắn không thể nào xem được chương trình.
Do bộ giải mã nắm rõ được ''mật mã'' của sự đảo lộn ấy, nên sau khi lắp đặt bộ giải mã, thì có thể khôi phục nguyên trạng của các hình ảnh trên màn hình ti vi. Mỗi bộ giải mã chuyên dùng đều có một mật khẩu máy móc riêng, đài truyền hình hữu tuyến ghi nhớ tất cả mật khẩu của từng bộ giải mã, hơn nữa còn thường xuyên sử dụng thiết bị chuyên dùng để kiểm soát mật khẩu nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng hợp pháp và ngăn chặn việc sử dụng các bộ giải mã bất hợp pháp.