Tin tức: Mới “bình”, nên mới luôn cả “rượu”

Mới “bình”, nên mới luôn cả “rượu”

Nội dung

Nhà ở gần Hồ Tây nên mỗi lần về ngang qua đường Độc Lập, tôi không thể không nhìn sang tòa nhà Quốc hội mới, nơi được xem là biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao. Nhìn nhiều nên đâm ra... tò mò. Không biết những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân có “nâng tầm” không khi làm việc trong nơi được mệnh danh là công sở đầu tiên có quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước.

Điều tôi lo nhất là liệu “bình mới” thì “rượu” có chất lượng cao hơn không, khi mà Quốc hội mang tiếng là biểu tượng của ý dân nhưng mà dân vẫn “với còn lâu tới”. Tôi còn nhớ một bài báo đọc năm ngoái, tại Hội nghị truyền thông về Quốc hội cho sinh viên, một vị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi, đại ý: Có ai ở đây nhớ đại biểu mình đã bầu không.

Một sinh viên trường Đại học Luật “đáp trả”: Hiện còn nhiều đại biểu không gần dân thì không thể đòi hỏi dân phải biết mình. Một câu trả lời không thể thẳng thắn hơn được nữa, từ lớp trí thức trẻ mà trong đó, chắc có những người sẽ là nghị sĩ.

Chưa kể nội dung của các hoạt động Quốc hội, mà “hạt nhân” của mỗi kỳ họp là chất vấn, thì về cơ bản là không thỏa mãn đại biểu và cử tri. Một số Bộ trưởng còn bị khoác danh “họ Hứa” vì “nói thật nhiều, làm chẳng bao nhiêu”. Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, từng đánh giá rằng, trong tất cả các phiên chất vấn, hầu như chưa có việc nào, chưa có Bộ trưởng nào đi đến cùng của vấn đề!

Thật may mắn là sự tò mò của tôi đã được “gỡ gạc” phần nào khi giờ đây, các phiên họp Quốc hội đều được tường thuật trực tiếp qua truyền hình. Dân thường như tôi có thể ngắm bên trong Tòa nhà và hơn thế, nhìn được và nghe được các vị lãnh đạo và đại biểu nói gì và thậm chí là cười duyên dáng ra sao...

Và vì thế, tôi mới thấy phiên chất vấn tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa 13 thật là ấn tượng. Thay vì chỉ có Thủ tướng, Phó thủ tướng được ủy quyền và lèo tèo vài Bộ trưởng trả lời như trước đây, phiên chất vấn lần này có sự tham gia giải trình của đầy đủ thành viên Chính phủ. Người đứng đầu Quốc hội cũng đăng đàn trả lời – lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội. Khác với phiên họp nào đó mà phải nghỉ sớm hai tiếng vì chẳng ai hỏi han, trong hai ngày rưỡi chất vấn này có đến hơn 50 lượt đại biểu thảo luận và chất vấn với số lượng câu hỏi cỡ hàng trăm.

Với những thống kê đó, dễ hiểu vì sao mà khi “lượn” qua bất cứ trang web nào có bài về kỳ họp “chưa có tiền lệ” này, tôi gặp những tít bài rất “dễ chịu” như “Kỳ họp đổi mới và giải quyết lượng công việc lớn”, “Đại biểu Quốc hội hoan nghênh sự đổi mới phiên chất vấn”...

Tuy nhiên, thống kê vẫn chỉ là thống kê. Một vấn đề không hề mới là chất lượng của câu hỏi và câu trả lời. Theo dõi gần hết các phiên chất vấn, tôi thấy bên cạnh một số câu hỏi mang tính trọng tâm thì vẫn còn một số vị phát biểu như kiểu đánh giá lại phần thảo luận kinh tế - xã hội. Chất vấn, theo tôi hiểu là quy trách nhiệm người đứng đầu, chứ không phải là đi đánh giá lại tình hình, nói lại báo cáo của Chính phủ. Người được/bị chất vấn cũng phải trả lời theo tinh thần ấy.

Ngoài ra, tôi vẫn có cảm giác một số câu trả lời dàn trải, sa vào đánh giá lại hoạt động của bộ, ngành mình trong quãng thời gian dài. Đến phần “quy trách nhiệm” thì nôm na rằng “tôi xin chịu trách nhiệm” rồi “truyền lại cho Bộ trưởng kế tiếp”. Nghĩa là giải pháp – điều mà đại biểu, nói rộng là dân, mong chờ thì “hết thời gian”! (Hay là chờ khi nghỉ hưu rồi phát biểu cho “hoành tráng”?)

Một số câu hỏi thì mang tính “tiểu tiết” quá, chẳng hạn như việc cột ăng ten thu phát sóng kém chất lượng hay sự vênh trong hai bản dịch nghĩa bài thơ được xem là của Lý Thường Kiệt cũng được nêu ra chất vấn. Vấn đề như thế “gần dân” thật, không phải không thiết thực, nhưng có vẻ như chưa “đến tầm” trước yêu cầu rà soát những việc lớn mà Chính phủ và thành viên Chính phủ phải giải quyết trong kỳ họp cuối cùng của năm.

Dù sao, phiên chất vấn đã có sự đổi mới nhất định, khiến cho nhiều cử tri phấn khởi. Song cải tiến về mặt hình thức thì nội dung cũng nên theo kịp. Kẻo lại rơi vào tình trạng “bình cũ” mà “rượu không mới”.

Ngô Xuân (quận Tây Hồ, Hà Nội)



 

Nhà ở gần Hồ Tây nên mỗi lần về ngang qua đường Độc Lập, tôi không thể không nhìn sang tòa nhà Quốc hội mới, nơi được xem là biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao. Nhìn nhiều nên đâm ra... tò mò. Không biết những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân có “nâng tầm” không khi làm việc trong nơi được mệnh danh là công sở đầu tiên có quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/toasoandocgia/2015/11/DC9025187CF26DEB/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận