Tin tức: Tập hợp lực lượng mới trong cuộc chiến chống khủng bố

Tập hợp lực lượng mới trong cuộc chiến chống khủng bố

Nội dung

Nga không kích vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trở nên hết sức nguy hiểm nhưng phải đến vụ máy bay của Nga bị đặt bom rồi đến vụ khủng bố ở Paris mới đánh dấu một bước ngoặt hình thành một tập hợp lực lượng mới trên toàn cầu chống lại IS, ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định.


Trong cuộc trao đổi với TG&VN, ông Thái đưa ra bình luận về xu hướng hình thành của liên minh chống khủng bố toàn cầu,về quan hệ Nga – Mỹ, những khó khăn hiện thời của châu Âu cũng như tương lai của Syria.

Nga điều chỉnh chiến lược mạnh

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 18/11 đã hối thúc thành lập một liên minh rộng lớn có sự tham gia của Nga và Mỹ để tiêu diệt lực lượng IS. Nhận định của ông về khả năng hình thành, hiệu quả hoạt động của liên minh này trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu?

Trước đó, Nga, Mỹ, Pháp đánh IS ở Syria khi chưa có sự đồng ý hay nghị quyết chung của Liên hợp quốc (LHQ). Cho đến hôm 22/11, Hội đồng Bảo an LHQ mới thông qua một nghị quyết do Pháp đề xuất về đấu tranh chống IS, chỉ sau khi xảy ra khủng bố tại Paris và mối đe dọa từ IS tăng cao chưa từng có.

Trước đây, rất ít quốc gia muốn tham gia vào tập hợp lực lượng chống IS nhưng kể từ sau vụ tấn công ở Paris cũng như vụ tấn công máy bay của Nga ở Ai Cập thì sự quan tâm của thế giới, đặc biệt là các nước lớn, mới lên cao độ chưa từng có. Những vụ tấn công vừa rồi cho thấy mức độ nguy hiểm và sự biến thể của IS trở nên hết sức nguy hiểm, có thể nói là nguy hiểm nhất từ trước tới nay và buộc các nước lớn phải can dự mặc dù trước đó còn đang lưỡng lự vì họ, nhất là Mỹ, đang có xu thế muốn rút khỏi Trung Đông - Bắc Phi. Sau các cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan, Syria thì Mỹ muốn tránh nguy cơ sa lầy nên rất lưỡng lự khi tham gia cuộc chiến chống IS

Hiện giờ, thế giới lại đang có xu hướng tập hợp thành liên minh để chống lại IS. Tập hợp này đã bắt đầu manh nha hình thành từ cuối năm ngoái nhưng chưa rõ nét, phải đến vụ máy bay của Nga nổ do bị đặt bom, rồi đến vụ khủng bố ở Paris mới đánh dấu một bước ngoặt tạo thành một tập hợp lực lượng trên toàn cầu chống IS. Có thể thấy rõ trên ba cấp độ.

Ở cấp độ toàn cầu, với sức ép của Nga, Pháp và các nước phương Tây, LHQ đã nhanh chóng thông qua một nghị quyết chung chống IS. Đây là lần đầu tiên kể từ khi IS hình thành, LHQ thông qua nghị quyết chống IS.

Ở cấp độ khu vực châu Âu, Nga đã điều chỉnh chiến lược rất mạnh, nhưng đặc biệt hơn là Pháp và EU cũng đang có một sự điều chỉnh chiến lược rất sâu sắc để chống khủng bố. Hơn nữa, xét trong bối cảnh hiện nay khi châu Âu đang gặp nhiều khó khăn thì mức độ điều chỉnh như vậy là rất lớn.

Ở cấp độ khu vực Trung Đông – Bắc Phi, tập hợp lực lượng cũng đang có sự thay đổi. Với sự trợ giúp của Nga và phương Tây, chính quyền Syria và Iraq đã và đang lấy lại các khu vực mà trước đây bị IS xâm chiếm.

Theo tôi, liên minh này sẽ có tác động nhất định trong một thời gian nhưng liệu nó có kéo dài hay không và hiệu quả như thế nào thì còn cần phải theo dõi thêm. Bởi vì, thứ nhất, IS cũng cần phải điều chỉnh mình trong bối cảnh mới. Thứ hai, nếu không đưa bộ binh vào thì khả năng chỉ dựa vào các lực lượng tại chỗ của người Kurd, của chính quyền Syria, Iraq vốn chưa mạnh thì tính hiệu quả của cuộc chiến vẫn còn phải nghi ngờ. Do vậy, liên minh này vẫn đang trong quá trình củng cố, triển khai và tới đây sẽ còn mạnh hơn nữa.

Ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao.

Mỹ lưỡng lự can dự sâu

Theo ông, ai sẽ dẫn đầu liên minh này?

Hiện nay, các nước châu Âu đều biết rằng không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ. Do vậy, có thể sẽ có một sự lãnh đạo lỏng lẻo của Nga và Pháp, đằng sau đó là sự trợ giúp của NATO và Mỹ.

Nguyên nhân Mỹ can dự không sâu vào cuộc chiến chống IS là vì Mỹ xác định trọng tâm lợi ích của mình là ở châu Á – Thái Bình Dương. Cũng bởi thế mà Mỹ đầu tư rất nhiều nguồn lực vào đây, từ việc xây dựng TPP đến chiến lược tái cân bằng hay việc xử lý quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên… Trong khi đó, ở Trung Đông – Bắc Phi, Mỹ không còn phụ thuộc vào nguồn cung dầu lửa như trước đây. Từ năm ngoái, Mỹ đã bắt đầu xuất khẩu dầu do phát triển công nghệ khí đá phiến và nguồn dự trữ dầu lửa của Mỹ hiện nay tương đối dồi dào. Chính vì vậy, sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Đông – Bắc Phi đã giảm đi đáng kể. Hơn nữa, hiện nay một mình Mỹ không thể giải quyết được tất cả các vấn đề toàn cầu. Mỹ cũng không muốn đi đầu trong vấn đề mà Mỹ không có lợi ích sát sườn mà chỉ tham gia một mức độ nhất định để thể hiện trách nhiệm. Đó là lý do quan trọng nhất.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì nước Mỹ vẫn tương đối an toàn kể từ cuộc chiến chống khủng bố tiến hành sau sự kiện ngày 11/9. Mỹ có nhiều lựa chọn hơn châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay. Đặc biệt, Mỹ cũng có tính toán khác. Bắt đầu từ cuộc chiến ở Libya, Mỹ không dẫn đầu mà để cho các nước châu Âu đi tiên phong, nhất là Pháp. Kể từ cuộc chiến Libya cho đến cuộc chiến tại Syria, Pháp tham gia rất mạnh và sâu. Chính vì vậy Pháp trở thành mục tiêu trả đũa của IS.

Hệ lụy lớn với Syria

Nhận xét của ông về quan hệ Nga - Mỹ sau vụ tấn công khủng bố Paris ngày 13/11?

Vụ khủng bố 13/11 gần với thời điểm Nga công bố kết quả điều tra vụ rơi máy bay tại Ai Cập, hai bên đều xác định được một kẻ thù chung là IS. Vì vậy, Nga, Pháp cũng như Mỹ đã tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng mỗi bên có những động cơ khác nhau.

Về phía Nga, ngay sau khi Nga tăng cường can dự chống IS mạnh hơn ở Syria, Nga đã điều chỉnh lập trường rất nhanh và mạnh. Đồng thời, Nga sử dụng việc chống khủng bố để làm con bài đối với cả Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt là ở Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua. Nga coi đó là một cánh cửa mở ra để phá thế bao vây, cô lập.

Ngược lại, Mỹ và phương Tây lại muốn Nga can dự sâu vào đây để giảm bớt gánh nặng chi phí trong cuộc chiến chống khủng bố. Có ý kiến cho rằng Nga càng sa lầy vào Trung Đông – Bắc Phi thì Mỹ càng rảnh tay hơn để tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một cuộc cân não với các bên. Mức độ can thiệp của Nga như thế nào để có thể trả đũa được vụ máy bay rơi, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố, lợi dụng cuộc chiến này cho các mục tiêu của họ mà không bị sa lầy quá sâu là một bài toán không hề đơn giản. Trong khi đó, Nga càng dính líu sâu vào cuộc chiến này thì Mỹ và phương Tây càng nhẹ gánh vì trong thời gian vừa rồi, có thể thấy xu hướng Nga sẽ ngày càng can dự sâu hơn.

Nga cũng ý thức được việc nếu đưa bộ binh vào thì nguy cơ sa lầy là rất lớn. Cho nên, Nga chủ yếu là hỗ trợ trên không và huấn luyện giúp lực lượng của chính quyền Bashar al-Assad. Các nước phương Tây đều muốn xây dựng một lực lượng riêng cho mình trong khuôn khổ của Syria và Iraq. Nga thì dựa vào chính quyền Bashar al-Assad, Mỹ thì dựa vào lực lượng người Kurd và một số lực lượng trung hòa...

Cho nên dù có đánh được IS hay không thì nguy cơ nội chiến tiềm tàng kéo dài ở Syria vẫn còn rất lớn. Sau cuộc chiến chống IS, tại Syria có nguy cơ tồn tại nhiều tàn dư của các lực lượng có vũ trang. Điều khó nhất hiện nay của Syria là vấn đề bị quốc tế hóa cao độ và nước lớn nào cũng dựa vào một lực lượng vũ trang ở trong lòng Syria để đánh IS.

Bên cạnh đó, các nước trong liên minh đều có mẫu số chung là chống IS nhưng mỗi nước lại có mục tiêu riêng và lại muốn làm theo cách của mình. Điều này có thể để lại hệ lụy to lớn với Syria về lâu dài. Có thể IS sẽ bị tiêu diệt nhưng tình hình tại Syria vẫn sẽ còn nhiều bất ổn vì tàn dư các lực lượng có vũ trang vẫn còn trong lòng quốc gia này.

Thảo Vy – Thu Trang (thực hiện)

 

Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trở nên hết sức nguy hiểm nhưng phải đến vụ máy bay của Nga bị đặt bom rồi đến vụ khủng bố ở Paris mới đánh dấu một bước ngoặt hình thành một tập hợp lực lượng mới trên toàn cầu chống lại IS, ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/thegioi/2015/11/75B6EB400F6E70D8/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận