Văn bản pháp luật: Chỉ thị 01/2007/CT-BYT

Trần Thị Trung Chiến
Toàn quốc
Công báo số 61 & 62/2007;
Chỉ thị 01/2007/CT-BYT
Chỉ thị
14/02/2007
15/01/2007

Tóm tắt nội dung

Về tăng cường công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007

Bộ trưởng
2.007
Bộ Y tế

Toàn văn

CH? TH?

CHỈ THỊ

Về tăng cường công tác y tế trong dịp

Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007

Thực hiện Chỉ thị số 01/2007/CT-TTg ngày 9 tháng 1 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đón Tết Đinh Hợi năm 2007, để đảm bảo phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong dịp Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ (sau đây gọi chung là đơn vị) và y tế các ngành căn cứ vào phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, tập trung thực hiện tốt những việc sau đây:

1. Tổ chức đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và triệt để tiết kiệm tại trụ sở, nơi làm việc của đơn vị; không tổ chức đi chúc Tết. Nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, công quỹ, từ các nguồn tài trợ để tổ chức liên hoan, chiêu đãi hoặc thưởng, biếu, cho, tặng không đúng chế độ quy định của Nhà nước. Các đơn vị thực hiện nghiêm quy định không dùng rượu ngoại để chiêu đãi, tiếp khách, không sử dụng xe công để phục vụ các hoạt động của cá nhân trong dịp Tết.

2. Tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, đặc biệt là bệnh viêm phổi cấp do Virut cúm A(H5N1) và các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác. Chuẩn bị sẵn sàng đủ thuốc, hoá chất, vật tư để chủ động đối phó với dịch, nhất là khi có tình huống khẩn cấp. Tổ chức trực dịch trong dịp Tết theo quy định.

3. Chủ động và tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về hàng thực phẩm kém chất lượng, về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, các cơ sở sản xuất và buôn bán thực phẩm phục vụ Tết. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiến hành thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất và buôn bán thực phẩm nhằm giảm tối đa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.

4. Tổ chức tốt việc khám bệnh và chữa bệnh trong dịp Tết. Các cơ sở khám chữa bệnh phải bố trí các kíp trực 24/24 giờ bảo đảm có đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, đặc biệt là tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ,... trong các ngày Tết. Không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Ngay cả khi người bệnh đến trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở khám chữa bệnh khác sau khi đã giải thích kỹ cho người bệnh và người nhà cùng đi. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết. Bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu để xử lý các trường hợp cấp cứu thông thường, dự phòng cấp cứu tai nạn giao thông, thảm hoạ.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, hết sức chú ý đến văn hoá giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã, thực hiện đúng các qui định về chuyên môn kỹ thuật. Tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo cả về vật chất và tinh thần cho những người bệnh còn nằm điều trị tại các bệnh viện hoặc người bệnh vào cấp cứu trong các ngày Tết. Thăm hỏi tặng quà những người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo.

Vụ Điều trị lập kế hoạch các đoàn đi kiểm tra các bệnh viện trong dịp Tết.

5. Các bệnh viện, công ty dược trung ương, địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng đủ thuốc chữa bệnh với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh. Kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng và tăng giá thuốc đột biến ở các nhà thuốc trong dịp Tết. Sẵn sàng cung cấp đủ thuốc khi có cấp cứu hàng loạt hoặc dịch bệnh xảy ra, nhất là khi có dịch cúm A(H5N1). Công bố rộng rãi tên, địa chỉ các hiệu thuốc thường trực bán thuốc cả ngày và đêm trong các ngày nghỉ Tết để nhân dân biết.

6. Y tế các ngành cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trên địa bàn trong các hoạt động giám sát, phòng chống dịch bệnh, cấp cứu và điều trị.

7.Các cơ sở y tế phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ trật tự trị an tại địa phương để đảm bảo an toàn cho đơn vị trong những ngày nghỉ Tết. Tăng cường kiểm tra các hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống điện, kho xăng dầu theo đúng quy định. Niêm phong phòng làm việc trước khi về nghỉ Tết.

Các đơn vị tổ chức trực đơn vị theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ; niêm yết công khai danh sách cán bộ trực từng ngày để lãnh đạo đơn vị đi kiểm tra, đôn đốc khi cần thiết.

8. Các đơn vị phải nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết.Đặc biệt thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo các hệ thống quản lý như sau:

- Hệ khám chữa bệnh: gửi về Vụ Điều trị

- Hệ Y tế dự phòng: gửi về Cục YTDP

- Hệ thống vệ sinh an toàn thực phẩm: gửi về Cục ATVSTP

- Hệ thống quản lý dược: gửi về Cục QLDVN

- Hệ thống thanh tra: gửi về Thanh tra Bộ

9. Vụ Điều trị, Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý Dược Việt Nam và Thanh tra Bộ xây dựng mẫu báo cáo gửi các đơn vị, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt việc báo cáo chi tiết kết quả thực hiện công tác y tế trong dịp Tết Nguyên Đán, làm báo cáo gửi về Văn phòng Bộ trước 10 giờ sáng ngày 22 tháng 2 năm 2007 (tức mùng 6 Tết). Văn phòng Bộ tổng hợp và trình lãnh đạo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhận được Chỉ thị này, các đơn vị khẩn trương quán triệt và tổ chức thực hiện./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14207&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận