CH? TH? C?A B? TRU?NGCHỈ THỊ CỦA BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
V/v tăng cường tổ chức quản lý vận hành công trình
cấp nước tập trung nông thôn
Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thực hiện Chương trình giai đoạn 1999 - 2005, đã có 62% số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 30% đạt Tiêu chuẩn 09/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế; 50% hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh; cảnh quan môi trường nông thôn "xanh - sạch - đẹp" đang xuất hiện ở nhiều làng xã; hành vi vệ sinh cá nhân có nhiều tiến bộ; nhiều mô hình tổ chức quản lý các công trình cấp nước tập trung có hiệu quả. Những kết quả đạt được trước hết do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp và đặc biệt sự tham gia tích cực của nhân dân.
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước, mong đợi của nhân dân. Chất lượng các công trình cấp nước còn thấp, chất lượng nước chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là tổ chức quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung chưa bền vững, nhiều nơi còn buông lỏng. Tình trạng đó đã dẫn đến nhiều công trình mới đưa vào phục vụ trong thời gian ngắn đã bị hư hỏng, ngừng hoạt động không những lãng phí đầu tư mà còn ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các công trình cấp nước tập trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ nhiệm Chương trình yêu cầu:
1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện một số công việc sau:
a) Thành lập ngay các tổ chức quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung hiện có, không để tình trạng có công trình nhưng không có chủ quản lý. Mô hình tổ chức có thể là doanh nghiệp cấp nước, hợp tác xã nước sạch, tổ chức dịch vụ nước sạch phù hợp với quy mô và điều kiện cụ thể của địa phương. Xây dựng cơ chế tài chính đảm bảo hoạt động của tổ chức quản lý vận hành, không vì mục tiêu lợi nhuận.
b) Những công trình đã có tổ chức quản lý vận hành, cần rà soát lại mô hình và cơ chế hoạt động, điều chỉnh những hạn chế về năng lực, trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế tài chính đảm bảo tổ chức quản lý vận hành khai thác hiệu quả các công trình.
c) Việc xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung phải xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng, phù hợp với điều kiện nguồn nước và công nghệ. Người sử dụng được tham gia vào các khâu từ lập kế hoạch, xây dựng, giám sát và quản lý vận hành. Trước khi khởi công xây dựng phải hình thành tổ chức quản lý vận hành để làm chủ hoặc tham gia làm chủ đầu tư xây dựng, đồng thời có phương án quản lý vận hành hiệu quả, bền vững công trình.
d) Chỉ đạo các ngành, các cấp, các tổ chức quản lý vận hành xây dựng giá dịch vụ cấp nước theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý; xây dựng và ban hành khung tiền nước mà người sử dụng phải trả cho các tổ chức quản lý vận hành. Trường hợp thu không đủ chi, cân đối trong ngân sách sự nghiệp kinh tế của tỉnh để cấp bù cho các tổ chức quản lý vận hành.
e) Việc phân cấp đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung phải phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của địa phương, đồng thời tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra của các ngành chuyên môn.
f) Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo Tiêu chuẩn 09/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
g) Ưu tiên kinh phí của Chương trình năm 2007 để sửa chữa nâng cấp các công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp sớm phát huy hiệu quả.
2. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng và hoàn thiện sổ tay hướng dẫn các mô hình tổ chức quản lý, quản lý vận hành bảo dưỡng, công nghệ xử lý nước công trình cấp nước tập trung trình Bộ ban hành.
3. Cục Thuỷ lợi, Văn phòng thường trực Chương trình theo dõi, hướng dẫn và giúp đỡ địa phương thực hiện Chỉ thị này; báo cáo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Chương trình kết quả thực hiện./.