Văn bản pháp luật: Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND

Phạm Văn Cường
Tỉnh Lào Cai
Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND
Nghị quyết
21/12/2013
13/12/2013

Tóm tắt nội dung

Về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Chủ tịch
2.013
Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai

Toàn văn

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

TỈNH LÀO CAI

Số: 25/2013/NQ-HĐND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Lào Cai,  ngày 13  tháng 12  năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

Về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

____________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật giá ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28/3/2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26/5/2008 của Liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28/3/2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;

Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 101/TTr-UBND ngày 13/11/2013 của UBND tỉnh Lào Cai; Báo cáo thẩm tra số 81/BC-HĐND ngày 04/12/2013 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, gồm các nội dung sau:

1. Mục đích định giá các loại rừng:

Giá các loại rừng gồm: Giá quyền sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất là rừng tự nhiên; giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, sau đây gọi chung là giá rừng.

Giá rừng làm căn cứ để:

- Tính tiền sử dụng rừng khi Nhà nước giao rừng có thu tiền sử dụng rừng, giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị quyền sở hữu rừng trồng khi Nhà nước giao rừng không thu tiền sử dụng rừng quy định tại Điều 24 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

- Tính tiền thuê rừng khi Nhà nước cho thuê rừng không thông qua đấu giá quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

- Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

- Tính giá trị vốn góp bằng quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng của Nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 35 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

- Tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gây thiệt hại cho Nhà nước.

- Tính các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng rừng được định giá:

Rừng tự nhiên và rừng trồng quy hoạch cho sản xuất, phòng hộ, đặc dụng. Phân chia trạng thái các loại rừng theo Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT .

3. Phạm vi áp dụng:

Giá rừng áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc xác định giá rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

4. Nguyên tắc xây dựng giá rừng:

- Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, khoa học và sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng, giá cho thuê quyền sử dụng rừng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Khi giá quyền sử dụng rừng, giá quyền sở hữu rừng trồng thực tế trên thị trường có biến động lớn thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Các khu rừng cùng loại, cùng chức năng, tương đương về vị trí khu rừng, có trạng thái rừng, trữ lượng, chất lượng lâm sản như nhau thì có cùng mức giá.

- Căn cứ vào vị trí khu rừng, trạng thái rừng, trữ lượng, chất lượng lâm sản tại thời điểm định giá. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng rừng; chế độ quản lý và sử dụng của từng loại rừng; tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước ban hành.

- Đối với rừng tự nhiên giá rừng xác định bằng phương pháp thu nhập.

- Đối với rừng trồng xác định giá rừng bằng phương pháp chi phí.

5. Mức giá các loại rừng:

a) Giá quyền sử dụng rừng:

- Giá quyền sử dụng rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

- Giá quyền sử dụng rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.

(Có phụ biểu 01 - A kèm theo)

- Giá quyền sử dụng rừng nứa, vầu là rừng tự nhiên.

(Có phụ biểu 01 - B kèm theo)

b) Giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng:

(Có phụ biểu 02 - A kèm theo)

6. Bổ sung mức giá rừng gồm: Giá trị lâm sản, giá quyền sử dụng rừng
phòng hộ là rừng trồng để phục vụ các nhu cầu thực tế phát sinh ở địa phương:

a) Giá trị lâm sản:

- Nhu cầu thực tế phát sinh:

Để phục vụ công tác thu hồi rừng (thu hồi lâm sản rừng) phục vụ phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích ngoài lâm nghiệp. Mặt khác để phục vụ mức bồi thường thiệt hại đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gây thiệt hại cho Nhà nước, cần thiết phải tính giá trị lâm sản rừng bằng tiền để thu hồi hoặc để bồi thường.

- Giá trị lâm sản gồm:

+ Giá trị lâm sản là rừng tự nhiên.

(Có phụ biểu 03 - A kèm theo)

+ Giá trị lâm sản rừng nứa, vầu là rừng tự nhiên.

(Có phụ biểu 03 – B kèm theo)

+ Giá trị lâm sản là rừng trồng.

(Có phụ biểu 03 – C kèm theo)

b) Giá quyền sử dụng rừng phòng hộ là rừng trồng:

- Nhu cầu thực tế phát sinh:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có nhiều diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng. Để phục vụ công tác giao rừng, cho thuê rừng, bồi thường quyền sử dụng rừng cho chủ rừng khi thu hồi rừng cần thiết phải tính giá quyền sử dụng rừng phòng hộ là rừng trồng.

- Giá quyền sử dụng rừng phòng hộ là rừng trồng:

(Có phụ biểu 02 - B kèm theo)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.

- Trong quá trình thực hiện, nếu có điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng rừng; khi giá quyền sử dụng rừng, giá quyền sở hữu rừng trồng thực tế trên thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với giá quy định hiện hành liên tục trong thời gian từ 6 tháng trở lên thì UBND tỉnh xây dựng phương án điều chỉnh bổ sung trình Thường trực HĐND tỉnh thỏa thuận và báo cáo tại kỳ họp gần nhất của HĐND tỉnh.

- Đối với giá quyền sử dụng rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, UBND tỉnh xin ý kiến thỏa thuận với Thường trực HĐND tỉnh trước khi quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIV - kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 11/12/2013 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

 Phạm Văn Cường

 


Nguồn: vbpl.vn/laocai/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=33419&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận