Văn bản pháp luật: Nghị quyết 68/2006/QH11

Nguyễn Phú Trọng
Toàn quốc
Công báo số 43 & 44 - 12/2006;
Nghị quyết 68/2006/QH11
Nghị quyết
11/01/2007
31/10/2006

Tóm tắt nội dung

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2007

Chủ tịch
2.006
Quốc hội

Toàn văn

NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2007

QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 của Hiển pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ mười;

Căn cứ vào Luật ngân sách nhà nước;

Sau khi xem xét Báo cáo số 21/BC-CP ngày 06/10/2006 của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2007; Báo cáo thẩm tra số 2953/UBKTNS ngày 12/10/2006 của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

I. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, theo đó:

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước: 281.900 tỷ đồng (hai trăm tám mươi mốt nghìn chín trăm tỳ đồng), bằng 24,9% tổng sản phẩm trong nước (GDP); tính cả 19.000 tỷ đồng thu kết chuyển năm 2006 sang năm 2007 thì tổng số thu ngân sách nhà nước là 300.900 tỷ đồng (ba trăm nghìn chín trăm tỷ đồng);

- Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước: 354.900 tỷ đồng (ba trăm năm mươi bốn nghìn chín trăm tỷ đồng); tính cả 2.500 tỷ đồng chuyển nguồn thu từ dầu thô sẽ là 357.400 tỷ đồng (ba trăm năm mươi bảy nghìn bốn trăm tỷ đồng).

- Mức bội chi ngân sách nhà nước: 56.500 tỷ đồng (năm mươi sáu nghìn năm trăm tỷ đồng), bằng 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

(Kèm theo các Phụ lục số 1, 2, 3, 4 và 5).

II. Thông qua các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 của Chính phủ, các giải pháp nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách trình Quốc hội và nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau:

1. Chính phủ khẩn trương tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2007 theo quy định của pháp luật. Triển khai kịp thời Luật quản lý thuế sau khi được Quốc hội thông qua, nhằm tăng cường công tác quản lý thu thuế hiệu quả, chống thất thu ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng thuế. Chấn chỉnh công tác hoàn thuế, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách nhà nước. Chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về thuế, đáp ứng tiến trình hội nhập.

2. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan đến tài chính, ngân sách phù hợp với các cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

3. Đẩy mạnh tiến trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch được duyệt; điều chỉnh chính sách thuế đối với doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa một cách hợp lý, theo đúng pháp luật và thẩm quyền, về tổng thể không làm giảm thu ngân sách nhà nước.

4. Đẩy nhanh lộ trình xóa bao cấp qua giá, thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để có giải pháp bình ổn thị trường, giá cả trong nước và chủ động điều hành dự toán ngân sách nhà nước. Trường hợp giá xăng dầu thế giới biến động lớn, tác động đến thu ngân sách nhà nước, Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh hợp lý thuế suất thuế nhập khẩu và giá bán xăng dầu trong nước; giảm dần mức bù lỗ, tiến tới sớm chấm dứt bù lỗ kinh doanh dầu; trường hợp còn phải bù lỗ, Chính phủ chỉ đạo sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện.

5. Thực hiện nghiêm quy định của Luật ngân sách nhà nước; bố trí ngân sách tập trung, chống dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn; sử dụng ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm; kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, người đứng đầu tổ chức trong quản lý, điều hành ngân sách nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

6. Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng khả năng huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ngoài nước, nhất là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo hướng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, người đứng đầu tổ chức trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay, nguồn vốn ODA được Nhà nước giao, bảo đảm hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc thực hiện các dự án được đầu tư từ các nguồn vốn này.

7. Rà soát thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời để thực hiện đúng các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, công sở, nhà công và các tài sản khác của Nhà nước để khai thác có hiệu quả các nguồn thu này; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

8. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và chính sách đảm bảo xã hội.

9. Từ năm 2007, số thu từ xổ số kiến thiết không đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; thực hiện quản lý thu, chi số thu này qua ngân sách nhà nước. Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động xổ số kiến thiết. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ và sử dụng số thu này để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội quan trọng của địa phương, trong đó tập trung đầu tư các công trình về giáo dục, y tế; không sử dụng số thu này vào các mục đích khác.

10. Năm 2007 tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình đúng danh mục trong kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định, tiếp tục phát hành công trái giáo dục để sớm hoàn thành đề án đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học. Căn cứ vào khả năng giải ngân để huy động vốn hợp lý, không để tồn đọng vốn. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để bảo đảm các nguồn vốn trên sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

11. Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2006 - 2010 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Trường hợp vượt thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

12. Đẩy mạnh việc triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; thúc đẩy và khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao và một số lĩnh vực khác; thực hiện thí điểm cơ chế cho thuê, cổ phần hóa để chuyển đổi một số cơ sở dịch vụ công lập có đủ điều kiện sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

13. Chính phủ tổ chức chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện có kết quá chương trình hành động thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

14. Trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu thu vượt nhiệm vụ được giao để bổ sung nguồn phòng chống thiên tai, dịch bệnh và xử lý các vấn đề cấp bách, đột xuất phát sinh trong năm ở từng cấp và dành nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và chính sách đảm bảo xã hội.

III. Giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực hiện các hoạt động giám sát một cách thiết thực việc thực hiện ngân sách nhà nước trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường hoạt động của Kiểm toán Nhà nước cả về diện và chiều sâu nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, kịp thời kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tăng cường kỷ luật tài chính.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ mười thông qua ngày 31 tháng 10 năm 2006./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14596&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận