QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ DỊCH VỤ TRÔNG GIỮ XE ĐẠP, XE MÁY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ủ Y BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND,
Căn cứ các Nghị định số: 36/CP ngày 29/5/1995 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, số 66/CP ngày 02/3/1992 của Chính phủ về cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định số 221 - HĐBT ngày 23/7/1991.
Để tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Sở Giao thông công chính, Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế Hà Nội, các sở ngành liên quan và UBND các Quận, Huyện.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:: Ban hành kèm theo Quyết định này Bản Quy định tạm thời về quản lý dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: hánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban ngành thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn Thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ DỊCH VỤ TRÔNG GIỮ XE ĐẠP, XE MÁY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo quyết định số 07/1998/QĐ-UB ngày 5 tháng 5 năm 1998 của UBND thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Việc tăng cường quản lý thống nhất và chặt chẽ hoạt động dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, an toàn tài sản cho người gửi xe và chống thất thu ngân sách Nhà nước đã và đang là yêu cầu bức xúc cần được sớm tổ chức quản lý thống nhất và chặt chẽ.
Điều 2. Các Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trông giữ xe đạp, xe máy trong quy định này bao gồm:
2.1 Các cơ quan, đơn vị tự tổ chức việc trông giữ xe đạp, xe máy cho cán bộ công nhân viên và khách đến liên hệ công tác trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình (có tổ chức thu tiền trông giữ xe).
2.2 Các đơn vị, tổ chức, cá nhân trông giữ xe đạp, xe máy hàng ngày, hàng tháng cho nhân dân thường trú tại khu tập thể và khách đến khu tập thể (Trong diện tích đất mà tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp).
2.3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trông giữ xe đạp, xe máy trên hè đường phố, lề đường các trung tâm thương mại, dịch vụ, rạp hát, công viên vườn hoa, trường học, bệnh viện ... (gọi chung là trông giữ xe tại đất công cộng của Thành phố (DTCC).
Điều 3. : Hè đường phố chủ yếu là để phục vụ cho sự đi lại của nhân dân, trường hợp thật cần thiết, cấp có thẩm quyền cho phép tạm thời sắp xếp làm nơi để xe đạp, xe máy nhưng phải thực hiện đúng những quy định ghi tại ĐIỀU 62 của Nghị định 36/CP ngày
29/5/1995 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị và trật tự an toàn giao thông đô thị và 5 nguyên tắc hướng dẫn sử dụng một phần vỉa hè ở một số đường phố tại văn bản số 2163/QĐ - UB ngày 28/8/1995 của UBND Thành phố.
Điều 4. Giao cho UBND Quận, Huyện chỉ đạo và tổ chức quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy trên những diện tích đất mà cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn quận, huyện đã có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Điều 5. Giao cho Sở Giao thông công chính quản lý hoạt động dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy trên hè đường phố, lề đường và các diện tích đất công cộng mà UBND Thành phố đã giao cho Sở Giao thông công chính quản lý.
Điều 6. Giao cho Cục thuế Hà Nội thống nhất phát hành chứng từ thu tiền (vé trông giữ xe đạp, xe máy; biên lai thu phí) theo quy định; Giao các Sở, Ngành: Tài chính - Vật giá, Thương mại, Giao thông công chính, Công an Thành phố, Cục thuế, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố và UBND các Quận, Huyện hướng dẫn thống nhất và chỉ đạo tổ chức kiểm tra các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng Bản quy định tạm thời về quản lý dịch vu trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 7. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy phải có đơn đề nghị, giấy tờ hợp pháp để sử dụng đất, (Đối với cá nhân phải có: Lý lịch rõ ràng, không thuộc diện cơ quan công an đang quản lý, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, không mắc bệnh tâm thần, có sức khỏe, thái độ văn minh - lịch sử, ....) được Côg an Phường, Xã, Thị trấn xác nhận có đủ điều kiện làm dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy; Đồng thời cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật, phải sử dụng các chứng từ, ấn chỉ và vé gửi xe do cơ quan thuế phát hành.
Điều 8. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các diện tích đất có quyền sử dụng hợp pháp của mình để tổ chức, trông giữ xe máy, xe đạp cho người gửi; đồng thời hạn chế tối đa hình thành các điểm trông giữ xe ở hè đường, lề đường và các diện tích đất công cộng nhằm giành diện tích đất này phục vụ cho sự đi lại và hoạt động văn hóa của nhân dân.
Chương 2:
NỘI DUNG QUẢN LÝ TẠI CÁC ĐIỂM TRÔNG GIỮ XE ĐẠP, XE MÁY.
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trông giữ xe đạp; xe máy;
9.1 - Phải trang bị đủ các phương tiện phòng chống cháy, nổ theo quy định của Công an Thành phố để đảm bảo an toàn xe đạp, xe máy đã nhận trông giữ của người gửi.
9.2 Phải có bảng niêm yết giá trông giữ xe đạp, xe máy công khai, trong đó ghi rõ: Tên người trông giữ, số giấy phép kinh doanh, giá trông giữ xe.
Khi nhận xe của người gửi phải giao vé gửi xe do Cục thuế Thành phố phát hành; Trên vé phải ghi rõ và đúng số xe máy hoặc số thứ tự xe đạp gửi.
Khi trả xe cho người gửi, người trông giữ xe phải thu lại vé, nhận tiền trông giữ xe theo đúng mức giá quy định đã in sẵn trên vé, hủy vé công khai trước người gửi. Nghiêm cấm sử dụng vé tự in và quay vòng vé.
9.3 Phải có giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề và chứng từ nộp thuế theo quy định. Nếu trông giữ trên hè đường phố, trên các đất công cộng phải có giấy phép sử dụng tạm thời hè đường phố của Sở Giao thông công chính cấp. Phải đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, trật tự giao thông và vệ sinh môi trường.
9.4 Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được phép trông xe đạp, xe máy phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn xe đạp, xe máy của người gửi.
Nếu xảy ra mất mát, hư hỏng xe đạp, xe máy của người gửi trong thời gian trông giữ xe thì cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận trông giữ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường theo sự thỏa thuận giữa hai bên.
Nếu 2 bên không tự thỏa thuận được thì chuyển sang cơ quan xét xử giải quyết.
Điều 10.. Các cơ quan cấp phép:
10.1 - Trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trông giữ xe đạp, xe máy trên diện tích đất đã có quyền sử dụng đất hợp pháp (không thuộc hè đường phố hoặc đất trống công cộng):
- UBND Quận, Huyện cấp Giấy phép kinh doanh.
- Cục Thuế: Phát hành vé gửi xe và biên lai thu tiền.
- Sở Giao thông công chính cấp Giấy phép hành nghề.
10.2 - Trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng hè đường phố, đất công cộng:
- UBND Thành phố cấp giấy phép thành lập, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu pháp nhân, thể nhân trông giữ xe đap, xe máy được thành lập theo Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp Nhà nước).
- UBND Quận, Huyện cấp Giấy phép kinh doanh cho các pháp nhân, thể nhân trông giữ xe đạp, xe máy không thuộc diện trên.
(Trừ các cơ quan, đơn vị tổ chức trông giữ xe đạp, xe máy cho cán bộ công nhân viên trên hè đường phố theo giấy phép sử dụng tạm thời hè đường phố).
- Sở Giao thông công chính cấp:
+ Giấy phép hành nghề;
+ Giấy phép sử dụng tạm thời hè đường phố để trông giữ xe đạp, xe máy.
Điều 11. Thời hạn của giấy phép:
11.1 - Các điểm trông giữ thuộc ĐIỀU 2.1 và ĐIỀU 2.2
- Giấy phép hành nghề trông giữ xe đạp, xe máy: Cấp trong 1 năm.
- Các giấy phép khác: Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập: Có thời hạn theo quy định tại các luật có liên quan.
11.2- Các điểm trông giữ thuộc ĐIỀU 2.3:
- Giấy phép hành nghề trông giữ xe đạp, xe máy: Cấp 1 năm.
- Giấy phép tạm thời sử dụng hè đường phố trên đất công cộng do Sở Giao thông công chính cấp là 6 tháng/lần. Khi hết hạn, nếu vẫn có nhu cầu phải làm thủ tục xin cấp lại.
- Giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép thành lập: Có thời hạn theo quy định của các luật liên quan.
Điều 12. Thòi gian làm thủ tục cấp giấy phép hành nghề và giấy phép sử dụng tạm thời hè đường phố để trông giữ xe đạp xe máy (do Sở Giao thông công chính đảm nhiệm) kể từ ngày nhận hồ sơ đến khi trả giấy phép hoặc trả lời là 15 ngày.
Điều 13. Giá trông giữ quy định như sau
- Giá trông giữ xe đạp ban ngày: 500 đ/1 lần - Giá trông giữ xe máy ban ngày: 1.000 đ/1 lần. - Giá trông giữ qua đêm: + Không qúa 2.000 đ/1 đêm đối với xe máy + Không qúa 1.000 đ/1 đêm đối với xe đạp - Giá trông giữ cả tháng: + Không qúa 45.000 đ/1 tháng đối với xe máy + Không qúa 25.000 đ/1 tháng đối với xe đạp
Sở Tài chính - Vật giá và Sở Giao thông công chính có trách nhiệm theo dõi trình thành phố việc IỀU chỉnh giá khi cần thiết.
Điều 14. Quy định việc thu lệ phí cấp giấy phép và phí sử dụng hè đường phố như sau:
14.1 - Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép thành lập thu nộp theo quy định của Bộ Tài chính.
14.2 - Lệ phí cấp giấy phép hành nghề, giấy phép sử dụng tạm thời hè đường phố và phí thu về sử dụng tạm thời hè đường phố để trông giữ xe đạp xe máy được quy định:
* Mức thu:
- Lệ phí cấp Giấy phép sử dụng tạm thời hè đường phố và đất trống công cộng trông giữ xe đạp, xe máy là: 10.000 đ/lần cấp giấy phép.
- Mức thu phí trên diện tích hè đường phố và đất trống công cộng được sử dụng tạm thời để trông giữ xe đạp, xe máy là: 35.000 đ/m2/tháng.
* Việc sử dụng nguồn thu lệ phí và phí thuộc mức thu trên:
+ 40% nộp ngân sách Thành phố để bổ sung thêm cho nguồn vốn duy trì trên hè đường phố và vệ sinh môi trường.
+ Số còn lại là nguồn trong dự toán thu của ngân sách Thành phố được để lại cho ngành Giao thông công chính, cuối năm phải quyết toán theo quy định, trong đó:
- 10% chi cho công việc cấp giấy phép hành nghề, giấy phép sử dụng hè đường phố để trông giữ xe đạp xe máy và tổ chức quản lý kiểm tra của Sở Giao thông công chính.
- 20% chi cho đơn vị thuộc Sở Giao thông công chính trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn, tổng hợp thụ lý hồ sơ sử dụng hè đường phố, in ấn tài liệu, biểu mẫu ....
- 30% chi cho lực lượng phối hợp, trong đó:
. 10% chi cho những Quận, Huyện có các điểm trông giữ xe đạp xe máy theo qui định này để làm công tác quản lý hè phố và trật tự đô thị.
. 10% chi cho những Phường, Xã, Thị trấn có các điểm trông giữ xe đạp xe máy theo quyết định này để làm công tác quản lý hè phố và trật tự đô thị.
. 10% chi hỗ trợ cho Công an Thành phố để hỗ trợ thêm cho lực lượng Cảnh sát trật tự làm công tác quản ý hè phố và trật tự đô thị.
Chương 3:
KIỂM TRA XỬ LÝ
Điều 15.
- Đối với các điểm trông giữ xe đạp, xe máy thuộc ĐIỀU 2.1 và 2.2: Giao cho UBND Quận, Huyện chỉ dạo phòng chức năng thuộc Quận, Huyện cùng phối hợp với Chi cục thuế, Đội quản lý thị trường để kiểm tra thường xuyên tại các điểm trông giữ xe đạp, xe máy về: Giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng đất hợp pháp, trang bị phòng chống cháy nổ, việc sắp xếp trông giữ xe trên diện tích được cấp phép, bảng niêm yết giá và việc thực hiện các nội dung đã ghi trên bảng niêm yết, nhất là là việc sử dụng vé do Cục thuế phát hành và thu tiền trông giữ xe theo đúgn giá in trên vé, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, các biên lai xác định đã nộp thuế và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
- Đối với các điểm trông giữ xe đạp, xe máy ở hè phố, lề đường, đất trống công cộng thuộc ĐIỀU 2.3: Giao cho Sở Giao thông công chính chủ trì phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát trật tự, Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế, Chi cục quản lý thị trường và các UBND Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn để kiểm tra thường xuyên tại các điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên hè đường phố và đất công cộng về: Giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng tạm thời hè đường phố, trang bị phòng chống cháy nổ, việc sắp xếp trông giữ xe trên diện tích được cấp phép, bảng niêm yết giá và thực hiện các nội dung đã ghi trên bảng niêm yết giá, nhất là việc sử dụng vé do Cục Thuế phát hành và thu tiền trông giữ xe theo đúng giá in trên vé, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, các biên lai xác định đã nộp thuế ... và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Mọi trường hợp vi phạm đều phải lập biên bản, tùy theo mức đô vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trông giữ xe đạp, xe máy mà xử lý từ cảnh cáo, phạt tiền đến thu hồi giấy phép hành nghề trông giữ xe đạp xe máy và giấy phép sử dụng tạm thời hè đường phố (nếu như có sử dụng hè đường phố). Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải lập hồ sơ chuyển sang cơ quan xét xử theo pháp luật.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Giám đốc các Sở: Giao thông công chính, Công an Thành phố, Tài chính - Vật giá, Thương mại; Cục trưởng Cục thuế Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ngành liên quan; Chủ tịch UBND Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn và các pháp nhân, thể nhân được phép trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm thực hiện bản quy định này.
Bản quy định tạm thời này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các văn bản trước đây trái với bản quy định này đều được bãi bỏ.
Trong qúa trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, yêu cầu các Sở, Ngành, UBND các Quận, Huyện cần phản ánh kịp thời qua Sở Giao thông công chính để Sở tổng hợp báo cáo ủy ban nhân dân Thành phố xem xét giải quyết.