Văn bản pháp luật: Quyết định 07/2007/QĐ-BNN

Cao Đức Phát
Toàn quốc
Công báo số 65 & 66/2007;
Quyết định 07/2007/QĐ-BNN
Quyết định
16/02/2007
23/01/2007

Tóm tắt nội dung

Thành lập Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Bộ trưởng
2.007
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Thành lập Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán

quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;

Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là Cơ quan quản lý CITES Việt Nam).

Tên giao dịch Quốc tế: CITES Management Authority of Vietnam

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam

1. Đại diện theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây gọi là Công ước CITES).

2. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES.

3. Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong việc quản lý, thực thi Công ước CITES.

4. Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền và đào tạo về thực thi Công ước CITES.

5. Quản lý, cấp, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ CITES theo quy định.

6. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong việc thực thi Công ước CITES:

a) Chủ trì, phối hợp với các Cơ quan khoa học CITES và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức việc thực thi Công ước CITES tại Việt Nam;

b) Đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES;

c) Thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế trong việc thực thi Công ước CITES.

7. Tổ chức quản lý các trại gây nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước CITES:

a) Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra và đăng ký với Ban Thư ký Công ước CITES quốc tế các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại Phụ lục I của Công ước CITES;

b) Hướng dẫn xử lý mẫu vật quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES bị tịch thu theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES;

c) Kiểm tra hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại nhà ga hàng không, nhà ga đường sắt, cảng biển, khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

Điều 3. Tổ chức bộ máy của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam

1. Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam có Giám đốc và Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm là Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm phân công một Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm kiêm nhiệm Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam. Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam chịu trách nhiệm trước Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2. Văn phòng thường trực (gọi là Văn phòng CITES Việt Nam) đặt tại Cục Kiểm lâm.

Văn phòng CITES Việt Nam gồm các bộ phận thực thi, thông tin tuyên truyền và đào tạo, cấp phép, quản lý các trại nuôi sinh sản, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã và quan hệ quốc tế.

3. Cơ quan đại diện của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tại phía Nam và miền Trung theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng Văn phòng CITES Việt Nam, Trưởng đại diện Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tại khu vực phía Nam và miền Trung; quy định nhiệm vụ, ban hành quy chế làm việc, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết kinh phí hoạt động cho Văn phòng CITES Việt Nam và Cơ quan đại diện của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tại phía Nam và miền Trung trong biên chế được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao và dự toán ngân sách Nhà nước cấp Cho Cục Kiểm lâm; quản lý tài sản Cơ quan quản lý CITES Việt Nam theo quy định.

Điều 4. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và Cơ quan đại diện của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tại phía Nam và miền Trung có con dấu riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 43/2000/QĐ/BNN/TCCB ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Văn phòng CITES Việt Nam.

Điều 6. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14511&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận