QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Về việc ban hành Kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác Tư pháp
trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2001.
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Chỉ thị số 01/2001/CT-BTP ngày 15/1/2001 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp năm 2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại công văn số 167/TT-STP ngày 14/2/2001.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này: “Kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác Tư pháp trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2001”
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
KẾ HOẠCH
CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2001
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2001/QĐ-UB ngày 28/2/2001
của UBND Thành phố Hà Nội)
Năm 2001 là năm mở đầu Thế kỷ 21, Thiên nhiên kỷ mới, mở đầu cho thập kỷ tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết số 15/NQ-TƯ ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, triển khai thi hành Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội.
Nhằm từng bước tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước ở Thủ đô, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải cách tư pháp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Trên cơ sở phối hợp thực hiện Chỉ thị số 01/2001/CT-BTP trọng tâm công tác tư pháp ngày 15/1/2001 (chỉ thị số 01) của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2001, Uỷ ban nhân dân ( UBND ) thành phố hướng dẫn kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác Tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2001 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Nhằm xác định đúng vị trí, vai trò của công tác Tư pháp trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật ở Thủ đô; xác định trách nhiệm, ý thức phục vụ của mỗi cán bộ công chức ngành Tư pháp đối với nhiệm vụ công tác được giao, nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân Thủ đô giúp đỡ, tạo thuận lợi để tổ chức tốt công tác tư pháp ở địa phương.
2. Phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ, quán triệt nội dung Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII; Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Trung ương và thành phố có liên quan, để triển khai công tác tư pháp Thủ đô đạt chất lượng hiểu quả cao.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:
Công tác Tư pháp Thủ đô năm 2001 cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy; bồi dưỡng đào tạo nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ các cơ quan Tư pháp ở địa phương;
1.1. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan Tư pháp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp và tình hình thực tế ở địa phương trong giai đoạn hiện nay.
1.2. Khảo sát, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cơ quan Tư pháp ở các cấp; có kế hoạch, biện pháp củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ này:
Tập trung củng cố, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự và Toà án nhân dân các quận huyện; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ lý luận, chính trị, kiến thức pháp luật và năng lực chuyên môn cho cán bộ Toà án, cán bộ Thi hành án dân sự, nhất là đội ngũ Thẩm phán, Chấp hành viên.
Củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác của Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp ở quận huyện; Bố trí đủ, ổn định đội ngũ cán bộ Tư pháp-hộ tịch theo quy định hiện hành; Định kỳ tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ Tư pháp ở các cấp; Triển khai có hiệu quả Đề án của Bộ Tư pháp nhằm phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp địa phương góp phần ổn định trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Cải tiến một bước công tác tham mưu giúp UBND xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương:
2.1. Tổ chức rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố theo từng lĩnh vực chuyên ngành và quản lý nhà nước ở quận, huyện; Kịp thời phát hiện, đề xuất với cấp trên kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ văn bản theo quy định của pháp luật.
2.2. Xây dựng Chương trình kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Thi hành Quyết định số 07/2001/QĐ-UB ngày 19/2/2001 của UBND thành phố về ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật: Hướng dẫn thực hiện pháp lệnh Thủ đô Hà Nội; Ngoài ra, chú trọng xây dựng ban hành các văn bản quy định thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, AIDS và tệ nạn xã hội ....trên địa bàn thành phố.
2.3. Đặc biệt quan tâm công tác thẩm định dự thảo văn bản. Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật được giao; phối hợp với các cơ quan Sở, Ban ngành Thành phố, UBND các quận, huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ soạn thảo, rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
Phòng Tư pháp các quận huyện giúp UBND cùng cấp thẩm định các quy ước, hương ước ở địa phương trước khi UBND ký ban hành.
Kiện toàn một bước tổ chức pháp chế của các cơ quan, Sở, Ngành thuộc thành phố, giúp Thủ trưởng đơn vị soạn thảo và thẩm định văn bản trước khi gửi Sở Tư pháp, Văn phòng UBND thành phố trình các cấp có thẩm quyền ký, ban hành.
2.4. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 101/NĐ-CP ngày 23/9/1997 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Hà Nội (theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp).
3. Đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)
3.1. Tổ chức tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 02, Quyết định 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác Tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn thành phố Hà Nội.
3.2. Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL ở các cấp; Tăng cường chỉ đạo các cơ quan, Sở, Ban, Ngành, đơn vị thuộc thành phố tổ chức triển khai kế hoạch của UBND thành phố về công tác PBGDPL; UBND các cấp cân đối ngân sách bảo đảm thực hiện kế hoạch PBGDPL ở địa phương.
3.3. Tập trung tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống ma tuý, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và thành phố được công bố trong năm 2000, 2001; Tiếp tục tuyên truyền và Thực hiện Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống AIDS ma tuý và tệ nạn xã hội.
3.4. Bồi dưỡng nghiệp vụ, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở phường, xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học.
3.5. Phối hợp tổ chức tốt tuyên truyền PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phát hành Bản tin Pháp luật Thủ đô nhằm Tuyên truyền PBGDPL đến các cơ quan, đơn vị, trường trung học và cơ sở phường, xã, thị trấn ở Hà Nội.
4.Tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác Thi hành án dân sự.
4.1. Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo Phòng thi hành án thành phố, Đội thi hành án các quận huyện rà soát, có biện pháp giảm án tồn đọng, giải quyết kịp thời đúng pháp luật các khiếu nại tố cáo về công tác thi hành án dân sự; Tổ chức giao ban định kỳ, báo cáo tình hình triển khai công tác Thi hành án với UBND cùng cấp.
4.2. Nghiên cứu, thành lập Ban chỉ đạo Thi hành án ở Thành phố, quận huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, Ngành Tư pháp là cơ quan thường trực, đại diện lãnh đạo các ngành Công an, Viện Kiểm sát, mời uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương tham gia là uỷ viên.
5. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về hành chính tư pháp; Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: Hộ tịch, Công chứng, Tiếp dân giải quyết đơn thư khiếu tố, Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Thi hành án dân sự, Trợ giúp pháp lý nhà nước...
5.1. Rà soát, bổ sung xây dựng các Quy chế Tiếp dân, trình tự thủ tục giải quyết các việc về Hộ tịch, Công chứng, Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Thi hành án dân sự; Thông báo, niêm yết công khai để mọi cơ quan, tổ chức và công dân biết, thực hiện.
5.2. Tập trung tổ chức khảo sát và đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn Thành phố.
5.3. Chỉ đạo tiến hành tổng kết 2 năm thực hiện Nghị định 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch; 5 năm thực hiện Nghị định 184/CP ngày 30/11/1994 về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; 3 năm thực hiện nghị định 92/1998/NĐ-CP ngày 11/10/1998 về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1997 về Giám định Tư pháp.
Tổ chức Hội nghị và Hội thi Hộ tịch viên giỏi ở quận, huyện, thành phố, cử đại biểu tham dự Hội nghị và Hội thi toàn quốc.
Tăng cường các biện pháp quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động Luật sư, giám định Tư pháp.
5.4. Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách; Quan tâm trợ giúp pháp lý miễn phí bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên; Xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở các cấp và chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cộng tác viên.
Tổ chức sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 05/2000/CT-TTg ngày 1/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn Thủ đô.
6. Đẩy mạnh công tác hoà giải ở cơ sở
6.1. Tổ chức tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở năm 2000 thành phố Hà Nội, gắn với đánh giá thực hiện pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Nghị định 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết 1 số điều của pháp lệnh; Chỉ thị số 01/CT-UB của UBND thành phố.
6.2. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ hoà giải, duy trì nề nếp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho hoà giải viên ở cơ sở.
6.3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải, góp phần thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hoá ở khu dân cư”, hạn chế, phòng ngừa các mâu thuẫn trong nhân dân ở địa phương.
7. Xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước đối với công tác Tư pháp ở Thủ đô:
7.1. Khảo sát, đánh giá thực trạng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đối với công tác tư pháp từ thành phố đến quận huyện, phường, xã, thị trấn; Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng tin học trong quản lý điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
7.2. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ công chức từng lĩnh vực công tác, đáp ứng yêu cầu được giao.
7.3. Cung cấp thiết bị máy móc, vật tư tin học nhằm từng bước triển khai chương trình công nghệ thông tin trong công tác tư pháp ở mỗi cấp và đơn vị cơ sở.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
UBND Thành phố yêu cầu:
1. Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng chương trình công tác cụ thể tổ chức triển khai kế hoạch này trong ngành dọc; Giúp UBND Thành phố hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc Thành phố; Định kỳ hàng quí tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch gửi Bộ Tư pháp, Thành uỷ, HĐND và UBND Thành phố.
2. Giám đốc, thủ trưởng các cơ quan, Sở, Ban, Ngành Thành phố:
Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của cơ quan, đơn vị; Tuỳ theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp với Sở Tư pháp triển khai những nhiệm vụ có liên quan: soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản qui phạm pháp luật; Tuyên truyền, PBGDPL hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách; Hộ tịch, công chứng, giám định; Thi hành án dân sự; Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; Triển khai chương trình công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động Tư pháp ở địa phương.
Ban Tổ chức Chính quyền thành phố chỉ đạo Ban Tổ chức chính quyền các quận huyện chủ động phối hợp với ngành Tư pháp kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, bồi dưỡng đào tạo cán bộ các cơ quan Tư pháp ở địa phương.
3. Chủ tịch UBND các quận huyện có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị của địa phương thực hiện công tác Tư pháp năm 2001; Cân đối ngân sách tổ chức triển khai kế hoạch; Định kỳ hàng quí báo cáo kết quả triển khai về UBND Thành phố (qua Sở Tư pháp để tổng hợp chung).
4. Đề nghị các Ban của Thành uỷ, HĐND Thành phố, Uỷ ban MTTQ Thành phố và các đoàn thể của Thành phố phối hợp chỉ đạo các cấp, các cơ quan, ban, ngành trực thuộc, triển khai thực hiện kế hoạch này.
Đề nghị Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch này.
5. Sở Tài chính Vật giá Thành phố: Phối hợp với Sở Tư pháp có kế hoạch bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này.
6. Thường trực Hội đồng thi đua Thành phố theo dõi, tổ chức kiểm tra, đánh giá, đề xuất việc biểu dương, khen thưởng các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị có nhiều thành tích triển khai kế hoạch này ./.