Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN
Về việc ban hành cơ chế điều hành chương trình GQVL-XĐGN.
UỶ BAN NHÂN TỈNH NGHỆ AN.
Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/06/1994.
Căn cứ Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11/04/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương và biện pháp chương trình việc làm quốc gia,
Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TU ngày 20/05/1997 của Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện chương trình giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về giải quyết việc làm và xoá đói giảm ngèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Xét đề nghị của Ban chỉ đạo chương trình GQVL-XĐGN tỉnh Nghệ An tại tờ trình số 137/LĐ-TLTC ngày 28/04/1998.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Nay ban hành cơ chế điều hành chương trình GQVL-XĐGN của ban chỉ đạo chương trình xoá đói giảm nghèo tỉnh Nghệ An (có bản cơ chế kèm theo).
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định trước đây về ban hành cơ chế điều hành chương trình GQVL-XĐGN của UBND tỉnh.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, ban chỉ đạo chương trình GQVL-XĐGN của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức đoàn thể, thủ trưởng các ban ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO TỈNH NGHỆ AN
(ban hành kèm theo Quyết định số 1132/1998/QĐ-UB ngày 12/05/1998 của UBND tỉnh Nghệ An).
Giải quyết việc làm cho lao động và xoá đói giảm nghèo là vấn đề lớn, khó khăn phức tạp và hết sức bức xúc trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mọi tổ chức đoàn thể và mỗi cá nhân cần phải có chương trình hành động khoa học, thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng và chính quyền các cấp đã đề ra.
Để chỉ đạo, quản lý, thực hiện thành công chương trình, ban chỉ đạo chương trình việc là và xoá đói giảm nghèo tỉnh ban hành cơ chế điều hành chương trình như sau:
CHƯƠNG 1
TỔ CHỨC BỘ MÁY, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ
Giải quyết việc làm cho người lao động là biện pháp quan trọng thúc đẩy cho sự thành công của chương trình xoá đói giảm nghèo, tăng nhanh hộ giàu, góp phần nâng cao mức sống bình quân cho người lao động là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy chúng ta cần phải có bộ máy đủ mạnh và được hoạt động theo một quy chế thống nhất, chặt chẽ để vận hành chương trình ngày càng có hiệu quả hơn.
Điều 1: Thể thống tổ chức chỉ đạo, điều hành chương trình GQVL-XĐGN.
a- Ban chỉ đạo GQVL-XĐGN cấp tỉnh gồm:
(Quyết định số 765/QĐ-UB ngày 18/03/1998)
1 - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban.
2 - Sở lao động TBXH phó ban thường trực.
3 - Sở kế hoạch và đầu tư - Phó ban.
4 - Hội nông dân tỉnh - Phó ban.
5 - Sở Tài chính vật giá - Ban viên.
6 - Kho bạc Nhà nước tỉnh - Ban viên.
7 - MTTQ tỉnh - Ban viên.
8 - Hội liên hiệp phụ nữ - Ban viên.
9 - Liên đoàn lao động tỉnh - Ban viên
10 - Sở NN & PTNT - Ban viên
11 - Ngân hàng NN & PTNT - Ban viên
12 - Ngân hàng phục vụ người nghèo - Ban viên
13 - Tổ chuyên viên giúp việc chịu sự điều hành trực tiếp của đồng chí phó ban thường trực.
Các thành viên trong ban chỉ đạo của tỉnh được phân công phụ trách chỉ đạo theo dõi các vùng như sau:
- Sở lao động TBXH - Huyện Thanh Chương- Anh Sơn
- Sở kế hoạch và đầu tư - Kỳ Sơn - Tương Dương
- Hội nông dân - Yên Thành - Quỳnh Lưu
- Khó bạc Nhà nước tỉnh - Tân Kỳ - Thị xã Cửa lò
- MTTQ tỉnh - Nghi Lộc - Hưng Nguyên
- Hội phụ nữ Tỉnh - Đô Lương - Con Quông
- Liên Đoàn lao động tỉnh - Vinh - Nghĩa Đàn
- Sở NN & PTNT - Nam Đàn - Diễn Châu
- Ngân hàng NN&PTNT - Quỳ Hợp - Quế Phong
- Ngân hàng phục vụ người nghèo - Quỳ Châu
b - Ban điều hành chương trình GQVL-XĐGN cấp huyện- thành phố, thị xã:
Thành phần như ban chỉ đạo cấp tỉnh và phải phân công, giao trách nhiệm cho các thành viên phụ trách chỉ đạo, theo dõi các xã triển khai thực hiện chương trình.
c - Ban giải quyết việc làm xoá đói giảm nghèo cấp xã, phường, thị trấn
1 - Chủ tịch UBND xã là - Trưởng ban
2 - Chủ tịch hội nông dân xã - Phó ban
3 - Phó bí thư Đảng uỷ xã - Phó ban
4 - Chủ tịch MTTQ xã - Ban viên
5 - Chủ tịch hội phụ nữ xã - Ban viên
6 - Bí thư đoàn thanh niên - Ban viên
7 - Kế toán theo dõi chương trình
Điều 2: Chức năng nhiệm vụ của ban chỉ đạo các cấp.
A - Cấp tỉnh:
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên tham gia với chức năng của ngành mình gắn với quy chế của tỉnh để điều hành chương trình.
1 - Sở lao động thương binh xã hội.
Là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo chương trình, chịu trách nhiệm xây dựng chương trình kế hoạch hàng năm,khảo sát đánh giá tình hình việc làm và thực trạng đói nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, xây dựng chương trình, dự án trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai tổ chức thực hiện.
Chủ trì phối hợp các thành viên trong ban chỉ đạo khai thác các nguồn vốn cho chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo thuộc kênh Trung ương, tài trợ của các tổ chức Quốc tế, chủ động phối hợp với các ngành có liên quan: Kho bạc, Sở kế hoạch và đầu tư đề xuất phương án sử dụng hết và kịp thời các nguồn vốn GQVL-XĐGN đã có trên địa bàn, hướng dẫn cho các cấp xây dựng quỹ GQVL-XĐGN .v.v.
Hướng dẫn cho ban điều hành các cấp dưới xây dựng chương trình, dự án của địa phương mình, chủ trì xét duyệt và hướng dẫn xét duyệt các dự án giải quyết việc làm theo quy định.
Tập hợp các dự án của các huyện, tổ chức đoàn thể,phối hợp với các thành viên trong bộ phận thường trực của ban chỉ đạo thẩm định dự án trình ban chỉ đạo Quyết định và hướng dẫn triển khai thực hiện.
Phối hợp với các ngành cùng nhau đôn đốc kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình dự án của các địa phương phát hiện những mô hình điển hình là tốt về GQVL-XĐGN tổng kế đúc rút kinh nghiệm, nhân diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ đạo các phòng lao động - TBXH các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các chủ dự án, phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng vốn sai mục đích, không có hiệu quả và đề xuất biện pháp xử lý , hướng dẫn các huyện sơ kết, tổng kết mô hình, toàn diện chương trình GQVL-XĐGN. Định kỳ (Quý, năm) tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chương trình GQVL-XĐGN với UBND tỉnh và Trung ương. Chủ trì chuẩn bị cho các kỳ họp của ban chỉ đạo, họp sơ kết, tổng kết, họp mô hình.v.v...
Xây dựng hệ thống chính sách cho chương trình GQVL-XĐGN trình UBND tỉnh Quyết định và hướng dẫn cho các cấp triển khai thực hiện.
Quý III hàng năm tiến hành đánh giá tình hình thực hiện công tác GQVL-XĐGN năm báo cáo, xây dựng kế hoạch GQVL-XĐGN năm sau trên địa bàn toàn tỉnh trình UBND tỉnh và ban chỉ đạo của tỉnh Quyết định thực hiện.
2 - Sở kế hoạch và đầu tư:
Vào đầu quý III hàng năm, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các huyện, thành phố, thị xã, các ngành, tổng hợp kế hoạch GQVL-XĐGN trong tổng thể phát triển KTXH của tỉnh trình Trung ương.
Cùng các ngành lao động - TBXH, kho bạc tỉnh trực tiếp thẩm định các đề án do các huyện, thành, thị xã và các tổ chức toàn thể gửi tới (qua Sở lao động- TBXH).
Chủ trì thực hiện lồng ghép các chương trình Quốc gia và chương trình mục tiêu trên địa bàn (theo quy định tại Quyết định số 53/ TTg ngày 8/8/1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các chương trình Quốc gia và Quyết định 307/QĐ-UB ngày 20/01/1998 của UBND tỉnh Nghệ An về cơ chế quản lý và điều hành phát triển KTXH năm 1998).
Tham gia chỉ đạo kiểm tra các địa phương theo sự phân công của trưởng ban chỉ đạo GQVL-XĐGN tỉnh . Để đề xuất các biện pháp giải quyết những tồn tại, thiếu sót của các dự án trong quá trình thực hiện dự án.
Cung cấp các tài liệu KTXH có liên quan đến chương trình GQVL-XĐGN để ban chỉ đạo lồng ghép các chương trình dự án trên các lãnh thổ, địa bàn nhằm nâng cao tính khả thi và phát huy hiệu quả của chương trình, dự án. Bố trí phân bổ vốn cho hợp lý trên từng địa bàn, lãnh thổ.
3 - Hệ thống tài chính, ngân hàng, kho bạc:
Nhiệm vụ chung của các ngành này là quản lý, cho vay các nguồn vốn đúng mục đích có hiệu quả, thu hồi đúng thời hạn đủ vốn và lãi cho Nhà nước trên cơ sở kế hoạch vốn Ban chỉ đạo báo cáo về UBND tỉnh và thường trực Ban chỉ đại chương trình GQVL-XĐGN của tỉnh ( Sở lao động TBXH) về tình hình sử dụng các nguồn vốn , kết quả thực thi các dự án theo Quyết định của các cấp có thẩm quyền.
Khi có Quyết định phân bổ vốn vay của UBND tỉnh cho các dự án, ngân hàng, kho bạc theo chức năng của mình thẩm định tính khả thi của dự án lần cuối cùng và cho vay đến hộ gia đình, nếu dự án nào không đảm bảo tính khả thi thì kho bạc và ngân hàng được phép tạm đình chỉ không giải ngân, báo cáo ban chỉ đạo để có hưởng xử lý kịp thời.
Đối với các dự án xin vay lại chu kỳ 2:
(Đối với dự án GQVL có thể được vay 2 chu kỳ, dự án XĐGN có thể được vay 3 chu kỳ tuỳ theo tính hiệu quả, tính khả thi và khả năng hoàn trả vốn của từng dự án).
Khi đến hạn thu hồi vốn, nếu chủ dự án có nguyện vọng vay lại chu kỳ 2 để phát triển sản xuất kinh doanh thì phòng lao động TBXH huyện, kho bạc hoặc ngân hàng huyện thẩm định hiệu quả sản xuất kinh doanh của chu kỳ thứ nhất, tính khả thi và khả năng hoàn trả vốn vay của chu kỳ 2, nếu khẳng định có hiện quả và dự án thực sự cần vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động góp phần xoá đói giảm nghèo thì làm biên bản thẩm định (theo mẫu thống nhất chủa Nhà nước quy định). Do các phòng chức năng nói trên và UBND huyện, thành phố, thị xã các tổ chức đoàn thể ký trình lên kho bạc hoặc ngân hàng tỉnh tập hợp trình UBND tỉnh ra Quyết định cho vay để chủ dự án tiếp tục triển khai thực hiện. Sau khi UBND tỉnh ra Quyết định. Kho bạc hoặc ngân hàng chịu trách nhiệm gửi danh sách tổng hợp báo cáo Bộ lao động TBXH, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính và gửi về thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh (Sở lao động TBXH) để tổng hợp theo dõi.
Kiểm tra, phát hiện kịp thời cùng với ban chỉ đạo xử lý những dự án sử dụng vốn vay sai mục đích, kém hiệu quả.
4 - Các tố chức đoàn thể có thành viên trong ban chỉ đạo:
Cùng với Sở lao động TBXH, Sở kế hoạch và đầu tư xây dựng chương dự án theo tổ chức mình quản lý sát, đúng với chương trình tổng thể của tỉnh.
Ngoài chức năng chung là thành viên Ban chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể trong phạm vị mà dự án được phân công trực tiếp hướng dẫn các tổ chức đoàn thể cấp dưới xây dựng dự án, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật để dự án hoạt động có hiệu quả cao.
Chọn địa bàn để xây dựng, đối tượng cho vay, quản lý vốn vay, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện dự án đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả cao, cùng với kho bạc, ngân hàng thu hồi đủ vốn và lãi cho Nhà nước đúng kỳ hạn. Định kỳ (quý, năm) báo cáo tình hình thực hiện với UBND tỉnh và ban chỉ đạo của tỉnh.
Vận động tuyên truyền mọi thành viên trong tổ chức của mình đóng góp sức người, vốn để góp phần thực hiện thắng lợi chương trình.
B - Cấp huyện, thành phố, thị xã:
Xây dựng được chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo của cấp mình theo hướng khai thác và phát huy thế mạnh của từng địa phương như vườn đồi, ao hồ bãi bồi, nghề truyền thống .v.v Khảo sát nắm tình hình lao động thiếu việc làm, tỷ lệ đói nghèo theo tiêu thức đã được Bộ lao động- TBXH quy định, từ đó đề ra mục tiêu và giải pháp cụ thể cho từng thời kỳ, từng giai đoạn để phấn đấu thực hiện được mục tiêu của Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, Đại Hội Đảng toàn Quốc lần thứ VIII đã đề ra.
Chức năng nhiệm vụ giống như Ban chỉ đạo của tỉnh nhưng phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban chỉ đạo của tỉnh về địa bàn triển khai, đối tượng cho vay, tính khả thi của dự án. Quản lý và bảo toàn vốn, cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Thu hồi vốn và lãi cho Nhà nước đúng kỳ hạn.
Quý IV hàng năm, ban điều hành chương trình GQVL-XĐGN cấp huyện tổ chức duyệt và tổng hợp những dự án khả thi trình ban chỉ đạo tỉnh phê duyệt và phân bổ vốn vay cho năm kế hoạch.
Ban điều hành chương trình của huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thường xuyên và chặt chẽ đối với ban GQVL-XĐGN xã, phường. Chọn đối tượng đầu tư có tính hiệu quả cao, phù hợp với tiềm năng và thị trường của địa phương mình, dần dần đưa nguồn vốn GQVL-XĐGN vào sản xuất hàng hoá tập trung trong từng khu vực. Các ngành chức năng thẩm định chính xác tính khả thi của dự án. Cho vay theo tiến độ triển khai thực hiện dự án, thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các dự án. Kiên quyết thu hồi vốn vơí những dự án sử dụng vốn vay sai mục đích, sai đối tượng, kèm hiệu quả.
Phải xây dựng được quỹ GQVL-XĐGN của địa phương mình như đã nói ở điều 8 Chương III.
Mỗi thành viên Ban chỉ đạo và chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về vốn của các dự án bị thất thoát.
Song song với việc chỉ đạo, điều hành chương trình, Ban điều hành cấp huyện, thành phố, thị xã, phường phải chú trọng việc bố trí và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác GQVL-XĐGN . Bồi dưỡng kiến thức làm ăn, chuyển giao công nghệ cho người lao động, tổ chức dịch vụ kỹ thuật, giống, dịch vụ thương mại cho nhân dân.
C, Các xã, phường, thị trấn:
Phải nắm vững các đối tượng thiếu việc làm, những hộ gia đình đói nghèo trên địa bàn của địa phương mình, mở sổ lập danh sách và theo dõi biến động của các đối tượng này trong quá trình thực hiện chương trình GQVL-XĐGN.
Phải tổ chức được các tổ tương trợ nhằm giúp nhau trong chương trình GQVL-XĐGN.
Chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo cấp trên về tính khả thi và tính hiệu quả của dự án, xây dựng dự án đúng đối tượng đầu tư để phát huy cao hiệu quả của dự án, thường xuyên giám sát, kiểm tra và chỉ đạo. Yêu cầu của chủ dự án phải sử dụng vốn đúng mục đích, thu hồi đủ vốn và lãi đúng kỳ hạn. Những trường hợp cố tình sử dụng sai mục đích hoặc chây ỳ không chịu trả nợ (không vì lý do khách quan) sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hướng dẫn cho tổ tương trợ, hộ gia đình vay vốn tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Định kỳ(quý, năm) phải đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện và hiệu quả của dự án về Ban chỉ đạo huyện, thành phố, thị xã. đề xuất kiến nghị những chính sách cụ thể với Ban chỉ đạo cấp trên để chỉ đạo chương trình ngày càng hoàn thiện và có hiệu quả cao hơn
CHƯƠNG II
TRÌNH TỰ THỜI GIAN XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH DỰ ÁN
VÀ CHO VAY VỐN
Điều 3:
Hàng năm Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất trình UBND tỉnh thông báo kế hoạch chỉ tiêu vay vốn cho các huyện, thành phố, thị xã các tổ có đoàn thể trước 30/9 năm trước.
Quý III hàng năm căn cứ vào số dự án được ban chỉ đạo tỉnh thông báo, các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức đoàn thể hướng dẫn cho các đơn vị cơ sở xây dựng dự án đúng với mẫu của Trung ương, thẩm định bước 1 dự án khả thi tập hợp gửi về thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Sở lao dộng TBXH) trước ngày 20 tháng 10 năm trước và Sở lao động TBXH lập kế hoạch xin vốn (qua kênh Bộ lao động TBXH).
Điều 4: Tổ chuyên viên bộ phận thường trực Ban chỉ đạo được phân công thẩm định hồ sơ trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ để tổng hợp và trình Ban chỉ đạo tỉnh xét duyệt trước 15/01 năm kế hoạch, trình Trung ương làm tờ trình xin chuyển vốn.
Điều 5: Sau khi nhận thông báo vốn của Trung ương 5 ngày, Sở lao động - TBXH và kho bạc (hoặc ngân hàng) hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ trình UBND tỉnh ký Quyết định và thông báo ngay cho Ban chỉ đạo cấp dưới và các chủ dự án.
Trong vòng 20 ngày kể từ khi có Quyết định chính thức, các ngành có liên quan như: Tài chính, kho bạc, ngân hàng phải hoàn chỉnh các thủ tục và giải ngân xong.
Điều 6: Chu kỳ cho vay của các chủ dự án: Tất cả các dự án nhằm mục đích tạo việc làm, tăng sản phẩm cho xã hội có tính khả thi cao đem lại hiểu quả cao cho người lao động góp phần XĐGN, đều được vay trong chương trình GQVL-XĐGN theo văn bản hệ thống Nhà nước ban hành, những căn cứ vào tình hình cụ thể của tỉnh Nghệ An, cần ưu tiên cho các loại dự án sau:
- Chăm sóc gia súc gia cầm.
- Nuôi trồng và đánh bắt hải sản, chế biến hải sản.
- Thâm canh nông nghiệp và trồng cây ngắn ngày.
- Phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn quả mang tính sản xuất hàng hoá.
- Sản xuất vật liệu xây dựng.
- Tiểu thủ công nghiệp.v.v...
Những dự án này cho vay 2 chu kỳ sản xuất kinh doanh đối với dự án GQVL và 3 chu kỳ đối với dự án XĐGN như mục 3 chương I quy chế này.
Đối với những dự án GQVL trồng cây ăn quả, trồng rừng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cho vay 3 chu kỳ.
Còn loại hình dự án khai thác và chế biến lâm sản cần phải hạn chế, không khuyến khích cho vay.
Điều 7: Các loại hình dự án GQVL-XĐGN cần được lồng ghép với các chương trình dự án khác trên từng địa bàn để đem lại hiệu quả cao cho chương trình. Việc quản lý vốn theo nguyên tắc tập trung thống nhất đảm bảo công khai, công bằng dân chủ, giảm các thủ tục hành chính phiền hà, đảm kịp thời giao vốn đến tận tay người dân một cách đầy đủ ngắn hạn nhất.
CHƯƠNG III
CƠ CHẾ VẬN HÀNH
Điều 8
: Các nguồn vốn cuả chương trình.
- Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ
- Nguồn trích từ ngân sách địa phương.
- Nguồn trích 2% của 5% quỹ đất do xã phường quản lý.
- Nguồn vận động quyên góp.
- Nguồn do các tổ chức quốc tế cho vay hoặc tài trợ.
- Các nguồn khác ...
Các nguồn vốn này phải tập trung về tài khoản của quỹ GQVL-XĐGN tại kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng để quản lý và cho vay tuỳ theo Quyết định của UBND tỉnh.
Điều 9: Cơ chế quản lý và cho vay vốn:
Các ngành: Tài chính, Kho bạc, Ngân hàng chủ động phối hợp với UBND huyện, thành phố, thị xã và các ngành liên quan để quản lý, cho vay, thu hồi vốn vay và lãi suất theo Quyết định của UBND tỉnh.
Sau khi có Quyết định chính thức phân bổ vốn của UBND tỉnh, kho bạc hoặc ngân hàng cấp huyện cùng với phòng lao động TNXH huyện thẩm định lại lần cuối cùng và hướng dẫn các chủ dự án làm thủ tục vay vốn theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Khi dự án đến hạn thu hồi, kho bạc và ngân hàng chịu trách nhiệm thu đủ vốn và lãi cho Nhà nước đúng kỳ hạn.
Những dự án có nhu cầu vay lãi chu kỳ 2, chu kỳ 3 đều phải hoàn trả đủ vốn và lãi cho Nhà nước .Sau đó làm thủ tục xin vay lại trình UBND tỉnh (như quy định cụ thể tại tiết 3 mục A, Điều 1, chương I) Quyết định và tiếp tục cho vay treo trình tự trên.
Những dự án nợ quá hạn thì các ngành chức năng phải dùng mọi biện pháp theo luật hiện hành để thu hồi vốn, kể cả biện pháp phong toả tài sản của chủ dự án để thu hồi vốn cho Nhà nước.
Hàng tháng kho bạc, ngân hàng báo cáo với UBND tỉnh và Ban chỉ đạo tỉnh về nguồn vốn thu hồi để Ban Chỉ đạo tỉnh xử lý. Sở lao động TBXH chủ trì phối hợp với các ngành; Kế hoạch và đầu tư, kho bạc tỉnh thẩm định các dự án mới kịp thời tập hợp trình UBND tỉnh Quyết định cho các dự án mới vay hoặc các dự án cũ vay lãi chu kỳ sau.
Hàng năm cuối quý, 6 tháng, cuối năm, kho bạc, ngân hàng báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo đầy đủ khoản lãi suất mà Ban chỉ đạo được sử dụng để Ban chỉ đạo tỉnh Quyết định xử lý theo kiến nghị của thường trực Ban chỉ đạo. Khoản này chủ yếu dùng để chi phí cho Ban chỉ đạo quản lý và điều hành chương trình.
Các ngành, các cấp không được thu bất kỳ khoản lệ phí nào của hộ gia đình để chi phí và triển khai thực hiện dự án.
- Những khoản chi phí cho việc quản lý việc triển khai thực hiện dự án, chính quyền các cấp trích một phần ngần sách của địa phương để phục vụ cho chương trình.
- Nguồn vốn cho dự án vùng (do Chủ tịch UBND huyện làm chủ dự án) cho vay từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng.
- Nguồn vốn cho dự án vùng (do Chủ tịch UBND xã làm chủ dự án) cho vay tối đa 200 triệu.
- Nguồn vốn cho dự án doanh nghiệp tư nhân cho vay tối đa 70 triệu.
Trên đây là cơ chế quản lý và điều hành chương trình GQVL-XĐGN của tỉnh. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc các ngành các cấp góp ý bổ sung để cơ chế ngày càng hoàn thiện và đem lại hiệu quả cao cho chương trình.