Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về các biện pháp khắc phục hậu quả nắng hạn, thiên tai những tháng đầu năm 1998
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh và đề nghị của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thuỷ sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Để khắc phục tình hình thiệt hại nghiêm trọng do nắng hạn, thiên tai gây ra trong những tháng cuối năm 1997, đầu năm 1998, sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển sản xuất,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh bị thiên tai và các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
1. Tập trung mọi nỗ lực của Trung ương và địa phương giải quyết ngay việc cứu trợ, cứu đói cho các hộ dân nghèo đang gặp khó khăn gay gắt ở các vùng bị nắng hạn và thiên tai. Chính quyền các cấp phối hợp với các đoàn thể quần chúng vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, trước hết từng địa phương phải nỗ lực tự đùm bọc, cứu trợ trong địa phương mình để ổn định đời sống của nhân dân, tránh tư tưởng ỷ lại, chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải có trách nhiệm tìm mọi biện pháp bảo đảm không được để dân đói trên địa bàn của mình.
2. Đối với sản xuất nông nghiệp:
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, theo dõi sát diễn biến thời tiết và nguồn nước ở các địa phương để chỉ đạo việc phục hồi và phát triển sản xuất, với các biện pháp tích cực nhất như: điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, sử dụng giống lúa ngắn ngày hoặc cực ngắn ngày, bảo vệ và phát triển cây công nghiệp, đàn gia súc... ở những nơi có điều kiện của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần xem xét để phát triển sản xuất lúa vụ ba.
3. Đối với công tác thuỷ lợi:
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, thực hiện các biện pháp chống hạn có hiệu quả, bảo vệ nguồn nước, nạo vét kênh mương, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho dân, nước tưới cho các cây trồng chính của từng địa phương, đảm bảo nước ngọt, phòng chống mặn xâm nhập ở các vùng ven biển.
Tập trung cao độ để đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi, trước hết là những công trình phải hoàn thành năm 1998 nhằm kịp thời phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh. Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải rà soát, sắp xếp lại các loại công trình trên địa bàn của địa phương để có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu vốn, ưu tiên dành vốn cho các công trình thuỷ lợi thiết yếu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan điều chỉnh kế hoạch và tìm thêm nguồn vốn để bổ sung cho các công trình thuỷ lợi trong 6 tháng cuối năm 1998.
4. Đối với ngành thuỷ sản:
Để khắc phục hiện tượng tôm bị chết ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giao cho Bộ Thuỷ sản làm việc với các tỉnh: Trà Vinh, Long An, Tiền Giang và Cà Mau để xác định rõ nguyên nhân (bệnh, giống hay môi trường...). Trước mắt, khi chưa xác định được nguyên nhân đầy đủ, Bộ Thuỷ sản xây dựng phương án xử lý cơ bản, lâu dài theo hướng đầu tư ít rủi ro nhất, phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh rà soát, bố trí lại diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch chung.
Về đê bao ngăn mặn ở tỉnh Trà Vinh: Giao Bộ Thuỷ sản làm việc với tỉnh lập dự án đầu tư, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 1998.
Điều 2. Về giải quyết những vấn đề cấp bách:
1. Giao Uỷ ban nhân dân các tỉnh bị hạn nặng tiến hành điều tra, thống kê, xác định cụ thể số hộ bị thiếu đói. Trên cơ sở đó giải quyết trợ cấp cứu đói theo mức 8 kg gạo/người/tháng trong thời gian chưa có nguồn thu nhập bổ sung. Số kinh phí này được lấy từ nguồn chi bảo đảm xã hội, kinh phí sự nghiệp, dự phòng của địa phương. Bộ Tài chính làm việc với Uỷ ban nhân dân các tỉnh để có biện pháp trợ giúp ngân sách địa phương, xác định nguồn ngân sách hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh thực hiện việc trợ cấp này.
2. Để giúp nông dân, ngư dân phục hồi và phát triển sản xuất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại xem xét, giải quyết cho số hộ bị thiệt hại nặng nhưng còn khả năng trả nợ được gia hạn nợ theo cơ chế hiện hành; đối với các hộ quá khó khăn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh xét duyệt, lập danh sách và xác nhận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cho khoanh nợ.
3. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục cho các hộ vay vốn để khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
Ở
các tình bị hạn nặng (Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu) cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng 140 tỷ đồng trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng theo Điều 6 của Quyết định số 985/TTg ngày 20 tháng 11 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ để cho các hộ nông dân có diện tích cây trồng bị thiệt hại từ 80% trở lên và hoàn cảnh quá khó khăn không có vốn để phục hồi sản xuất: được vay ngắn hạn đối với cây trồng ngắn ngày, cho vay trung hạn đối với các cây trồng dài ngày (cà phê, hồ tiêu, mía, điều...). Các đối tượng được vay này cũng được hưởng lãi suất ưu đãi như đối tượng được vay theo Quyết định số 958/TTg ngày 20 tháng 11 năm 1997.Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ vào báo cáo của Uỷ ban nhân dân các tỉnh để phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương và chỉ đạo các Ngân hàng thương mại thực hiện các thủ tục cho vay nhanh, thuận tiện, đúng đối tượng và theo dõi thường xuyên việc sử dụng vốn vay có hiệu quả, thu được nợ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tìm thêm nguồn để bổ sung vốn cho các nhu cầu vay trên.
4. Đối với các tỉnh bị lốc, mưa đá...: Các tỉnh sử dụng nguồn chi đảm bảo xã hội, dự phòng và quỹ phòng, chống lụt bão của địa phương để khắc phục. Bộ Tài chính tăng tiến độ trợ cấp trong kế hoạch cho các tỉnh để xử lý.
5. Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thực hiện theo pháp luật hiện hành.
Điều 3. Giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành có liên quan:
1. Tổng cục Khí tượng thuỷ văn theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, thông báo kịp thời cho các ngành và địa phương để chủ động đối phó.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp cùng với các địa phương có biện pháp điều tiết nước từ các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện để khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và cho phát điện.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển sản xuất, đặc biệt đối với cây cà phê, chỉ mở rộng diện tích ở các khu vực có điều kiện về nguồn nước và phù hợp với quy hoạch tổng thể của vùng, địa phương.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để từ năm 1999 dành vốn ưu tiên đầu tư cho ngành thuỷ lợi.
5. Mùa mưa bão đang đến gần, ngay từ bây giờ, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, theo dõi sát diễn biến của thời tiết, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với lũ, bão, thiên tai năm 1998, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ, bão gây ra.
Điều 4. Thành lập Đoàn công tác của Chính phủ do 1 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu, có lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan tham gia đi nắm tình hình tại một số tỉnh bị thiệt hại nặng do hạn hán để chỉ đạo khắc phục kịp thời, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.