Văn bản pháp luật: Quyết định 1246/1999/QĐ-BGTVT

Lê Ngọc Hoàn
Công báo điện tử;
Quyết định 1246/1999/QĐ-BGTVT
Quyết định
25/05/1999
25/05/1999

Tóm tắt nội dung

Về ban hành bản quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long

Bộ trưởng
1.999
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

Bộ Giao thông

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Về ban hành bản quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Kỹ thuật

nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long

 

BỘ TRƯỞNG

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ quyết định số 297/1998/QĐ-BGTVT ngày 25.2.1998 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tiếp nhận Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long từ Uỷ Ban nhân dân Tỉnh sóc Trăng, về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long tại tờ trình số 42 /TTr-TC ngày 31/3/1999 và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ-lao động,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản "Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long", trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, kể từ ngày ký.

Điều 2. Căn cứ bản Quy chế này, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long có trách nhiệm quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ làm việc của các phòng và các đơn vị trực thuộc Trường đảm bảo thống nhất.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan căn cứ phạm vi trách nhiệm của mình, thi hành quyết định này./.

 

 

 

 

 

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG KỸ THUẬT NGHIỆP

VỤ GIAO THÔNG VẬN TẢI KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

(Ban hành kèm theo quyết định số .1246/1999/QĐ- BGTVT ngày 25 /5/1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long (sau đây gọi tắt là Trường), trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, được thành lập theo quyết định số 290/QĐ.TCCB.96 ngày 02/5/1996 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Trụ sở chính đóng tại thành phố Cần thơ, Tỉnh Cần thơ.

Điện thoại: 0718301015; Fax: 071830898

Có cơ sở 2 đóng tại: Thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Điện thoại: 079821816

Điều 2. Trường là đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo thuộc hệ thống Trường đào tạo nghề chính quy của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở kho bạc tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước, được hưởng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu khác thông qua các hợp đồng tư vấn, đào tạo, thực nghiệm, nghiên cứu khoa học kỹ thuật...với các tổ chức trong và ngoài ngành theo quy định hiện hành.

Điều 3. Trường chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Giao thông vận tải và sự quản lý Nhà nước của Bộ Lao động thương binh và xã hội và các Bộ ngành khác về lĩnh vực có liên quan.

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

 

Điều 4. Trường có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Trong lĩnh vực đào tạo.

a. Xây dựng kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm cho nhu cầu công tác đào tạo công nhân kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ, kể cả kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về cải cách giáo dục và các đề án, dự án ứng dụng công nghệ mới vào sự nghiệp đào tạo.

b. Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng theo mục tiêu, chương trình giảng dạy và kết hợp với thực tiễn sản xuất để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề thuộc phạm vi trách nhiệm của Trường.

c. Xây dựng mục tiêu chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình giáo án theo tiêu chuẩn quốc gia; lập báo cáo về tình hình giáo dục đào tạo theo quy định hiện hành.

d. Thường xuyên khảo sát thực tiễn về nhu cầu đào tạo trong ngành để kịp đáp ứng với yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và của ngành.

e. Tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Trường.

g. Hợp tác với các Trường, Viện nghiên cứu khoa học (kể cả hợp tác quốc tế) để đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên của Trường.

2. Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

a. Tham gia vào các dự án nghiên cứu chiến lược phát triển giao thông vận tải (khi được phân công), đề xuất kế hoạch đào tạo đáp ứng chiến lược phát triển đó.

b. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học của Bộ để nghiên cứu, phổ biến thông tin KHKT, sáng tiến, cải tiến, phát minh sáng chế về GTVT trong nước và nước ngoài, kịp thời đưa tiến bộ KHKT ứng dụng trong chương trình đào tạo.

c. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các Hội nghị chuyên đề, Hội thảo nghiệp vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên ngành.

d. Tư vấn dịch vụ KHKT, chuyển giao công nghệ chuyên ngành đáp ứng các chương trình kỹ thuật công nghệ mới của Bộ và các chuyên ngành GTVT.

e. Thực hành kỹ thuật, nghiệp vụ thông qua các công trình, chương trình, các chuyên đề được giao để đảm bảo yêu cầu đào tạo gắn liền với quá trình sản xuất .

Điều 5. Trường có các quyền hạn chủ yếu sau:

1. Cấp bằng và chứng chỉ cho các đối tượng do Trường đào tạo theo quy định của pháp luật.

2. Được phép ký kết các hợp đồng đào tạo các lớp: lái xe ô tô; vận hành và sửa chữa động cơ ô tô, máy tàu thuỷ; quản lý giao thông nông thôn; giảng dạy luật lệ giao thông theo đúng chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giao thông vận tải quy định; được phép liên kết với các trường Nghề, Trung học, Đại học trong và ngoài ngành để đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu của khu vực và thực hiện các hợp đồng dịch vụ khoa học kỹ thuật, hợp đồng nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài theo quy định hiện hành để thực hiện chức năng nhiệm vụ của Trường.

3. Tham gia tổ chức, thực hiện các cuộc triển lãm trong nước và nước ngoài có liên quan về sự nghiệp đào tạo giao thông vận tải.

4. Phối hợp với các cơ quan hữu quan của Bộ công bố và cung cấp các thông tin, dữ liệu về đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các đơn vị trong và ngoài ngành giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.

5. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho sinh viên, công nhân do Trường đào tạo theo nhu cầu tuyển chọn của các pháp nhân trong nước và nước ngoài.

6. Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động về vận động, tuyên truyền luật lệ giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

CHƯƠNG III

CƠ CẤU TỔ CHỨC

 

Điều 6.

1. Cơ cấu tổ chức của Trường gồm có:

a. Cơ sở 2 của Trường tại thị xã Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng.

b. Cơ quan giúp việc Hiệu trưởng, có:

- Phòng Đào tạo;

- Phòng Hành chính quản trị và tổ chức;

- Phòng Kế toán -tài vụ;

- Phòng Sản xuất dịch vụ.

c. Các tổ chức trực thuộc Trường gồm có:

- Các Trung tâm;

- Xưởng Cơ khí giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng.

- Các tổ chức khác (nếu có).

2. Lãnh đạo Trường có Hiệu trưởng và một số Phó Hiệu trưởng giúp việc.

Hiệu trưởng có nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động của nhà Trường theo đúng luật pháp Nhà nước, các quy định của Bộ Giao thông vận tải và sự quản lý Nhà nước của các Bộ, Ngành khác có liên quan,

Phó Hiệu trưởng là người giúp việc Hiệu trưởng điều hành một số công tác do Hiệu trưởng phân công. Phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hiệu trưởng về phần việc được phân công.

Hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật,

Phó Hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Hiệu trưởng.

3. Biên chế của Trường do Hiệu trưởng nhà trường xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định sau khi đã được Ban Tổ chức - Cán bộ chính phủ thoả thuận hàng năm.

Điều 7.

1. Việc thành lập, giải thể và sắp xếp lại các tổ chức trực thuộc Trường do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định theo đề nghị của Hiệu trưởng.

2. Việc thành lập, giải thể, sắp xếp lại các Phòng, Ban giúp việc Hiệu trưởng do Hiệu trưởng quyết định sau khi có thoả thuận bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 8.

1. Các tổ chức trực thuộc Trường là đơn vị hạch toán phụ thuộc Trường, hoạt động theo uỷ quyền của Hiệu trưởng.

2. Biên chế của Trường và các tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo chỉ tiêu do Bộ Giao thông vận tải giao, được tính là biên chế của Trường được Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định hàng năm. Biên chế của các tổ chức còn lại không thuộc biên chế do Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải giao hàng năm, do Hiệu trưởng quyết định cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trường và quy định của pháp luật.

Điều 9. Các phòng nghiệp vụ thuộc Trường thực hiện nhiệm vụ theo quy chế trường nghề Nhà nước (ban hành kèm theo quyết định số 382/QĐ-THCN ngày 27/02/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo) và các nhiệm vụ cụ thể do Hiệu trưởng quy định.

 

CHƯƠNG IV

MỐI QUAN HỆ

 

Điều 10. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trường được:

1. Quan hệ với các Bộ, Ngành và các cơ quan thuộc Bộ để giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

2. Chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của các cơ quan giúp việc Bộ trưởng.

Điều 11. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về mọi hoạt động của Trường

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 12. Quy chế này áp dụng cho qúa trình tổ chức và hoạt động của Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu long. Trong qua trình thực hiện sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động của Trường./.

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=6822&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận