UBND tỉnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt NamQUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚ
Về việc ban hành bản "Quy định về trách nhiệm của các cấp,
các ngành trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc Hội thông qua ngày 21/06/1994.
Căn cứ Pháp lệnh về đê điều ngày 16/11/1989 và Nghị định số 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Căn cứ quyết định số 398/HĐBT ngày 14/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đội chuyên trách quản lý đê điều.
Căn cứ vào yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ đê điều hiện nay.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thủy lợi.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Các ông: chánh văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, Ban, Ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; chủ tịch UBND các xã phường có đê căn cứ Quyết định thi hành./.
QUY ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚ
Về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ Đê điều
(Ban hành theo Quyết định số 1316/ QĐ-UB ngày 27 tháng 07 năm 1995 của UBND tỉnh.)
Phần I. Quy định chung:
Điều 1: Đối tượng điều chỉnh của bản quy định này là các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý Nhà nước về đê điều. Những điều không nói trong quy định này, thực hiện theo các văn bản pháp quy của Nhà nước như pháp lệnh về Đê điều - Pháp lệnh phòng chống lụt bão, các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ có liên quan tới đê điều.
Điều 2:
1- Ngành Thủy lợi chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ, quản lý đê điều trên phạm vi toàn tỉnh.
2- Chính quyền các cấp từ tỉnh tới huyện, đặc biệt là cấp xã, phường chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước theo phạm vi lãnh thổ về công tác bảo vệ, quản lý đê điều. Những trường hợp không hoàn thành trách nhiệm quản lý, phải chịu trách nhiệm trước cấp trên theo điểm 3 điều 52 luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994.
Phần II. Quy định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành:
Điều 3: Sở Thủy lợi
1- Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh, chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch xây dựng, tu bổ đê điều; Xác định biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức quản lý bảo vệ, sử dụng, cứu hộ đê. Đề xuất với UBND tỉnh và Bộ Thủy lợi những vấn đề quản lý Nhà nước về đê điều, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra xử lý theo chức năng hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp lệnh về đê điều và vi phạm bản quy định này.
2- Được UBND tỉnh ủy quyền thông báo kinh phí, ngày công lao động nghĩa vụ cho các huyện (sau khi được UBND tỉnh thông qua) trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các đoạn đê để UBND huyện thành thị phân bổ cho các xã, phường theo định mức do sở Thủy lợi quy định và hướng dẫn các khoản chi.
3- Tổ chức và chỉ đạo kiểm tra hoạt động của Đội quản lý đê chuyên trách theo chức năng nhiệm vụ được giao.
4- Giám đốc sở Thủy lợi chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ đê điều. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Điều 4: Đội quản lý đê chuyên trách
Thực hiện theo Điều 1 của Quyết định số 398/HĐBT ngày 14/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) bao gồm 5 nhiệm vụ, 3 quyền hạn và các trách nhiệm của đôi quản lý đê. Nay cụ thể thêm:
1- Kiểm tra, giám sát các Chủ tịch UBND xã, phường trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với đê cũng như các công trình phụ trợ khác nhau như: kè, cống, điếm canh, vật tư dự trữ chống lụt bão, các cột mốc, cột cây số, hành lang bảo vệ đê trong địa bàn quản lý hành chính của xã, phường mình theo hợp đồng trách nhiệm đã ký nhận với Chủ tịch UBND huyện thành thị.
2- Phát hiện những vi phạm pháp lệnh về đê điều ngay từ khi mới phát sinh, đôn đốc Chủ tịch UBND xã phường giải quyết, xử lý, ngăn chặn kịp thời và thông báo cho Chủ tịch UBND huyện, thành, thị biết để chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý của Chủ tịch UBND xã, phường.
3- Vào cuối hàng tháng phải báo cáo kết quả tình hình quản lý bảo vệ đê của các xã, phường, các huyện, thành thị với Sở Thủy lợi để tổng hợp báo cáo với UBND tỉnh.
4- Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Thủy lợi trong các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ nói tại điểm 1,2 của điều này, để các vi phạm xảy ra mà không được ngăn chặn hoặc xử lý, không thông báo cho Chủ tịch UBND huyện, thành, thị hoặc không báo cáo Sở Thủy lợi, nhất là những vi phạm nghiêm trọng gây nguy hiểm đến sự an toàn của đê; tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 5: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị:
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo các Chủ tịch xã, phường tổ chức vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng các văn bản pháp quy Nhà nước tới mọi công dân, để mọi người hiểu và tự giác thực hiện.
2. Ký hợp đồng trách nhiệm mỗi năm một lần với Chủ tịch UBND các xã, phường về thực hiện công tác quản lý, bảo vệ đê, bảo dưỡng và duy tu mặt đê cũng như quản lý hành lang bảo vệ đê và công trình phụ trợ có liên quan, hướng dẫn hoặc quy định các hình thức tổ chức quản lý, bảo vệ đê và hành lang đê, bảo dưỡng và duy tu mặt đê đối với cấp xã, phường. Trong nội dung hợp đồng trách nhiệm phải nói rõ hiện trạng đê và hành lang đê để làm căn cứ đối chiếu về sự hoàn thành hay không hoàn thành trách nhiệm quản lý, bảo vệ đê sau khi ký. Sở Thủy lợi hướng dẫn cụ thể nội dung bản hợp đồng trách nhiệm này.
3. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Chủ tịch UBND xã, phường thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý và bảo vệ đê điều. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những Chủ tịch xã, phường không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, để xảy ra những hành vi vi phạm mới mà không xử lý dứt điểm theo thẩm quyền. Vào cuối hàng quý báo cáo tình hình về UBND tỉnh (qua Sở Thủy lợi).
4. Cùng Sở Thủy lợi tổ chức đánh giá việc thực hiện hợp đồng trách nhiệm của các xã, phường vào 2 thời điểm: Tháng 6 và tháng 12 hàng năm và ký hợp đồng trách nhiệm năm sau.
5. Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Những trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc hữu khuynh không xử lý dứt điểm theo thẩm quyền những vi phạm xảy ra về quản lý của các chủ tịch UBND xã, phường trong phạm vi hành chính của huyện, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 6: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường.
1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp lệnh về đê điều, các văn bản pháp quy của Nhà nước, của tỉnh về quản lý và bảo vệ đê điều sâu, rộng đến mọi công dân thuộc địa bàn xã, phường mình để mọi người hiểu và tự giác thực hiện.
2. Tổ chức việc thực hiện hợp đồng trách nhiệm đã ký với Chủ tịch UBND huyện, thành, thị ở địa bàn xã, phường mình. Thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả mọi hành vi vi phạm pháp lệnh về đê điều, xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền quy định tại điều 19 Quyết định 540/QĐ-UB ngày 5/6/1992 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuyệt đối không để xảy ra vi phạm đê và hành lang bảo vệ đê so với trạng thái ban đầu ghi trong hợp đồng trách nhiệm đã ký nhận với Chủ tịch UBND huyện, thành, thị. Chủ tịch UBND xã, phường được giao một số kinh phí và ngày công nghĩa vụ hàng năm để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng (theo kế hoạch do UBND huyện thành thị phân bổ hàng năm).
3. Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về công tác quản lý, bảo vệ đê và hành lang đê thuộc phạm vi địa giới hành chính xã, phường mình quản lý. Nếu để đê và mặt đê xuống cấp so với hợp đồng trách nhiệm đã ký với Chủ tịch UBND huyện, thành, thị; để xảy ra các vụ vi phạm đê và hành lang đê mà không ngăn chặn, xử lý dứt điểm; để mất mát vật tư dự trữ chống lụt bão... thì tùy theo mức độ vi phạm hợp đồng trách nhiệm sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật.
Phần III: Tổ chức thực hiện
Điều 7:
1. Bản quy định này áp dụng cho các tuyến đê cấp 1, cấp 2 sau đây:
- Tuyến đê Tả sông Phó Đáy thuộc Tam Đảo, Vĩnh Lạc
- Tuyến đê Tả sông Hồng thuộc Vĩnh Lạc và Mê Linh
- Tuyến đê Tả sông Thao từ km 63+900 - K105 (cổng Nhà máy tinh bột Phú Thọ cũ tới bến Gót Việt Trì) thuộc Phú Thọ, Phong Châu và Thành phố Việt Trì.
- Tuyến đê hữu sông Lô từ km 62+600 km72 thuộc Việt Trì.
2. Đối với đê từ cấp 3 trở xuống, UBND tỉnh giao cho UBND huyện, thành, thị vận dụng theo văn bản này để có những quy định cụ thể, phù hợp với địa phương và đúng theo quy định của Pháp luật.
Điều 8: Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành phát hiện những điều không phù hợp cần điều chỉnh: Phản ánh qua Sở Thủy lợi để tổng hợp báo cáo, UBND tỉnh ra quyết định điều chỉnh bổ sung./.