Uỷ ban nhân dânQUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
V/v Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
huyện Di Linh thời kỳ 1995 - 2005.
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Biên bản Hội nghị Báo cáo Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện Di Linh thời kỳ 1995-2005 ngày 24/4/1996 tại Văn phòng UBND tỉnh;
Xét tờ trình số 75/TT-UB ngày 24/9/1996 của UBND huyện Di Linh V/v Xin phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội huyện Di Linh thời kỳ 1995 - 2005;
Quyết định:
Điều 1 : Phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Huyện Di Linh thời kỳ 1995-2005 với nội dung chủ yếu sau :
1.1 Tên dự án :
"Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Huyện Di Linh thời kỳ 1995-2005"
1.2 Phạm vi dự án Quy hoạch :
Tổng diện tích tự nhiên : 163.000ha, trong đó quy hoạch sử dụng đất như sau:
- Đất Lâm nghiệp : 115.000ha
- Đất Nông nghiệp : 37.000ha
- Đất XDCB : 5.000ha
- Đất khác : 6.000ha
1.3 Mục tiêu dự án quy hoạch :
- Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường và theo định hướng XHCN.
- Xây dựng Di Linh thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của tỉnh, đặc biệt là cây càphê và chế biến cà phê xuất khẩu.
- Sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng kinh tế, đưa Di Linh trở thành Huyện có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mức GDP bình quân đầu người đạt tương đương với mức trung bình của tỉnh, gắn tăng trưởng kinh tế với các chỉ tiêu tiến bộ xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc.
- Kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trưởng sinh thái, giữ vũng quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội.
1.4 Nội dung Quy hoạch chủ yếu :
+ Cơ cấu kinh tế :
- Thời kỳ 1995-2000 : Định hướng phát triển theo cơ cấu Nông lâm công nghiệp và dịch vụ.
- Thời kỳ 2001-2005 : Định hướng phát triển theo cơ cấu Nông công nghiệp chế biến Nông lâm khoáng sản - Lâm nghiệp và dịch vụ.
+ Mục tiêu chung :
- Mức tăng trưởng GDP hàng năm :
. Thời kỳ 1995 - 2000 : 13,5 - 15%
. Thời kỳ 2001-2005 : 14 - 14,5%
- Mức GDP bình quân đầu người :
. Năm 2000 : 650-700USD/người/năm
. Năm 2005 : 1070-1200USD/người/năm
- Kim ngạch xuất khẩu :
. Năm 2000 : 15 - 20 triệu USD
. Năm 2005 : 30 - 35 triệu USD
Trong đó : - Cà phê : 10.000-20.000tấn
- Trà : 1.000 tấn
- Tơ tằm : 20-30 tấn
- Gỗ chế biến : 3.000m3
- Tăng thu ngân sách, đưa tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách hàng năm trong thời kỳ : . 1995 - 2000 : 17 - 19%
. 2001 - 2005 : 20 - 22%
- Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát triển sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục. Hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, hạn chế di dân tự do. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển.
+ Định hướng phát triển các ngành kinh tế chủ yếu :
- Ngành Nông nghiệp : Phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất. Tập trung cho cây công nghiệp dài ngày nhất là cà phê và công nghiệp chế biến cà phê. Thâm canh đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi cây trồng.
Đưa vào sử dụng 37.000 ha đất nông nghiệp đến 2005; tốc độ tăng GDP của ngành nông nghiệp theo từng thời kỳ :
. 1996 - 2000 : 12,5 - 13,5%
. 2001 - 2005 : 11 - 11,5%
- Ngành Lâm nghiệp : Phối hợp, thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ tài nguyên rừng, thực hiện các dự án 327, hoàn thành ĐCĐC cho đồng bào dân tộc, đẩy mạnh việc trồng rừng và giao đất giao rừng. Khai thác hợp lý tài nguyên rừng gắn với công nghiệp chế biến hiệu quả.
. Trồng và chăm sóc rừng trồng bình quân hàng năm 400 - 500ha
. Nuôi dưỡng, tu bổ vốn rừng : 10.000 ha
. Giao đất giao rừng : 40.000ha
- Ngành Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp : Đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp với tốc độ nhanh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Phát triển CN-TTCN theo hướng quy mô vừa và nhỏ kết hợp đổi mới công nghệ để chuyển nhanh việc sản xuất nguyên liệu thô sang sản xuất sản phẩm có chất lượng cao. Tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi về vốn, kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản lý của các tổ chức và cá nhân trong nước, ngoài nước để phát triển. Chú trọng đặc biệt đến công nghiệp chế biến.
Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của ngành :
- Thời kỳ 1996 - 2000 : 15,0 - 22%
- Thời kỳ 2001 - 2005 : 18 - 20%
Nâng tỷ trọng ngành CN-TTCN trong cơ cấu GDP đạt :
- 12 - 14% năm 2000
- 15 - 18% năm 2005
- Ngành Thương mại - dịch vụ : Mức tăng trưởng GDP của ngành đạt :
- 20% : 1996 - 2000
- 18% : 2001 - 2005
Nâng tỷ trọng trong cơ cấu lên 25% (năm 2000) và 31% (năm 2005)
ổn định và mở rộng thị trường, thực hiện tốt việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cung ứng hàng tiêu dùng cho thị trường, nhất là vùng sâu vùng xa.
Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 16 - 20 triệu USD (năm 2000) và đạt 30 - 35 triệu USD (năm 2005).
Phát triển các loại dịch vụ, nhất là : Tài chính, tín dụng ngân hàng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc để đáp ứng nhu cầu phát triển.
+ Xã hội :
- Hạ tỷ lệ tăng tự nhiên xuống còn :
. 2,57% vào năm 2000
. 2,22% vào năm 2005
- Hạn chế tối đa việc di dân tự do, nhằm đạt tỷ lệ tăng dân số chung :
. 3,56% năm 2000
. 2,91% năm 2005
- Hạn chế dân số toàn huyện ở mức :
. 120.000 người vào năm 2000
. 140.000 người vào năm 2005
- Chú trọng công tác đào tạo để nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Tăng tỷ lệ đi học trong lực lượng lao động để tạo chuyển biến về chất trong lao động.
. Năm 2000 : 65.000 lao động, chiếm 54% dân số
. Năm 2005 : 77.000 lao động, chiếm 55% dân số
- Từng bước cải thiện đời sống mọi mặt cho nhân dân, tập trung vào các khu vực đồng bào ít người, vùng sâu vùng xa. Phấn đấu xóa hộ đói vào năm 2000, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% vào năm 2005.
Thực hiện các chính sách về xã hội nhất là giáo dục y tế để đưa trên 90% trẻ trong độ tuổi cấp I đến trường. Hạ tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%, thực hiện thành công các chương trình y tế cộng đồng. Xây dựng các cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội.
+ Định hướng phát triển các tiểu vùng kinh tế :
- Tiểu vùng 1 : Gồm xã Tam Bố và Gia Hiệp, trung tâm là Phú Hiệp
. Tổng diện tích tự nhiên : 29.204ha
. Dân số : trên 10.000 người
. Phương hướng : Chủ yếu tập trung phát triển Công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
- Tiểu vùng 2 : Gồm các xã Gia Bắc, Sơn Điền, Gung Ré và Bảo thuận, trung tâm là Gung Ré.
. Tổng diện tích tự nhiên : 61.042 ha
. Dân số : 9.600 người
. Phương hướng : Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội, thực hiện các chương trình 327, ĐCĐC, giao đất giao rừng và các chương trình xã hội để từng bước cải thiện đời sống nhân dân
- Tiểu vùng 3 : Gồm các xã Đinh Trang Thượng và Tân Thượng, Trung tâm là Tân Thượng.
. Tổng diện tích tự nhiên : 20.630 ha
. Dân số : 6.200 người
. Phương hướng : đầu tư hạ tầng, phúc lợi xã hội, thực hiện giao đất giao rừng, ĐCĐC và chương trình 327 cùng các chương trình xã hội, phát triển cây càphê và chăn nuôi theo hộ gia đình.
- Tiểu vùng 4 : Gồm các xã Đinh Lạc, Tân Châu, Liên Đầm và thị trấn Di Linh, trung tâm là thị trấn Di Linh.
. Tổng diện tích tự nhiên : 20.330ha
. Dân số : 42.000 người
. Phương hướng : đây là vùng trọng điểm cà phê, đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại.
- Tiểu vùng 5 : Gồm các xã Đinh Trang Hòa, Hòa Nam, Hòa Bắc, Hòa Trung và Hòa Ninh, trung tâm là Hòa Ninh.
. Tổng diện tích tự nhiên : 25.770ha
. Dân số : 26.000 người
. Phương hướng : là xã kinh tế mới, đời sống nhân dân còn khó khăn, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng và phúc lợi xã hội, đẩy mạnh thâm canh chè, cà phê, dâu, phát triển công nghiệp chế biến.
1.5 Vốn đầu tư thời kỳ 1995 - 2005 : 2.233 - 3.206 tỷ đồng, từ các nguồn :
- Vốn ngân sách
- Vốn tự có của dân, vốn doanh nghiệp
- Vốn tín dụng
- Vốn thu hút từ tỉnh ngoài
- Vốn ODA
- Vốn FDI
1.6 Thời gian đầu tư : từ năm 1996 đến năm 2005
Điều 2 : Giao cho UBND Huyện Di Linh, các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà nước.
Điều 3 : Các ông : Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND Huyện Di Linh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./.