quyết định QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 159/BKH-KCN
NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 1997 VỀ VIỆC UỶ QUYỀN CHO BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CHẾ XUẤT, KHU CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC HÌNH THÀNH DỰ ÁN; TIẾP NHẬN, THẨM ĐỊNH HỒ SƠ
DỰ ÁN; CẤP, ĐIỀU CHỈNH, THU HỒI GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG
CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
- Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996;
- Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Căn cứ Quyết định số 07/KCN ngày 16 tháng 6 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc uỷ quyền các Ban quản lý khu công nghiệp cấp Giấy phép đầu tư;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
1. Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Ban quản lý) là đầu mối hướng dẫn các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động theo Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ trên địa bàn lãnh thổ thành phố Hồ Chí Minh.
Hồ sơ dự án đầu tư được lập theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2- Uỷ quyền Ban quản lý tiếp nhận hồ sơ của các dự án đầu tư nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp và các dự án đầu tư vào khu chế xuất nói trên và thẩm định, cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định này.
Điều 2.
Các dự án đầu tư mà Ban quản lý được uỷ quyền cấp Giấy phép đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Phù hợp với quy hoạch chi tiết và Điều lệ khu công nghiệp hoặc khu chế xuất đã được phê duyệt.
2. Là dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ công nghiệp có quy mô dưới 40 triệu đôla Mỹ, trừ những dự án thuộc nhóm A theo quy định tại Điều 93 Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
3. Có tỉ lệ xuất khẩu sản phẩm đáp ứng quy định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành trong từng thời kỳ.
4. Doanh nghiệp khu công nghiệp, doanh nghiệp chế xuất, bên nước ngoài hợp doanh cam kết tự bảo đảm nhu cầu về tiền nước ngoài.
5. Thiết bị, máy móc và công nghệ phải đáp ứng các quy định hiện hành: trường hợp không đáp ứng các quy định đó phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật chấp thuận bằng văn bản trước khi cấp Giấy phép đầu tư.
6. Đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ.
Điều 3.
Việc thẩm định dự án do Ban quản lý thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của địa phương theo quy định tại các Điều 83, 92, 94, 96 và 100 Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ban quản lý có trách nhiệm xây dựng Quy chế phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương, trình Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt và thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 4.
1. Ban quản lý tổ chức thẩm định và tự quyết định việc cấp Giấy phép đầu tư đối với các loại dự án sau:
- Các doanh nghiệp chế xuất có quy mô vốn đầu tư đến 40 triệu đôla Mỹ.
- Các dự án đáp ứng các quy định tại Điều 2 Quyết định này và có quy mô đến 10 triệu đôla Mỹ đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đến 5 triệu đôla Mỹ đối với các doanh nghiệp dịch vụ công nghiệp.
2. Thời hạn Ban quản lý thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư là 15 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ dự án, không kể thời gian chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư theo yêu cầu của Ban quản lý.
Mọi yêu cầu của Ban quản lý đối với nhà đầu tưvề việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư được thực hiện trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án. Sau 7 ngày, kể từ ngày Ban quản lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung, nếu nhà đầu tư không trả lời bằng văn bản thì đơn xin đầu tư kèm theo hồ sơ dự án đầu tư không còn hiệu lực.
3. Đối với các dự án đầu tư nằm ngoài các quyết định nêu trên thì trước khi ra quyết định, Ban quản lý có trách nhiệm gửi tóm tắt dự án theo hướng dẫn kèm theo tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lấy ý kiến các Bộ, ngành về những vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành liên quan mà chưa được quy định cụ thể.
Các Bộ, ngành được lấy ý kiến về dự án, kể cả trường hợp điều chỉnh, trả lời bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ dự án; quá thời hạn đó mà Bộ, ngành không có ý kiến bằng văn bản thì coi như chấp thuận dự án.
Điều 5.
Giấy phép đầu tư được soạn thảo theo mẫu thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày cấp Giấy phép đầu tư, Ban quản lý gửi Giấy phép đầu tư về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (bản chính) và Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan (bản sao).
Điều 6.
Đối với các dự án mà Ban quản lý không được uỷ quyền cấp Giấy phép đầu tư, sau khi tiếp nhận, Ban quản lý giữ lại 1 bộ hồ sơ (bản sao) và chuyển toàn bộ số hồ sơ dự án còn lại kèm theo ý kiến của Ban quản lý về dự án đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư theo quy định tại các Điều 93, 94 Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ.
Điều 7.
Ban quản lý hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án; thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất theo các quy định tại Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Ban quản lý thực hiện việc điều chỉnh Giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư mà Ban quản lý đã được uỷ quyền cấp Giấy phép đầu tư.
Trường hợp do điều chỉnh Giấy phép đầu tư mà dự án trở thành dự án nhóm A, thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản trước khi điều chỉnh.
Trường hợp do điều chỉnh Giấy phép đầu tư mà dự án vượt quá mức được uỷ quyền nhưng vẫn thuộc dự án nhóm B, thì phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bằng văn bản trước khi điều chỉnh.
Ban quản lý thu hồi các Giấy phép đầu tư mà Ban quản lý đã cấp trong các trường hợp phù hợp với các quy định của pháp luật.
Điều 8.
Hàng quý, 6 tháng và hàng năm, Ban quản lý tổng hợp việc cấp, điều chỉnh Giấy phép đầu tư, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc phạm vi quản lý và gửi báo cáo tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam.
Điều 9.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo mọi điều kiện thuận lợi và kiểm tra Ban quản lý thực hiện các việc được uỷ quyền theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chính phủ về việc uỷ quyền quy định tại Quyết định này.
Điều 10.
Quyết định này thay thế Quyết định số 76 UB/KCX ngày 23 tháng 5 năm 1995 của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1997