Văn bản pháp luật: Quyết định 446/TTg

Trần Đức Lương
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 446/TTg
Quyết định
05/07/1997
21/06/1997

Tóm tắt nội dung

Về việc phê duyệt Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 1996-2000

Phó Thủ tướng
1.997
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phê duyệt Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến

tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 1996-2000

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 2005 NN-KH/CV ngày 12 tháng 6 năm 1997) và đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Khoa học - Công nghệ và Môi trường, (Công văn số 2919/MTg ngày 23 tháng 12 năm 1996), Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 407-BKH/NN ngày 20 tháng 01 năm 1997), Tài chính (Công văn số 1313-TC/HCSN ngày 25 tháng 4 năm 1997) về Chương trình "Điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 1996-2000",

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 1996-2000, gồm các nội dung chính là:

1. Đánh giá tài nguyên rừng:

a. Xây dựng bản đồ tài nguyên rừng:

Bản đồ toàn quốc tỷ lệ: 1/1.000.000

Bản đồ vùng tỷ lệ 1/250.000

Bản đồ tỉnh trọng điểm lâm nghiệp (37 tỉnh) tỷ lệ 1/100.000

b. Điều tra trữ lượng và các đặc trưng khác của rừng:

Bổ sung hoàn thiện hệ thống ô điều tra, công việc này được tiến hành trên hệ thống ô sơ cấp với tổng số là 3624 ô, trong đó có 1682 ô của chu kỳ I, được điều tra lặp lại lần 2 và 1942 ô bổ sung mới.

Xây dựng hệ thống ô định vị quốc gia: từ 3624 ô sơ cấp trên phạm vi toàn quốc, chọn và lập khoảng 70-80 ô định vị quốc gia để theo dõi, nghiên cứu những đặc trưng cơ bản của rừng.

c. Điều tra xây dựng các báo cáo chuyên đề:

Điều tra xây dựng báo cáo lâm học cho các kiểu rừng trên núi đá vôi, rừng tre nứa, rừng ngập mặn và điều tra đánh giá tái sinh phục hồi rừng trên đất trống, đồi núi trọc ở 4 vùng trọng điểm.

Điều tra xây dựng báo cáo đánh giá tài nguyên động vật rừng cho 8 vùng và tổng hợp báo cáo động vật rừng toàn quốc.

Điều tra xây dựng báo cáo côn trùng, tình hình nấm bệnh hại gỗ rừng tự nhiên và tiếp tục điều tra, đánh giá sâu, bệnh hại rừng trồng cây bản địa cho 5 vùng trọng điểm lâm nghiệp và báo cáo tổng hợp toàn quốc.

Điều tra xây dựng báo cáo tài nguyên một số đặc sản rừng chủ yếu như: nhựa thông, quế, hồi trong rừng tự nhiên và trong sản xuất gây trồng cho 5 vùng trọng điểm lâm nghiệp và tổng hợp báo cáo đặc ản rừng toàn quốc.

Điều tra xây dựng bản đồ phân cấp phòng hộ cho 34 tỉnh, 6 vùng và toàn quốc.

Điều tra xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá những tác động của hệ sinh thái rừng và những diễn biến của nó đến môi trường khí hậu thuỷ văn cho 2 vùng Tây Nguyên và Tây Bắc.

Xây dựng các bảng biểu phục vụ điều tra quy hoạch rừng: Chỉ tiêu tăng trưởng rừng tự nhiên, biểu tăng trưởng rừng trồng cho một số loài cây chủ yếu của 2 vùng Tây Nguyên và Tây Bắc.

d. Xử lý thông tin và xây dựng ngân hàng dữ liệu:

Thiết kế và xây dựng chương trình xử lý thông tin trên máy tính,

Nạp và tổ chức quản lý thông tin số liệu, bản đồ trên máy,

Xử lý số liệu của 3642 ô sơ cấp,

Tổng hợp xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng của 37 tỉnh có tỷ lệ 1/100.000, các vùng tỷ lệ 1/250.000 và toàn quốc tỷ lệ 1/1.000.000 và hệ thống các bản đồ chuyên đề theo kế hoạch hàng năm.

Xây dựng ngân hàng dữ liệu về tài nguyên rừng, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin phục vụ cho Chương trình và cho công tác quản lý tài nguyên rừng của ngành.

2. Phân tích đánh giá biến động tài nguyên rừng.

Điều tra theo dõi biến động tài nguyên rừng của 50 xã điển hình (2 lần trong 5 năm).

Điều tra, đánh giá diễn biến tài nguyên rừng của 4 vùng trọng điểm.

Tổng hợp báo cáo đánh giá diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc.

3. Hoàn thiện hệ thống điều tra rừng liên tục, nhằm đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, dựa trên hệ thống ô sơ cấp, ô định vị và các điểm theo dõi (xã).

4. Tổng hợp báo cáo kết quả chương trình.

Báo cáo hàng năm.

Báo cáo kết quả toàn Chương trình vào năm 2000.

Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản Chương trình có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo Viện Điều tra quy hoạch rừng là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, xác nhận kết quả thực hiện chương trình hàng năm trên cơ sở báo cáo nghiệm thu của Viện.

2. Tổ chức nghiệm thu kết quả của chương trình vào cuối chu kỳ (năm 2000), và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan và địa phương, chỉ đạo tổ chức thực hiện hệ thống ô định vị quốc gia.

4. Chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện chế độ quyết toán vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm và toàn chu kỳ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và thực hiện định mức lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Xây dựng Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 2001-2005 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 3. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự toán kinh phí hàng năm cho chương trình theo tiến độ và chế độ quy định, bảo đảm cho chương trình thực hiện đạt kết quả.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8467&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận