Văn bản pháp luật: Quyết định 167/2002/QĐ-UB

Nguyễn Quốc Triệu
Hà Nội
STP thành phố Hà Nội;
Quyết định 167/2002/QĐ-UB
Quyết định
20/12/2002
05/12/2002

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy định tạm thời về ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô

Phó Chủ tịch
2.002
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ

Về việc ban hành Quy định tạm thời về ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;

Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND mỗi cấp;

Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô số 29/2000/PL-UBTVQH10, ngày 28/12/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị Quyết số: 29/2002/NQ-HĐ, ngày 19 tháng 7 năm 2002 của HĐND Thành phố Hà Nộ kỹ họp thứ 7, khóa XII;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố và Giám đốc Sở Tư pháp,

 

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xaâ dựng và phát triển thủ đô.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành Thành phố, Chủ tịch UBND Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.

                                       

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

Về ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô.

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 167/2002/QĐ-UB ngày 05 tháng 12 năm 2002 của UBND Thành phố Hà Nội)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Quy định tạm thời chế độ ưu đãi, khuyến khích việc hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, đề án xây dựng – phát triển Thủ đô; Các chế độ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; trách nhiệm, nghĩa vụ của người được hưởng ưu đãi, khuyến khích.

Đối tượng áp dụng: là các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, cơ quan Trung ương, tỉnh ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang tham gia đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô.

Điều 2: Một số tiêu chuẩn xác định đối tượng được hưởng ưu đãi, khuyến khích:

Cá nhân hoặc tập thể đoạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế được Nhà nước công nhận;

Cá nhân hoặc tập thể đạt danh hiệu cấp Nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, văn hoá – văn nghệ, y tế, thể thao và các hoạt động nghề nghiệp khác.

Cá nhân hoặc tập thể có những công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ, những phát minh, sáng kiến có giá trị được UBND Thành phố hoặc các Bộ, Ngành Trung ương công nhận và giới chức đồng nghiệp thừa nhận;

Những cá nhân hoặc tập thể trên phải có đóng góp thiết thực, có hiệu quả rõ rệt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Điều 3: Nguyên tắc thực hiện ưu đãi, khuyến khích:

1. Việc ưu đãi khuyến khích được thực hiện bằng những lợi ích tinh thần, vật chất, điều kiện làm việc, nghiên cứu và lợi ích khác đối với những người đang tham gia đóng góp có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển.

2. Hình thức, mức độ ưu đãi, khuyến khích cụ thể căn cứ vào hiệu quả đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô do UBND Thành phố quyết định phù hợp với khả năng của Quỹ ưu đãi, khuyến khích.

Điều 4: Quỹ ưu đãi, khuyến khích:

1. Thành phố thành lập Quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia đóng góp xây dựng và phát triển Thủ đô.

2. Nguồn tài chính của Quỹ ưu đãi, khuyến khích được trích từ ngân sách thành phố và sự ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành Điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ.

 

CHƯƠNG II

TẠO ĐIỀU KIỆN HỢP TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, THAM GIA THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, ĐỀ TÀI, ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG – PHÁT TRIỂN

Điều 5: Tạo điều kiện tiếp cận thông tin chính trị, kinh tế, xã hội của Thành phố:

Định kỳ hàng năm và đột xuất, Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố chủ trì tổ chức hội nghị gặp mặt, trao đổi, toạ đàm với các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao, đưa ra các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, kêu gọi sự tham gia, góp ý kiến xây dựng. Các ý kiến đóng góp, tư vấn được tổng hợp, nghiên cứu thảo luận, tiếp thu, tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch, chiến lược xây dựng, phát triển Thủ đô. Nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao được mời tham gia một số hội nghị chuyên đề của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố để có điều kiện tham gia, hợp tác và cống hiến; được cung cấp một số tài liệu chuyên ngành trong phạm vi qui định cho phép.

Điều 6: Mời đảm nhận nghiên cứu, thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, đề án xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

UBND Thành phố tổ chức các hội nghị định kỳ và đột xuất thông báo các chương trình, dự án, đề tài, đề án phát triển kinh tế-xã hội cần triển khai thực hiện, mời cá nhân hoặc tập thể nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao đăng ký đảm nhận nghiên cứu thực hiện. Trình tự, thủ tục giao cho người đảm nhận nghiên cứu thực hiện do UBND Thành phố quyết định cụ thể theo từng chương trình, dự án, đề tài, đề án theo cơ chế “đấu thầu”, “xét thầu”.

Việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, đề án thực hiện theo quy định hiện hành của Pháp luật.

Điều 7: Mời hợp tác, tham gia nghiên cứu, làm chuyên gia:

Khuyến khích sự cộng tác, phối hợp của cá nhân, tập thể nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia nghiên cứu thực hiện các chương trình, dự án, đề án của Thành phố, trực tiếp giải quyết những công việc đòi hỏi chuyên môn cao; trong thời gian tham gia giúp Thành phố được hưởng chế độ phụ cấp cộng tác viên đặc biệt hoặc lương chuyên gia do UBND Thành phố quyết định cụ thể theo chương trình, dự án, đề tài, đề án.

CHƯƠNG III

MỘT SỐ HÌNH THỨC VÀ MỨC ĐỘ ƯU ĐÃI, KHUYẾN KHÍCH VÀ THỦ TỤC XÉT HƯỞNG ƯU ĐÃI, KHUYẾN KHÍCH

Điều 8: Những đối tượng được xác định ở Điều 2 trong bản Quy định này là công dân Việt Nam được hưởng một số hình thức, mức độ ưu đãi, khuyến khích như sau:

1. Tạo điều kiện ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn ở Thành phố theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị Thành phố chỉ định ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ;

2. Được sử dụng các phương tiện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu hiện có của Thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành phố vào việc nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ;

Việc sử dụng phương tiện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý, sử dụng của cơ quan, đơn vị;

Trường hợp phương tiện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu của Thành phố thiếu hoặc không có, được Thành phố đề nghị các cơ sở nghiên cứu của Trung ương và tính ngoài hỗ trợ cho phép sử dụng; kinh phí thuê sử dụng phương tiện nghiên cứu do UBND Thành phố quyết định cụ thể cho từng trường hợp;

3. Được tạo điều kiện bố trí nơi làn việc, phương tiện làm việc phù hợp với từng tổ chức, cơ quan, đơn vị;

4. Trường hợp có khó khăn về nhà ở: Căn cứ kết quả đóng góp với Thành phố sẽ được xét duyệt cho mua nhà ở theo giá đảm bảo kinh doanh, trả tiền một lần hoặc trả góp trong khả năng quỹ nhà của Thành phố. Trường hợp rất đặc biệt có thể được tặng nhà ở (giao Liên Sở Địa chính Nhà đất, Tài chính Vật giá hướng dẫn cụ thể).

5. Hàng tháng được cấp tiền mua tài liệu về những thông tin khoa học, công nghệ phục vụ làm đề tài, dự án, được hưởng tiền phục cấp đi thực tế và tiền phụ cấp ở những thời gian cao điểm làm đề tài, dự án;

6. Trường hợp mở lớp để đào tạo, bồi dưỡng, truyền thụ bí quyết công nghệ, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm nghề nghiệp cho các tài năng trẻ của Thủ đô thì được tạo điều kiện và hỗ trợ một phần kinh phí mở lớp; kinh phí hỗ trợ mở lớp được UBND Thành phố quyết định cụ thể cho từng trường hợp;

7. Trường hợp không phải là cán bộ, công chức thuộc thành phố Hà Nội nếu có nguyện vọng về công tác tại các tổ chức, cơ quan đơn vị của Thành phố thì được ưu tiên tiếp nhận về công tác ở Hà Nội;

8. Trường hợp còn trong độ tuổi lao động mà chưa phải là cán bộ, công chức và có nguyện vọng vào biên chế Nhà nước thì được ưu tiên tuyển dụng vào biên chế.

Điều 9: Đối với nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài:

Trong thời gian đang làm việc thực hiện các chương trình, dự án, đề tài của Thành phố được thuê nhà ở trong Quỹ nhà của Thành phố và được hưởng các khoản ưu đãi, khuyến khích quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 8, đồng thời phải thực hiện các quy định bảo vệ bí mật, an ninh quốc gia của Nhà nước và pháp luật nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Điều 10: Khen thưởng cá nhân, tập thể nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao:

1. Cá nhân hoặc tập thể có giải pháp, sáng kiến được đưa vào ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho Thủ đô được khen thưởng; trường hợp thật xuất sắc, thật đặc biệt có thể đề nghị HĐND Thành phố cho các trường học, nhà máy, đường phố…mang tên người đó.

2. Cá nhân hoặc tập thể đảm nhận thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, đề án mang lại kết quả kinh tế - xã hội được khen thưởng theo kết quả đóng góp làm lợi cho Thành phố.

3. Hình thức, mức độ khen thưởng tại khoản 1, 2 Điều 10 nêu trên do UBND Thành phố quyết định cụ thể cho từng trường hợp.

Điều 11: Trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân hoặc tập thể nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao được hưởng ưu đãi khuyến khích:

Cá nhân hoặc tập thể hưởng ưu đãi, khuyến khích có nghĩa vụ và trách nhiệm:

1. Sử dụng, bảo quản tài sản, phương tiện làm việc được  giao theo đúng công năng;

2. Tích cực nghiên cứu, sáng tạo, tìm ra sản phẩm mới, công trình nghiên cứu, ứng dụng có giá trị, hiệu quả cao;

3. Bảo vệ bí mật, thành quả nghiên cứu khi chưa được phép công bố;

4. Bồi thường các thiệt hại nếu sử dụng tài sản, phương tiện làm việc không đúng mục đích, nhiệm vụ được giao;

Trong trường hợp cá nhân hoặc tập thể được hưởng ưu đãi, khuyến khích bị khiếu nại hoặc tố cáo thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tuân theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trường hợp có hành vi gian dối, khai man hồ sơ để được hưởng ưu đãi, khuyến khích thì phải hoàn trả những ưu đãi được hưởng, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của Pháp luật.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12: Thành lập Hội đồng xét, chọn cá nhân hoặc tập thể nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi. người có trình độ cao được hưởng ưu đãi, khuyến khích:

UBND Thành phố thành lập Hội đồng xét, chọn cá nhân hoặc tập thể được hưởng ưu đãi, khuyến khích giúp UBND Thành phố tổ chức thực hiện Quy định này.

Bên cạnh Hội đồng xét, chọn của Thành phố, có Hội đồng tư vấn chuyên ngành do UBND Thành phố quyết định thành lập.

Điều 13: Trách nhiệm của các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện:

Các sở ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện có trách nhiệm thẩm định và lập hồ sơ những người được xem xét hưởng ưu đãi trình Hội đồng xét, chọn của Thành phố; chịu trách nhiệm về các hồ sơ được đề nghi xét, chọn; tổ chức thực hiện các hình thức ưu đãi, khuyến khích cho người được hưởng theo Quyết định của UBND Thành phố./.


Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20095&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận