Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định "Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Công nghiệp" tỉnh Lâm Đồng.
1- Xây dựng trình UBND tỉnh các văn bản pháp quy (quy định, chỉ thị ...) để thực hiện Luật, Pháp lệnh và các văn bản pháp luật thuộc ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở Công nghiệp được ban hành các văn bản theo thẩm quyền.
2- Xây dựng trình UBND tỉnh, quy hoạch, kế hoạch về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức chỉ đạo thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
3- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong ngành công nghiệp trên địa bàn thuộc tỉnh thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, quy trình, quy phạm kỹ thuật, an toàn công nghiệp theo quy định của Chính phủ, Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh.
4- Nghiên cứu tổng hợp các kiến nghị của cơ sở, đề xuất với Chính phủ, Bộ Công nghiệp bổ sung, sửa đổi các chính sách về kinh doanh của công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hoặc kiến nghị với UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền.
5- Giúp UBND tỉnh quản lý việc khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thành phố theo luật khoáng sản và theo quy định của Chính phủ, Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh.
6- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về điện năng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ, Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh.
7- Quản lý chất lượng sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh.
8- Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong các ngành sản xuất công nghiệp do Sở quản lý.
9- Sở Công nghiệp tham gia với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định việc thành lập doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, thẩm định hoặc tham gia thẩm định việc tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước trong ngành công nghiệp theo sự phân công của UBND tỉnh. Là cơ quan thẩm định hoặc tham gia thẩm định các dự án đầu tư, xây dựng mới; phát triển mở rộng sản xuất của tất cả doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, lưới điện, các dạng năng lượng mới, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
10- Được UBND tỉnh uỷ quyền giao nhiệm vụ kế hoạch hàng năm cho các doanh nghiệp Nhà nước (sau khi thống nhất với Sở KH&ĐT) về kế hoạch sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; theo sự phân cấp của UBND tỉnh, đôn đốc, kiểm tra theo dõi thực hiện và tổng hợp, phân tích kết quả sản xuất công nghiệp toàn ngành để báo cáo Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh theo định kỳ.
11- Được quyền yêu cầu tổ chức công nghiệp cấp huyện, thị, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (bao gồm công nghiệp Trung ương, các doanh nghiệp liên doanh) thuộc mọi thành phần kinh tế báo cáo số liệu định kỳ để tổng hợp và phân tích kết quả sản xuất công nghiệp.
12- Được đề nghị xử phạt đối với các doanh nghiệp, tổ chức công nghiệp cấp dưới về không chấp hành chế độ báo cáo định kỳ.
13- Cấp và thu hồi giấy phép thuộc một số ngành nghề theo uỷ nhiệm của UBND tỉnh và kiến nghị thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
14- Thực hiện công tác thanh tra Nhà nước và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
15- Chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ quan chuyên môn, làm công tác công nghiệp ở huyện, thị xã, thành phố Đà Lạt.
16- Thực hiện hợp tác quốc tế trong lãnh vực công nghiệp thuộc Sở do UBND tỉnh giao.
17- Lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành công nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt.
18- Quản lý về tổ chức và công chức, viên chức, tài sản kinh phí của Sở theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
19- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.