Uỷ ban nhân dânQUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Về việc ban hành đề án đổi mới tổ chức và cơ chế, chính sách quản lý ngành lâm nghiệp
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 12/8/1991;
Căn cứ Chỉ thị số 286/Ttg ngày 02/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ kết luận số 64/KL-TU ngày 12/9/1997 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đề án Đổi mới tổ chức và cơ chế, chính sách quản lý ngành lâm nghiệp;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Ban hành đề án đổi mới tổ chức và cơ chế, chính sách quản lý ngành lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng kèm theo Quyết định này.
Điều 2: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, giám đốc các Sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính vật giá; Cục trưởng Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; giám đốc các lâm trường, trưởng các Ban quản lý rừng; thủ trưởng các đơn vị, liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện đề án kể từ ngày ký ban hành./.
Đề án:
"ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
QUẢN LÝ NGÀNH LÂM NGHIỆP LÂM ĐỒNG"
(Kèm theo Quyết định số 1857/QĐ-UB ngày 06/12/1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Phần thứ nhất
TÀI NGUYÊN RỪNG VÀ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC
QUẢN LÝ NGÀNH LÂM NGHIỆP THỜI GIAN QUA
I. TÌNH HÌNH DIỄN BIẾN TÀI NGUYÊN RỪNG
Theo Quyết định 307/QĐ-UB ngày 12/5/1995 của Bộ Lâm nghiệp về việc phân công quản lý đất lâm nghiệp cho tỉnh Lâm Đồng (đã trừ phần điều chỉnh cho tỉnh Đăklăk).
Tổng diện tích đất có rừng và đất lâm nghiệp : 754.444 ha
Trong đó:
Diện tích đất có rừng: 546.615 ha
Độ che phủ: 56%
Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng: 207.829 ha
Trữ lượng gỗ: 49 triệu mét khối
Trữ lượng lồ ô tre nứa: 560 triệu cây
Theo thống kê hiện trạng đất lâm nghiệp khi thực hiện phân định đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp tháng 7/1997 thì tổng diện tích đất lâm nghiệp hiện còn (không tính diện tích đất đã bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp): 708.330 ha trong đó:
Diện tích đất có rừng: 599.557 ha
Độ che phủ: 59,78%
Diện tích đất chưa có rừng: 108.773 ha
Thời kỳ 1980-1990: rừng tự nhiên giảm khoảng 9.643 ha/năm; tăng rừng trồng bình quân 1.466,20 ha/năm.
Thời kỳ 1991-1996: rừng tự nhiên giảm khoảng 1.890 ha/năm. Trong đó:
Do phá rừng làm rẫy 63%
Khai hoang chuyển mục đích sử dụng 31%
Cháy rừng 6%
Tăng do trồng rừng là 1.270 ha/năm và 1,4 triệu cây phân tán/năm.
Giảm về diện tích, trữ lượng tài nguyên rừng có nhiều nguyên nhân, nhưng trực tiếp và cơ bản là do:
Nạn du canh, du cư, phá rừng làm rẫy, dân di cư đến Lâm Đồng quá nhiều, kể cả di dân theo kế hoạch Nhà nước và di dân tự phát, dẫn đến nhu cầu về đất sản xuất, lâm sản gia dụng tăng gây áp lực làm suy giảm diện tích, trữ lượng rừng.
Tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra khá nghiêm trọng. Qua năm năm thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng, đã phát hiện hàng chục nghìn vụ vi phạm, tịch thu gần 38.000 mét khối gỗ và nhiều loại lâm sản khác. Tuy nhiên, số vụ vi phạm phát hiện chỉ mới chiếm tỉ lệ nhỏ so với số vụ thực tế xảy ra.
II. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH LÂM NGHIỆP:
1. Một số quan điểm:
Mục tiêu quản lý bảo vệ rừng nói chung đã được xác định là giữ cho bằng được những diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh tốc độ trồng rừng mới, nuôi dưỡng tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng để đến năm 2000 đưa độ che phủ chung toàn tỉnh lên 70-75%. Thực hiện khai thác tiềm năng của rừng một cách hợp lý để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, từ năm 1992 trở về trước, do điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn nên quan điểm trên chưa được thực hiện triệt để. Việc khai thác rừng với mục đích để thu ngân sách, giải quyết nhu cầu gỗ xây dựng và xuất khẩu được coi trọng nhiều hơn là chức năng đặc dụng, phòng hộ của rừng.
Trong khâu công nghiệp, chưa quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ để tăng tỉ lệ sản phẩm gỗ chế biến tinh chế mà hầu hết sử dụng máy móc, trang bị lạc hậu và bán gỗ tròn, gỗ xẻ sơ chế. Lực lượng khai thác, vận chuyển lâm sản phát triển tương đối mạnh.
Về quản lý kỹ thuật, thiết kế khai thác rừng bước đầu có làm nhưng chất lượng thấp, chủ yếu phục vụ cho việc lập kế hoạch khai thác lâm sản hàng năm.
Từ năm 1992, một số quan điểm, nhận thức về vai trò vị trí của rừng Lâm Đồng có thay đổi; Chức năng phòng hộ của rừng bảo vệ môi trường cảnh quan, giữ nước, chống xói mòn đã được coi trọng, chức năng lưu giữ bảo vệ các nguồn gien động thực vật quý hiếm được đề cao. Chức năng cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên đặt xuống vị trí thấp hơn so với hai chức năng trên. Do vậy, các biện pháp tổ chức quản lý rừng cũng thay đổi nhiều.
2. Chức năng bộ máy quản lý và sản xuất kinh doanh lâm nghiệp:
Trong thời kỳ 1989-1991, để thực hiện mục tiêu khai thác rừng nên đã hình thành 22 lâm trường, phần lớn do các huyện quản lý. Ngoài ra, một số huyện còn có trạm kinh doanh lâm sản, xưởng chế biến gỗ, đội khai thác gỗ, đội vườn ươm, đội trồng rừng... Chức năng quản lý Nhà nước được tách ra khỏi chức năng quản lý sản xuất kinh doanh.
Đầu năm 1990, thực hiện sắp xếp một bước lại tổ chức ngành lâm nghiệp, đã thành lập ba liên hiệp Lâm Công Nghiệp với 19 lâm trường trực thuộc và các xí nghiệp Điều tra thiết kế qui hoạch, xí nghiệp Liên hợp khai thác chế biến lâm sản. Ngoài ra còn có một số đơn vị trực thuộc huyện uỷ (như xí nghiệp Lâm công nghiệp Tân Hà, Xí nghiệp chế biến gỗ Đức Trọng, Xí nghiệp khai thác chế biến gỗ Lạc Dương) và Công ty khai thác chế biến Lâm sản 7/5 (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh).
Thời kỳ này, sản lượng khai thác rừng khá lớn, mỗi năm hơn 100.000 mét khối gỗ đỉnh cao là năm 1991, khai thác hơn 204.000 mét khối gỗ.
Nhìn chung, số lâm trường, xí nghiệp, công ty nhiều, mỗi lâm trường thường quản lý bao chiếm một diện tích khá lớn, trên dưới 35.000 ha; thậm chí có lâm trường quản lý đến 12.000 ha (lâm trường Lạc Dương). Về hình thức, lâm trường là một đơn vị hạch toán độc lập nhưng mọi hoạt động lại phụ thuộc vào Liên hiệp lâm công nghiệp, phải nộp kinh phí cho Liên hiệp hoạt động theo tỷ lệ doanh số và thường bị động về vốn sản xuất. Trong trồng rừng, bảo vệ rừng, lâm trường được sử dụng 60% tiền nuôi rừng để đầu tư nhưng lại phụ thuộc vào việc khai thác, tiêu thụ lâm sản nên nhiều khi không đáp ứng kịp thời vụ sản xuất.
Từ năm 1992, do diện tích sản xuất giảm đi nên số lượng lâm trường cũng giảm còn 13 lâm trường, có nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, làm công tác lâm sinh, tổ chức bán cây đứng và kinh doanh lâm sản phụ.
Quy mô quản lý của mỗi lâm trường chỉ còn khoảng 30.000 ha, bố trí gọn trong ranh giới hành chính của một huyện. Trong lâm trường có xen một số ít diện tích rừng phòng hộ thì những diện tích này cũng không được khai thác lâm sản và được quản lý theo quy chế rừng phòng hộ, thực hiện các dự án 327. Lâm trường hoạt động theo hướng lâm nghiệp xã hội, thực hiện khoán đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân địa phương và chuyển một bộ phận cán bộ, công nhân viên sang thành cư dân làm công tác lâm sinh. Số diện tích rừng và đất dôi ra giao trách nhiệm cho huyện quản lý để giao cho các hộ dân.
Đã thành lập 3 Ban quản lý rừng đặc dụng (Bidoup-Núi Bà, Lâm Viên Đà Lạt và Cát Lộc) để quản lý 124.723 ha. Rừng phòng hộ có 4 ban (Đa Nhim, Tà Năng, Bắc Lâm Hà, Cát Tiên ) quản lý 109.385 ha và 7 ban của Công an-Quân đội quản lý 48.226ha. Một số diện tích rừng ở các khu trọng điểm thường xảy ra phá rừng, vùng giáp ranh với các tỉnh bạn cũng được giao cho quân đội quản lý và đã thành lập ban quản lý rừng như ở Đạ Huoai, Ya Hoa (Đơn Dương), Tà Năng (Đức Trọng).
Ngoài ra, giao cho 3 đơn vị Trung ương quản lý 7.532 ha đó là Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Đà Lạt, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh, Tổng công ty dâu tằm tơ.
3. Tổ chức qui hoạch rừng:
Diện tích rừng và đất rừng đã được giải thửa phân chia thành các tiểu khu trên toàn tỉnh. Mỗi tiểu khu có diện tích khoảng 1.000ha. Đã quy hoạch xác định rõ chức năng của 3 loại rừng là rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất và thực hiện quản lý theo qui chế từng loại rừng.
Theo Quyết định số 26/LN-QĐ ngày 6/1/1998 của Bộ Lâm nghiệp thì rừng của Lâm Đồng được phân ra như sau:
Tổng diện tích đất lâm nghiệp : 671.000 ha (100%) Trong đó:
Rừng đặc dụng : 86.000 ha chiếm tỷ lệ 12,8%
Rừng phòng hộ : 126.000 ha chiếm tỷ lệ 18,77%
Rừng sản xuất : 459.000 ha chiếm tỷ lệ 68,40%
Theo Quyết định số 307/LN-QĐ ngày 12/5/1995 của Bộ Lâm nghiệp và Quyết định số 761 ngày 22/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ thì rừng của Lâm Đồng được phân ra như sau:
Tổng diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch lại 754.44 ha (100%) Trong đó:
Rừng đặc dụng : 139.088 ha chiếm 18,43%
Rừng phòng hộ : 283.214 ha chiếm 37,54%
Rừng sản xuất : 332.142 ha chiếm 44,02%
So với trước thì diện tích rừng đặc dụng tăng thêm 53.088 ha, rừng phòng hộ tăng thêm 157.214 ha và rừng sản xuất giảm đi 126.858 ha
4. Tổ chức khai thác và chế biến lâm sản:
Từ năm 1992 đến nay, sản lượng khai thác hàng năm giảm đáng kể, chỉ còn hơn 50.000 mét khối gỗ/năm.
Khâu khai thác lâm sản đã được quản lý chặt chẽ, hạn chế tình trạng xâm phạm tài nguyên và quản lý theo đúng quy chế các loại rừng. Chỉ cho thiết kế khai thác ở đối tượng rừng sản xuất giàu trữ lượng theo quy định. Đối tượng rừng thiết kế khai thác được cơ quan chức năng thẩm định trước khi xét duyệt mở cửa rừng khai thác. Nội dung thiết kế cũng nâng cao độ chính xác với sai số cho phép để đảm bảo điều kiện tổ chức đấu thầu, đấu giá bán cây đứng.
Các doanh nghiệp có chức năng khai thác chế biến lâm sản phải mua gỗ nguyên liệu qua phương thức đấu thầu, đấu giá (trừ một số trường hợp được xét giao thầu).
Khâu chế biến lâm sản được chú ý đầu tư kỹ thuật, tạo các sản phẩm tinh chế từ gỗ và chế biến từ tre, nứa. Có 33 doanh nghiệp, trong đó có 7 đơn vị quốc doanh, 26 đơn vị thuộc thành phần kinh tế khác được phép chế biến lâm sản. Đồng thời còn có 155 cơ sở chế biến lâm sản dưới hình thức hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thống kê được. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở khác với qui mô nhỏ làm hàng mộc dân dụng, đũa, tăm nhang được thành lập và hoạt động theo Nghị định 66/HĐBT do cấp huyện cấp giấy phép.
Năng lực chế biến của 33 doanh nghiệp có tổng công suất là 104.400 mét khối gỗ tròn/năm, trong đó:
Dây chuyền chế biến tinh chế: 16.000 mét khối gỗ/năm
Dây chuyền sản phẩm ván lạng: 17.500 mét khối gỗ/năm
Còn lại là gỗ xẻ, cốp pha, đà, phôi.
Dây chuyền sản xuất giấy, đũa từ lồ ô tre nứa là 26.000 tấn/năm
Nhìn chung tổ chức các cơ sở chế biến chưa hợp lý, năng lực sử dụng gỗ tới 104.400 mét khối/năm nhưng sản lượng được phép khai thác chỉ có khoảng 50.000 mét khối/năm, trong đó có cả những đơn vị được mua gỗ tròn ra khỏi tỉnh. Các cơ sở chế biến được thành lập theo Nghị định 66/HĐBT và cả những cơ sở tự phát chưa được quản lý chặt chẽ, còn nhiều sơ hở. Mặt khác nguồn nguyên liệu lồ ô tre nứa tỉnh khá dồi dào, có khả năng khai thác khoảng 75.600 tấn/năm nhưng công suất các cơ sở chế biến mới chỉ có 26.000 tấn/năm là quá thấp.
Đến tháng 7/1997, mạng lưới chế biến lâm sản được qui hoạch sắp xếp lại theo hướng giảm các đơn vị chế biến gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, tăng các đơn vị chế biến lâm sản khác, lồ ô tre nứa và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy phép cho 24 doanh nghiệp. Đối với các cơ sở chế biến lâm sản của hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân cũng được sắp xếp lại, bước đầu chỉ cho phép hoạt động 51 cơ sở, gồm 12 cơ sở chế biến song mây, tre nứa, 39 cơ sở sản xuất hàng mộc gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ.
5. Hệ thống quản lý Nhà nước về lâm nghiệp:
a. Ở cấp tỉnh:
Thực hiện Nghị định 39/CP ngày 18/5/1994 của Chính phủ về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm đã tách khỏi Sở Nông Lâm Thuỷ và trực thuộc UBND tỉnh, là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời là cơ quan thừa hành luật pháp về quản lý rừng và bảo vệ rừng.
Thực hiện Quyết định 852/TTg ngày 28/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập một số tổ chức ở địa phương, Sở Nông Lâm Thuỷ đổi thành Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, là cơ quan tham mưu, nghiệp vụ của UBND tỉnh về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, là cơ quan quản lý chuyên ngành chịu sự chỉ đạo của Bộ Lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển rừng và nghề rừng tại địa phương. Ở Sở NN&PTNT có phòng lâm nghiệp là cơ quan tham mưu, giúp việc cho giám đốc sở thực hiện chức năng nhiệm vụ nêu trên.
b. Ở cấp huyện:
Hiện nay đang duy trì tổ chức phòng kinh tế trong đó có bộ phận theo dõi công tác lâm nghiệp. Nhìn chung, bộ phận này còn thiếu và yếu, chưa đủ sức tham mưu cho UBND cấp huyện quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.
Hạt kiểm lâm cấp huyện ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, còn có chức năng giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nhìn chung lực lượng mỏng, trang bị còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ được giao.
C. Ở cấp xã:
Chưa có tổ chức hoạt động quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, một số xã có cử cán bộ kiêm nhiệm nhưng không có qui chế làm việc rõ ràng, không có quỹ lương nên kết quả rất hạn chế.
Có thể nói công tác quản lý bảo vệ rừng diễn ra phức tạp, nóng bỏng ở cấp xã, nhưng về tổ chức, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có cơ chế chính sách thoả đáng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác này.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
1. Một số kết quả đạt được
Trong thời gian qua, nhất là giai đoạn 1991-1996, tỉnh đã bổ sung nhiều cơ chế chính sách tương đối phù hợp và đã tạo được chuyển biến tiến bộ trong công tác tổ chức quản lý bảo vệ rừng hiện có, các lâm trường đã từng bước tổ chức lại theo hướng lâm nghiệp xã hội và khép kín theo địa bàn từng huyện, hình thành các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để thực hiện quản lý theo qui chế, mục đích sử dụng từng loại rừng; phân định tương đối cụ thể chức năng quản lý, bảo vệ, phát triển rừng với chức năng sản xuất kinh doanh nghề rừng, từng bước sắp xếp thu hẹp dần các đơn vị sản xuất kinh doanh nghề rừng, tổ chức đấu thầu, đấu giá trong khai thác gỗ, bán cây đứng nhằm tăng thu cho ngân sách, tập trung đầu tư nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Từ đó, đã hạn chế được nạn phá rừng, bảo vệ, phát triển vốn rừng hiện có. Cụ thể:
Đã đầu tư trồng rừng từ 1991 - 1996 được 12.673 ha, các thành phần kinh tế khác trồng 1.100 ha, trồng cây phân tán hơn 7 triệu cây, tu bổ làm giàu rừng hơn 2.000ha.
Đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên 180.480 ha cho 6.500 hộ trong đó khoảng 5.850 ha giao cho đồng bào dân tộc
Giải quyết việc làm chỉ tính từ năm 1992 đến nay bình quân mỗi năm thu hút vào công việc trồng và chăm sóc rừng khoảng 2.000 lao động của các dự án, các nguồn vốn đầu tư mà phần lớn giao khoán cho nhân dân địa phương thực hiện (trong đó có dự án 22 xã điểm vùng dân tộc sâu xa), đồng bào có thu nhập từ nghề rừng nên đã hạn chế rất nhiều việc phá rừng làm nương rẫy.
Chú trọng quản lý khai thác, chế biến lâm sản, công tác tổ chức thiết kế, xét duyệt mở rừng khai thác đảm bảo đúng qui định. Thực hiện qui chế đấu thầu đấu giá xác định đúng giá trị của lâm sản tăng thu ngân sách hàng tỉ đồng để đầu tư lại cho lâm sinh. Thông qua thực hiện qui chế, việc giám sát thi công, tổ chức nghiệm thu, vận chuyển lâm sản đảm bảo đúng qui định, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên rừng.
Mạng lưới chế biến được qui hoạch sắp xếp lại một bước theo định hướng của tỉnh, hạn chế việc bố trí các cơ sở chế biến lâm sản tự phát, tràn lan.
Diện tích rừng, đất rừng ở Lâm Đồng đã được giao cho các tổ chức, các thành phần kinh tế quản lý và xác định chế độ trách nhiệm của từng chủ rừng. Trong đó, đã giao cho các tổ chức của Nhà nước trong và ngoài ngành lâm nghiệp 677.106 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, các thành phần kinh tế khác 6.989 ha để quản lý bảo vệ và sản xuất kinh doanh.
Tổ chức sản xuất ngành lâm nghiệp đã có chuyển biến rõ rệt. Các lâm trường quốc doanh với diện tích quá lớn, đã sắp xếp thu nhỏ lại vừa phải phù hợp với năng lực quản lý, địa giới hành chính và chuyển sang hoạt động có tính chất lâm nghiệp xã hội. Nếu trước đây chỉ có một hình thức chủ rừng là các lâm trường, các ban quản lý rừng thì nay còn có nhiều thành phần kinh tế tham gia quản lý, bảo vệ trồng rừng và làm chủ phần rừng, đất rừng được giao, vì vậy tình hình phá rừng làm rẫy có giảm hơn trước.
2. Những tồn tại và hạn chế:
Tuy đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung, công tác tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng có nhiều hạn chế, bất cập, nạn phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức nghiêm trọng, diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh, mỗi năm có hàng chục ngàn mét khối gỗ và nhiều loại lâm sản khác bị khai thác trái phép, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở những vùng giáp ranh. Cụ thể:
Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về lâm nghiệp chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ ở các cấp chính quyền cơ sở, nhất là địa bàn xã còn bỏ trống.
Hệ thống tổ chức ngành chậm đổi mới, còn yếu và thiếu về biện pháp tổ chức thực hiện, chưa xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp lâu dài, bền vững; Chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao và vai trò vị trí của rừng Lâm Đồng.
Chưa có qui chế về quan hệ làm việc và phối hợp giữa chủ rừng và các cấp chính quyền cấp huyện, xã.
Quản lý Nhà nước phần lớn tập trung vào các đơn vị quốc doanh, các thành phần kinh tế khác chưa được chú ý đầy đủ để chấn chỉnh kịp thời những sai lệnh của họ.
Sự phối hợp với các ngành, các cấp (Định canh định cư, Di dân Kinh tế mới, Dân tộc miền núi...) có lúc có nơi chưa chặt chẽ trong việc qui hoạch sắp xếp diện tích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, xây dựng hồ đập thuỷ lợi...
Trách nhiệm quản lý rừng của một số chủ rừng còn yếu, nhiều trường hợp không phát hiện ra những vụ việc khai thác rừng trái phép, phá rừng làm rẫy ngay từ đầu để ngăn chặn kịp thời.
Chưa có cơ chế chính sách hợp lý giải quyết nhu cầu lâm sản gia dụng cho dân.
Tỉ lệ đầu tư phủ xanh diện tích đất trống đồi trọc quá thấp, chiếm khoảng 2% diện tích mỗi năm, đầu tư cho quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng mới đạt 32,66%.
Ngăn chặn việc phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép đã có nhiều biện pháp tích cực nhưng mới chỉ làm giảm tốc độ chứ chưa chấm dứt được hẳn.
Thực hiện qui hoạch mạng lưới chế biến lâm sản chậm đổi mới, quản lý chưa chặt chẽ, nhất là các doanh nghiệp được thành lập theo nghị định 66/HĐBT. Năng lực chế biến gỗ dư thừa, năng lực chế biến lồ ô tre nứa ít so với nguồn nguyên liệu có khả năng được phép khai thác ở rừng, chưa chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hợp lý trong chế biến lâm sản.
Công tác kiểm tra thực hiện qui trình khai thác dọn vệ sinh rừng chưa thường xuyên, chưa đảm bảo các yêu cầu được Nhà nước qui định
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân:
Về phía tỉnh, tuy có thực hiện đổi mới một bước về cơ chế chính sách và tổ chức lại các lâm trường nhưng vẫn chưa phát huy được sức mạnh làm chủ của nhân dân, chưa gắn chặt giữa quyền lợi và trách nhiệm của công dân và các thành phần kinh tế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, người dân chỉ là người làm thuê trong từng thời gian và từng việc cụ thể, từ đó người dân không có trách nhiệm, chưa tự giác tham gia các công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng.
Thực tế vừa qua, lâm trường chỉ làm nhiệm vụ "thủ kho" giữ rừng, không thể hiện rõ và đúng nghĩa là đơn vị sản xuất kinh doanh theo Nghị định số 388/HĐBT. Lâm trường không được tham gia đầy đủ vào hoạt động bán cây đứng. Trách nhiệm, quyền lợi của lâm trường và cán bộ công nhân viên làm nghề rừng không rõ từ đó có một số cán bộ, công nhân làm nghề rừng tìm cách khai thác trái phép, thông đồng với những người cưa xẻ gỗ bất hợp pháp để bán ra ngoài tăng thu nhập cá nhân.
Trong quản lý, chưa kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành và vùng lãnh thổ còn mang nặng tính hành chính quan liêu. Lâm trường, Ban quản lý rừng chưa gắn với huyện, xã, chưa phát huy được vai trò của chính quyền cấp huyện, xã trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từ đó buông lỏng công tác gìn giữ an ninh trật tự, có lúc có nơi còn dung túng nương nhẹ đối với những đối tượng phá hoại rừng.
Chủ trương giao, khoán đất lâm nghiệp để quản lý bảo vệ, trồng rừng là một chủ trương lớn, phù hợp với tình hình nhưng thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể về quyền lợi của người dân. Đơn giá khoán và định suất trồng một ha rừng chưa hợp lý nên chưa tạo ra động lực để thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển vốn rừng.
Cơ chế chính sách cho mô hình lâm trường hoạt động công ích, lâm trường sản xuất kinh doanh theo luật doanh nghiệp chưa được xác định rõ nên rất khó khăn trong tổ chức hoạt động. Chế độ trách nhiệm, quyền hạn, quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh và quyền lợi của lâm trường, các ban quản lý rừng, các chủ rừng không tương xứng.
Công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân bảo vệ rừng tuy có làm nhưng mang tính hình thức, thiếu thiết thực; nhân dân sống ở trong và ven rừng chưa được giáo dục cụ thể về chức năng, vị trí của rừng. Phần lớn người dân chỉ mới thấy được tác dụng cung cấp lâm sản và đất sản xuất nông nghiệp của rừng, chưa thấy được vai trò, chức năng quan trọng của rừng đối với việc phòng hộ, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan..., chưa thấy hết tác hại của việc khai thác lâm sản, phá rừng bừa bãi.
Việc xác định ranh giới ba loại rừng và mức độ cần bảo vệ nghiêm ngặt ở mỗi loại rừng ngoài thực địa còn yếu kém, phần lớn không có mốc giới, bảng biểu hướng dẫn nhắc nhỡ dẫn đến có nhiều trường hợp vi phạm, dân không xác định được mình vi phạm ở loại rừng nào, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm đối với tài nguyên rừng. Mặt khác, ranh giới lâm nghiệp với các loại đất khác, nhất là đối với đất nông nghiệp chưa được phân định rõ ràng, cả về qui hoạch lẫn trên thực địa nên tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn xảy ra và kéo dài trong nhiều năm.
Qui hoạch diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng để trồng rừng chưa hợp lý, thể hiện tính bao chiếm nhiều (207.048 ha) nên gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
2. Một số bài học kinh nghiệm được thu từ thực tế quản lý:
Nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp Uỷ đảng và chính quyền sở tại, đặc biệt ở cấp xã, tạo được sự phối kết hợp đồng bộ với các đơn vị quản lý rừng thì công tác quản lý, bảo vệ, phát triển nơi đó đạt hiệu quả cao. Bởi chỉ có chính quyền cấp cơ sở là người nắm rõ nhất đặc điểm tình hình, các đối tượng thường xuyên có tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng tại địa phương mình, từ đó việc quản lý, giáo dục, thuyết phục các đối tượng phá rừng mới có hiệu quả cao.
Giải quyết nạn phá rừng, gây mất rừng không thể chỉ sử dụng các biện pháp hành chính đơn thuần mà đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau, huy động được sức mạnh tổng hợp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động nhiều lực lượng tham gia. Để giải quyết tận gốc nạn phá rừng,bảo vệ và phát triển được rừng trong giai đoạn hiện nay phải có cơ chế chính sách hợp lý đồng bộ, phải thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp kinh tế-xã hội nhằm ổn định, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là nhân dân sống gần rừng, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Tính chất xã hội của việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng rất cao, chỉ có con đường chuyển từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội, lâm nghiệp cộng đồng, chú ý đúng mức đến lợi ích người làm nghề rừng nhằm tạo ra động lực huy động sức mạnh của nhân dân tham gia quản lý bảo vệ, trồng rừng một cách tự giác, tích cực, chủ động sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Thực tế cho thấy nơi nào rừng, đất lâm nghiệp được giao cho hộ gia đình, người quản lý sử dụng cụ thể thì đầu tư, quản lý bảo vệ, trồng rừng, kinh doanh sử dụng đất đạt hiệu quả hơn so với hình thức kiểu bao chiếm. Trong tình hình hiện nay, khả năng đầu tư của nhà nước có hạn thì việc huy động sức mạnh tổ hợp của nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG SẮP XẾP ĐỔI MỚI
TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH LÂM NGHIỆP Ở LÂM ĐỒNG
I. PHƯƠNG HƯỚNG VỀ QUẢN LÝ LÂM NGHIỆP ĐẾN NĂM 2000:
1. Quan điểm:
Để thực hiện nghiêm luật bảo vệ và phát triển rừng và chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức lại sản xuất kinh doanh nghề rừng trong thời gian tới phải trên quan điểm kiên quyết chuyển đổi theo hướng xã hội hoá nghề rừng với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành và vùng lãnh thổ, phát huy vai trò của chính quyền cấp huyện, xã và nhân dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên từng địa bàn lãnh thổ.
Trong quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng phải xác định chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, cảnh quan thiên nhiên và chức năng bảo tồn nguồn gien động vật, thực vật quý hiếm, bảo vệ lưu giữ các hệ sinh thái rừng là chức năng hàng đầu, có vị trí đặc biệt quan trọng. Chức năng cung cấp lâm sản của rừng là cần thiết nhưng ở mức độ hợp lý và có vị trí ít quan trọng hơn.
2. Phương hướng:
Bằng mọi biện pháp tổ chức quản lý bảo vệ cho được những diện tích rừng, chất lượng rừng hiện có, nuôi dưỡng phục hồi rừng tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng nghèo kiệt, chặn đứng tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, chủ động phòng trừ sâu bệnh hại và phòng chống cháy rừng có hiệu quả.
Đẩy mạnh tốc độ trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc với cơ cấu cây trồng hợp lý, có tác dụng phòng hộ và giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán, khuyến khích xây dựng trang trại vườn rừng, vườn hộ và kinh tế hợp tác xã làm nghề rừng trên cơ sở giao, khoán đất lâm nghiệp.
Tổ chức khai thác, chế biến lâm sản hợp lý, không lạm dụng vốn rừng. Từ năm 2000 trở đi khai thác ở rừng trồng là chủ yếu, trên cơ sở sử dụng công nghệ chế biến tiên tiến hiện đại.
Làm tốt công tác quy hoạch 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Xác định rõ ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa, tổ chức đóng mốc giới, biển báo rõ ràng để mọi người dễ nhận biết. Quy hoạch hợp lý diện tích đất trống để trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp bảo đảm độ che phủ chung của tỉnh trên 70% diện tích.
Xác định vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các chủ rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phải thực sự trở thành nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện và xã trên cơ sở quản lý toàn diện hoạt động nghề rừng ở địa phương.
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục vận động quần chúng thực hiện tốt pháp luật bảo vệ rừng. Làm tốt công tác định canh định cư, ổn định di dân tự do, cải thiện đời sống vật chất tinh thần, nâng cao dân trí đồng bào ở vùng có rừng, vùng sâu vùng xa.
II. TỔ CHỨC LẠI VIỆC QUẢN LÝ RỪNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG RỪNG, ĐẤT TRỒNG RỪNG:
1. Tổ chức lại rừng:
Kiểm kê lại bộ diện tích, trữ lượng rừng tự nhiên và rừng trồng, xem xét điều chỉnh lại diện tích quy hoạch 3 loại rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Kết quả kiểm kê cũng là cơ sở để tiến hành giao vốn tài nguyên rừng cho các chủ rừng.
Phân định rõ đất nông nghiệp, lâm nghiệp trên bản đồ và đóng mốc giới ngoài thực địa để tiến hành phân cấp quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đến địa bàn xã, phường.
Đánh số mã hoá lại số hiệu tiểu khu trên toàn tỉnh do có nhiều sự biến động, đồng thời điều chỉnh lại ranh giới, diện tích một số tiểu khu để phù hợp với ranh giới xã, phường, thị trấn, xoá tên một số tiểu khu rừng đã chuyển thành đất khác.
Việc quy hoạch lại diện tích 3 loại rừng phải có cơ sở khoa học, bảo đảm ổn định lâu dài, nhất là đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đối với rừng sản xuất, quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu giấy, nhựa thông, dược liệu, gỗ chế biến gia dụng...Trên cơ sở quy hoạch động viên mọi thành phần kinh tế tham gia công việc quản lý bảo vệ đầu tư trồng rừng, phát triển rừng theo nghị định 01, 02 của Chính phủ.
2. Định hướng quản lý Nhà nước trong việc sử dụng rừng, đất rừng:
a) Sử dụng rừng:
Tiếp tục đóng cửa rừng không thiết kế khai thác ở rừng đặc dụng rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu và xung yếu khoảng 331.000 ha. Đối với rừng sản xuất chỉ thiết kế khai thác ở những tiểu khu, khoảnh là đối tượng rừng giàu trữ lượng theo quy định. Những lâm trường không có rừng thuộc đối tượng khai thác phải đóng cửa hoàn toàn. Trong lâm trường được phép khai thác gỗ chỉ tiến hành ở một số tiểu khu chứ không phải là tất cả. Với yêu cầu này từ năm 1998 đến 2010 dự kiến sẽ đóng và mở rừng như sau:
Từng bước đóng cửa rừng hoàn toàn không khai thác gỗ ở 6 lâm trường: Lạc Dương, Đơn Dương, Lán Tranh, Nam Ban, Tân Thượng, Bảo Lộc, với diện tích 119.828 ha.
Rừng được phép mở khai thác ở 7 lâm trường còn lại (gồm các lâm trường: Đức Trọng, Tam Hiệp, Di Linh, Bảo Thuận, Lộc Bắc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh) với diện tích hạn chế rải rác trên 40 tiểu khu có diện tích bình quân 965 ha/năm, với tổng số lượng giảm dần đến khoảng bình quân 22.000 mét khối/năm.
b) Định hướng về sử dụng đất trống để trồng rừng giai đoạn 1998 đến 2000 đến 2010:
Theo kết quả kiểm tra thực tế hiện nay toàn tỉnh có 599.557ha đất lâm nghiệp đang có rừng, đạt tỉ lệ che phủ 59,78%; 108.773ha đất lâm nghiệp không có rừng và 59.877ha đất lâm nghiệp không có rừng đã bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp.
Để nâng độ che phủ chung của tỉnh lên khoảng 70% cần xác định cơ cấu như sau:
Độ che phủ của cây rừng 60-65%
Độ che phủ của cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày 5-10%
Để đạt được độ che phủ nêu trên, cần phải trồng thêm 61.000ha rừng tập trung và 10.000ha nông lâm kết hợp. Từ đây đến năm 2000 phải trồng đạt 18.000ha rừng, bình quân mỗi năm trồng hơn 6.000ha rừng tập trung.
Theo kết quả phân định đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trên toàn tỉnh, đất lâm nghiệp được quy định lại như sau:
Tổng diện tích đất lâm nghiệp: 676.236ha, trong đó:
Đất hiện đang có rừng: 583.626 ha
Đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp: 92.608 ha, Trong đó có khả năng sử dụng trồng rừng khoảng 61.000 ha, sản xuất lâm nông kết hợp 10.000 ha, còn lại là đồi đá khe suối...Không có khả năng trồng rừng. Đến năm 2010 phải trồng rừng và sản xuất lâm nông kết hợp hết diện tích có khả năng sử dụng.
Kết quả phân định này là cơ sở để quy hoạch 3 loại rừng và lập kế hoạch sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp trên toàn tỉnh.
Trên cơ sở diện tích đất trống đã xác định để trồng rừng thuộc đối tượng rừng sản xuất, thực hiện giao đất cho nhân dân địa phương nhận trồng rừng bằng vốn tự có, vốn vay và vốn ngân sách Nhà nước. Trước hết phải ưu tiên cho các hộ nhân dân tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi để họ được vay vốn trồng rừng và họ được hưởng thành quả của rừng trồng. Đối với diện tích rừng trồng theo kế hoạch của Nhà nước hàng năm cũng thực hiện theo phương thức cho hộ nhân dân vay hoặc giao cho hộ nhân dân trồng rừng, quản lý bảo vệ sau khi trồng dưới sự giám sát của đơn vị quản lý rừng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tự bỏ vốn trồng rừng và được hưởng thành quả trồng rừng theo quy chế của nhà nước. Các đối tượng chỉ được sử dụng rừng trồng theo đúng quy định của pháp luật dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn.
Trong trường hợp nhà nước muốn thu hồi diện tích rừng trồng do các thành phần kinh tế khác bỏ vốn đầu tư thì sẽ mua lại rừng cây theo giá từng thời điểm. Đối với đất trồng rừng thuộc đối tượng đã quy hoạch cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, thực hiện đúng theo Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ.
III. TỔ CHỨC LẠI CÁC BAN QUẢN LÝ RỪNG:
1. Tổ chức quản lý đối với rừng đặc dụng:
Hiện tại có 3 ban quản lý rừng đặc dụng, quản lý tổng diện tích 124.723 ha gồm có ban quản lý rừng bảo tồn thiên nhiên Cát Lộc (30.026 ha), Ban Bodied-Núi Bà(72.573ha) và ban đặc dụng Lâm Viên (22.124 ha, trong đó có một phần diện tích khu rừng đặc dụng thuộc nội thị thành phố Đà Lạt đã giao cho công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt quản lý, diện tích 431 ha) và 7.011 ha hiện nằm ngoài các ban quản lý rừng đặc dụng.
Rừng đặc dụng cần được điều tra quy hoạch xác định rõ ranh giới diện tích của các phân khu chức năng (gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu bảo vệ vùng đệm và phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ, hành chính sản xuất vui chơi giải trí) để có cơ chế chính sách quản lý phù hợp với từng phân khu.
Các khu rừng đặc dụng được tổ chức quản lý lại như sau:
Khu rừng đặc dụng bảo tồn tê giác Cát Lộc hiện do ban quản lý rừng đặc dụng Cát Lộc thuộc chi cục kiểm lâm quản lý, sẽ chuyển giao cho bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý theo dự án xây dựng vườn quốc gia Cát Tiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 460/Ttg ngày 30/6/1997.
Khu rừng đặc dụng thuộc nội thị Thành phố Đà Lạt thực hiện quản lý theo quy chế cây xanh đô thị và do Công ty Công viên hoa và cây xanh (trực thuộc Thành phố Đà Lạt) quản lý.
Khu rừng đặc dụng Lâm viên hiện do Ban quản lý rừng đặc dụng Lâm Viên trực thuộc Chi cục Kiểm lâm quản lý, nay chuyển giao cho UBND Thành phố Đà Lạt quản lý toàn diện cả về diện tích, bộ máy, biên chế và kế hoạch hoạt động.
Khu rừng đặc dụng Biduop- Núi Bà do ban quản lý rừng đặc dụng Biduop- Núi Bà trực thuộc chi cục kiểm lâm quản lý, vẫn giữ nguyên cơ chế quản lý hiện nay.
Đối với các khu rừng đặc dụng Dran, Đèo Ngoạn Mục, Đại Bình hiện đang nằm trong các ban quản lý rừng, lâm trường hoặc chưa có đơn vị quản lý, đề nghị bộ nông nghiệp và PTNT chuyển thành rừng phòng hộ để giao cho chủ rừng có liên quan quản lý.
Các ban quản lý rừng đặc dụng chịu sự quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục kiểm lâm và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ban quản lý rừng đặc dụng hoạt động theo luận chứng kinh tế- kỹ thuật, dự án đầu tư được duyệt, quy chế quản lý rừng đặc dụng, luật bảo vệ phát triển rừng và các quy định khác của nhà nước có liên quan.
Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và chủ tịch UBND cấp huyện sở tại theo phân cấp về tình hình tổ chức hoạt động, quản lý bảo vệ khu rừng được giao.
Ban quản lý rừng đặc dụng là một tổ chức sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp hàng năm.
2. Tổ chức quản lý đối với rừng phòng hộ:
Hiện tại đã quy hoạch 275.841 ha rừng và đất rừng phòng hộ, nhưng về tổ chức mới có 4 ban quản lý rừng phòng hộ (Đa Nhim 43.706 ha, Tà Năng 17.596 ha, Bắc Lâm Hà 38.695 ha, Cát Tiên 6.227 ha) và 7 ban quản lý rừng phòng hộ của công an, quân đội (48.226 ha) quản lý 157.611 ha chiếm tỷ lệ 57,13% tổng diện tích. Để quản lý hết số diện tích còn lại cần phải thành lập thêm một số ban quản lý trên cơ sở chuyển một số lâm trường có diện tích rừng phòng trên 80% thành ban quản lý rừng phòng hộ. Ngoài ra có 51.805 ha rừng phòng hộ cục bộ nằm rải rác do các lâm trường quản lý.
Rừng phòng hộ phải đo đạc xác định cụ thể 3 mức độ: Phòng hộ rất xung yếu, phòng hộ xung yếu và ít xung yếu trên bản đồ và thực địa để có cơ chế quản lý và chính sách phù hợp hơn cho mỗi mức độ.
Các khu rừng phòng hộ được tổ chức quản lý lại như sau:
1. Các khu rừng phòng hộ do công an, quân đội quản lý, giữ nguyên cơ chế quản lý như hiện nay vì phần lớn ít có dân ở xen lẫn, xa khu dân cư và thuộc vùng giáp ranh, trọng điểm phá rừng.
2. Khu rừng phòng hộ Cát Tiên hiện do ban quản lý rừng trực thuộc UBND huyện quản lý, giữ nguyên cơ chế quản lý như hiện nay.
3. Khu rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, hiện do ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, giữ nguyên cơ chế quản lý như hiện nay vì diện tích quản lý của ban này nằm trên địa bàn nhiều huyện.
4. Các khu rừng phòng hộ Phi Liên, Tà Năng hiện do các ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Lâm Hà, Tà Năng trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, nay chuyển cho UBND huyện Lâm Hà (đối với ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Lâm Hà) và UBND huyện Đức Trọng (đối với ban quản lý rừng phòng hộ Tà Năng) quản lý toàn diện về diện tích, biên chế, bộ máy và kế hoạch hoạt động.
5. Khu rừng phòng hộ Serepok hiện do lâm trường Lạc Dương quản lý, nay chuyển mô hình hoạt động thành ban quản lý rừng phòng hộ Serepok và giao cho UBND huyện Lạc Dương quản lý toàn diện về diện tích, biên chế, bộ máy và kế hoạch hoạt động.
6. Lâm trường Nam Ban có diện tích rừng phòng hộ chiếm 87,4% diện tích quản lý, nay chuyển giao cho UBND huyện Nam Hà quản lý toàn diện về diện tích, biên chế, bộ máy và chuyển lâm trường này thành ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc huyện.
7. Diện tích rừng phòng hộ cục bộ 51.805 ha nằm rải rác ở các lâm trường còn lại, giao cho các chủ rừng có liên quan quản lý theo quy chế rừng phòng hộ.
Các ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc UBND cấp huyện, hoặc của công an, quân đội đều phải chịu sự quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp. Trong hoạt động, ban quản lý rừng phòng hộ có thể được phép tận thu những cây già cỗi, lâm sản phụ ở rừng phòng hộ ít xung yếu và xung yếu theo quy chế rừng phòng hộ. Các khoản thu qua tận thu lâm sản sau khi trừ các chi phí hợp lệ và nộp thuế theo quy định, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước.
Thực tế cho thấy ban quản lý rừng phòng hộ được tổ chức thành lập trong các lực lượng công an theo Thông tư số 09/TT-LB ngày 21/9/1995 của Liên Bộ Lâm nghiệp và nội vụ, trong lực lượng quân đội theo Chỉ thị số 201/Ttg ngày 8/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc trực thuộc huyện như đang làm thí điểm ở huyện Cát Tiên, nhìn chung hoạt động của các ban này rất tích cực đã đạt được những hiệu quả nhất định, nay tiếp tục phát huy.
Ban quản lý rừng trực thuộc cấp huyện bước đầu cho thấy mối quan hệ làm việc và chế độ trách nhiệm được gắn chặt chẽ với chính quyền huyện, xã, giải quyết kịp thời những phát sinh và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kế hoạch thiết thực thu hút, tạo việc làm đến cho những hộ dân, phát huy được trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương.
3. Chuyển một số lâm trường thành Ban quản lý rừng:
Những lâm trường có diện tích rừng phòng hộ là chủ yếu và những lâm trường từ năm 1998-2010 phải đóng cửa rừng tự nhiên hoàn toàn thì sẽ chuyển thành Ban quản lý rừng. Nhiệm vụ chính của các Ban này là quản lý bảo vệ xây dựng phát triển vốn rừng. Cụ thể:
a. Chuyển lâm trường thành Ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc cấp huyện:
1. Lâm trường Lạc Dương có 100% diện tích là rừng phòng hộ đầu nguồn Serepok.
2. Lâm trường Nam Ban có 87,4% diện tích là rừng phòng hộ, còn 12,6 % diện tích rừng sản xuất nghèo kiệt phải khoanh nuôi bảo vệ làm giàu.
b. Chuyển các lâm trường trong thời gian phải đóng cửa rừng không khai thác gỗ thành Ban quản lý trực thuộc cấp huyện:
1. Lâm trường Đơn Dương (có 27% diện tích rừng phòng hộ và 10,29% diện tích rừng đặc dụng).
2. Lâm trường Lán Tranh (có 39% diện tích rừng phòng hộ)
3. Lâm trường Tân Thượng (có 10,85% diện tích rừng phòng hộ)
4. Lâm trường Bảo Lộc (có 14,60% diện tích rừng phòng hộ)
IV. TỔ CHỨC LẠI CÁC LÂM TRƯỜNG ĐỂ QUẢN LÝ SỬ DỤNG RỪNG SẢN XUẤT:
Ngoài những lâm trường chuyển thành Ban quản lý rừng, những lâm trường còn lại được tổ chức sắp xếp như sau:
1. Mô hình tổ chức lâm trường quốc doanh hoạt động sản xuất kinh doanh ở đối tượng rừng sản xuất gỗ, tre, nứa, lồ ô:
a. Điều kiện để tổ chức lâm trường sản xuất kinh doanh:
Lâm trường sản xuất kinh doanh là đơn vị kinh tế cơ sở để tổ chức sản xuất lâm nghiệp, có diện tích vừa đủ để bố trí một đơn vị điều chế kinh doanh khép kín với qui mô diện tích khoảng 5.000 ha gồm rừng và đất trống chưa có rừng hoặc hoàn toàn là đất trống để trồng rừng.
Vốn Nhà nước giao cho lâm trường là vốn tài nguyên rừng (cây đứng), đất đai và một số nguồn lực khác như tài sản cố định, vốn lưu động... lâm trường quản lý sử dụng vốn trên theo những qui định của Luật bảo vệ phát triển rừng, qui trình qui phạm, các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật, Luật đất đai và Luật doanh nghiệp Nhà nước.
Lâm trường sản xuất kinh doanh phải được quyền chủ động theo Nghị định 388/HĐBT và Luật doanh nghiệp. Đối tượng rừng kinh doanh là:
Rừng trồng trên đất trống bằng vốn tự có của lâm trường, rừng trồng khi thanh toán trả đủ số vốn hoặc trên cơ sở bảo tồn vốn Nhà nước đã đầu tư.
Rừng gỗ tự nhiên, trên cơ sở quản lý bảo toàn vốn cây đứng, lâm trường chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh theo đúng qui trình qui phạm với cường độ khai thác 30 - 50% lượng tăng trưởng hàng năm. Theo nguyên tắc này vốn rừng vẫn được giữ vững và còn tăng lên ở 50 - 70% lượng tăng trưởng hàng năm.
Rừng lồ ô tre nứa trên cơ sở tổ chức nuôi dưỡng, khai thác chế biến theo phương án điều chế, thiết kế kỹ thuật được duyệt và đăng ký sản phẩm kinh doanh.
Trong kinh doanh lâm trường phải nộp các khoản thuế theo qui định (thuế tài nguyên rừng, thuế doanh thu, lợi tức, môn bài...).
b. Chức năng nhiệm vụ của lâm trường sản xuất kinh doanh:
Lâm trường có chức năng sản xuất kinh doanh lâm sản, góp phần phòng hộ và bảo vệ môi trường, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, hạch toán kinh tế và giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế lâm nghiệp nhiều thành phần. Lâm trường có quyền liên doanh liên kết với các tổ chức cá nhân để trồng rừng kinh doanh, quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao, khi được sự đồng ý của UBND tỉnh.
Tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở bảo toàn và phát triển vốn tài nguyên rừng được Nhà nước giao. Sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên rừng, đất trồng rừng theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt để kinh doanh tổng hợp lâm, nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, thuỷ sản, làm dịch vụ...
Phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống của những hộ dân làm nghề rừng trên địa bàn, bảo đảm kinh doanh có lãi.
Nắm chắc diện tích, trữ lượng rừng và đất lâm nghiệp. Thực hiện việc đăng ký vốn rừng và báo cáo diễn biến vốn rừng hàng năm tại cơ quan quản lý cấp trên (UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT) Thông qua Sở NN&PTNT, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra, tổng hợp.
Xây dựng biện pháp kỹ thuật sản xuất kinh doanh cụ thể cho từng lô rừng, đất trống để trồng rừng sản xuất lâm nông kết hợp trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.
Việc giao vốn tài nguyên rừng cho lâm trường được tính giá trị để quản lý kiểm tra, lâm trường có trách nhiệm bảo toàn và kinh doanh ở lượng tăng trưởng hàng năm.
Đối với đất trống đồi trọc, lâm trường tổ chức kinh doanh bằng trồng rừng nguyên liệu, sản xuất nông lâm kết hợp. Vốn cho trồng rừng chủ yếu là vốn tự có của lâm trường, vốn vay theo Quyết định 264/HĐBT, vốn liên doanh liên kết, Nhà nước không đầu tư... khai thác diện tích bao nhiêu thì ít nhất phải trồng rừng diện tích bấy nhiêu trong cùng một năm ở đất trống của lâm trường.
c. Về tổ chức quản lý kinh doanh của lâm trường sản xuất kinh doanh
Giám đốc lâm trường là người chịu trách nhiệm cao nhất về tình hình sản xuất kinh doanh, về công tác quản lý bảo vệ rừng, xây dựng phát triển vốn rừng ở lâm trường. Có một phó giám đốc trình độ chuyên môn là kỹ sư lâm sinh giúp việc, được thành lập một số phòng chức năng làm tham mưu giúp việc.
Ở
các tiểu khu rừng phải bố trí tiểu khu trưởng có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, hoặc cán bộ quản lý bảo vệ rừng có kinh nghiệm lâu năm và một số cán bộ công nhân viên giúp việc tuỳ theo đặc điểm phức tạp cần bảo vệ ở từng tiểu khu rừng.Kinh phí hoạt động của lâm trường, từ tiền lương, các khoản chi phí được phân bổ vào giá thành sản phẩm trên cơ sở hiệu quả sản xuất kinh doanh của lâm trường, Nhà nước không bao cấp.
Việc đưa rừng sản xuất vào kinh doanh cần phải đảm bảo:
Luận chứng kinh tế kỹ thuật
Phương án điều chế rừng
Hồ sơ thiết kế sản xuất (khai thác lâm sản và công trình lâm sinh)
2. Mô hình tổ chức lâm trường sản xuất kinh doanh nhựa thông:
Để đáp ứng yêu cầu cung cấp nguyên liệu nhựa thông từ 1500 đến 2000 tấn trên một năm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, cần qui hoạch vùng trồng thông nhựa cao sản và đầu tư thâm canh như trồng rừng cao su. Trong vùng qui hoạch vừa khai thác nhựa ở rừng thông tự nhiên hiện có đồng thời cải tạo thay thế dần bằng diện tích trồng rừng thông nhựa cao sản. Như vậy việc tổ chức sản xuất nhựa, chế biến sản phẩm từ nhựa thông là hợp lý và cần thiết, từng bước thành lập một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhựa thông khép kín từ qui hoạch tạo vùng nguyên liệu đến tổ chức chế biến với công nghệ tiên tiến sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đối với tổng trữ lượng cây gỗ và giá trị của nó là vốn của Nhà nước cho lâm trường quản lý, lâm trường chỉ được tổ chức kinh doanh nhựa và sản lượng tăng trưởng gỗ theo mô hình (1) nêu trên.
3. Mô hình tổ chức lâm trường hoạt động công ích ở đối tượng rừng sản xuất:
a. Những nội dung hoạt động công ích của lâm trường:
Theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến tài nguyên rừng và đất rừng trên phạm vi diện tích mình quản lý
Tổ chức quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng, chất lượng, trữ lượng rừng hiện có. Bảo vệ quỹ đất trống đồi trọc qui hoạch cho phát triển lâm nghiệp, không để bị lấn chiếm làm thay đổi mục đích sử dụng. Tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại và phòng cháy chữa cháy rừng.
Thực hiện công tác phát triển lâm nghiệp xã hội ở địa phương thông qua chính sách giao khoán đất lâm nghiệp. Thực hiện khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có liên quan đến bảo vệ phát triển rừng.
Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các dự án 327/CT, dự án định canh định cư và các dự án khác (nếu có) ở lâm trường theo chính sách hiện hành.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhà nước giao hàng năm về quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh làm giàu rừng bằng vốn ngân sách của Nhà nước đầu tư.
Thực hiện bán cây đứng theo quy chế đấu thầu, đấu giá trong khai thác gỗ, bán cây đứng; kiểm tra giám sát việc thực hiện quy trình, quy chế trong khai thác gỗ, mở, đóng cửa rừng theo đúng quy định, bảo đảm khai thác đúng thiết kế được phê duyệt.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch Nhà nước giao về xây dựng cơ sở hạ tầng: Trụ sở làm việc, kho bãi, cầu đường trong nội bộ lâm trường (trừ đường vận xuất vận chuyển thi công khai thác) mua sắm máy móc thiết bị để phục vụ cho nhiệm vụ công ích của lâm trường.
Khi có kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài chính Nhà nước giao, lâm trường phải thu hút nhân dân địa phương tham gia vào làm nghề rừng, tổ chức sản xuất lâm nông kết hợp, trước hết ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số có một phần thu nhập cơ bản từ làm nghề rừng, chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy ở địa bàn mình quản lý.
Có thể kết hợp với các ngành Thông tin văn hoá, Y tế, Thương nghiệp, Lương thực để làm dịch vụ và phục vụ cho đồng bào vùng sâu vùng xa về tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định về quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Chăm sóc sức khoẻ góp phần cải thiện đời sống văn hoá tinh thần vật chất, nâng cao trình độ dân trí của nhân dân địa phương trên địa bàn quản lý.
b. Những nội dung hoạt động sản xuất kinh doanh của lâm trường công ích:
Lâm trường được hoàn toàn tự chủ sản xuất kinh doanh trên đất trồng đồi trọc được qui hoạch để phát triển lâm nghiệp, đầu tư trồng rừng kinh doanh nguyên liệu giấy, nhựa, hương liệu, dược liệu. Được tổ chức trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và khai thác diện tích ao hồ nuôi trồng thuỷ sản theo phương thức lâm nông kết hợp.
Những diện tích rừng trồng bằng vốn của Nhà nước trước đây hiện có ở lâm trường phải tổ chức kiểm kê, tính giá trị, tiến hành giao vốn cho lâm trường để kinh doanh rừng trồng này khi đến tuổi thành thục công nghệ.
Lâm trường đầu tư trồng, nuôi dưỡng rừng lồ ô tre nứa tự nhiên, được kinh doanh loại sản phẩm này theo đúng qui trình qui phạm khi có thiết kế được duyệt.
Tổ chức nuôi dưỡng gây trồng các loại lâm sản song mây bông đót, tận thu gốc rễ cây, kinh doanh hoa quả cây dược liệu ở rừng tự nhiên và rừng trồng.
Được tổ chức thu mua những sản phẩm lâm sản do quá trình khuyến lâm trong vùng sản xuất nhằm kích thích nhân dân đẩy mạnh sản xuất lâm nông kết hợp.
Được tổ chức chế biến sản xuất các mặt hàng từ nguyên liệu rừng trồng, từ lồ ô tre nứa, song mây, lâm sản phụ và cơ chế nguyên liệu giấy, đan lát, làm đũa, tăm nhang, hàng thủ công mỹ nghệ...
Tất cả các nguyên liệu khai thác, thu mua đưa vào chế biến đều phải bảo đảm có nguồn gốc hợp pháp, đúng qui định hiện hành.
Được phối hợp liên doanh liên kết với tổ chức du lịch để khai thác cảnh quan thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, tổ chức kinh doanh du lịch sinh thái, dã ngoại leo núi trên địa bàn quản lý.
Được tổ chức chăn nuôi các loại gia súc, chim thú rừng theo qui định 18/HĐBT.
c. Cơ chế hoạt động của lâm trường công ích:
Phần hoạt động công ích:
Thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao kế hoạch hàng năm phải theo đúng nội dung qui định tại Nghị định 65/CP về doanh nghiệp hoạt động công ích. Khi giải quyết những vấn đề có liên quan phải đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục qui định của pháp luật, nhất là những việc có liên quan đến xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc thiết bị. Mục tiêu của hoạt động công ích là quản lý bảo vệ giữ cho được những diện tích rừng tự nhiên hiện có làm cho chất lượng rừng ngày một nâng cao ảnh hưởng tốt đến môi trường sống của cộng đồng.
Phần hoạt động kinh doanh:
Lâm trường được chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp trong phạm vi nội dung đã xác định và qui định tại điều 10 Nghị định 56/CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ. Trong kinh doanh lâm trường hoàn toàn chịu trách nhiệm về thành quả đạt được cũng như những rủi do thất bại của mình.
Việc tổ chức kinh doanh của lâm trường phải tuỳ theo năng lực quản lý, có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, đăng ký ngành nghề kinh doanh theo qui định hiện hành. Tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ, nội dung hoạt động công ích của lâm trường. Phương án tổ chức sản xuất kinh doanh của lâm trường phải được cơ quan quản lý trực tiếp thẩm định, cơ quan sáng lập phê duyệt bằng văn bản.
Những diện tích rừng trồng được Nhà nước tính giá trị giao vốn cho lâm trường, lâm trường được tổ chức giao khoán lại cho các hộ gia đình theo Nghị định 01/CP để từng bước chuyển dần một bộ phận công nhân của lâm trường thành cư dân làm công tác lâm sinh trên địa bàn.
d. Về chính sách cho lâm trường hoạt động công ích:
Vốn cho tất cả những nhiệm vụ, nội dung hoạt động công ích của lâm trường là vốn ngân sách, vốn có nguồn gốc ngân sách do Nhà nước đầu tư.
Sử dụng máy móc thiết bị vật tư do Nhà nước giao phải đúng cho thực hiện nhiệm vụ công ích của lâm trường.
Vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của lâm trường gồm: vốn tự có của lâm trường hoặc vốn vay để sản xuất theo qui định tại Quyết định 264/CP ngày 22/7/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), vốn rừng trồng do Nhà nước giao, vốn huy động đóng góp của cán bộ công nhân lâm trường và nhân dân thường trú tại địa phương, vốn liên doanh liên kết theo qui định của Nhà nước.
Vốn Nhà nước bằng giá trị rừng trồng, lâm trường có trách nhiệm bảo toàn. Khi khai thác đối tượng này, lâm trường có trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước số vốn này và nộp thuế theo qui định.
Lâm trường được huy động các nguồn vốn để trồng rừng trên đất trống, theo hướng phân chia lợi nhuận trên tỉ lệ đồng vốn đầu tư. Trong trường hợp này lâm trường được liên doanh liên kết với tổ chức kinh tế, các hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương cùng đầu tư, sau khi trồng giao khoán cho từng hộ gia đình chăm sóc quản lý bảo vệ.
Đối với đất trống đồi trọc qui hoạch cho lâm trường là đối tượng rừng sản xuất, rừng phòng hộ ích xung yếu ở vùng đồng bào dân tộc (vùng 3) cần có qui hoạch giao khoán cho từng hộ dân tuỳ theo quỹ đất từng nơi.
Công việc này do lâm trường xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và được xác định là một nhiệm vụ công ích của lâm trường.
Lâm trường phải tổ chức hoạch toán riêng việc tách bạch rõ ràng giữa các nội dung hoạt động công ích và các nội dung hoạt động sản xuất kinh doanh. Mỗi loại đều có quỹ lương, lao động, vật tư, máy móc sản xuất riêng.
Tuy nhiên, những hoạt động công ích và sản xuất kinh doanh của lâm trường có mối quan hệ chặt chẽ vì mục tiêu chung là quản lý bảo vệ rừng hiện có và sử dụng tài nguyên đất đai có hiệu quả cao nhất. Do vậy, lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh phần lâm trường được phép sử dụng cần xem xét hỗ trợ cho một số nhiệm vụ công ích có liên quan đến công tác lâm nghiệp xã hội như cung cấp giống, cây trồng, vật nuôi, khuyến lâm, khuyến nông và làm từ thiện... đặc biệt phải chú ý đến tiền lương tiền thưởng cho cán bộ công nhân lâm trường và người dân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng hợp tình hợp lý.
e. Chuyển một số lâm trường thành lâm trường công ích có hoạt động sản xuất kinh doanh:
Những lâm trường từ nay đến năm 2010 còn có rừng tự nhiên, rừng trồng có đủ điều kiện để thiết kế khai thác gỗ theo qui định. Sản lượng được phép khai thác khoảng từ 2000 mét khối/năm - 5000mét khối/năm thì chuyển thành lâm trường công ích có hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy có sản lượng khai thác nhưng các lâm trường chỉ làm thủ tục bán cây đứng theo qui chế đấu thầu đấu giá của tỉnh. Tổng số tiền thu được sau khi trừ các chi phí theo qui định được duyệt và các khoản thuế phải nộp, còn lại các lâm trường phải nộp tất cả vào ngân sách tỉnh. Mọi hoạt động quản lý bảo vệ phát triển rừng của lâm trường được ngân sách tỉnh đầu tư lại theo nhiệm vụ kế hoạch được giao và giá thành được duyệt. Trong cơ chế này lâm trường không thể thực hiện chức năng tự chủ sử dụng rừng để sản xuất kinh doanh được. Những lâm trường sẽ chuyển thành lâm trường công ích gồm 7 lâm trường dưới đây:
STT | Tên lâm trường | Diện tích đất trồng rừng (ha) | Khả năng thiết kế khai thác/năm |
Tổng số | Trong đó rừng phòng hộ | Diện tích (ha) | Sản lượng gỗ (m3) |
01 | Đạ tẻh | 27.243 | 9.263 | 160 | 3.500 |
02 | Đạ huoai | 31.986 | 16.876 | 115 | 2.000 |
03 | Lộc Bắc | 33.054 | 6.107 | 170 | 5.000 |
04 | Bảo Thuận | 20.323 | 1.517 | 120 | 3.000 |
05 | Di Linh | 22.301 | 5.342 | 115 | 3.500 |
06 | Tam Hiệp | 16.178 | 1.453 | 135 | 2.500 |
07 | Đức Trọng | 10.657 | 28 | 150 | 2.500 |
| Cộng | 161.742 | 40.586 | 965 | 22.000 |
V. TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHAI THÁC CHẾ BIẾN LÂM SẢN:
1. Định hướng về khai thác và chế biến lâm sản:
Tiếp tục thực hiện quy chế đấu thầu, đấu giá trong khai thác gỗ, bán cây đứng trên cơ sở phương án tổng thể mở cửa rừng khai thác từ năm 1998 đến 2005.
Hạn chế sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, tăng sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ rừng trồng, cho phép nhập khẩu gỗ tròn để chế biến.
Khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm sản xuất ra có chất lượng cao bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hạn chế tối đa các cơ sở chỉ chuyên cưa xẻ gỗ, ưu tiên các cơ sở có đầu tư chế biến tinh chế để sản xuất ra ván lạng, ván ghép, gỗ dán, ván sợi, đồ mộc gia dụng hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu lồ ô tre nứa song mây, các sản phẩm nhựa thông, tinh dầu quế...
2. Sắp xếp các cơ sở chế biến lâm sản
Tập trung sắp xếp, củng cố một số đơn vị quốc doanh chủ lực mà sản phẩm của nó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời ưu tiên những cơ sở chế biến bỏ vốn ra đầu tư trồng rừng nguyên liệu qua hình thức liên kết với lâm trường hoặc xin nhận đất trống rừng theo Nghị định 02/CP mà kế hoạch trồng phải bảo đảm 50-60% nguyên liệu của cơ sở đó trở lên và những cơ sở chế biến có công nghiệp sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng hiện có.
Việc sắp xếp lại các cơ sở ở Lâm Đồng đến năm 2000 đã được Bộ NN&PTNT cấp giấy phép cho 24 doanh nghiệp chế biến lâm sản, trong đó:
Có 5 doanh nghiệp quốc doanh sử dụng nguyên liệu 13.000 mét khối, 11.000 tấn tre nứa, lồ ô, 100 tấn song mây; thời hạn hoạt động đến 31/12/1998 có 1 doanh nghiệp và đến 31/12/2000 có 4 doanh nghiệp.
Có 19 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, sản lượng nguyên liệu 8900 mét khối gỗ, 18.000 tấn tre lồ ô, 300 tấn song mây. Thời hạn hoạt động đến 31/12/2000 có 8 doanh nghiệp, đến 31/12/1998 có 11 doanh nghiệp.
Như vậy sau năm 1998 chỉ có 4 doanh nghiệp chế biến quốc doanh và 8 doanh nghiệp chế biến lâm sản ngoài quốc doanh hoạt động, so với thực trạng trước 7/1997 có thay đổi nhiều theo hướng giảm sản lượng chế biến gỗ, tăng sản lượng chế biến nguyên liệu là tre nứa, song mây. Nếu các doanh nghiệp được cấp giấy phép đến hết năm 1998 có sự đầu tư đổi mới máy móc trang thiết bị bảo đảm các yêu cầu được qui định tại quyết định số 2375/NN-CPLS-QĐ ngày 30/12/1996 của Bộ NN&PTNT, chỉ sử dụng gỗ nguyên liệu ở rừng trồng, gỗ vườn, tạo ra những sản phẩm tinh chế chất lượng cao, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp của địa phương thì khuyến khích, cho phép tiếp tục hoạt động, nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì không cho phép hoạt động.
Từng bước hạn chế các cơ sở khai thác, chế biến lâm sản của tư nhân, tiến tới chỉ cho phép các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, các tổ hợp tác và gia đình chỉ được chế biến tre nứa và lâm sản phụ, sản xuất hàng mộc gia dụng theo định hướng khuyến khích đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm giấy, những sản phẩm có chất lượng cao.
3. Giải quyết nhu cầu gỗ, củi gia dụng:
Nhu cầu gỗ củi gia dụng hiện nay rất lớn: gỗ để làm nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, đồ mộc gia đình... củi đun nấu.
Để giảm thiểu nạn khai thác gỗ củi trái phép đồng thời đáp ứng nhu cầu gỗ gia dụng của nhân dân cần tổ chức thực hiện một số biện pháp sau:
Đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán và tập trung trên cơ sở giao đất giao rừng để người dân tự giải quyết một phần nhu cầu gỗ củi.
Nhà nước cung cấp những giống cây trồng mọc nhanh như keo lai, keo lá tràm, tai tượng, bạch đàn cho nhân dân trồng. Các lâm trường qui hoạch một số diện tích trồng rừng kinh doanh, củi cung cấp cho nhu cầu tại địa phương.
Vận động nhân dân thay đổi tập quán dùng vật liệu xây dựng, đồ mộc gia dụng là gỗ sang sử dụng vật liệu là nhôm, sắt, ván nhân tạo, bàn ghế, tủ làm bằng nhựa và sử dụng chất đốt khác thay thế củi, than củi.
Cấm các cơ sở sản xuất gạch ngói, chế biến nông lâm sản sử dụng gỗ củi để làm chất đốt. Yêu cầu các cơ sở này phải dùng than đá, than tổ ong, khí đốt thay thế gỗ củi, kể từ năm 1998.
Quản lý sử dụng tốt hạn mức gỗ gia dụng hàng năm tỉnh phân về các huyện, thành phố, thị xã.
VI. TỔ CHỨC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LÂM NGHIỆP:
1.
Ở cấp tỉnh:UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo luật bảo vệ và phát triển rừng.
Tham mưu giúp cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lâm nghiệp có Sở NN&PTNT, thực hiện chức năng nghiệp vụ, bộ máy quản lý theo qui định tại Thông tư 07 ngày 24/4/1996 của Liên Bộ NN&PTNT - Ban TCCB Chính phủ.
Chi cục Kiểm lâm ngoài chức năng thi hành luật pháp về rừng, còn có nhiệm vụ tham, mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về quản lý rừng về bảo vệ rừng.
2. Ở cấp huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh:
UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng ở địa phương mình. Đối với các Ban quản lý rừng chuyển giao cho các huyện, UBND huyện quản lý toàn diện về diện tích, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, kế hoạch tài chính, biên chế, tổ chức bộ máy. Kinh phí hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của cấp huyện do ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm để UBND cấp huyện tổ chức điều hành hoạt động quản lý bảo vệ, phát triển rừng ở địa phương.
Bộ máy quản lý của các đơn vị quản lý rừng giao cho huyện, ở địa bàn huyện nào thì chuyển cho huyện đó quản lý lãnh đạo theo hướng chỉ giữ lại một số cán bộ, nhân viên ở bộ phận quản lý chung làm công tác tham mưu cho UBND cấp huyện về công tác lâm nghiệp số còn lại tăng cường về cho cấp xã, phường để làm cán bộ chuyên trách ở địa phương.
Ban quản lý, bảo vệ rừng cấp huyện và cán bộ chuyên trách lâm nghiệp cấp xã, phường có chức năng nghiên cứu pháp luật, các qui định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và tình hình thực tế tại địa bàn để tham mưu giúp UBND cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao; hướng dẫn, chỉ đạo công tác khuyến lâm, đồng thời cũng là nhân tố chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ này ở địa phương. Lực lượng này được hưởng lương từ quỹ lương của ngân sách Nhà nước.
UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giúp việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương, đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Căn cứ qui hoạch, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp của tỉnh, để lập qui hoạch kế hoạch quản lý bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất trồng rừng trên địa bàn huyện, thông qua HĐND cùng cấp sau đó trình UBND tỉnh xét duyệt và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện qui hoạch, kế hoạch đó.
2. Phân công quản lý rừng và đất rừng đến xã phường, thị trấn và giao cho các hộ gia đình, nhân dân địa phương quản lý, bảo vệ, trồng rừng bằng vốn tự có và vốn ngân sách để phát triển rừng.
3. Hướng dẫn và xét duyệt quy hoạch kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, sử dụng rừng và đất trồng rừng cho UBND các xã, thị trấn, phường trực thuộc. Chỉ đạo các ban quản lý rừng phối hợp cùng các UBND cấp xã, phường liên quan xác định ranh giới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có trên địa bàn xã phường, thị trấn theo tài liệu, bản đồ chuyển giao của tỉnh. Đóng mốc giới biển báo ngoài thực địa các loại rừng đó.
4. Tổ chức giao đất, giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các buôn làng, thôn bản. Cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng nhận thuộc thẩm quyền cấp huyện, thị xã, thành phố.
5. Tổ chức mạng lưới quản lý bảo vệ rừng từ huyện xuống xã phường, thị trấn.Huy động và phối hợp các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, thanh tra, kiểm sát, dân quân tự vệ, các chủ rừng ở địa phương để ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản, săn bắn động vật rừng trái phép. Tổ chức tốt phòng chống cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng.
3. Ở cấp xã, phường, thị trấn:
Ở
mỗi xã, phường có rừng phải có Ban lâm nghiệp, có cán bộ chuyên trách và một số cán bộ lâm nghiệp tăng cường được hưởng lương từ quỹ lương của ngân sách Nhà nước để giúp UBND cấp xã, phường thực hiện nhiệm vụ quản lý lâm nghiệp ở địa phương mình.Nhiệm vụ cụ thể của UBND cấp xã, phường:
1. Chịu trách nhiệm tổ chức phối hợp với các chủ rừng trên địa bàn xã, phường để quản lý bảo vệ, phát triển rừng do huyện, thành phố, thị xã phân công phân cấp.
2. Trên cơ sở các tài liệu, bản đồ được cấp có thẩm quyền giao đất giao rừng cho các tổ chức,hộ gia đình cá nhân ở địa bàn, UBND xã nắm chắc từng chủ rừng, theo dõi kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng khoán quản lý bảo vệ, phương án sản xuất bảo đảm đúng mục đích được giao. Phối hợp với chủ rừng làm rõ ranh giới ở thực địa đất nông, đất lâm, ranh giới các tiểu khu rừng phòng hộ đặc dụng, sản xuất.
3. Theo chỉ đạo của UB nhân dân cấp huyện, xây dựng kế hoạch nhận rừng để quản lý bảo vệ, nhận đất trống để trồng rừng. Khi có kế hoạch được duyệt,xã bình xét những hộ dân thiếu hoặc không có đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống khó khăn gởi danh sách đến các chủ rừng ưu tiên giao trước để ổn định kinh tế-xã hội địa phương.
4. Tổ chức lực lượng tuần tra bảo vệ rừng (gồm dân quân, chủ rừng,kiểm lâm địa bàn, công an xã) phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi phá rừng. Quản lý chặt chẽ các đối tượng ở địa phương mình và nơi khác đến sinh sống bằng nghề phá rừng, mua bán đất khai thác lâm sản trái phép. Kiểm tra nguồn gốc gỗ sử dụng của tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn xã, phường xử lý vi phạm lâm luật theo Nghị định 77/CP (ngày 29/11/1996) của Chính phủ.
5. Thực hiện công tác khuyến lâm và tăng cường trồng cây nhân dân. Tuyên truyền vận động hướng dẫn các biện pháp phòng chống cháy rừng và huy động dân cùng chủ rừng chữa cháy trên địa bàn xã, phường.
6. Mối quan hệ giữa các chủ rừng của các thành phần kinh tế với xã phường là quan hệ phối hợp chặt chẽ thường xuyên. Chủ rừng phải có mặt tại các cuộc họp chuyên đề về quản lý bảo vệ phát triển rừng khi các cấp chính quyền có yêu cầu.
4. Củng cố tổ chức Xí nghiệp Quy hoạch thiết kế lâm nghiệp:
Để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lâm nghiệp cần phải củng cố tổ chức, xác định chức năng nhiệm vụ rõ cho xí nghiệp này. Hiện nay đơn vị đang hoạt động theo cơ chế sản xuất kinh doanh, nhưng công việc có tính chất kinh doanh thì ít, công việc có tính chất sự nghiệp thì nhiều như công tác điều tra tài nguyên rừng, quy hoạch rừng trên bản đồ và thực địa, công tác xây dựng những dự án, hay lập hồ sơ giao đất giao rừng vv… Cần phải chuyển Xí nghiệp Quy hoạch thiết kế lâm nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh sang mô hình tổ chức doanh nghiệp hoạt động công ích trong đó có một số nội dung kinh doanh.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thực hiện đề án đổi mới tổ chức và cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp thời gian tới phải trên quan điểm kiên quyết chuyển đổi theo hướng xã hội hoá nghề rừng với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, kết hợp chặt chẽ đồng bộ giữa quản lý ngành và lãnh thổ; Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về lâm nghiệp từ tỉnh xuống đến tận xã, phường. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân phát huy tinh thần làm chủ trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống ở từng địa phương.
2. Để giúp chính quyền các cấp thực hiện tốt đề án này, ở cấp tỉnh thành lập BCĐ và cấp huyện (TP,TX) sẽ thành lập tổ công tác gồm UBND các cấp và các ngành các ngành chức năng có liên quan.
3. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Sở Địa chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng chính sách trồng rừng trên đất trống phù hợp cho từng đối tượng trình UBND tỉnh xem xét quyết định và phải hoàn thành trước 31/12/1997 để tổ chức thực hiện vào đầu năm 1998.
b) Sơ kết, tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm kịp thời việc tổ chức xây dựng thí điểm mô hình hoạt động lâm trường công ích ở lâm trường Di linh và Lộc Bắc để có cơ sở mở rộng loại hình hoạt động lâm trường công ích ở Lâm Đồng.
c) Chủ trì và phối hợp với ban tổ chức chính quyền tỉnh lập các thủ tục trình UBND tỉnh quyết định việc chuyển các lâm trường hiện nay thành lâm trường công ích, Ban quản lý rừng trực thuộc UBND cấp huyện, chuyển các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ về trực thuộc UBND cấp huyện và hướng dẫn Xí nghiệp quy hoạch thiết kế lâm nghiệp lập phương án chuyển thành doanh nghiệp công ích để trình UBND tỉnh xem xét quyết định như nội dung phần thứ hai đề án này.
d) Nghiên cứu thực hiện quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản để xây dựng phương án theo định hướng đã xác định tại đề án và khẩn trương tổ chức, sắp xếp hợp lý các cơ sở chế biến lâm sản nhỏ của các thành phần kinh tế do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phân công cho tỉnh quản lý cấp phép hành nghề.
e) Lập kế hoạch phương án đưa diện tích đất chưa có rừng vào trồng rừng, phân định rõ từng khu vực rừng cần trồng như rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và chính sách đối với các loại rừng đó để làm cơ sở tiến hành giao đất trống cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân để trồng rừng.
4. Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Sở Tài chính vật giá, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng qui chế hoạt động của các Ban quản lý rừng trực thuộc huyện, thành phố trong đó cần làm rõ về hệ thống tổ chức, biên chế, quỹ lương từ huyện, thành phố đến các xã, phường. Xác định các quan hệ của các Ban quản lý rừng, lâm trường với huyện, thị xã, thành phố; với xã phường và với các ngành chức năng của tỉnh để phát huy được vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành và quyền làm chủ thực sự của nhân dân, các thành phần kinh tế, thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ giữ vững và phát triển vốn rừng, đẩy nhanh tốc độ trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc bằng vốn của các thành phần kinh tế và vốn ngân sách Nhà nước đầu tư.
5. Sau khi đã chuyển giao rừng, đất trồng rừng, bộ máy tổ chức về cấp huyện quản lý, trên cơ sở phân định rõ đất nông nghiệp, lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho tỉnh và chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tham mưu cho huyện, thành phố, thị xã giải quyết việc giao đất khoán rừng đến xã phường và hộ dân đảm bảo đúng nguyên tắc trình tự thủ tục trên cơ sở những qui định của pháp luật và quyết định số 622/QĐ-UB ngày 10/6/1996 của UBND tỉnh Lâm Đồng về giao đất lâm nghiệp và khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng./.