QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Về việc ban hành Quy định các yêu cầu về tiêu chuẩn xây dựng
công sở các cơ quan hành chính nhà nước
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 09 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 169/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 08 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hoá công sở của hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003 - 2005);
Căn cứ Văn bản số 1724/VPCP-CN ngày 03 tháng 04 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng ban hành Quy định về mô hình công sở mẫu và các yêu cầu về tiêu chuẩn xây dựng công sở các cơ quan hành chính nhà nước;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khảo sát, Thiết kế xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định các yêu cầu về tiêu chuẩn xây dựng công sở các cơ quan hành chính nhà nước".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Các yêu cầu về tiêu chuẩn xây dựng
công sở các cơ quan hành chính nhà nước
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2007/QĐ-BXD ngày 28/05/2007
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định các yêu cầu đối với việc lập tiêu chuẩn thiết kế công sở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, bao gồm:
a) Công sở của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là công sở cấp Bộ);
b) Công sở của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là công sở cấp tỉnh);
c) Công sở của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là công sở cấp huyện);
d) Công sở của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là công sở cấp xã).
2. Về các tiêu chuẩn xây dựng khác liên quan đến công sở các cơ quan hành chính nhà nước (thi công, nghiệm thu, bảo trì...) sử dụng tiêu chuẩn xây dựng chung cho các công trình dân dụng.
Điều 2. Các nội dung chính của tiêu chuẩn thiết kế công sở cơ quan hành chính nhà nước
Tiêu chuẩn thiết kế công sở các cơ quan hành chính nhà nước quy định các nội dung và giải pháp thiết kế, bao gồm:
1. Lựa chọn địa điểm xây dựng, quy hoạch tổng mặt bằng công sở.
2. Các yêu cầu về thiết kế kiến trúc, các bộ phận công trình của công sở.
3. Các yêu cầu về thiết kế hệ thống kỹ thuật công trình: cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy, trang thiết bị kỹ thuật, thông tin liên lạc...
4. Phụ lục về các quy định chi tiết thiết kế một số bộ phận chuyên dụng của công sở.
Điều 3. Các yêu cầu chung đối với tiêu chuẩn thiết kế công sở cơ quan hành chính nhà nước
1. Đáp ứng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của cơ quan hành chính nhà nước mà công sở phục vụ.
2. Đảm bảo tính hợp lý về dây chuyền hoạt động của cơ quan, thuận lợi cho các hoạt động đối nội và đối ngoại.
3. Hệ thống kỹ thuật hiện đại, đạt tiêu chuẩn tiên tiến, đáp ứng yêu cầu khai thác công nghệ thông tin.
4. Đảm bảo các yêu cầu sử dụng, mỹ quan, bền vững, an toàn, tiện nghi, tiết kiệm phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hoá của khu vực, phù hợp với tính trang nghiêm, hiện đại của công sở.
5. Quy định các nội dung, giải pháp thiết kế và sử dụng vật liệu hợp lý phù hợp với cấp công sở; ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương.
Điều 4. Các yêu cầu về lựa chọn địa điểm xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước
1. Phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu sử dụng, tính chất và quy mô hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước mà công sở phục vụ.
2. Phù hợp với điều kiện và yêu cầu sử dụng đất đai của từng địa phương.
3. Thuận lợi cho việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện tại và phát triển trong tương lai.
4. Thuận lợi về giao thông; thuận tiện giao dịch với các cơ quan, với các tổ chức kinh tế xã hội và tiếp cận với người dân.
5. Đảm bảo an toàn, vệ sinh; hạn chế những tác động bất lợi của thiên nhiên; thuận lợi cho việc bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy.
6. Có khả năng mở rộng và phát triển trong tương lai.
7. Đối với công sở cấp tỉnh và cấp huyện, địa điểm xây dựng phải ở trung tâm chính trị của tỉnh hoặc của huyện, có đủ diện tích đất để bố trí khu hành chính tập trung.
8. Nên bố trí công sở gần quảng trường là nơi sinh hoạt chính trị, xã hội của nhân dân, tạo sự bề thế, trang nghiêm cho công sở.
Điều 5. Các yêu cầu về quy hoạch tổng mặt bằng công sở cơ quan hành chính nhà nước
1. Quy hoạch tổng mặt bằng tạo được không gian kiến trúc hiện đại cho công sở; đảm bảo mật độ xây dựng hợp lý cho từng cấp công sở phù hợp với quy chuẩn xây dựng của Việt Nam; đảm bảo mật độ cây xanh tối thiểu 30%. Khuyến khích xây dựng công sở nhiều tầng đặc biệt là công sở tại đô thị loại 3 trở lên để tiết kiệm đất, giảm mật độ xây dựng và tạo sự bề thế, trang nghiêm, hiện đại cho công sở.
2. Quy hoạch tổng mặt bằng tạo được sự hài hoà của công sở với cảnh quan khu vực, gần gũi môi trường thiên nhiên...; giải quyết tốt mối liên hệ giữa xây dựng trước mắt và dự kiến phát triển trong tương lai, giữa các công trình xây dựng kiên cố với các công trình xây dựng tạm.
3. Công sở có khoảng lùi hợp lý với các công trình kề bên; đảm bảo không gian và các hoạt động của cơ quan, đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng, khoảng cách ly vệ sinh, thông gió tự nhiên, chống ồn, giao thông...
4. Quy hoạch tổng mặt bằng thuận lợi cho việc thiết kế đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, giao thông, sân vườn... theo yêu cầu sử dụng. Trong khuôn viên xây dựng công sở có chỗ để xe phù hợp với quy mô và cấp công sở. Công sở cấp Bộ và công sở cấp tỉnh xây dựng tại đô thị loại 1 trở lên phải có tầng hầm để xe.
5. Công sở các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, cấp huyện được xây dựng liên cơ theo khối quản lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Điều 6. Các bộ phận của công sở và yêu cầu về thiết kế kiến trúc công sở cơ quan hành chính nhà nước
1. Các bộ phận của công sở bao gồm:
a) Bộ phận làm việc: Các phòng làm việc của cán bộ công chức, các nhân viên thực hành nghiệp vụ kỹ thuật;
b) Bộ phận chức năng, kỹ thuật: Các phòng họp, phòng tiếp khách, phòng tiếp dân, phòng giao dịch "một cửa", phòng tổng đài điện thoại, thông tin, trung tâm tích hợp dữ liệu, lưu trữ, thư viện chuyên ngành, phòng truyền thống...;
c) Bộ phận phục vụ, phụ trợ: Các sảnh chính, sảnh phụ, hành lang, phòng bảo vệ, chỗ để xe, khu vệ sinh...
2. Các yêu cầu về thiết kế kiến trúc:
a) Công sở được thiết kế liên hoàn theo dây chuyền hoạt động; không phân chia thành nhiều bộ phận tách rời nhau. Khi thiết kế hợp khối, các bộ phận công trình được thiết kế theo cùng một cấp;
b) Dây chuyền hoạt động của công sở rõ ràng, phân định rõ diện tích các bộ phận; không gian làm việc được bố trí hợp lý, dễ trao đổi công việc, thuận tiện thay đổi khi có nhu cầu; triệt để tận dụng thông gió, chiếu sáng, cách âm, cách nhiệt tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trong giải pháp tổ hợp mặt bằng, hình khối công trình;
c) Công sở được thiết kế hoàn chỉnh, có đầy đủ các bộ phận bên trong và bên ngoài; bố cục khép kín; đảm bảo yêu cầu bảo mật đối với các khu vực quan trọng và bảo mật hồ sơ tài liệu;
d) Chỗ làm việc cho các chuyên viên trong một đơn vị bố trí tập trung trong một không gian mở, linh hoạt; trường hợp làm công tác nghiên cứu bố trí chỗ làm việc độc lập, yên tĩnh;
Cơ cấu các phòng chức năng phù hợp với quy mô và cấp công sở, đáp ứng các hoạt động đối nội và đối ngoại, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và cơ chế "một cửa";
đ) Các bộ phận có diện tích đáp ứng yêu cầu vận hành của công sở. Tiêu chuẩn diện tích cho các chức danh cán bộ công chức được xác định hợp lý, phù hợp với tính chất công việc đảm nhận. Diện tích các phòng họp, phòng tiếp khách được quy định cụ thể cho từng cấp công sở;
e) Các phòng có tính chất đặc thù như phòng tiếp khách quốc tế, phòng hội thảo, hội trường, phòng quản trị hệ thống máy tính, phòng lưu trữ bố trí chung cho khu liên cơ quan; trường hợp bố trí riêng cần quy định cụ thể đối với từng cấp công sở;
g) Hình thức kiến trúc, màu sắc và vật liệu hoàn thiện công sở hài hoà với kiến trúc khu vực, điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hoá của vùng, miền;
Tuỳ điều kiện cụ thể và vị trí xây dựng được bố trí vườn hoa, cây cảnh, tiểu cảnh phù hợp với không gian và cảnh quan thiên nhiên;
h) Trong khuôn viên công sở không bố trí bãi chứa hàng, kho tàng, nhà tạm;
i) Khuyến khích sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ quản lý và điều hành tiên tiến đối với công sở từ cấp huyện trở lên;
k) Công sở của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã được thiết kế hợp khối với cơ quan Đảng uỷ và các tổ chức chính trị xã hội tại cấp xã, thể hiện rõ là cơ quan công quyền cấp cơ sở, phù hợp với thực tế của địa phương, gần gũi với dân (phòng tiếp dân đơn giản nhưng thuận lợi để tiếp xúc với dân). Đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa có thể bố trí phòng trực của công an, dân quân...
Điều 7. Các yêu cầu về thiết kế hệ thống kỹ thuật công trình của công sở cơ quan hành chính nhà nước
1. Hệ thống kỹ thuật công trình đạt tiêu chuẩn tiên tiến, đáp ứng yêu cầu khai thác công nghệ thông tin, mạng tin học trong hoạt động quản lý và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phù hợp với cấp công sở.
2. Hệ thống kỹ thuật công trình đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ sức khoẻ cho người sử dụng; triệt để tận dụng thông gió, chiếu sáng, cách âm, cách nhiệt tự nhiên, tiết kiệm năng lượng.
3. Có trung tâm tích hợp dữ liệu, mạng nội bộ; được nối mạng với Chính phủ và các địa phương khác.
4. Có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống chiếu sáng khẩn cấp. Đối với công sở của Uỷ ban nhân dân cấp huyện thuộc vùng sâu, vùng xa và công sở của Uỷ ban nhân dân cấp xã, hệ thống báo cháy, chữa cháy và thiết bị phòng cháy chữa cháy được thiết kế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
5. Trang thiết bị và phương tiện làm việc trong công sở phù hợp với các quy định tại Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/07/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước", phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam hiện hành, đảm bảo tiện nghi sử dụng, an toàn, tiết kiệm.
6. Hệ thống kỹ thuật công trình có độ an toàn cao, đảm bảo hoạt động bình thường khi xảy ra thiên tai, thuận lợi cho việc ứng phó với các tình trạng khẩn cấp, thuận tiện duy tu, bảo dưỡng.
7. Hệ thống kỹ thuật công trình thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân, đáp ứng yêu cầu tiếp cận sử dụng của người khuyết tật.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Trên cơ sở các yêu cầu của Quy định này, Bộ Xây dựng tổ chức nghiên cứu biên soạn tiêu chuẩn xây dựng công sở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; tổ chức triển khai áp dụng trong cả nước.
2. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp đối chiếu với nội dung của Quy định này rà soát, đánh giá hiện trạng công sở đang quản lý sử dụng, đề xuất kế hoạch cải tạo sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá công sở cơ quan hành chính nhà nước.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng để nghiên cứu và hướng dẫn giải quyết./.