Văn bản pháp luật: Quyết định 213/1999/QĐ-UB

Nguyễn Quý Đăng
Tỉnh Lào Cai
Quyết định 213/1999/QĐ-UB
Quyết định
11/09/1999
11/09/1999

Tóm tắt nội dung

Về việc thành lập Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai

Chủ tịch
1.999
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÀO CAI

Về việc thành lập Bệnh viện điều dưỡng phục hồi

chức năng tỉnh Lào Cai

______________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dânđược Quốc Hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Nghị định số 01/1998/NĐ-CP, ngày 03/01/1998 của Chính phủ, quy định vê hệ thống tổ chức y tế địa phương; và Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT/BYT-BTCCBCP, ngày 27/6/1998 của Bộ Y tế và Ban tổ chức cán bộ Chính phủ, hướng dẫn thực hiện Nghị định nêu trên;

Căn cứ Quyết định số 963/1999/QĐ-BYT, ngày 02/4/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế, về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông báo số 74/TB-TU ngày 04/8/1997 về kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy tại phiên họp ngày 29/7/1997;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế Lào Cai, tại Tờ trình số 22/1999/TT-YT ngày 02/7/1999, về việc thành lập Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai;

Theo đề nghị của ông Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Bệnh viện điều dưỡng - phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai.

Bệnh viện điều dưỡng - phục hồi chức năng là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Sở Y tế; Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế; đồng thời chịu sự lãnh đạo của Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh về chủ trương, chính sách; có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành.

Trụ sở Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng đặt tại: Thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai và một phân viện trực thuộc đặt tại thị trấn Sa Pa - huyện Sa Pa, phục vụ điều dưỡng riêng cho cán bộ và các đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước và của tỉnh.

Điều 2. Bệnh viện điều dưỡng - phục hồi chức năng có chức năng và nhiệm vụ chủ yếu, như sau:

I- Vị trí, chức năng: Bệnh viện điều dưỡng - phục hồi chức năng, nằm trong hệ thống y tế, là một bệnh viện chuyên khoa, có chức năng thu dung và điều dưỡng, điều trị cho người bệnh trên địa bàn tỉnh.

II- Nhiệm vụ:

1. Khám, chuẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng:

a) Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng được đón nhận người bệnh từ các tuyến gửi về cần có thời gian phục hồi tiếp. Tổ chức điều dưỡng, phục hồi chức năng cho những người bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp và các đối tượng có nhu cầu phục hồi chức năng khác.

b) Tiếp nhận, tổ chức điều dưỡng cho cán bộ và các đối tượng chính sách, theo chế độ chính sách chung của Nhà nước và của tỉnh quy định.

c) Lựa chọn các phương pháp điều trị, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thích hợp, kết hợp dinh dưỡng khoa học, sử dụng thuốc chữa bệnh hợp lý và có đủ các chỉ số đánh giá về chức năng cho người bệnh khi vào viện, ra viện.

d) Từng bước tổ chức sản xuất và hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trợ giúp, đào tạo và tái đào tạo nghề nghiệp, tạo cơ hội cho người khuyết tật tự lập trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

đ) Phục hồi chức năng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ y tế.

2. Phòng bệnh: Tham gia công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thực hiện công tác phòng ngừa tàn tật, phòng bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, các bệnh dịch khác.

3. Chỉ đao tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:

a) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chỉ đạo công tác phục hồi chức năng cho tuyến dưới để phát triển kỹ thuật và nâng cao chất lượng điều dưỡng và phục hồi chức năng.

b) Kết hợp chặt chẽ với tổ chức y tế cơ sở, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, chức năng, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và cộng đồng, xây dựng mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả tốt

4) Nghiên cứu khoa học và hợp tác Quốc tế.

a) Tổ chức nghiên cứu các đề tài mang tính chuyên ngành về điều dưỡng và phục hồi chức năng, bệnh nghề nghiệp và các chuyên ngành có liên quan cấp Nhà nước, cấp tỉnh và các cấp cơ sở; Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp điều dưỡng và phục hồi chức năng theo hướng kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc khác.

b) Kết hợp với Bệnh viện tuyến trên, khoa phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa để phát triển kỹ thuật của Bệnh viện.

c) Tham gia các chương trình hợp tác với các tổ chức và cá nhân nước ngoài theo quy định của Nhà nước để xây dựng và phát triển chuyên ngành điều dưỡng và phục hồi chức năng.

5. Quản lý và đào tạo công chức:

Quản lý cán bộ, công chức theo đúng pháp lệnh Nhà nước, theo đúng phân công phân cấp về công tác tổ chức cán bộ của tỉnh quy định; Đào tạo lại cho cán bộ chuyên môn trong bệnh viện và cán bộ tuyến y tế cơ sở để nâng cao trình độ.

6. Quản lý kinh tế: Là đơn vị sự nghiệp y tế; Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng có kế hoạch sử dụng kinh phí Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác đạt hiệu quả, quản lý kinh phí, tài sản được trang cấp tho đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Tổ chức bộ máy và biên chế của Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng:

1. Tổ chức bộ máy:

a) Lãnh đạo gồm có:

- Giám đốc bệnh viện

- Có từ 1-2 Phó giám đốc bệnh viện giúp việc cho Giám đốc, được Giám đốc phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác cụ thể.

b) Các khoa, phòng chức năng, gồm có:

- Phòng tổ chức - hành chính (Tổ chức cán bộ - hành chính quản trị, kế toán tài vụ).

- Phòng kế hoạch - tổng họp (Thống kê, kế hoạch, tổng hợp, chỉ đạo tuyến)

- Khoa khám bệnh - cấp cứu - cận lâm sàng

- Khoa lâm sàng phục hồi chức năng - vật lý trị liệu - chỉnh hình

- Khoa bệnh người cao tuổi

- Khoa bệnh nghề nghiệp

- Khoa dược - trang thiết bị sản xuất dụng cụ

- Khoa dinh dưỡng.

Chức năng, nhiệm vụ của các khoa, phòng thực hiện theo quy định tại “Quy chế bệnh viện” ban hành kem theo quyết định số 1895/BYT-QĐ, ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ y tế.

Việc bổ nhiệm đề bạt các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc và Trưởng, phó các khoa, phòng của Bệnh viện, thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước và theo phân cấp về công tác tổ chức cán bộ của tỉnh đã quy định.

2. Về biên chế:

Biên chế của bệnh viện điều dưỡng - phục hồi chức năng, thuộc biên chế sự nghiệp y tế, được UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể từng năm, theo đề nghị của Giám đốc sở Y tế và Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh. (Tổng biên chế của bệnh viện đến khi định hình hoàn chỉnh, tối đa là 50 biên chế/50 giường bệnh).

Điều 4. Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Y tế, phối hợp với các ngành hữu quan trong tỉnh (Sở Tài chính - vật giá, Sở Kế hoạch đầu tư, Ban tổ chức chính quyền tỉnh ...) thống nhất giải quyết tốt các vấn đề về: Tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo cho bệnh viện sớm đi vào hoạt động.

Điều 5. Các ông: Chánh văn phòng HĐND&UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các ngành có liên quan trong tỉnh, Giám đốc Sở Y tế căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.


Nguồn: vbpl.vn/laocai/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=28616&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận