QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt Dự án tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy
giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu (công văn số 479/TTr-UB ngày 31 tháng 7 năm 2002), của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 7592 BKH/VPTĐ ngày 29 tháng 11 năm 2002),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a) Bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ;
b) Ghi nhận, vĩnh cửu hoá các di tích khác liên quan đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã được công nhận và xếp hạng;
c) Xây dựng tổ hợp bảo tàng;
d) Xây dựng tượng đài trung tâm và các biểu tượng khác;
đ) Bảo tồn, tôn tạo cảnh quan, môi trường khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.
2. Yêu cầu:
a) Xác định cơ sở pháp lý, tạo lập các điều kiện cần thiết nhằm bảo tồn lâu dài một số địa điểm và cụm di tích tiêu biểu;
b) Bảo tồn đầy đủ và chính xác các địa danh, chứng tích và sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ;
c) Tái hiện mô hình đầy đủ về bức tranh toàn cảnh chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (xây dựng tổ hợp bảo tàng, kết hợp trưng bày các hiện vật với sa bàn, giữa vật thể và phi vật thể);
d) Tôn vinh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bằng các hình thức nghệ thuật hoành tráng; đồng thời, gắn các hoạt động của khu di tích với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và cảnh quan môi trường ở địa phương.
3. Phạm vi:
Các địa danh, chứng tích ghi nhận các sự kiện lịch sử liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ từ cuối năm 1953 đến chiến thắng lịch sử ngày 07 tháng 5 năm 1954 trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Lai Châu, bao gồm:
a) Các di tích và chứng tích về trận địa của quân đội ta;
b) Các di tích về trận địa phòng ngự của địch;
c) Các di tích thể hiện trình tự diễn biến của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ;
d) Các di tích liên quan khác: Nghĩa trang liệt sĩ, các chứng tích chiến tranh; nhà trưng bày; các bia, biển, các địa danh khác ghi nhận các sự kiện liên quan đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ;
4. Nội dung đầu tư:
a) Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích tiêu biểu, gồm:
Căn cứ của Bộ Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng;
Khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ;
Cứ điểm Đồi A1;
Trung tâm Him Lam;
Đường kéo pháo của bộ đội ta;
Trận địa bao vây (công sự, giao thông hào, các điểm chốt nghi binh...) và tấn công của bộ đội ta.
b) Xây dựng hệ thống bia, biển, biểu trưng ghi nhận những sự kiện lịch sử, các điểm di tích quan trọng khác.
c) Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
d) Xây dựng Đài Chiến thắng trung tâm tại thị xã Điện Biên và một số tượng đài khác gắn với sự kiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ;
đ) Khôi phục một số bản dân tộc Thái;
e) Sưu tầm, phục chế, bảo tồn hiện vật và các yếu tố phi vật thể về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ;
g) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ về bảo tồn, bảo tàng.
h) Đền bù, giải phóng mặt bằng.
5. Giải pháp thực hiện:
a) Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu, tài liệu lịch sử về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trên cơ sở đó xác định phạm vi khoanh vùng bảo vệ của từng di tích và các khu di tích;
b) Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Biên đến năm 2020 để bảo đảm không ảnh hưởng đến phạm vi khoanh vùng bảo vệ của các di tích; xác định cụ thể các công trình cần phải giải toả; xây dựng điều lệ quản lý di tích, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng các công trình kiến trúc và các công trình hạ tầng kỹ thuật trong quá trình cải tạo, xây dựng phát triển thị xã Điện Biên;
c) Đánh giá, phân loại trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thống kê số lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo tồn, bảo tàng tại địa phương. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng ở khu di tích và các di tích có liên quan;
d) Xây dựng tổ hợp bảo tàng, kết hợp trưng bày các hiện vật với sa bàn; giữa vật thể và phi vật thể để tái hiện mô hình đầy đủ về bức tranh toàn cảnh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ;
đ) Sử dụng tranh ghép gốm, tượng đài, phù điêu và các loại hình loại thể nghệ thuật khác để tôn vinh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ;
e) Lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, theo thứ tự ưu tiên đầu tư, để kịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2004). Trên cơ sở đó xác định vốn cho từng giai đoạn:
Giai đoạn I: từ năm 2003 đến tháng 5 năm 2004, Ngân sách Nhà nước Trung ương bố trí mức vốn mỗi năm không vượt quá 100 tỉ đồng. Cần lựa chọn theo thứ tự ưu tiên một số trong các hạng mục công trình : Tượng đài Chiến thắng trung tâm, Căn cứ của Bộ Chỉ huy chiến dịch tại Mương Phăng, Khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Cứ điểm Đồi a1, Trung tâm Him Lam, Đường kéo pháo của bộ đội ta; Trận địa của bộ đội ta, Hệ thống bia, biển ghi nhận và giới thiệu đầy đủ những sự kiện lịch sử và các điểm di tích khác, cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; và lựa chọn những đơn vị đủ năng lực thi công để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, quản lý vốn đúng mục đích, tránh thất thoát và kịp phục vụ kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Giai đoạn II: từ tháng 6 năm 2004 đến năm 2007, bao gồm toàn bộ những hạng mục công trình còn lại của Dự án.
6. Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Điều 2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu:
1. Căn cứ mục tiêu, yêu cầu, phạm vi, nội dung đầu tư đã nêu tại Điều 1 của Quyết định này, xác định cụ thể thời gian thực hiện dự án và lộ trình thực hiện các dự án thành phần trong từng giai đoạn; lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán của dự án tổng thể và các dự án thành phần theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Phối hợp với Bộ Xây dựng điều chỉnh Quy hoạch xây dựng chung, các Quy hoạch xây dựng chi tiết của thị xã Điện Biên, phù hợp với Dự án tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, trình duyệt theo quy định hiện hành.
3. Phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Tài chính xây dựng, điều chỉnh nguồn kinh phí để thực hiện dự án theo tiến độ và bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật
4. Đề xuất các giải pháp cơ bản về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công trình.
5. Xây dựng và công bố Điều lệ quản lý, bảo vệ di tích, quản lý quy hoạch và xây dựng thị xã Điện Biên; Điều lệ quản lý hoạt động du lịch khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.
6. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp về cơ chế chính sách huy động các nguồn lực, các biện pháp về tổ chức quản lý nhằm phát huy có hiệu quả khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.
Điều 3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch, Viện Bảo tàng Quân đội phối hợp và hỗ trợ Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu thực hiện dự án này theo chức năng và thẩm quyền. Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện dự án.
Điều 4.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Viện Bảo tàng Quân đội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.