Văn bản pháp luật: Quyết định 227/CT

 
Toàn quốc
Công báo số 16/1991;
Quyết định 227/CT
Quyết định
...
27/07/1991

Tóm tắt nội dung

Phê duyệt Dự án tiền khả thi công trình xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn các hồ Kẻ gỗ - sông Rác tỉnh Nghệ Tĩnh

 
1.991
 

Toàn văn

QUYếT địNH

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Dự án tiền khả thi công trình xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn các hồ Kẻ gỗ - sông Rác tỉnh Nghệ Tĩnh

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Xuất phát từ tình hình và yêu cầu bức bách hiện nay là phải nhanh chóng bảo vệ, xây dựng, phục hồi lại rừng đầu nguồn của các hồ Kẻ gỗ - sông Rác nhằm điều tiết nước, giữ nguồn sinh thuỷ, chống xói mòn, điều hoà khí hậu trong khu vực;

Xét tờ trình số 45-TT-UB ngày 30-5-1991 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh và tờ trình số 1120-LN-KH ngày 10-6-1991 của Bộ Lâm nghiệp về việc "xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn các hồ Kẻ gỗ - sông Rác tỉnh Nghệ Tĩnh;

Căn cứ đề nghị của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước về dự án đầu tư này (văn bản số 653-UB/XD ngày 11-7-1991),

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

Phê duyệt dự án tiền khả thi công trình xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn các hồ Kẻ gỗ - sông Rác tỉnh Nghệ Tĩnh theo những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Xây dựng và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn các hồ Kẻ gỗ - sông Rác tỉnh Nghệ Tĩnh.

2. Khu vực địa điểm:

Khu vực phòng hộ đầu nguồn các hồ Kẻ gỗ - sông Rác nằm ở phía Tây nam hai huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và phía Tây bắc huyện Kỳ Anh (gồm các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Minh, Kỳ Tây, Kỳ Văn và Thanh Điền).

Có toạ độ địa lý:

Vĩ độ Bắc từ 18 độ đến 18 độ 15emdash

Kinh độ Đông từ 105 độ 45emdash đến 106 độ 5emdash

Tổng diện tích toàn khu vực: 38.670 hécta.

Trong đó: Lưu vực Bộc nguyên: 2.650 hécta.

Diện tích xây dựng và quản lý rừng phòng hộ: 26.603 hécta.

Kẻ Gỗ: 16.053 hécta

Sông Rác: 7.900 hécta.

Vùng bảo vệ chim thú: 3.487 hécta.

3. Mục tiêu dự án:

Duy trì và xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn của các hồ đảm bảo yêu cầu điều tiết nguồn nước, chống xói mòn, nâng cao năng lực hoạt động của các hồ chứa và điều hoà khí hậu trong vùng.

4. Nhiệm vụ:

Khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên khu vực phòng hộ xung yếu khoảng 14.000 hécta.

Trồng rừng phòng hộ khu vực xung yếu khoảng 8.000 hécta.

Xây dựng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế (trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi...) khoảng 4.000 hécta.

Khoanh nuôi bảo vệ chim thú: 3.487 hécta

Tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống dân cư trong khu vực dự án. (xã Kỳ Tây và công trường 12-9).

5. Các giải pháp chủ yếu:

a) Giải pháp lâm nghiệp:

Tận dụng tối đa khả năng phục hồi rừng tự nhiên.

Thiết kế xây dựng tạo rừng có kết cấu nhiều tầng, phù hợp với yêu cầu phòng hộ lâu dài và tạo điều kiện kết hợp thu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả rừng phòng hộ.

Loại cây trồng và kỹ thuật trồng do Bộ Lâm nghiệp quy định.

b) Giải pháp kinh tế - xã hội:

Khuyến khích phát triển kinh tế vườn, thực hiện giao khoán rừng, đất trồng rừng cho các hộ gia đình bảo vệ và sản xuất kinh doanh kết hợp, tạo điều kiện ổn định dân cư trong vùng.

Làm rõ quy hoạch kinh tế - xã hội vùng giáp hạ lưu, giao rừng, đất trồng rừng cho nhân dân vùng hạ lưu của các hồ để giải quyết ổn định nhu cầu về gỗ, củi gia dụng và nguyên nhiên liệu, từng bước nâng cao mức sống nhân dân, chấm dứt nạn chặt phá, khai thác gỗ, củi bừa bãi trên vùng rừng đầu nguồn.

c) Nguồn vốn đầu tư:

Cần huy động nhiều nguồn vốn khác nhau tham gia đầu tư theo trình tự các hạng mục công trình như sau:

Vốn trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ phục hồi rừng đầu nguồn khu vực phòng hộ xung yếu do ngân sách Nhà nước cân đối theo kế hoạch hàng năm trên cơ sở các luận chứng kinh tế - kỹ thuật (hoặc LCKTKT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vốn xây dựng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế và vốn làm vườn rừng vùng hạ lưu các hồ do Uỷ ban Nhân dân tỉnh lập LCKTKT để huy động từ các nguồn kinh phí khác hoặc dùng vốn vay để thực hiện.

Vốn xây dựng các cơ sở hạ tầng trong khu vực dự án, thì hàng năm Uỷ ban Nhân dân tỉnh trích trong nguồn ngân sách được Trung ương đầu tư cho tỉnh về các mặt theo một tỷ lệ nhất định để thực hiện. Nguồn vốn kinh tế mới phải sử dụng tập trung, chủ yếu cho khu vực này để hỗ trợ cho dân khi giãn, chuyển đến.

Năm 1991, để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho năm 1992, mà chủ yếu là chuẩn bị cây giống, con giống thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh cần làm việc cụ thể ngay với các Bộ: Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thuỷ sản và các ngành khác có liên quan để các cơ quan này điều chỉnh tìm thêm nguồn vốn cho tỉnh trên cơ sở không ảnh hưởng đến kế hoạch chung và làm tăng ngân sách của Nhà nước. Riêng Bộ Lâm nghiệp điều chỉnh cho tỉnh mức tối thiểu là 50 triệu để chuẩn bị giống cây.

6. Tổ chức thực hiện:

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh là chủ quản đầu tư có trách nhiệm chỉ định chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo và tổ chức xây dựng, quản lý công trình.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh và Bộ Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm quy hoạch thật cụ thể diện tích cần thiết phải trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ phục hồi rừng đủ bảo đảm giữ được nguồn sinh thuỷ thường xuyên cho các hồ. Quy hoạch các vùng đồi có độ dốc và điều kiện khí hậu thích hợp để xác định diện tích trồng các cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày hoặc tạo thành các đồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Trên cơ sở các quy hoạch nói trên mà xây dựng các phương án, quy hoạch lại các làng, xã cho phù hợp gần đường, gần sông, gần nguồn nước vừa bảo dảm điều kiện sinh hoạt, đi lại thuận tiện cho nhân dân vừa tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, phát triển kinh tế hàng hoá. Uỷ ban Nhân dân tỉnh phải có kế hoạch từng bước rút chuyển dân ở các xã ven biển mà liên tục bị thiên tai bão lớn lên làm kinh tế đồi cố gắng giao chia cho mỗi hộ từ 1 - 3 hécta để họ có đủ điều kiện trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi... kết hợp kinh tế đồi với kinh tế biển mà từng bước ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.

Thời hạn thực hiện đầu tư xây dựng công trình được xác định chung là 10 năm (1991 - 2000). Đối với từng danh mục công trình cụ thể thì được xác định khi duyệt các luận chứng kinh tế kỹ thuật.

Điều 2.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh, Bộ trưởng các Bộ Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tài chính, Xây dựng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoach Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư phát triển và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này trong phạm vi chức năng quyền hạn được giao./.

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=11496&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận