Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 1996 - 2010 với nội dung chủ yếu như sau:1. Mục tiêu phát triển.
Tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng để phát triển tỉnh Quảng Ngãi toàn diện và bền vững về kinh tế, tiến bộ xã hội cao hơn mức bình quân của cả nước, sớm khắc phục tình trạng nghèo nàn lạc hậu; đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng, phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
2. Những định hướng và nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội
Những định hướng phát triển chủ yếu:
Tích cực huy động các nguồn lực trong tỉnh, ngoài tỉnh đồng thời mở rộng hợp tác đầu tư, liên doanh với nước ngoài một cách có hiệu quả để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi phải gắn kết với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm và Duyên hải miền Trung, của khu vực Bắc Tây Nguyên.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá với cơ cấu thích hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Phát triển nhanh công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản và hàng tiêu dùng. Phát triển các ngành dịch vụ phù hợp tiềm năng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hệ thống đô thị làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội. Đẩy nhanh sự phát triển của các lĩnh vực văn hoá xã hội, nhất là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng đời sống văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái. Phòng chống thiên tai có hiệu quả, bảo đảm đời sống và sản xuất của nhân dân.
Từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng lãnh thổ, tạo lập sự bình đẳng về mọi mặt cho các cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, quan tâm các gia đình thuộc diện chính sách xã hội, các dân tộc ít người và người nghèo.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trên đất liền, trên biển và hải đảo.
Những nhiệm vụ phát triển chủ yếu:
Về phát triển nông nghiệp: Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá. Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, rừng, biển, hạn chế tác hại của hạn hán, bão lụt tạo thế ổn định cho sản xuất.
Thâm canh cao và giữ ổn định diện tích hai vụ lúa có nước tưới, bảo đảm về cơ bản nhu cầu lương thực của nhân dân. Mở rộng diện tích rau quả, cây công nghiệp hình thành một số vùng chuyên canh; xác định hợp lý diện tích trồng mía, chú ý cân đối sản xuất nguyên liệu với năng lực chế biến đường, sản phẩm sau đường và nhu cầu thị trường; nghiên cứu khả năng phát triển một số cây công nghiệp khác có giá trị kinh tế cao. Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc (lợn, bò...) ở miền núi, trung du và đồng bằng đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Huy động nhiều nguồn lực để trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng dần độ che phủ. Phát triển rừng nguyên liệu và rừng đặc sản, gắn khai thác với trồng mới và chế biến lâm sản.
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực trong ngành thuỷ hải sản. Vừa đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ hải sản trên đất liền, ven bờ vừa từng bước gia tăng và hiện đại hoá năng lực đánh bắt ngoài khơi, đồng thời phát triển các cơ sở dịch vụ và chế biến như các trung tâm dịch vụ nghề cá ở Ly Sơn, Sa Kỳ, Cổ Luỹ, Sa Huỳnh...
Về phát triển công nghiệp: Phối hợp với các Bộ ngành liên quan, thực hiện những nhiệm vụ công tác được giao để tham gia tích cực vào việc xây dựng, phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt là khu công nghiệp Dung Quất.
Đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh, trước hết là các ngành chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản và các ngành sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu. Quy hoạch xây dựng một số khu công nghiệp ở phía Bắc, phía Tây thị xã Quảng Ngãi, phía Nam tỉnh và khu công nghiệp địa phương ở Dung Quất phù hợp khả năng về vốn, công nghệ, thị trường nhằm tạo động lực cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phục hồi, phát triển các ngành nghề truyền thống trong nhân dân góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.
Về phát triển thương mại, dịch vụ: Phát triển mạng lưới thương mại bảo đảm cung ứng hàng hoá, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, góp phần mở rộng thị trường nội địa và nước ngoài. Phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động du lịch, xây dựng một số khu du lịch, nghỉ ngơi ở các vùng có tiềm năng, trước hết là ở ven biển để phục vụ Dung Quất, Vạn Tường.
Phát triển các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... theo chủ trưởng của Nhà nước, phục vụ tốt sản xuất kinh doanh và đời sống. Bảo đảm tỷ trọng thu ngân sách, tỷ lệ đầu tư so với GDP ngày càng tăng.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Phát triển giao thông đường bộ, đường biển theo quy hoạch, chú ý tạo sự gắn kết giữa Quảng Ngãi với Tây Nguyên, chú trọng giao thông nông thôn, miền núi. Phát triển hệ thống thuỷ lợi vừa bảo đảm cung ứng nước cho sản xuất, đời sống vừa hạn chế tác hại của hạn hán, lũ lụt. Bảo đảm các yêu cầu về điện năng, thông tin liên lạc, nước sạch... cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt.
Về phát triển văn hoá xã hội: Nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt chương trình dân số. Mở rộng mạng lưới phát thanh, truyền hình, phát hành sách báo... bảo đảm nhu cầu văn hoá và thông tin của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào xoá đói giảm nghèo, chăm sóc các gia đình thuộc diện chính sách xã hội. Vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội.
Về phát triển các vùng lãnh thổ: Phát triển các vùng lãnh thổ nhất quán theo mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nêu trong quy hoạch; huy động tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để hỗ trợ lẫn nhau.
Sớm quy hoạch rõ cơ cấu, quy mô, chức năng các đô thị, khu công nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế, xã hội toàn tỉnh. Xây dựng các thị xã Quảng Ngãi, Vạn Tường theo tiêu chuẩn đô thị mới, hiện đại. Ngăn ngừa tình trạng di cư ồ ạt vào đô thị, lần chiếm đất, xây dựng công trình, nhà cửa không theo quy hoạch.
Xây dựng vùng nông thôn, vùng ven biển ngày càng phát triển, bố trí lại dân cư theo hướng đô thị hoá, quan tâm các vùng nghèo, có nhiều khó khăn. Phát triển các đảo và vùng biển theo chiến lược, chính sách kinh tế biển của Đảng, Nhà nước.
Thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi của Đảng, Nhà nước. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng để đẩy nhanh sự phát triển về mọi mặt, từng bước khắc phục tình trạng nghèo nàn lạc hậu ở vùng này.
3. Những giải pháp chủ yếu:
Phải có hệ thống biện pháp đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước để đầu tư thực hiện quy hoạch.
Xây dựng các chương trình, dự án khả thi, kế hoạch trung hạn, ngắn hạn phù hợp mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nêu trong quy hoạch đồng thời theo sát diễn biến của tình hình để có những điều chỉnh cần thiết.
Nghiên cứu, thực thi và đề xuất với Chính phủ (những vấn đề vượt thẩm quyền) ban hành các cơ chế chính sách có hiệu quả về huy động vốn đầu tư, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng đô thị và phát triển nông thôn, miền núi.
Điều 2